Phát triển kinh tế được xem là yếu tố cốt lõi, thúc đẩy và quyết định sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực quản lý kinh tế đóng vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2025, Trường Đại học Tài chính - Marketing lần đầu tiên tuyển sinh và đào tạo ngành Quản lý kinh tế. Chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành này của nhà trường là 80 sinh viên.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing chia sẻ: “Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh, do đó, công tác đào tạo nhân lực quản lý kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng”.
![Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing. (Ảnh: Website nhà trường) Thầy Việt.jpeg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/vowkuiq2/2025_02_11/thay-viet-6170-2906.jpeg)
Chỉ ra lý do nhà trường mở ngành Quản lý kinh tế, theo thầy Việt, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội to lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhân lực quản lý kinh tế được đào tạo bài bản sẽ có khả năng phân tích, đánh giá và tận dụng tối đa các cơ hội, đồng thời đối phó với những thách thức phát sinh.
Việc đào tạo nhân lực quản lý kinh tế giúp thúc đẩy kinh tế xanh - xu hướng tất yếu của thế giới. Nhân lực quản lý kinh tế cần được trang bị kiến thức về phát triển bền vững, quản lý tài nguyên và năng lượng hiệu quả, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, nhân lực quản lý kinh tế chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ngoài ra, thị trường lao động đòi hỏi nhân lực có kiến thức và kỹ năng về quản lý kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực như: chuyển đổi số, kinh tế xanh, quản lý dự án, quản lý chuỗi cung ứng,...
Đáp ứng tiêu chuẩn dạy và học hiện đại
Được biết, để sẵn sàng bảo đảm chất lượng đào tạo ngành Quản lý kinh tế, Trường Đại học Tài chính - Marketing đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, trong đó nhà trường chú trọng việc cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo.
![Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing học nhóm. (Ảnh: NTCC) Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing học nhóm. (Ảnh: NTCC)](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/vowkuiq2/2025_02_11/ad-4nxcdbt3cjhuj05kwc6vdvkyza2um10bltuvxkkw-nbcxl4ryaqtfi9luiscibc-tshluvx3w7qhprlkjurrj15-yclugac5mpou6bvfyztjkbgdwsxtauuctslly1ks3f6lxnnqkda-6857.png)
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thầy Việt cho biết, nhà trường đã đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, bao gồm các giảng đường, phòng học, phòng lab, hệ thống thư viện hiện đại tại cơ sở đào tạo,...
Nhà trường cũng đã trang bị hệ thống máy tính, Internet tốc độ cao, phần mềm chuyên dụng,... phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển đổi số và kinh tế xanh.
Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng và phát triển các nền tảng học tập trực tuyến (E-Learning), hệ thống quản lý học tập (LMS),... tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nguồn tài liệu học tập phong phú và đa dạng, cũng như tương tác với giảng viên và bạn bè mọi lúc mọi nơi.
Nhà trường hiện có 1 giảng viên chức danh phó giáo sư ngành Quản lý kinh tế, 3 giảng viên phó giáo sư ngành Kinh tế, 6 giảng viên trình độ tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế và 4 giảng viên trình độ tiến sĩ ngành kinh tế.
Một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm chất lượng đào tạo là chuẩn bị đội ngũ giảng viên. Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Việt, nhà trường có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực quản lý kinh tế, chuyển đổi số và kinh tế xanh.
Hơn nữa, nhà trường đã ký kết hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, với các chuyên gia từ cơ quan quản lý nhà nước ngành tài chính (Hải quan, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Chứng khoán,…), nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ với các chuyên gia trong hoạt động đào tạo của nhà trường như mời các chuyên gia xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho sinh viên.
Cũng theo thầy Việt, nhà trường chú trọng nhất đến việc cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo. Bởi, chương trình đào tạo cần được thiết kế dựa trên yêu cầu thực tế của thị trường lao động, cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số và kinh tế xanh. Chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao sẽ giúp sinh viên có lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. Chương trình đào tạo bài bản, khoa học sẽ giúp đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
“Điểm nổi bật trong công tác chuẩn bị của nhà trường trong đào tạo ngành Quản lý kinh tế là đã cập nhật các học phần mới liên quan đến chuyển đổi số (ví dụ như Phân tích và dự báo kinh tế, Trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, năng lực số...) và kinh tế xanh (ví dụ như Phát triển bền vững, Kinh tế tuần hoàn,...).
Nhà trường đã áp dụng kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại như học tập dự án, học tập dựa trên vấn đề, học tập kết hợp,... nhằm tăng tính tương tác và chủ động của sinh viên”, thầy Việt bày tỏ.
Bổ sung kiến thức mới nhất về quản lý kinh tế
Chương trình đào tạo ngành Quản lý kinh tế Trường Đại học Tài chính - Marketing trang bị cho sinh viên một loạt kiến thức và kỹ năng toàn diện, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế xanh.
Sinh viên được học các kiến thức nền tảng về kinh tế. Cụ thể như các nguyên tắc cơ bản của kinh tế vi mô, như cung cầu, giá cả, thị trường, hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp; trang bị các vấn đề kinh tế vĩ mô, như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; các phương pháp định lượng trong kinh tế, như thống kê, toán kinh tế, phân tích dữ liệu,...
Các kiến thức chuyên ngành về quản lý kinh tế như: trang bị các chức năng của quản lý tổ chức, như lập kế hoạch, tổ chức, điều hành, kiểm soát,...; các phương pháp quản lý dự án, từ lập kế hoạch, triển khai, theo dõi đến đánh giá các rủi ro dự án; trang bị các hoạt động quản lý chuỗi cung ứng, từ mua sắm, sản xuất, lưu kho đến phân phối sản phẩm; các nguyên tắc quản lý tài chính như phân tích báo cáo tài chính, định giá, quản lý rủi ro tài chính,...; các kiến thức về hoạt động marketing như nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Kiến thức về chuyển đổi số và kinh tế xanh như: các xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, như thương mại điện tử, kinh tế số, Internet of Things (IoT); các vấn đề môi trường và tài nguyên, các giải pháp phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện khả năng tư duy phản biện, phân tích và giải quyết vấn đề,... Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, hội thảo,... để sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và mở rộng kiến thức.
![Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing học tập trên giảng đường. (Ảnh: NTCC) Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing học tập trên giảng đường. (Ảnh: NTCC)](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/vowkuiq2/2025_02_11/ad-4nxd8zxz2gh5pfqvhbheddz0v5qkkjich0fxfysowwwqtx5xlmz-a53zs6j-pqynti1h8yyd2-ynqwrjnc3wpucpuhcq1fth-8ody54u9n50t80wajkb6n8lm62ah3kqyd1vx-pgpaw-9435.png)
Sinh viên ngành Quản lý kinh tế có thể tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước ngành tài chính và các địa phương (như cơ quan thuế, cơ quan hải quan…) để áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, cũng như tích lũy kinh nghiệm làm việc. Hơn nữa, sinh viên còn được tham gia các dự án nghiên cứu khoa học để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển bản thân.
“Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Quản lý kinh tế của nhà trường là thường xuyên được cập nhật, bổ sung những kiến thức mới nhất về quản lý kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế xanh, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động. Chương trình đào tạo chú trọng trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng thực tế, có thể áp dụng ngay vào công việc sau khi tốt nghiệp.
Chương trình đào tạo ngành Quản lý kinh tế của nhà trường được thiết kế linh hoạt, với hệ thống các kiến thức được trang bị từ nền tảng đến chuyên sâu, sau khi tốt nghiệp sinh viên dễ dàng học tiếp trình độ thạc sĩ và tiến sĩ quản lý kinh tế ở các trường đại học trong và ngoài nước”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing chia sẻ
Thực tế hiện nay, công tác đào tạo nhân lực ngành Quản lý tài chính nói chung còn gặp một số khó khăn trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho sinh viên. Theo thầy Việt, sinh viên cần am hiểu về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, quản lý năng lượng, đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, các em cũng cần được trang bị kiến thức về công nghệ số, phân tích dữ liệu, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo… để thích ứng với môi trường kinh doanh số.
Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi nhà trường chính thức tuyển sinh ngành Quản lý kinh tế. Để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thầy Việt cho rằng, hoạt động kết nối doanh nghiệp cần triển khai sâu hơn, để sinh viên có thể làm việc thực thụ tại các doanh nghiệp, cơ quan trong các kỳ thực hành, thực tập. Từ đó, giúp sinh viên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn và có thể tác nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.