Đào tạo nhân lực điện hạt nhân gặp thách thức vì thiếu hụt đội ngũ giảng viên

09/02/2025 06:29
Doãn Nhàn

GDVN -“Đào tạo về điện hạt nhân là đào tạo về kỹ thuật và công nghệ. Nếu chỉ đào tạo về lý thuyết suông mà không có thực hành thực tế thì chắc chắn sẽ không hiệu quả".

Cuối tháng 11/2024, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng.

Để dự án thành công, chúng ta cần có sự chuẩn bị toàn diện, trong đó, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay đó là phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ nhân lực cho hệ sinh thái năng lượng điện hạt nhân ở nước ta trong dài hạn.

Tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Cơ hội và thách thức

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh: VGP
Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh: VGP

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng - Viện Trưởng, Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, Đại học Duy Tân nhận định, kế hoạch tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thực sự là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với ngành hạt nhân của Việt Nam.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, đây là cơ hội rất tốt để tái khởi động lại đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử" theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đã bắt đầu thực hiện từ 2010 và tạm dừng lại từ 2016).

Tuy nhiên thách thức lớn đối với công tác đào tạo hiện nay là sự thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ giảng viên (nhất là đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) có chuyên môn cũng như cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, phòng thực hành, giáo trình). Lý do là sau gần 10 năm kể từ khi Quốc hội quyết định tạm dừng dự án điện hạt nhân năm 2016 đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đã chuyển hướng qua đào tạo về y học hạt nhân và ứng dụng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp. Đặc biệt là nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn trong giai đoạn trước đã bước qua tuổi nghỉ hưu trong khi đội ngũ trẻ kế cận bị thiếu hụt.

Theo Giáo sư Nguyễn Quang Hưng, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2008 cho biết, cả nước có 505 cán bộ có chuyên môn về vật lý và kỹ thuật hạt nhân, trong đó có 62 tiến sĩ (tuổi trung bình 50), 12 giáo sư và phó giáo sư (tuổi trung bình 50-62). Trong 5 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về điện hạt nhân chỉ có 3 phó giáo sư, 9 tiến sĩ, 21 thạc sĩ và 15 kỹ sư/cử nhân. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại (tháng 1/2025), cơ bản đội ngũ cán bộ trên đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu. [1]

Ngoài ra, từ 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi khoảng 429 sinh viên đi học về điện hạt nhân tại Liên bang Nga; EVN đã cử 31 sinh viên và 24 kỹ sư đi học về điện hạt nhân tại Liên bang Nga và Nhật Bản. Số sinh viên và cán bộ trên đa số đã trở về nước sau 4-5 năm học tập và hầu hết đều không được làm việc đúng với chuyên môn đã được học trong một thời gian dài dẫn tới việc kiến thức bị mai một là không thể tránh khỏi. [2]

Nhân lực Vật lý & Kỹ thuật Hạt nhân Việt Nam.png
Đồ họa: Doãn Nhàn

Giáo sư Nguyễn Quang Hưng nhận định, nếu muốn sử dụng lại đội ngũ trên thì chắc chắn sẽ phải có chính sách gửi họ đi đào tạo lại tại nước ngoài hoặc các cơ sở giáo dục trong nước. Ngay cả việc có chính sách tốt để gửi họ đi đào tạo lại thì cũng không có hi vọng họ sẽ chấp nhận từ bỏ công việc hiện tại để đi học. Đây thực sự là thách thức rất lớn về nhân lực cho việc tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Việt Nam. Một thách thức nữa là đa số các sơ sở đào tạo trong nước hiện tại đều thiếu hụt cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng thực hành và thí nghiệm.

“Đào tạo về điện hạt nhân là đào tạo về kỹ thuật và công nghệ. Nếu chỉ đào tạo về lý thuyết mà không có thực hành thực tế thì chắc chắn sẽ không hiệu quả, lãng phí cả thời gian và nguồn lực”, Giáo sư Nguyễn Quang Hưng đánh giá.

Còn theo Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang, Phó Trưởng Bộ môn Vật lý hạt nhân - Kỹ thuật hạt nhân - Vật lý y khoa (thuộc Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật đầu ngành.

Theo Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang, nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân thường được chia làm 3 nhóm: Nhóm phụ trách liên quan đến quản lý Nhà nước; nhóm liên quan nghiên cứu khoa học; nhóm liên quan đến vận hành trực tiếp nhà máy.

Hiện số nhân lực khoa học và công nghệ về hạt nhân làm việc chủ yếu trong các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và ở một số trường đại học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh)..., Viện nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, nhiều cán bộ trong đội ngũ này tính đến thời điểm hiện tại đã nghỉ hưu hoặc sắp đến tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, số lượng giảng viên đào tạo lĩnh vực hạt nhân còn ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy thiếu và lạc hậu, nên hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực chuyên ngành hạt nhân còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

vinast15_3.jpg
Giảng viên Bộ môn Vật lý hạt nhân - Kỹ thuật hạt nhân - Vật lý y khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân toàn quốc lần thứ 15, Nha Trang, 2023. Ảnh: Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang, cơ cấu nhân sự cho một nhà máy điện hạt nhân bao gồm đội ngũ kỹ sư và chuyên gia, nhân viên điều hành, nhân viên an toàn và bảo trì, cũng như nhân viên hỗ trợ hành chính và kỹ thuật. Số lượng nhân sự cần thiết phụ thuộc vào quy mô, công nghệ sử dụng và yêu cầu an toàn của từng nhà máy.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, với tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW). Nếu căn cứ vào ước tính của dự án trước đây, Việt Nam sẽ cần khoảng 2.400 nhân lực nếu tái triển khai hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, yêu cầu về thời gian đào tạo cũng như kinh nghiệm thực tiễn của một số vị trí quan trọng trong nhà máy điện hạt nhân có thể phải từ 5-10 năm. Ngoài số nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhà máy điện hạt nhân nêu trên còn cần nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển (chuyên gia R&D), các chuyên gia chu trình nhiên liệu,... phục vụ nghiên cứu, quản lí, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, nhân lực cho quản lý Nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu và đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục.

Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang nhận định, trong tình hình mới khi chúng ta tái triển khai lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Nhà nước cần tiến hành đánh giá toàn diện lại nhu cầu về nguồn nhân lực, trong đó cần tính tới nguồn nhân lực đã được đào tạo cho dự án trước đây.

Kết hợp song song đào tạo ở nước ngoài và trong nước

Chia sẻ về việc đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân trong dài hạn, bao gồm cả đào tạo, giữ chân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Giáo sư Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh:

“Đào tạo điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, không thể vội vàng, chất lượng cần được quan tâm hàng đầu, không thể vì nhu cầu cấp bách mà đào tạo cấp tốc cho đủ số lượng mà không quan tâm tới chất lượng”.

Viện trưởng Nguyễn Quang Hưng đề xuất 2 hướng đào tạo cần được triển khai song song, đó là cử đi đào tạo ở nước ngoài kết hợp đào tạo trong nước.

Trong đó, theo hướng cử đi đào tạo ở nước ngoài, cần thành lập các ban tuyển chọn để tìm kiếm các sinh viên giỏi cử đi đào tạo với cam kết sẽ trở về làm việc tại nhà máy điện hạt nhân trong nước. Cũng nên tập hợp lại lực lượng hơn 400 sinh viên, cán bộ đã được cử đi đào tạo trong giai đoạn trước và đánh giá lại liệu có thể sử dụng được họ hay phải tiếp tục cử đi đào tạo.

Với hướng đào tạo trong nước, cần quan tâm trước hết tới đội ngũ những người thầy. Cần lựa chọn những người thầy có trình độ cao, có tâm huyết với ngành và có những chính sách ưu đãi thật tốt cho họ yên tâm công tác. Tiếp đến cần đầu tư các hệ thống phòng thực hành, phòng thí nghiệm tiên tiến. Đồng thời tập trung tìm kiếm đội ngũ các sinh viên giỏi theo học ngành này và cấp học bổng toàn phần cho họ.

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Quang Hưng cho rằng điểm chuẩn xét tuyển vào ngành học này cần phải ở mức cao, đồng thời sinh viên phải qua vòng phỏng vấn trực tiếp để đánh giá về tư cách, đạo đức (rất quan trọng khi làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân sau này).

Còn theo Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang, trước tiên, cần xây dựng các chương trình đào tạo đa dạng từ bậc đại học đến sau đại học, bao gồm các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, an toàn hạt nhân và quản lý rủi ro.

“Cung cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên xuất sắc sẽ khuyến khích họ theo đuổi nghề nghiệp trong ngành, đặc biệt là các sinh viên tại địa phương nơi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng để vừa giữ chân họ làm việc lâu dài trên chính quê hương mình vừa cho thấy lợi ích to lớn và dài hạn mà nhà máy điện hạt nhân mang lại cho người dân địa phương”, Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học từ đội ngũ giảng viên đến cơ sở vật chất trang thiết bị, phòng thí nghiệm để phát triển các chương trình đào tạo về năng lượng hạt nhân và các ứng dụng liên quan. Hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên cũng rất quan trọng.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về lợi ích và an toàn của điện hạt nhân thu hút sự quan tâm của sinh viên và phụ huynh. Để giữ chân nhân lực, cần đảm bảo mức lương và phúc lợi cạnh tranh, tạo ra một địa điểm, môi trường tích cực và thuận lợi cho các chuyên gia và gia đình của họ sinh sống và làm việc.

Cuối cùng, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, cùng với việc lắng nghe phản hồi từ các bên liên quan. Theo Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang, điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng đào tạo và phát triển nhân lực.

“Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn và lộ trình rõ ràng, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu về khoa học và công nghệ hạt nhân để để tiến tới làm chủ hoàn toàn về công nghệ hạt nhân, không chỉ dừng lại ở việc thiết kế, xây dựng, vận hành nhà máy mà còn khai thác, sản xuất, chế biến nhiên liệu hạt nhân và quản lý, xử lý chất thải hạt nhân. Những biện pháp này sẽ góp phần đảm bảo một nguồn nhân lực chất lượng cao và bền vững cho ngành điện hạt nhân trong tương lai”, Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang khẳng định.

Trường Đại học Điện lực (EPU) và Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản) ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân. Ảnh: EPU
Trường Đại học Điện lực (EPU) và Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản) ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân. Ảnh: EPU

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực - 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 18/8/2010), nhận định rằng điện hạt nhân là một lĩnh vực yêu cầu trình độ khoa học kỹ thuật cao. Ngành này đòi hỏi đội ngũ nhân lực chất lượng ở tất cả các khâu từ thiết kế, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng đến vận hành và quản lý các quy định pháp lý hạt nhân. Nguồn nhân lực không chỉ là yếu tố then chốt quyết định thành công của dự án mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn và hiệu quả trong quá trình vận hành lâu dài.

Đề xuất giải pháp đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ cho điện hạt nhân, Phó Giáo sư Đinh Văn Châu đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng.

Theo thầy Châu, đặc thù ngành đòi hỏi một lượng lớn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và trải rộng trên nhiều lĩnh vực của khoa học hạt nhân - nguyên tử. Do đó, Nhà nước cần ban hành chiến lược phát triển khoa học hạt nhân - nguyên tử trong đó có điện hạt nhân và an toàn để làm cơ sở tiền đề cho chiến lược phát triển khoa học, đào tạo liên quan.

Phó Giáo sư Đinh Văn Châu cũng nhấn mạnh, khi dự án điện hạt nhân được khởi động lại, cần tận dụng đội ngũ nhân lực đã được đào tạo trước đó. Bên cạnh đó, cần xây dựng các kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực mới trong lĩnh vực điện hạt nhân và an toàn bức xạ, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính, cấp học bổng cho sinh viên và cán bộ đi đào tạo.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Phó Giáo sư Đinh Văn Châu đề xuất Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất cho các đơn cơ sở đào tạo; đồng thời các cơ sở giáo dục đại học phải cập nhật chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời nội dung đào tạo cũng cần gắn bó chặt chẽ với những hệ thống nhà máy điện hạt nhân thực tế tại Việt Nam sẽ triển khai xây dựng.

Tăng cường đào tạo thực hành trên các thiết bị mô hình, mô phỏng về các nhà máy điện hạt nhân sẽ triển khai tại Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tạo thuận lợi cho hợp tác trao đổi cử giảng viên đi đào tạo và chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam tham gia đào tạo, nghiên cứu..

Ngày 2/5/2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 245/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đến năm 2030 là hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử được hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế; hệ thống các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được quy hoạch tinh gọn, nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng nhân lực, hoạt động có hiệu quả; một số dự án trọng điểm đã được phê duyệt triển khai đúng tiến độ; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ và ứng dụng năng lượng nguyên tử có thế mạnh vươn lên đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; các hoạt động ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ được triển khai rộng rãi, hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, nâng cao sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.

Khẩn trương hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia để phục vụ triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu, triển khai Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia; nghiên cứu, xây dựng định hướng đẩy mạnh thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050, ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ và phát triển điện hạt nhân có đóng góp quan trọng và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; trình độ khoa học và công nghệ hạt nhân và nhiều lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử ngang bằng với mức trung bình của các quốc gia phát triển; làm chủ và từng bước tự chủ được các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm ứng dụng năng lượng nguyên tử có đóng góp hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://baochinhphu.vn/den-nam-2020-can-dao-tao-2400-ky-su-chuyen-nganh-dien-hat-nhan-10236347.htm

[2]: https://baochinhphu.vn/ban-giai-phap-thu-hut-nhan-tai-tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-102250102153912533.htm

Doãn Nhàn