Chuyên gia chỉ ra 5 bất cập khi triển khai đấu thầu trong nâng chuẩn giáo viên

23/02/2025 06:29
Doãn Nhàn

GDVN -Những điểm mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 71/2020/NĐ-CP tạo cơ chế vận hành thông suốt và hiệu quả hơn trong công tác đào tạo nâng chuẩn giáo viên.

Đó là đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) về những điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ, quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 71/2020/NĐ-CP đã đề xuất bỏ phương thức đấu thầu, chỉ áp dụng phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt. Đồng thời, giáo viên sẽ được quyền chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành, những thay đổi này thể hiện sự điều chỉnh chính sách theo hướng tăng tính tự chủ cho giáo viên và đơn giản hóa quy trình tổ chức, đồng thời vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo thông qua việc duy trì các phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng với các cơ sở đào tạo.

Đấu thầu gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và chất lượng khi nâng chuẩn giáo viên

thầy Chí Thành.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thực tế, quá trình triển khai, áp dụng phương thức đấu thầu trong công tác đào tạo nâng trình độ chuẩn cho đội ngũ giáo viên đã bộc lộ nhiều bất cập đáng kể, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của chương trình đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành chỉ ra 5 điểm bất cập chính như sau:

Thứ nhất, về mặt pháp lý và thủ tục hành chính, quy trình đấu thầu tỏ ra quá cồng kềnh và phức tạp. Các địa phương phải trải qua nhiều bước thủ tục, từ khâu chuẩn bị hồ sơ, xây dựng tiêu chí đến tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng. Điều này không chỉ kéo dài thời gian thực hiện mà còn tạo ra nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ đào tạo theo kế hoạch. Đặc biệt, việc xây dựng các tiêu chí đấu thầu phù hợp với tính chất đặc thù của ngành sư phạm gặp nhiều trở ngại, bởi không thể áp dụng đơn thuần các tiêu chí thông thường như trong đấu thầu hàng hóa, dịch vụ thông thường.

Thứ hai, vấn đề chất lượng đào tạo cũng là một mối quan ngại lớn. Khi tiêu chí giá thầu thấp nhất được đặt lên hàng đầu, điều này có thể dẫn đến việc các đơn vị trúng thầu phải cắt giảm chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Hơn nữa, nhiều đơn vị tham gia đấu thầu có thể không đủ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trong đào tạo sư phạm, dẫn đến rủi ro về chất lượng đầu ra của chương trình.

Thứ ba, thực tiễn triển khai cho thấy số lượng cơ sở đào tạo đủ điều kiện tham gia đấu thầu còn rất hạn chế. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc tổ chức lớp học do không đủ số lượng giáo viên cần đào tạo cho một chuyên ngành cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng một số lớp không thể mở được, ảnh hưởng đến quyền lợi và cơ hội nâng chuẩn của giáo viên.

Thứ tư, về hiệu quả kinh tế, phương thức đấu thầu không mang lại kết quả như kỳ vọng. Chi phí tổ chức đấu thầu cao, bao gồm cả chi phí trực tiếp và gián tiếp như nhân lực, thời gian, và các chi phí hành chính khác. Trong nhiều trường hợp, việc tiết kiệm được từ giá thầu thấp không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện.

Thứ năm, công tác quản lý và giám sát cũng gặp nhiều khó khăn. Việc theo dõi, đánh giá chất lượng đào tạo trở nên phức tạp hơn khi có nhiều đơn vị tham gia. Sự phối hợp giữa các bên liên quan như cơ sở đào tạo, địa phương và đơn vị quản lý không được thuận lợi, ảnh hưởng đến tính liên tục và ổn định của chương trình đào tạo.

“Những bất cập nêu trên là cơ sở thực tiễn quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ phương thức đấu thầu, chỉ giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng trong dự thảo Nghị định sửa đổi. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đào tạo nâng chuẩn, đồng thời đảm bảo được chất lượng và hiệu quả của chương trình”, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành nhận định.

Theo đó, đối với các cơ sở đào tạo, việc bỏ phương thức đấu thầu và duy trì phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng sẽ giúp tạo ra môi trường hoạt động thuận lợi hơn rất nhiều.

Điều chỉnh mới thể hiện sự lắng nghe của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sinh viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: UEd
Sinh viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: UEd

Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành chỉ ra, trước hết, các đơn vị được giảm thiểu đáng kể về thủ tục hành chính và chi phí khi không phải tham gia vào quy trình đấu thầu phức tạp. Từ đó, các nhà trường có thể tập trung nguồn lực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển chương trình. Đặc biệt, khi được giao nhiệm vụ trực tiếp, các cơ sở đào tạo có thể chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo phù hợp với năng lực và điều kiện của mình.

Một điểm thuận lợi khác là khả năng tiếp nhận học viên trở nên linh hoạt hơn thông qua hai kênh song song. Bên cạnh việc tiếp nhận giáo viên từ địa phương thông qua phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, các cơ sở đào tạo còn có thể tiếp nhận giáo viên đăng ký trực tiếp. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy mô lớp học mà còn đảm bảo được tính ổn định và liên tục trong công tác đào tạo. Người học cũng có thể chủ động hơn trong việc lựa chọn cơ sở đào tạo đáp ứng các tiêu chí cho cá nhân như địa điểm, thời gian, hình thức học tập, cộng đồng học tập.

Về phía địa phương, những điểm mới trong dự thảo Nghị định sẽ tạo ra nhiều thuận lợi đáng kể trong công tác tổ chức và quản lý. Quy trình tổ chức đào tạo được đơn giản hóa đáng kể, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Các địa phương có thể chủ động hơn trong việc lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mình, không bị ràng buộc bởi các tiêu chí đấu thầu cứng nhắc như trước đây.

“Đặc biệt, vấn đề về các lớp nhỏ lẻ - một khó khăn thường gặp ở nhiều địa phương sẽ được giải quyết khi giáo viên có thể đăng ký học trực tiếp với cơ sở đào tạo. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi của giáo viên trong việc nâng chuẩn trình độ, vừa giúp địa phương tiết kiệm được nguồn lực trong việc tổ chức các lớp có số lượng học viên ít. Công tác quản lý và giám sát chất lượng đào tạo cũng trở nên hiệu quả hơn khi các địa phương có thể tập trung vào nội dung thực chất thay vì phải lo các thủ tục hành chính phức tạp”, thầy Thành phân tích.

Chia sẻ thêm về tính khả thi trong triển khai, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng những điểm mới này có thể dễ dàng thực hiện do các bên liên quan đã có kinh nghiệm từ việc thực hiện phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng. Cơ chế này cũng phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục, tạo được sự đồng thuận giữa các bên và có thể triển khai ngay mà không cần nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức.

“Nhìn chung, những điểm mới trong Nghị định đã tạo nên một cơ chế vận hành thông suốt và hiệu quả hơn trong công tác đào tạo nâng chuẩn giáo viên. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cơ sở đào tạo và địa phương mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong giai đoạn hiện nay”, Chủ nhiệm Khoa Nguyễn Chí Thành nêu nhận định.

Thầy Nguyễn Ngọc Thành - Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ảnh: Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk
Thầy Nguyễn Ngọc Thành - Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ảnh: Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Ngọc Thành - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk nhận định, những đề xuất mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 71/2020/NĐ-CP thể hiện sự lắng nghe và điều chỉnh chính sách phù hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk đang thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên và đã triển khai được 2 khóa. Theo thầy Thành, phương thức đấu thầu liên quan đến hợp đồng kinh tế, trong khi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, khiến quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong các hội thảo, nhiều cơ sở đào tạo đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh phương thức thực hiện để đảm bảo tính khả thi và chất lượng đào tạo.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho rằng, việc duy trì hai phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng với cơ sở đào tạo như dự thảo sửa đổi là hợp lý, giúp các đơn vị chủ động hơn trong thực hiện.

Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP, lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2030. Cụ thể, 100% giáo viên mầm non phải đạt trình độ cao đẳng sư phạm, đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở yêu cầu cần hoàn thành chương trình đào tạo cử nhân.

Lộ trình được chia thành hai giai đoạn: từ năm 2020 đến 2025, ít nhất 60% giáo viên mầm non, 50% giáo viên tiểu học và 60% giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn; giai đoạn tiếp theo (2026 - 2030) sẽ đào tạo số giáo viên còn lại để đảm bảo hoàn thành mục tiêu.

Giáo viên được cử đi học nâng chuẩn sẽ được hỗ trợ học phí, hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình đào tạo, giáo viên phải cam kết tiếp tục công tác tại cơ sở giáo dục ít nhất gấp đôi thời gian học tập.

Doãn Nhàn