Nhắc đến những thầy, cô giáo đang dạy học ở các xã miền núi, thật khó có thể ghi hết được những khó khăn, vất vả của họ nhưng cũng khó có từ ngữ nào có thể diễn tả hết niềm vui, hạnh phúc của những người đang gieo chữ, trồng người nơi đây. Họ chính những tấm gương sống đẹp cho cuộc sống này.
Đã hơn 19 năm gắn bó với nghề dạy học và cũng 1 khoảng thời gian khá dài tôi gắn bó với Trường Trung học cơ sở Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - đây là nơi khó khăn của huyện Quảng Trạch.

Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được những kỉ niệm ở đây. Chân ướt chân ráo ra trường là về đây công tác nên tôi vẫn còn rất bỡ ngỡ nhưng được sự quan tâm của tập thể giáo viên cũng như sự quan tâm của ban giám hiệu, tôi dường như đã vượt qua mọi khó khăn. Nhưng điều quan trọng nhất là những tình cảm mà học trò dành cho tôi thật hồn nhiên và trong sáng biết bao.
Nhớ ngày đầu mới về, sợ tôi nản lòng các thầy cô giáo ở đây luôn nói với tôi: “Học sinh ở đây thương lắm em ơi! Các em tuy cuộc sống khó khăn nhưng rất ngoan và ham học, hết lòng thương yêu, quý trọng thầy cô”. Đúng vậy chỉ một buổi vắng cô lên lớp, học sinh đã rủ nhau xuống khu nội trú xem cô thế nào, đau ốm ra sao và không quên cầm theo khoai, sắn, ổi… để mời cô. Gần 5 năm gắn bó với mảnh đất nơi đây niềm vui, nỗi buồn nào của tôi cũng “bị” các em phát hiện ra, khiến niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia nửa.
Nhớ mãi năm đầu tiên về trường công tác, tôi được phân công làm chủ nhiệm lớp 8.2, cầm danh sách học sinh trên tay, tôi lúng túng làm cả lớp phì cười vì có những học trò to cao gần bằng cô giáo. Vui nhất là những buổi cô trò cùng tập văn nghệ để biểu diễn cho các ngày lễ lớn (20/11, 26/3 ...).

Học trò cất tiếng hát trong veo như tiếng chim giữa núi rừng, như tiếng suối chảy vào vách đá… các em học chữ thì lâu nhưng học hát, học múa thì thầy cô không tài nào theo kịp. Còn nhớ những lần đốt lửa trại sinh hoạt chủ điểm kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3) học sinh mang tới nào là khoai, nào là mỳ, là bắp… cô trò quây quần bên bếp lửa cùng nướng, cùng ăn, mặt ai cũng lem luốc than đen, trò nhìn cô cười, cô nhìn trò cũng cười, tiếng cười của cô và trò vang xa... sưởi ấm lòng những thầy cô đang công tác xa nhà.
Những món quà ngày 20/11 của học sinh miền núi cũng thật đặc biệt, đó là những tấm thiệp do học sinh tự làm với những lời chúc hồn nhiên đáng yêu; những gói măng khô, vài nhánh chuối, quả bí… vui hơn cả là những giờ học có đông đủ học sinh trong lớp.

Là giáo viên đang công tác ở xã miền núi, ai cũng đã từng ít nhất một lần phải đi vận động học sinh đi học trở lại. Đi bộ, lội suối, thậm chí là tìm lên tận nương rẫy hay sáng sáng phải đến tận nhà đón học sinh… Công việc đó dường như đã trở thành “một phần tất yếu” trong cuộc sống của giáo viên vùng khó khăn. Có một lần vận động học sinh bỏ học trở lại trường vì chủ quan tôi đi một mình lên thôn Hòa Lạc - Đất Đỏ không may khi về bị hỏng xe dọc đường.
Nhìn quanh chỉ thấy toàn đồi núi không nhà cửa, không người qua lại, tôi bật khóc vì sợ hãi (khi đó làm gì có điện thoại như bây giờ đâu). Nói thật lúc đó tôi bất lực, thật may lúc đó có khoảng 4,5 em học sinh lớp 6 đi học về các em đã giúp tôi đẩy rồi chỉ chỗ sửa xe. Cô trò cùng nói trò chuyện vui vẻ, cuộc trò chuyện ấy đã khiến quãng đường ngắn lại...
Nếu ai đó có hỏi tôi về những kỷ niệm buồn trong những năm công tác ở đây tôi sẽ trả lời với họ rằng: “Bạn hãy thử một lần đứng trên bục giảng nhìn xuống lớp, hãy một lần nghe học sinh miền núi gọi tiếng thầy cô, hãy yêu mến những ánh mắt tròn xoe, ngây thơ và những nụ cười vô tư của học trò, hãy mở lòng với những người dân thật thà, chất phác và cảnh sắc núi rừng nơi đây… chắc chắn bạn sẽ tin lời tôi nói là sự thật: tôi chẳng nhớ nổi kỷ niệm buồn nào cả”.

Giờ đây tôi may mắn được trở về thành phố công tác gần nhà - ngôi trường nơi mà tôi đã từng học ở đó - Trường Trung học cơ sở số 1 Đồng Sơn nhưng thỉnh thoảng trong giấc mơ tôi vẫn thường bắt gặp những ánh mắt, nghe những tiếng gọi thân thương của các em và tình người nồng hậu ở miền núi xa xôi. Hạnh phúc lắm bởi chính những kỉ niệm nơi đó là thanh xuân của tôi, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của tôi.
Cuộc sống khó khăn và tình cảm con người nơi đây giúp tôi có thêm nghị lực, vun đắp thêm những ước mơ để tôi có thể sống đẹp hơn với đời, trân trọng những gì mình đang có và đặc biệt là yêu nghề hơn – nghề trồng người.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.
Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.
Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.
Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.