So sánh điểm chuẩn và học phí ngành Kiểm toán tại một số cơ sở giáo dục đại học

22/02/2025 06:26
Trần Trang

GDVN - Nhiều cơ sở đại học đào tạo ngành Kiểm toán mang đến cho thí sinh cơ hội đa dạng để theo đuổi lĩnh vực này.

Theo phần giới thiệu trên website Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh, ngành Kiểm toán là một lĩnh vực chuyên về việc đánh giá, kiểm tra và xác nhận tính chính xác của thông tin tài chính và quản lý trong một tổ chức hoặc doanh nghiệp.

Nhiệm vụ chính của ngành này là đảm bảo rằng thông tin tài chính được báo cáo đúng, đáng tin cậy và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kiểm toán.

Kiểm toán được thực hiện bởi các chuyên gia kiểm toán, người có kiến thức sâu về kế toán, pháp luật và quy trình kiểm toán. Công việc của họ bao gồm kiểm tra các ghi chú tài chính, báo cáo tài chính, hệ thống kiểm soát nội bộ và các quy trình hoạt động của tổ chức để đảm bảo tính chính xác và tuân thủ.

Với sự phát triển của kinh tế và quy mô của các tổ chức, ngành Kiểm toán ngày càng trở nên quan trọng. Cơ hội thăng tiến và tăng thu nhập là rất lớn, đặc biệt khi bạn có thể đạt được các chứng chỉ và danh hiệu quốc tế. [1]

Chính vì lý do đó, hiện nay tại Việt Nam có nhiều cơ sở đào tạo đại học có ngành Kiểm toán. Điểm chuẩn của ngành theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông dao động từ 15 - 27 điểm và mức học phí cũng rất đa dạng.

Riêng Học viện Tài chính đào tạo chương trình Kiểm toán theo định hướng chứng chỉ quốc tế ICAEW. Năm 2024, điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 35,70 (điểm môn tiếng Anh nhân hệ số 2) với yêu cầu điểm môn Toán phải trên 8,2.

gdvn_z6310917273785_b505250627493c4ff2023e3843a4e160.jpg
Thống kê chỉ tiêu, điểm chuẩn và học phí năm học 2024-2025 của ngành Kiểm toán tại một số trường đại học.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của một số cơ sở giáo dục đại học, ngành Kiểm toán có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong 12 tháng khá cao: Đại học Kinh tế Quốc dân là 96,63%; Trường Đại học Điện lực là 100%; Trường Đại học Thương mại là 94,12%; Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là 96,9%; Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) là 97,59%; Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh là 92%; Trường Đại học Cần Thơ là 100%.

Về chính sách học phí, theo Đề án tuyển sinh năm 2024, các trường có lộ trình tăng hàng năm và tuân thủ theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.

Nhóm trường có lộ trình tăng học phí tối đa không quá 10% gồm: Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh....

Nhóm trường có lộ trình tăng học phí tối đa không quá 15% gồm: Trường Đại học Thương mại (tăng không quá 12,5%), Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), Đại học Duy Tân...

Trong các trường đào tạo ngành Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2025 với học phí dao động từ 18-25 triệu đồng/năm tùy từng ngành học.

Năm nay, ngành Kiểm toán của trường tuyển sinh theo các phương thức: Xét tuyển thẳng; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và phương thức xét tuyển kết hợp. Các tổ hợp xét tuyển của ngành gồm A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A01 (Toán, Vật lí, tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh) với môn chính là Toán.

1111.png
Tổ hợp xét tuyển ngành Kiểm toán do Đại học Kinh tế Quốc dân công bố trong Đề án tuyển sinh năm 2025. Ảnh chụp màn hình.

Một số trường đã công bố phương thức tuyển sinh năm học 2025-2026. Trong đó, thực hiện thống nhất chủ trương của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2025 (khoảng 40 - 60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (khoảng 30% - 50% tổng chỉ tiêu).

Năm 2025, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh có 3 nhóm phương thức xét tuyển, bao gồm Nhóm các phương thức xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh (Xét tuyển thẳng theo quy chế; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025); nhóm các phương thức theo đề án tuyển sinh riêng của trường, các phương thức xét tuyển được ưu tiên theo thứ tự như sau: xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IB từ 26 điểm trở lên, A-Level từ C trở lên ở mỗi môn, hoặc SAT từ 1.100 điểm trở lên; xét tuyển thí sinh đạt kết quả học lực tốt và kết quả rèn luyện tốt các năm học trung học phổ thông, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét tuyển thí sinh đạt kết quả học lực tốt và kết quả rèn luyện tốt các năm học trung học phổ thông; xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông; nhóm phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực (xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính V-SAT).

Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh công bố học phí dự kiến của ngành Kiểm toán chương trình chuẩn trong năm học 2025-2026 là 27.500.000 đồng/năm học. Với chương trình chất lượng cao, học phí dự kiến là 46.500.000 đồng/năm học.

Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh năm 2025 theo 3 phương thức: Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và xét điểm học bạ. Với phương thức xét học bạ, trường sẽ không xét tuyển theo điểm học bạ học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 như năm trước, mà sẽ sử dụng học bạ của 2 học kỳ lớp 12.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://huflit.edu.vn/tin-tuc/tat-tan-tat-ve-nganh-kiem-toan-chuong-trinh-hoc-co-hoi-nghe-nghiep/

Trần Trang