Cơ sở đào tạo ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây tuyển sinh theo phương thức gì?

13/02/2025 06:18
Thảo Lê

GDVN - Biểu diễn nhạc cụ phương Tây là ngành học đặc thù về nghệ thuật, môn năng khiếu là cơ sở để tuyển sinh. 

Ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây (thuộc khối ngành II: Nghệ thuật, mã ngành: 7210207), là ngành học đào tạo về nhạc cụ. Trong đó các nhạc cụ được phân chia theo các bộ, bố trí trong hòa tấu dàn nhạc hoặc biểu diễn độc tấu như: Bộ hơi, bộ dây, bộ gõ, bộ phím.

Có thể kể đến một số nhạc cụ phổ biến chia theo các bộ như: Bộ hơi (Trumpet, Saxophone, Bassoon, French Horn, Flute, Clarinet, Oboe); bộ dây (Guitar, bass, Violin, Cello, Viola, Double Bass); bộ gõ (drums); bộ phím (keyboard). Những học phần chính của ngành này thường xoay quanh các khía cạnh: kỹ thuật biểu diễn nhạc cụ, lý thuyết âm nhạc, kỹ thuật biểu diễn,...

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê tổng quan về chỉ tiêu, điểm chuẩn, phương thức xét tuyển, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành này những năm gần đây ở một số cơ sở giáo dục đại học để thí sinh, phụ huynh tiện nắm thông tin.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đào tạo ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây từ năm 2010. Năm 2024, trường tuyển 39 chỉ tiêu ngành học này.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển sinh theo các phương thức: Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của trường; Kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển môn Ngữ văn.

Trong đó, điểm môn Ngữ văn dựa trên một trong các kết quả: Điểm trung bình chung môn Ngữ văn trong học bạ của 3 năm học trung học phổ thông; Điểm trung bình chung môn Ngữ văn của 3 năm học trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Điểm thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điểm môn Ngữ Văn là điểm điều kiện xét tuyển, không tính vào tổng điểm tuyển sinh nhưng phải đạt từ 5,0 điểm trở lên (theo thang điểm 10).

Với thi tuyển, thí sinh cần thực hiện các bài thi: kiến thức âm nhạc tổng hợp (phân tích tổng hợp, ghi âm) và chuyên ngành

Với phần kiến thức âm nhạc tổng hợp (thi viết) thí sinh cần phân tích 1 trích đoạn/tác phẩm ở hình thức từ 1 đoạn đơn đến 3 đoạn đơn thuộc trường phái âm nhạc cổ điển hoặc lãng mạn. Nội dung gồm kiến thức các môn trích giảng, lý thuyết âm nhạc cơ bản, hình thức, hòa thanh trong chương trình trung cấp.

Ghi âm gồm 2 phần: Đơn điệu và hợp điệu.

Với thi chuyên ngành, thí sinh cần biểu diễn ở trình độ tốt nghiệp trung cấp với chương trình quy định gồm: 1 bài kỹ thuật (etude); 1 bài phức điệu; 1 tác phẩm ở hình thức lớn (suite hoặc variation) hoặc 1 chương sonate hoặc 1 chương concerto; 1 tác phẩm Việt Nam hoặc nước ngoài.

Điểm chuẩn ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của trường theo phương thức kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển năm 2022 và 2023 lần lượt là 23.3 và 24 điểm. Năm 2024, điểm trúng tuyển ngành này có sự khác biệt tùy theo từng chuyên ngành, cụ thể như sau:

Điểm trúng tuyển ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2024 theo từng chuyên ngành. Ảnh chụp màn hình

Điểm trúng tuyển ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2024 theo từng chuyên ngành. Ảnh chụp màn hình

Học phí ngành này hệ đại học chính quy năm học 2024 - 2025 của trường dao động từ 10.600.000 đến 12.480.000 đồng/sinh viên tùy theo chuyên ngành đào tạo. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây có việc làm sau 12 tháng ra trường với sinh viên tốt nghiệp năm 2023 đạt 94%.

Tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây được trường chính thức tuyển sinh từ năm 1981. Theo đề án tuyển sinh năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh ngành này hệ đại học chính quy là 28 sinh viên. Nhà trường tuyển sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây hệ đại học chính quy qua hai bài thi gồm bài thi kiến thức và bài thi chuyên môn. Thi kiến thức (điểm hệ số 1) gồm thi vấn đáp và xướng âm; bài thi chuyên môn là diễn tấu.

Ngoài ra, trường còn xét tuyển thẳng với thí sinh đạt giải cấp quốc gia, quốc tế từ giải Ba trở lên (đơn ca, độc tấu) đúng chuyên ngành dự thi tại trường hoặc thí sinh tốt nghiệp bậc trung cấp tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh xếp loại xuất sắc, điểm thi tốt nghiệp chuyên môn từ 9 trở lên, quá trình rèn luyện toàn khóa từ Tốt trở lên, quá trình học không thi lại hoặc bị lưu ban (đã thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

ad-4nxf6ui5yuug93ztu5tort3eb0si-zibmaubokfewaok0kev5qa0prysrocmj9lmw11i9axj1xf2fgb1ohsdw6hiu1a8-81ihi93w7h9qiln6dsclm0kbcwvydhnsyxmqj9krhexk0w-4056.png
Thí sinh phải tham gia hai bài thi đầu vào tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển vào ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây. (Ảnh: website nhà trường)

Điểm chuẩn ngành này tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 và 2023 lần lượt là 17 và 19.5 điểm. Năm 2024 điểm chuẩn được nhà trường công bố theo từng chuyên ngành, thấp nhất là 19 điểm và cao nhất là 21 điểm. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng ra trường với sinh viên tốt nghiệp năm 2023 là 100%.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Âm nhạc Huế, ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây bắt đầu đào tạo trình độ đại học chính quy từ năm 1995. Năm 2024 nhà trường tuyển 16 chỉ tiêu ngành học này.

Học viện Âm nhạc Huế xét tuyển theo các phương thức sau: Xét tuyển thẳng; Kết hợp tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển, thi tuyển môn Ngữ văn (môn Ngữ văn chỉ xét điều kiện, không cộng vào tổng điểm và phải đạt ngưỡng theo quy định).

Trong đó, điểm xét tuyển môn Ngữ văn (phải đạt từ 5 điểm trở lên) được lấy từ kết quả điểm tổng kết (trung bình cộng) lớp 10, 11, 12 hoặc điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do thí sinh chọn một trong hai kết quả.

Đối với những thí sinh chỉ có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (trong chương trình có học các môn văn hóa) sẽ xét theo phương thức lấy điểm trung bình chung môn Ngữ văn của các năm học trung cấp.

Với bài thi môn năng khiếu (gồm xướng âm và biểu diễn theo từng chuyên ngành dự thi cụ thể) thí sinh cần đạt từ 7 điểm trở lên.

Học viện Âm nhạc Huế có tổng cộng 2 đợt tuyển sinh đại học mỗi năm, với điểm chuẩn 3 năm gần đây theo phương thức thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển, thi tuyển môn Ngữ văn cụ thể như sau:

Điểm chuẩn ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Học viện âm nhạc Huế trong 3 năm gần nhất. (Ảnh: Thảo Lê)

Điểm chuẩn ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Học viện âm nhạc Huế trong 3 năm gần nhất. (Ảnh: Thảo Lê)

Mức học phí ngành này đối với chương trình đào tạo trình độ đại học chính quy năm học 2024 - 2025 của trường là 13.500.000 đồng/sinh viên.

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường khối ngành II, trong đó có ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của trường đạt 100% (đối với sinh viên tốt nghiệp năm 2023).

Theo thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng quân sự năm học 2024 -2025, ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chỉ tuyển 1 sinh viên duy nhất trình độ đại học nghệ thuật chuyên nghiệp, đại học nhạc công quân nhạc.

Để xét tuyển vào ngành học này trình độ đại học nghệ thuật chuyên nghiệp, đại học nhạc công quân nhạc, thí sinh cần sử dụng tổ hợp N04 lấy điểm 3 môn gồm: môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 2 môn thi tại trường (ghi âm, xướng âm và chuyên môn kỹ thuật nhạc cụ).

Điểm chuẩn ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trong 3 năm gần nhất trình độ đại học nghệ thuật chuyên nghiệp, đại học nhạc công quân nhạc như sau:

0ade883e-d17f-44bb-8355-38ff888b3984.jpg
Điểm chuẩn 3 năm gần nhất ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. (Ảnh: Thảo Lê)

Bên cạnh đó, trường còn đào tạo ngành này hệ trung cấp quân sự. Năm 2024 nhà trường tuyển 4 chỉ tiêu ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây theo hình thức thi tuyển và 6 chỉ tiêu tuyển thẳng (bao gồm cả ngành Diễn viên múa, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây). Để xét tuyển vào ngành này thí sinh cần trải qua 2 vòng thi:

Vòng sơ tuyển năng khiếu, chuyên môn, hình thức gồm 3 phần.

Phần 1: Năng khiếu âm nhạc (thẩm âm, tiết tấu).

Phần 2: Chuyên môn, thí sinh chọn 1 trong các nhạc cụ piano, keyboard, guitar, bass, drums, kèn trumpet, kèn saxophone để trình bày từ 1 đến 2 bài; đối với thí sinh chưa biết sử dụng nhạc cụ thì thử khả năng về chuyên môn của nhạc cụ dự thi; ưu tiên thí sinh đã biết sử dụng nhạc cụ.

Phần 3: Hình thức (ngoại hình): Tỷ lệ cân đối trên cơ thể của thí sinh và thể lực (chiều cao, cân nặng), thị lực (đo thị lực bằng bảng đo thị lực chữ C hoặc E), thính lực...

Vòng thi tuyển gồm 3 môn:

Môn 1 (năng khiếu âm nhạc): Thẩm âm: Thí sinh thực hiện bắt chước giai điệu âm nhạc theo đề thi, tiết tấu: Thí sinh thực hiện bắt chước gõ tiết tấu theo đề thi.

Môn 2: Chuyên môn (hệ số 2): Thí sinh trình bày từ 2 đến 3 bài của một trong các chuyên ngành nhạc cụ đăng ký dự thi: Piano, keyboard, guitar, bass, drums, kèn trumpet, kèn saxophone.

Môn 3: Đánh giá hình thức (ngoại hình) của thí sinh và tỷ lệ cân đối trên cơ thể.

Thí sinh đoạt huy chương vàng, huy chương bạc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi, liên hoan, hội diễn cấp toàn quân, toàn quốc về ca, múa, nhạc được miễn thi chuyên môn.

Đối với hệ đào tạo trung cấp quân sự, điểm trúng tuyển tính hệ số 2 với môn chuyên môn. Năm 2024, điểm chuẩn các chuyên ngành của ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây tại trường như sau:

unnamed (97).png
Điểm chuẩn hệ trung cấp quân sự từng chuyên ngành của ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây năm 2024 Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội. (Ảnh: Thảo Lê)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Đức Nghĩa - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho biết, sinh viên đào tạo hệ dân sự của nhà trường tốt nghiệp những năm gần đây đều có việc làm ngay sau khi ra trường.

Trong đó, tỷ lệ sinh viên đào tạo trình độ trung cấp, trình độ đại học ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây sau khi ra trường có việc làm theo đúng chuyên ngành tại các đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật trong và ngoài quân đội đạt 95-98%. Điều này được khẳng định thông qua việc khảo sát, lấy ý kiến phản hồi người học để xây dựng Đề án “Tiếp tục đào tạo đối tượng dân sự tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội” từ năm 2025, “Đề án” được xây dựng từ tháng 9 năm 2023 theo hướng dẫn của Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và chỉ đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng.

Cũng theo thầy Nghĩa, hiện tại nhà trường đang đào tạo cho hệ quân sự, kinh phí tổ chức đào tạo và bảo đảm ăn ở cho học viên được quân đội bảo đảm, khi tốt nghiệp ra trường làm việc theo sự điều động, phân công công tác của Bộ Quốc phòng. Trước đó từ năm 2022 trở về trước, nhà trường đào tạo hệ dân sự, mức học phí thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Với giáo dục đại học là 1.170.000 đồng/tháng; giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp) là 940.000 đồng/tháng.

Dự kiến năm 2025, nhà trường có tuyển sinh đào tạo dân sự, mức học phí thực hiện theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo đó, đối với đào tạo trình độ đại học hệ dân sự tại trường học phí là 1.520.000 đồng/tháng, trình độ trung cấp là 1.360.000 đồng/tháng.

Thảo Lê