Là công cụ trong lĩnh vực quản lý tài chính và nền kinh tế thị trường, ngành Kiểm toán giữ một vị trí không thể thiếu trong các doanh nghiệp, được ví như “người nắm giữ huyết mạch” của mỗi tổ chức.
Ngành Kiểm toán có nhiệm vụ đảm bảo sự minh bạch và tin cậy trong hoạt động kinh doanh. Điều này giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, tối ưu hóa quy trình hoạt động và giảm thiểu rủi ro. Với sự phát triển của kinh tế và quy mô của các tổ chức, ngành học này luôn rộng mở, bởi xã hội đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, người có kiến thức sâu về kế toán, pháp luật và quy trình kiểm toán.
Những quan niệm, đánh giá chưa đúng về ngành Kiểm toán
Giải mã về những hiểu lầm phổ biến hiện nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Hoàng Diệu Hương - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Global Trading Đức Thành Phát, người đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán cho biết, ngành Kiểm toán nằm trong top những công việc được săn đón, tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn chưa thực sự có góc nhìn toàn diện và chính xác nhất về lĩnh vực này, mà còn tồn tại những quan niệm sai lầm ảnh hưởng đáng kể đến nghề nghiệp.

Thứ nhất, nhiều người có thể nghĩ rằng lĩnh vực này là một công việc nhàm chán, không có tính sáng tạo. Quả thật, ngành nghề Kế toán - Kiểm toán liên quan nhiều đến tài liệu, số sách, chứng từ,... vì vậy sẽ có ý kiến cho rằng đây là công việc khô khan với quy trình làm việc lặp đi lặp lại những thao tác giống nhau. Tuy nhiên, đó chỉ là tính chất chung, là "bề nổi" của công việc.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, người làm công tác kiểm toán không chỉ cần ứng dụng sự sáng tạo trong công việc, mà còn đảm bảo được tính khoa học và pháp lý đối với công việc. Người làm kiểm toán cũng phải tương tác với nhiều đối tượng khác nhau như: chủ doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm, khách hàng, người lao động,…
Do đó, ngành nghề này đòi hỏi sự linh hoạt trong các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống, tư duy nhạy bén, khả năng tính toán tốt, phẩm chất cần cù, chăm chỉ, thận trọng, tỉ mỉ, cẩn thận và khả năng làm việc độc lập.
Thứ hai, nhiều người cho rằng Kiểm toán là một lĩnh vực tính toán phức tạp, đòi hỏi khả năng xử lý những phép toán cao cấp. Song, trên thực tế, các phép tính trong công việc này chủ yếu xoay quanh các thao tác cơ bản, không phụ thuộc nhiều đến những khái niệm toán học trừu tượng như tích phân hay vi phân. Điều này có thể giúp việc xử lý số liệu trở nên trực quan và dễ tiếp cận hơn.
Hơn nữa, trong quá trình học tập ở các cơ sở giáo dục đại học, sinh viên theo học ngành này còn được trang bị những kỹ năng ở các môn bổ trợ, để biết cách sử dụng những công cụ hỗ trợ như tin học, phần mềm chuyên dụng và ứng dụng công nghệ mới. Những yếu tố này giúp tối ưu hóa công việc tính toán và nâng cao hiệu quả xử lý, phân tích số liệu.
Khi bước chân vào lĩnh vực Kiểm toán, người học sẽ dần nhận thấy điều thú vị về giá trị của những con số. Chúng không chỉ đơn thuần là dữ liệu, mà còn phản ánh tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh và ngôn ngữ của doanh nghiệp - điều mà không phải ngành nghề nào cũng có thể thấu hiểu sâu sắc.

Thứ ba, không phải doanh nghiệp chỉ tuyển dụng người có kinh nghiệm lâu năm. Hiện nay, phần lớn sinh viên được tiếp cận kỹ năng thực hành ngay từ năm hai, năm ba; đồng thời có cơ hội trải nghiệm thực tập tại các tổ chức doanh nghiệp từ năm ba, năm tư. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên của nhiều trường đại học cũng được tham gia các câu lạc bộ chuyên môn, các cuộc thi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm cùng bạn bè, giảng viên.
Đặc biệt, nhiều người học còn có thể tự xây dựng các phần mềm chuyên dụng trên Excel hoặc các nền tảng khác để giải quyết bài toán thực tế, giúp củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp một cách hiệu quả. Việc nắm chắc chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ giúp sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp ra trường đã tạo ra được một hồ sơ xin việc ấn tượng. Đây cũng là điểm nhấn giúp nhà tuyển dụng nhận diện sự khác biệt giữa các ứng viên khác.
Chính vì vậy, mặc dù kinh nghiệm trong quá trình học tập và làm việc của ứng viên là một tiêu chí quan trọng để nhà tuyển dụng lựa chọn nguồn nhân lực, nhưng thực tế chứng minh rằng, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường cũng được tuyển chọn và làm việc tại các doanh nghiệp lớn hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài uy tín.
Thứ tư, một số người hiểu lầm nghề Kế toán và Kiểm toán là sự kết hợp giữa hai lĩnh vực xung khắc. Thực chất, trong thực tế, hai lĩnh vực này không hề đối lập nhau. Mối quan hệ giữa Kế toán và Kiểm toán là mối quan mật thiết và hợp pháp.
Kế toán là quá trình quan sát, thu thập, phản ánh, kiểm kê, quản lý nguồn vốn tài sản, tài chính trong một doanh nghiệp. Kiểm toán là công việc kiểm tra độ trung thực, khách quan, tính chính xác của các thông tin tài chính. Điều này có nghĩa chức năng của Kiểm toán là nhằm phân tích và kiểm tra hoạt động Kế toán của doanh nghiệp.
Kế toán phải là người nắm vững các quy định của việc thanh tra, kiểm tra đó cũng như các kiến thức về kiểm toán để đủ nhận ra những sai phạm nếu có của doanh nghiệp. Một kế toán viên chuyên nghiệp phải có khả năng trả lời tất cả các câu hỏi của chuyên gia kiểm toán hoặc thanh tra thuế. Còn kiểm toán viên cũng không thể thực hiện công việc kiểm tra sổ sách, giấy tờ của khách hàng được nếu không có khái niệm về nguyên tắc trình bày bảng cân đối kế toán.
Tố chất cần có của người học để theo đuổi ngành Kiểm toán
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lâm - Phó trưởng khoa Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Kiểm toán vẫn là một trong những ngành học thu hút sinh viên với mức lương tốt, cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở, có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau tại các công ty kiểm toán độc lập trong nước và ngoài nước; bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, kế toán trong các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị hành chính sự nghiệp; các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Hiện nay, ở Việt Nam, có khoảng hơn 100 công ty kiểm toán độc lập, trong đó có chi nhánh kiểm toán của "Big 4" tại Việt Nam - top 4 công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán toàn cầu, bao gồm: Deloitte, Ernst & Young, PwC và KPMG. Bên cạnh đó, người học cũng có thể lựa chọn làm việc ở các công ty kiểm toán Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước và ngoài dịch vụ kiểm toán truyền thống như: thuế, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn quản trị rủi ro,...

Để làm tốt ngành Kiểm toán, người học cần có một số tố chất, năng lực như: giỏi tính toán, yêu thích những con số; có tính độc lập, thận trọng; khả năng diễn đạt ngắn gọn, súc tích; óc quan sát và tư duy phân tích cao;... Hơn nữa, sinh viên cũng nên tích cực tham gia nhiều hoạt động thực tập thực tế để mở rộng kiến thức thực tiễn, trải nghiệm và kết nối cùng “người thầy doanh nghiệp” thông qua các chuyến tham quan ngân hàng, công ty chứng khoán, tập đoàn đa quốc gia để có thể tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ các chuyên gia, bạn bè qua các cuộc thi.
Sinh viên ngành Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp cận với những giáo trình chuẩn hóa và cập nhật theo nội dung và phương pháp đào tạo của các trường đại học trên thế giới. Nhà trường chú trọng nguyên tắc người học là trung tâm đào tạo; xây dựng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ quá trình giảng dạy; đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, học tập và làm việc ở nước ngoài; hệ thống kết nối bền chặt với các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Đức - Kiểm toán viên làm việc tại một công ty kiểm toán và tư vấn chuyên nghiệp ở Hà Nội chia sẻ: "Bước vào con đường chinh phục ngành Kiểm toán, tôi nhận thấy rằng việc trang bị một nền tảng vững chắc về lĩnh vực tài chính là điều bắt buộc đối với người học mới ra trường. Song, yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những ai mong muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp chính là tinh thần ham học hỏi, cầu tiến ngay tại môi trường làm việc, đặc biệt là sự chủ động đặt câu hỏi và tiếp thu kinh nghiệm thực tế trong công ty. Bên cạnh đó, sức khỏe cũng đóng vai trò quan trọng, bởi đặc thù của ngành nghề này đòi hỏi di chuyển nhiều và làm việc với cường độ cao, nhất là trong mùa cao điểm".
Hiện nay, ngành Kiểm toán có thể nói phần nào đã bước vào giai đoạn bão hòa, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội không dành cho những ai thực sự có quyết tâm. Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, những kinh nghiệm tích lũy từ trường đại học không chỉ giúp xây dựng nền tảng chuyên môn mà còn đem lại góc nhìn tổng quát về nhiều lĩnh vực kinh tế - tài chính, mở ra thêm cơ hội khi bước vào thị trường lao động. Thay vì kỳ vọng nhiều vào mức khởi điểm cao ngay, điều quan trọng hơn là người học tận dụng giai đoạn này để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài.
Sau một thời gian theo học ngành Kế toán, anh Nguyễn Minh Đức đã quyết định rẽ hướng sang Kiểm toán. Lựa chọn này không chỉ giúp anh tiếp tục làm việc trong lĩnh vực kinh tế, mà còn mang lại cơ hội trải nghiệm công tác ở nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Xa hơn nữa, khi tích lũy đủ kinh nghiệm, điều này có thể đem đến cơ hội làm việc tại nhiều quốc gia, mở rộng hiểu biết và phát triển sự nghiệp trên phạm vi quốc tế.

Nên tìm hiểu đa chiều về thị trường Việt Nam và nền kinh tế thế giới
Bạn Nguyễn Thị Hà - Thủ khoa tốt nghiệp khoá QH2020 ngành Kinh tế - Tài chính, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành nhân viên của Deloitte - một trong những tổ chức trong khối "Big 4" cung cấp các dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp và lớn nhất thế giới.
Mục tiêu đào tạo của nhà trường là giúp sinh viên có kiến thức, chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính; có sự hiểu biết vượt trội, đa chiều về thị trường, nền kinh tế Việt Nam và thế giới; đồng thời, sử dụng thành thạo tiếng Anh trong công việc. Mặc dù là chương trình đào tạo do trường ở Mỹ cấp bằng, nhưng quá trình đào tạo lại được giám sát chặt chẽ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội, nên bằng tốt nghiệp của sinh viên có giá trị trong nước lẫn quốc tế.
Đầu năm thứ ba đại học, với mong muốn thử sức với tổ chức kiểm toán hàng đầu thế giới, Nguyễn Thị Hà đã đăng ký ứng tuyển và thành công tham gia thực tập ở Deloitte Việt Nam. Với mong muốn tiếp tục ước mơ chinh phục "Big 4", đến năm thứ tư, em lại chủ động nộp hồ sơ vào công ty Deloitte và đã xuất sắc trở thành nhân viên làm việc toàn thời gian tại tổ chức.

Chia sẻ một số bí kíp cho các sinh viên theo đuổi công việc Kiểm toán, Hà cho hay, đây là một lĩnh vực luôn có sự thay đổi nhanh chóng, vì vậy, sinh viên nên đọc nhiều báo và tin tức tài chính ở trong và ngoài nước để liên tục cập nhật kiến thức và các xu hướng mới xung quanh mình. Người học nên đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng và vạch ra kế hoạch chi tiết từng bước để đạt được những cột mốc đó. Điều này sẽ giúp các bạn có động lực và đạt mong muốn dễ dàng hơn rất nhiều.
Đồng thời, với mong muốn được tham gia vào một môi trường có tính quốc tế, năng động, Nguyễn Thị Hà vạch ra lộ trình mục tiêu và kế hoạch trong tương lai là chuẩn bị hồ sơ và theo học lên bậc thạc sĩ tại Anh để phục vụ cho công việc Kiểm toán sau này.