Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) có hiệu lực thi hành từ 14/2/2025. Thông tư này thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, bây giờ là quá trình thực hiện, trong đó “hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh các cơ quan quản lý giáo dục; nhà trường, thầy cô; phụ huynh là những người đồng hành cùng con em trong quá trình học tập. Chính vì vậy, sự đồng thuận và tham gia tích cực của phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Thông tư 29.
Không học thêm, học sinh vẫn đạt kết quả tốt
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Bùi Thanh Hòa - Phụ huynh ở Đông Anh, Hà Nội, cho biết: “Khi Thông tư 29 được ban hành, việc học của con tôi không bị ảnh hưởng, vì tôi không cho cháu đi học thêm. Từ khi con còn nhỏ, tôi đã theo sát quá trình học tập của con và nhận thấy con có khả năng tự học từ nhiều nguồn khác nhau.
Khối lượng bài tập trên lớp của con không nhiều nên sau khi hoàn thành con vẫn có thời gian để vui chơi và tự khám phá các kiến thức mới. Con có thể lên mạng tra cứu, nghe giảng qua các bài giảng trực tuyến trên mạng và làm thêm bài tập trong sách.
Bên cạnh kiến thức sách vở, con còn phát triển thêm các kỹ năng mềm. Với con, việc học trở thành niềm vui, bởi vậy, không cần đi học thêm thầy cô ngoài giờ lên lớp, con vẫn đạt kết quả như mong muốn".
Chị Hòa khẳng định, phụ huynh không nên giao tất cả việc học của con cho nhà trường. Thầy cô chỉ là người hướng dẫn, còn rèn luyện hàng ngày, đều đặn phải là việc học sinh cần tự làm ở nhà. Phụ huynh cũng cần phải có chính kiến, hiểu năng lực của con để định hướng phù hợp, tránh việc cho con đi học thêm tràn lan.
Chỉ khi theo sát, cha mẹ mới biết mới biết được năng lực con và xây dựng mục tiêu học tập tiếp theo cho từng cấp học. Phụ huynh phải có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, động viên con kịp thời nhằm để phối hợp hiệu quả với nhà trường và thầy cô.

Đồng quan điểm, chị Trần Thị Vy - Phụ huynh ở Thái Bình chia sẻ: “Là người có con đang theo học cấp tiểu học, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Vì trẻ em ở độ tuổi này nên được vui chơi, vận động, nghỉ ngơi để phát triển toàn diện, tránh áp lực học tập không cần thiết.
Sau giờ học chính khóa, tôi kết hợp cho con tham gia câu lạc bộ nghệ thuật, giúp con có thêm thời gian thư giãn. Buổi tối, tôi sẽ kèm cặp con học bài trong khoảng thời gian 1 tiếng.
Tôi luôn hướng con đến việc chủ động suy nghĩ, cẩn trọng và có trách nhiệm học tập. Tôi cho rằng, phụ huynh cần phát huy vai trò định hướng và hỗ trợ con học tập, không nên dồn toàn bộ trách nhiệm này sang cho trường học và thầy cô giáo”.
Để con có thời gian cho những sở thích cá nhân
Cùng chia sẻ về vấn đề học thêm của con, chị Đặng Thị Loan - Phụ huynh ở Linh Đàm, Hà Nội cho biết, khi Thông tư 29 được ban hành, con trai chị đã dừng học thêm ở trường. Dù con đang học lớp 12 nhưng chị Loan không lo lắng và hoàn toàn ủng hộ những quy định mới về dạy thêm, học thêm. Con gái chị Loan hiện học lớp 7, chỉ học thêm Tiếng Anh, các môn còn lại học theo chương trình chính khóa ở trường.
Chị Loan nói: “Tôi không muốn các con đi học thêm tràn lan, càng không lăn tăn về việc nếu không học thêm con sẽ không thể vượt qua kỳ thi, vì tôi hiểu lực học của con mình. Không phải hiếm gặp trường hợp bố mẹ cho con đi học thêm theo phong trào. Thậm chí, khi con không tiến bộ, phụ huynh đổ lỗi cho thầy cô.
Tôi là người không đặt nặng vấn đề thành tích, không muốn so sánh con mình với con người khác. Hai con của tôi có học lực tốt nhưng tôi không ép con phải thi trường chuyên, lớp chọn. Tôi muốn con vui vẻ mỗi ngày đến trường, nếu chẳng may con bị điểm kém cũng không lo lắng bị bố mẹ mắng. Cuối tuần con được nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình.
Quan điểm của tôi là học trường nào, lớp nào không quan trọng, miễn là con cảm thấy vui vẻ, tinh thần thoải mái, con mới có hứng thú học tập. Bên cạnh đó, con cần thời gian cho những thú vui, sở thích riêng để có thể phát triển toàn diện, tích lũy thêm những trải nghiệm khác” - chị Loan bộc bạch.
Theo vị phụ huynh này, cha mẹ nên rèn luyện cho con tính tự giác, không nên phó mặc việc học của con thầy cô và cho rằng đưa con đi học thêm nhiều là tốt.
Được biết, từ khi con học tiểu học, chị Loan đã luôn quy định giờ học cho các con, đôn đốc và kiểm tra lại việc học sau đó. Dần dần, các con hình thành thói quen nên hiện tại, chị ít phải nhắc nhở, không cần thiết mọi ngày đều phải kiểm tra việc học của con.

Bên cạnh thời gian học chính khóa, con gái chị Đặng Thị Loan được mẹ cho tham gia lớp học vẽ. Ảnh: NVCC.
Cùng quan điểm, chị Vũ Thị Thu - Phụ huynh ở Nam Định có con gái đang học lớp 10 chia sẻ: “Tôi ủng hộ những quy định trong Thông tư 29. Tôi thấy con đang phải chịu áp lực lớn từ việc học, nếu học thêm quá nhiều sẽ gây nên những căng thẳng không đáng có. Bởi vậy, tôi cho rằng nên để thời gian buổi sáng cho việc học chính khóa, buổi chiều, con vừa làm bài tập vừa tự học và tham gia các câu lạc bộ để phát triển toàn diện và thư giãn.
Tâm lý thường thấy của phụ huynh là lo lắng con không nhận được sự quan tâm của thầy cô, không vượt qua kỳ thi nếu không đi học thêm lớp do thầy cô mở, nên gần như số đông, dù con học trên lớp đã tốt vẫn đăng ký học thêm để yên tâm. Trong khi việc dạy thêm này vẫn là dạy chung, thầy cô không có sự phân hóa cấp độ giữa học sinh giỏi và yếu.
Hơn nữa, đôi khi, việc học thêm chỉ nhằm mục đích giải đề, thầy cô đưa bài tập, học sinh làm sau đó thầy cô chữa. Như vậy, học thêm theo cách trên là không cần thiết và không hiệu quả".
Chị Thu bày tỏ, các thầy cô giáo cần cải tiến, nâng cao chất lượng dạy học, không nên dập khuôn mà phải đổi mới phương pháp, cập nhật kiến thức mới, hữu ích với cuộc sống để giảng dạy cho học sinh.
Cùng với đó, các bậc phụ huynh cũng phải nâng cao sự tự giác và tự ý thức về việc học tập cho con để con có thể hiểu rõ năng lực, sở thích của mình, từ đó tìm được niềm đam mê với công việc trong tương lai.
Phụ huynh nên hướng đến phát triển năng lực thực sự của con
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Thông tư 29 sẽ giúp quản lý việc dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả. Để Thông tư được thực hiện rất cần sự đồng hành của phụ huynh và nhà trường.
"Cha mẹ luôn luôn có vai trò quan trọng đối với việc học của con. Ở nhà, phụ huynh cố gắng giúp con thực hiện tốt thời gian biểu, nhắc nhở, động viên con và có những khen thưởng, ghi nhận hợp lý, tránh trường hợp quát nạt, thậm chí bạo lực nếu con không nghe lời.
Đặc biệt, phụ huynh nên nhìn nhận đúng năng lực của con, độc lập trong cách ứng xử với con, không nên so sánh "con nhà người ta" và gây ra những căng thẳng không cần thiết đối với con cái. Áp lực để con có động lực phải dựa trên năng lực của chính đứa trẻ và ở mức độ vừa phải, tránh trường hợp "bắt cá tập bay".
Tâm lý chung của phụ huynh luôn là lo lắng cho con ở những kỳ thi, tuy nhiên điều quan trọng là để con cố gắng cao nhất so với sức của mình.
Chúng ta cần giúp con hiểu, đi đúng hướng và hình thành phẩm chất, thái độ tích cực. Khi ấy, cho dù con lựa chọn học tập hay làm việc bất cứ lĩnh vực nào con cũng sẽ thành công, nhận được sự yêu quý, tôn trọng và những cơ hội tốt trong cuộc đời sẽ đến.
Bởi vậy, cha mẹ không nên quá áp lực chuyện học hành, cho con đi học thêm nhiều, bắt ép các con học những thứ không đúng với năng lực, sở trường" - cô Thoa bày tỏ.
Dưới góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII: "Thông tư 29 sẽ giúp thiết lập kỷ cương dạy học, lấy chất lượng thực làm đầu, nâng cao trách nhiệm dạy, học của giáo viên, học sinh.
Chúng ta phải tiến hành dạy thật, học thật, thi thật. Đó là mục tiêu cốt lõi của của giáo dục Việt Nam. Chỉ như vậy chất lượng giáo dục mới được nâng lên.
Hiện tại, để việc thực hiện hiệu quả Thông tư 29, cần sự phối hợp của nhiều bên. Trong đó, không thể không nhắc đến sự góp sức của các bậc phụ huynh.
Phụ huynh cần tháo gỡ tâm lý, không học thêm con không đủ kiến thức, mà nên tin rằng nề nếp và chất lượng học tập sẽ được đảm bảo theo đúng chương trình. Dĩ nhiên, để thay đổi thói quen cố hữu không dễ dàng, nhưng phụ huynh phải tin tưởng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường và thầy cô bắt buộc phải nâng cao chất lượng đối với những giờ học trên lớp.
Cha mẹ cũng nên động viên con yên tâm, sắp xếp công việc, dành thời gian theo dõi việc học tập, đồng hành cùng học sinh để biết được điểm mạnh, điểm yếu, trên cơ sở đó phối hợp cùng nhà trường để phát triển năng lực thực sự của học sinh".