Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Cần chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ưu tiên tuyển dụng thẳng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay, mức lương cơ sở đã được tăng lên theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, cơ bản tạo thêm thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, tuy nhiên, chế độ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP chưa được đồng bộ. Vì vậy, việc Bộ Giáo dục Đào tạo trình dự thảo sửa đổi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, để thay đổi một số quy định là phù hợp với tình hình thực tế nói chung và tại địa phương nói riêng.
Theo ông Thái Viết Tường, thời gian qua, khi triển khai thực hiện Nghị định số 116 của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã có thêm nguồn tuyển và thu hút được giáo viên trẻ mới ra trường, đặc biệt tại khu vực miền núi. Song, vẫn còn khó khăn tồn đọng trong việc triển khai nghị định này.
“Hiện nay, sinh viên sư phạm sau khi ra trường được đặt hàng vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng, nên việc đặt hàng đào tạo giáo viên tại địa phương còn nhiều khó khăn, do phải sử dụng ngân sách một cách hợp lý. Cùng với đó, nhu cầu thiếu giáo viên tại tỉnh Quảng Nam không quá bức thiết, nên tỉnh chưa thực hiện việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Thái Viết Tường chia sẻ.
![Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.D. a Tường.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/uivplcvo/2025_02_08/a-tuong-7129-2529.jpg)
Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Qui Hợp - Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp) cho biết, việc triển khai Nghị định số 116 đã giúp địa phương được hưởng lợi. Trong đó, sinh viên sư phạm tại địa phương đã nhận được sinh hoạt phí hỗ trợ, đồng thời, việc tuyển dụng giáo viên cũng đã được cải thiện trong năm học 2024-2025, đặc biệt là giáo viên khối trung học phổ thông.
Về việc đặt hàng đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Qui Hợp cho hay, từ sau khi có Nghị định số 116, Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình kế hoạch đặt hàng lên Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc báo cáo kết quả rà soát và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên, nhưng sau đó vẫn chưa được phê duyệt. Bên cạnh đó, Sở đã báo cáo, xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh để tiến hành khảo sát việc đặt hàng đào tạo giáo viên tại các tỉnh lân cận. Đồng thời, Sở cũng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các kế hoạch trao đổi, gặp gỡ và phối hợp với các trường đào tạo sư phạm để xây dựng chủ trương đặt hàng đào tạo giáo viên.
Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp) cũng nhấn mạnh: “Theo tôi, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP cần điều chỉnh một số điểm nhằm phù hợp với địa phương và tạo điều kiện tối đa cho sinh viên sư phạm.
Trước hết, việc xác định nhu cầu đào tạo giáo viên nên giao trách nhiệm cho địa phương rà soát, dự báo số giáo viên sẽ nghỉ hưu, thôi việc,… từ đó, các địa phương thống kê số lượng giáo viên hiện còn thiếu để đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm xác định chỉ tiêu đào tạo (hoặc đặt hàng đào tạo) sinh viên sư phạm phù hợp.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phân bổ chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo giáo viên phù hợp nhằm tránh lãng phí đào tạo và có trách nhiệm phân bổ kinh phí đào tạo cho các chỉ tiêu đào tạo này.
Ngoài ra, sinh viên sư phạm cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng thẳng về các trường, không tuyển cạnh tranh đối với việc tuyển dụng đối tượng sinh viên sư phạm được đặt hàng đào tạo”.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cũng cho rằng, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đã mang lại nhiều thuận lợi đối với ngành sư phạm nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng. Tuy nhiên, hiện, nghị định này vẫn còn những “điểm nghẽn” trong thực tế triển khai, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo nghị định được thực hiện phù hợp và thực sự hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn, hiện tại, chỉ tiêu các ngành sư phạm được giao theo nhu cầu địa phương phù hợp với các trường đại học thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố. Trong khi đó, đối với các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên sư phạm tốt nghiệp sẽ không chỉ công tác tại địa phương mà còn ở những địa phương khác. Vì vậy, cần xem xét khi giao chỉ tiêu các ngành sư phạm cho các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với đó, một số sinh viên sư phạm không nằm trong số lượng dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương. Do đó, công tác dự báo nhu cầu giáo viên ở các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ và chính xác hơn.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cũng cho rằng: “Đối với sinh viên ngành sư phạm, cần có những chính sách miễn học phí và tăng số lượng sinh viên được nhận học bổng, mức học bổng theo xếp loại học lực cuối mỗi học kỳ thay vì hỗ trợ sinh hoạt phí đồng đều cho tất cả sinh viên 3,63 triệu đồng/tháng. Điều này sẽ tạo động lực cho các em thi đua phấn đấu trong học tập và rèn luyện”.
![Ảnh minh họa: Mạnh Dũng. gdvn_SV Sư phạm.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/uivplcvo/2025_02_10/gdvn-sv-su-pham-7257-6421.jpg)
Việc thu hồi chi phí bồi hoàn đối với sinh viên sư phạm cần được gỡ khó
Theo quy định hiện hành của Nghị định số 116, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo, theo dõi, đôn đốc và thu hồi chi phí bồi hoàn (khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt) nếu sinh viên không tốt nghiệp hoặc không công tác trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề thu hồi chi phí bồi hoàn đối với người học không đáp ứng yêu cầu đặt ra, Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn nêu quan điểm: “Việc sử dụng ngân sách nhà nước để cấp cho sinh viên theo học các ngành sư phạm hiện còn nhiều khó khăn, do chỉ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có đầy đủ chức năng pháp lý và chế tài để thu hồi được kinh phí đã hỗ trợ từ ngân sách. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân các tỉnh có thể phân cấp đến cấp xã trực tiếp quản lý, nhằm thu hồi kinh phí cũng như hỗ trợ gửi thông báo cho cơ sở giáo dục đại học để tổng hợp và báo cáo cơ quan chủ quản.
Cùng với đó, việc xác định sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ sau khi tốt nghiệp là điều khó khăn do sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đi làm các công việc ngoài giáo dục. Đồng thời, việc thu hồi chi phí bồi hoàn sau khi sinh viên tốt nghiệp nhưng không phục vụ trong ngành giáo dục hoặc phục vụ trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian quy định, hiện, vẫn còn là thách thức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, Nghị định số 116 cần quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp, chế tài cũng như trách nhiệm của người học và gia đình để việc thu hồi chi phí bồi hoàn đối với sinh viên sư phạm thuận lợi hơn”.
![Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: website trường. thầy Tuấn Quy Nhơn.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/uivplcvo/2025_02_08/thay-tuan-quy-nhon-2855-4237.jpg)
Trong khi đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Theo một số ý kiến đề xuất của cử tri một số địa phương trong thời gian qua về việc giao cho ngân hàng chính sách làm đơn vị trực tiếp thu hồi chi phí bồi hoàn gồm học phí, chi phí sinh hoạt đối với các trường hợp phải hoàn trả kinh phí, điều này theo tôi là chưa hợp lý”.
Theo ông Thái Viết Tường, quá trình thu hồi chi phí bồi hoàn này không đơn thuần là một giao dịch tài chính, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố hành chính, giáo dục và chính sách nhân sự. Do đó, thay vì giao hoàn toàn cho ngân hàng chính sách hay bất kỳ riêng lẻ đơn vị nào, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ địa phương để xây dựng phương án bồi hoàn phù hợp và đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng nhấn mạnh, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành sư phạm về số lượng và chất lượng, cần có các chính sách đặc thù được bổ sung đối với sinh viên sư phạm.
Cụ thể, vị Giám đốc Sở này phân tích: “Hiện nay, các địa phương miền núi có điều kiện sống và sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, trong khi chính sách hỗ trợ đặc thù vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân lực, đặc biệt là giáo viên. Điều này dẫn tới việc giáo viên e ngại công tác tại vùng sâu, vùng xa, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương miền núi rơi vào cảnh thiếu giáo viên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục tại khu vực này.
Vì vậy, cần xây dựng một hệ thống chính sách cụ thể, rõ ràng hơn, để tạo động lực cho giáo viên yên tâm công tác lâu dài tại các địa phương khó khăn, đặc biệt là địa phương ở miền núi”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn cho rằng, Nghị định số 116 đã có tác động tích cực đến công tác tuyển sinh và đào tạo sư phạm, giúp thu hút người học và hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Tuy nhiên, việc đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp là yếu tố quyết định để sinh viên sư phạm gắn bó lâu dài với nghề giáo. Do đó, cần nghiên cứu và có thêm những chính sách liên quan đến tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm.
“Trên thực tế, nhiều sinh viên sư phạm vẫn khó tìm được việc làm trong ngành giáo dục. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 116, nếu không công tác trong ngành đúng thời gian cam kết, đều sẽ phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo, điều này sẽ gây áp lực tới người học.
Vì vậy, Nghị định số 116 cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách tuyển dụng phù hợp, đảm bảo sự liên kết giữa đào tạo và nhu cầu thực tế tại các địa phương. Đồng thời, cần có cơ chế ưu tiên tuyển dụng, hỗ trợ đào tạo bổ sung hoặc bố trí việc làm phù hợp giúp sinh viên an tâm theo đuổi nghề giáo”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn bày tỏ.