Giáo viên trình độ cao đẳng cần bồi dưỡng thêm khi được thí điểm tuyển dụng

13/02/2025 06:25
Anh Tú

GDVN-Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, giáo viên trình độ cao đẳng cần được bồi dưỡng chuyên sâu và cập nhật thường xuyên các phương pháp giảng dạy hiện đại. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị tại Tờ trình số 1142/TTr-BGDĐT ngày 28/8/2024 rằng các địa phương thiếu giáo viên giảng dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và trung học cơ sở, được tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để trở thành giáo viên dạy các môn học này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dự thảo lấy ý kiến đến hết ngày 11/4/2025.

Theo đó, dự thảo nêu yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập cấp tiểu học và trung học cơ sở được phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể:

Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Tiếng Anh hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Tiếng Anh để dạy môn Tiếng Anh cấp tiểu học. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tương ứng với cấp học đăng ký tuyển dụng theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Tin học hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Tin học để dạy môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học và dạy môn Tin học cấp trung học cơ sở. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tương ứng với cấp học đăng ký tuyển dụng theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Nghệ thuật hoặc Âm nhạc hoặc Mỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Nghệ thuật hoặc Âm nhạc hoặc Mỹ thuật để dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.

Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tương ứng với cấp học đăng ký tuyển dụng theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Về tổ chức tuyển dụng, chế độ chính sách đối với giáo viên có trình độ cao đẳng, dự thảo quy định:

Việc tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ, trong đó phần thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thực hiện theo hình thức thực hành.

Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự với thời gian tập sự áp dụng như trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học theo quy định của Chính phủ. Sau khi hoàn thành chế độ tập sự theo quy định thì được giữ mã số, xếp lương như trường hợp giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với từng cấp học.

Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải tham gia lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên theo quy định và hoàn thành việc nâng chuẩn trình độ đào tạo trước ngày 31/12/2030.

Giáo viên được tuyển dụng theo quy định tại Nghị quyết này được hưởng các chế độ, chính sách khác đối với giáo viên theo quy định hiện hành của pháp luật.

Hiện tại, trình độ chuẩn của nhà giáo được quy định theo điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 cụ thể như sau:

Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Theo lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo ở một số địa phương, đây là giải pháp quan trọng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều địa phương trước đó đề xuất nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các môn đặc thù nêu trên.

GDVN_DHPhuYen.jpg
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Giải pháp linh hoạt nhằm giảm áp lực về nhân lực đối với địa phương thiếu giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Hải Long, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) thông tin, đầu năm học 2024-2025, ngành giáo dục thành phố thiếu khoảng 642 giáo viên. Trong đó, thành phố Móng Cái có nhu cầu tuyển dụng 231 vị trí giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Đặc biệt, số lượng giáo viên các môn Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật còn thiếu nhiều. Tuy vậy, vào đợt tuyển dụng tháng 10/2024, số lượng ứng viên nộp hồ sơ không đạt được kỳ vọng mong muốn, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn tiếp diễn.

“Ngành giáo dục thành phố Móng Cái hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt ở một số môn học đặc thù do nguồn tuyển dụng hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu của địa phương.

Trong bối cảnh đó, việc thí điểm tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng được xem là một trong những giải pháp tiềm năng. Giải pháp này không chỉ mở rộng nguồn tuyển, mà còn tạo điều kiện cho các ứng viên có năng lực trình độ cao đẳng được bồi dưỡng thêm để nhanh chóng hòa nhập với môi trường giảng dạy hiện đại.

Điều này giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở các bộ môn đặc thù mà việc tuyển dụng giáo viên trình độ đại học còn gặp nhiều khó khăn” - Thạc sĩ Hoàng Hải Long bày tỏ.

Untitled design.png
Thạc sĩ Hoàng Hải Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: NVCC.

Tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng thiếu giáo viên các môn đặc thù cũng đang diễn ra. Tiến sĩ Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) thông tin: “Hiện nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ và Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) tại quận Ba Đình đã đáp ứng phần lớn các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn, đặc biệt là Tin học, Nghệ thuật ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, tạo ra áp lực không nhỏ cho hệ thống giáo dục trong việc đảm bảo chất lượng dạy - học và đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học sinh.

Để giải quyết vấn đề trên, việc thí điểm tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để giảng dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xem là một giải pháp linh hoạt, thiết thực nhằm giảm bớt áp lực về nhân lực, mở ra cơ hội cho những ứng viên có năng lực nhưng chưa đạt chuẩn trình độ đại học được tham gia giảng dạy, qua đó, bổ sung nguồn nhân lực cần thiết cho ngành giáo dục.

Đặc biệt, chính sách này góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đối với các bộ môn trên, giúp địa phương khắc phục nhanh chóng sự thiếu hụt và đảm bảo chất lượng dạy học không bị gián đoạn”.

z5378537461963-744d6fbd0e0d0a37695cc16382afd94c-1868.jpg
Tiến sĩ Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Lê Đức Thuận, các giáo viên trình độ cao đẳng cần được bồi dưỡng thường xuyên qua các khóa tập huấn chuyên môn có hệ thống, nhằm trang bị kỹ năng giảng dạy hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển sư phạm. Đặc biệt, các giáo viên này cần được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo liên thông lên đại học để nâng cao năng lực và đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy lâu dài.

“Để đảm bảo chất lượng giảng dạy ngày càng cao, giáo viên có trình độ cao đẳng cần được bồi dưỡng chuyên sâu và cập nhật thường xuyên các phương pháp giảng dạy hiện đại phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc làm quen và áp dụng những phương pháp giảng dạy tiên tiến không chỉ giúp giáo viên truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả, mà còn tạo điều kiện cho học sinh phát triển tư duy, sáng tạo và khả năng tự học. Qua đó, giáo viên có thể định hướng bài giảng linh hoạt, kích thích sự tham gia tích cực của học sinh và tạo ra môi trường học tập năng động, tương tác cao.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả dạy và học. Việc trang bị cho giáo viên những kỹ năng vận dụng các phần mềm, ứng dụng và công cụ số không chỉ giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài giảng, mà còn mở ra nhiều cơ hội đa dạng trong cách trình bày kiến thức. Qua đó, học sinh sẽ được trải nghiệm những bài học sinh động, trực quan, từ đó kích thích sự tò mò và hứng thú trong việc tiếp thu kiến thức. Sự kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và công nghệ hiện đại góp phần tạo nên chất lượng giảng dạy toàn diện, phù hợp với xu thế đổi mới của nền giáo dục hiện nay.

Ngoài ra, nâng cao kỹ năng sư phạm, đặc biệt là cách tổ chức hoạt động học tập theo hướng phát triển năng lực học sinh là yếu tố không thể thiếu. Giáo viên cần được bồi dưỡng về các chiến lược quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động tương tác nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo, phân tích và giải quyết vấn đề của học sinh. Các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cần được tổ chức thường xuyên, có hệ thống và liên tục cập nhật để đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình. Qua đó, đội ngũ giáo viên sẽ không chỉ nâng cao năng lực giảng dạy mà còn được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình lý giải.

Mở ra cơ hội cho giáo viên trẻ, đặc biệt là những người đến từ các vùng khó khăn

Tiến sĩ Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) nhìn nhận: “Việc áp dụng cơ chế tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng dạy một số môn đặc thù không chỉ mang lại lợi ích về số lượng, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các giáo viên.

Trong quá trình tham gia giảng dạy, giáo viên có trình độ cao đẳng sẽ được tham gia chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn theo định kỳ, được trang bị những kiến thức, kỹ năng sư phạm hiện đại phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đó, những giáo viên này có thể liên tục cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến, nâng cao năng lực sư phạm và góp phần cải thiện chất lượng dạy - học, tạo nên một môi trường học tập năng động và sáng tạo cho học sinh.

Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng cũng mở ra cơ hội cho giáo viên trẻ, đặc biệt là những người đến từ các vùng khó khăn, được tiếp cận với nghề giáo và tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là bước đi chiến lược nhằm tạo nên một đội ngũ giáo viên trẻ, năng động và linh hoạt, góp phần đảm bảo chất lượng dạy, học và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện đại”.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, Thạc sĩ Hoàng Hải Long cũng cho rằng, việc triển khai thí điểm tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng không chỉ mở ra cơ hội cho nhiều ứng viên có đam mê, mà còn tạo điều kiện cho những giáo viên này được thử sức và phát huy những kỹ năng độc đáo vốn có, mặc dù họ chưa được đào tạo theo tiêu chuẩn của các trường đại học.

Theo Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), những ứng viên có trình độ cao đẳng dù đến từ nền tảng đào tạo khác nhau, nhưng có thể mang đến những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo và linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, góp phần làm phong phú thêm đội ngũ giáo viên hiện nay. Điều này giúp hình thành một đội ngũ giáo viên đa dạng về chuyên môn và kinh nghiệm, từ đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của hệ thống giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giảng dạy theo các phương pháp sư phạm tiên tiến.

“Thêm vào đó, khi những giáo viên có trình độ cao đẳng được trao cơ hội tham gia vào giảng dạy, họ sẽ được trang bị thêm kiến thức mới và cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại, từ đó, tạo ra môi trường học tập năng động, sáng tạo và thực tiễn.

Qua đó, học sinh sẽ được tiếp cận với nhiều phong cách giảng dạy khác nhau, kích thích khả năng tư duy phản biện và sáng tạo của mình. Sự đa dạng và linh hoạt này góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa nền giáo dục, đảm bảo rằng, mỗi bài giảng không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là cơ hội để học sinh phát triển toàn diện các kỹ năng sống và năng lực cá nhân” - Thạc sĩ Hoàng Hải Long phân tích thêm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phan Thị Phương, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) chia sẻ về vai trò của việc truyền thông thông tin tuyển dụng nhằm thu hút giáo viên không chỉ tại địa phương mà còn từ các tỉnh, thành lân cận. “Tôi đánh giá cao vai trò của truyền thông hiện đại trong tuyển dụng giáo viên, qua đó, mở rộng phạm vi tiếp cận và xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho hệ thống giáo dục địa phương. Hiện tại, ngành giáo dục huyện đã áp dụng chiến lược truyền thông đa kênh, từ việc đăng tải thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, các hội nhóm chuyên ngành đến website chính thức. Điều này không chỉ quảng bá rộng rãi thông tin tuyển dụng, mà còn giải đáp kịp thời các thắc mắc, tạo niềm tin về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Qua đó, tình trạng thiếu hụt giáo viên cũng được giải quyết phần nào, đặc biệt đối với các môn học đặc thù” - cô Phương cho hay.

Anh Tú