Đóng BHXH 20 năm, GV mầm non nghỉ hưu sớm không bị giảm % lương hưu là hợp lý

24/02/2025 06:34
Thảo Lê

GDVN - Lãnh đạo trường mầm non, giáo viên ủng hộ việc bổ sung thêm tiêu chí đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi của giáo viên mầm non.

Tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tháng 2/2025 đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong những nội dung được bổ sung là liên quan đến tuổi nghỉ hưu của giáo viên. Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên. [1]

Bổ sung thời hạn đóng bảo hiểm xã hội là hợp lý với đặc thù ngành giáo dục mầm non

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trịnh Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Nga An (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, nhà trường hoàn toàn ủng hộ việc bổ sung tiêu chí nhà giáo phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ lương hưu được hưởng.

“Quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội như vậy là hợp lý, đúng với luật bảo hiểm xã hội hiện hành. Điều này có lợi với những giáo viên có thâm niên làm việc tại nhà trường, đủ điều kiện nghỉ hưu sớm và đã tham gia đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội trong thời gian công tác. Vì thế, giáo viên mầm non khi về hưu sớm vẫn được hưởng đủ lương hưu mà không bị giảm quyền lợi, đảm bảo cuộc sống ổn định, giảm áp lực cho giáo viên khi đã lớn tuổi. Đồng thời, điều này cũng sẽ thu hút và giữ chân giáo viên mầm non trẻ gắn bó với nghề.

Nhà trường hiện có đội ngũ giáo viên trẻ khá nhiều, chưa có ai đủ điều kiện về hưu sớm. Đa phần giáo viên chia sẻ rằng không muốn nghỉ hưu sớm, mong muốn làm việc và cống hiến đến đúng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, với tâm lý của phụ huynh, họ đều mong muốn cô giáo là những người trẻ năng động, đây cũng là thiệt thòi với những giáo viên có tuổi”.

Orange and Brown Illustration Business Report Presentation.png
Cô Trịnh Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Nga An. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, cô Đinh Hoàng Phương Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Giang (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) nêu quan điểm: “Việc bổ sung thêm tiêu chí giáo viên mầm non tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện để nghỉ hưu sớm là hợp lý. Tôi thấy điều này có lợi đối với những giáo viên có nhiều năm công tác trong ngành.

Việc này cũng đảm bảo về chính sách và quyền lợi dành của giáo viên mầm non khi về hưu. Xét về tính khả thi thì hoàn toàn hợp lý, các cô giáo nếu đã đủ điều kiện về tuổi cũng yên tâm hơn khi cân nhắc về hưu sớm. Hiện tại số lượng giáo viên mầm non đủ điều kiện nghỉ hưu sớm tại trường nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua chưa tới 10%".

Orange and Brown Illustration Business Report Presentation (1).png
Cô Đinh Hoàng Phương Thủy (bên trái), Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Giang. (Ảnh: website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, cô Phạm Thị Bách, giáo viên Trường mầm non Thượng Giáo (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết: “Thông tin này tôi và các đồng nghiệp đã được nhà trường phổ biến cụ thể. Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất bổ sung thêm tiêu chí với chính sách nghỉ hưu trước tuổi của giáo viên mầm non trong dự thảo Luật Nhà giáo. Hiện tại nếu đủ điều kiện để nghỉ hưu, tôi sẽ cân nhắc đến tình hình sức khỏe của bản thân.

Với đặc thù ngành giáo dục mầm non, chúng tôi cũng hiểu rằng việc có tuổi sẽ ảnh hưởng một phần đến công tác dạy học. Tuy nhiên ở địa phương tôi, tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn xảy ra nên đối với giáo viên đã gắn bó và công tác tại điểm trường, không còn là câu chuyện đủ điều kiện nghỉ hưu hay không mà bản thân mỗi giáo viên hiện nay đều yêu trẻ và mong muốn làm hết sức để đóng góp cho công tác dạy học tại trường”.

z6329338551785_dfd0245cccf1d882a86d23d763e37f69.jpg
Cô Phạm Thị Bách cùng học sinh làm đồ thủ công. (Ảnh: NVCC)

Giáo viên mầm non còn nhiều trăn trở về chính sách đãi ngộ

Một trong những thách thức đối với giáo viên mầm non là áp lực về thời gian làm việc không cố định. Buổi sáng giáo viên phải có mặt ở trường từ 7 giờ 30 phút thậm chí sớm hơn để đón học sinh. Có những hôm phụ huynh có việc nhờ giáo viên trông con thêm, các cô phải ở lại thêm giờ. Thậm chí, nhiều khi trẻ ốm đau, quấy khóc, giáo viên cần kiên nhẫn và dành nhiều thời gian cho trẻ hơn. Đây là những đầu việc phát sinh theo ngày mà giáo viên phải thực hiện.

Cô giáo Phạm Thị Bách tâm sự: “Công việc của giáo viên mầm non vẫn còn nhiều thiệt thòi hơn so với các cấp học khác. Về tính chất công việc, các cô giáo phải vào đủ vai, đủ nghề như: hát, múa, vẽ, diễn kịch,... Bên cạnh đó những đầu việc phát sinh liên tục khó nói trước như: trẻ bị ốm, quấy khóc, hiếu động,... Đó vừa là nhiệm vụ vừa là trách nhiệm mà giáo viên mầm non phải hoàn thành trong quá trình công tác.

Đặc thù nghề nghiệp là như vậy nên tôi chấp nhận hy sinh thời gian của mình vì các con, vừa hoàn thành công việc của mình, vừa hoàn thành tốt trách nhiệm nhà trường giao phó, đồng thời hỗ trợ phụ huynh để họ yên tâm hơn khi gửi con tại trường".

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường mầm non Nga An cũng chỉ ra một số khó khăn của giáo viên mầm non trong quá trình công tác.

“Giáo viên mầm non có nhiều điểm thiệt thòi hơn cả về thời gian làm việc và chế độ đãi ngộ so với giáo viên các cấp học khác. Họ phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc, phải có kỹ năng thích ứng cao và đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn. Về phía lãnh đạo nhà trường, tôi đề xuất nên có thêm chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non, ví dụ như đưa ra phương án tính toán hợp lý về việc làm thêm giờ, hiện tại vấn đề này vẫn chưa có quy định cụ thể.

Bình thường, giáo viên mầm non làm 8 giờ/ngày, nhưng hiện tại, giáo viên mầm non tại trường thường phải làm từ 10 - 11 giờ/ngày, vì có nhiệm vụ phát sinh khi trông giữ trẻ.

Do đó, khối lượng công việc rất lớn, thời gian dành cho bản thân cũng hạn chế hơn. Không chỉ dạy học mà các cô giáo cần có sự đa năng trong cả chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ từ việc cho các bé ăn, ngủ, chơi đến việc chăm sóc học sinh khi đau ốm", cô Oanh chia sẻ.

Ngoài ra, cô Oanh cũng đề xuất thêm về công tác đào tạo bồi dưỡng và tuyển dụng giáo viên mầm non tại các địa phương cần triển khai linh hoạt và phù hợp với nhu cầu riêng của từng khu vực. Trường mầm non Nga An hiện tại còn thiếu giáo viên rất nhiều. Một lớp có khoảng 60 học sinh, trong khi đó các cô giáo đang trong độ tuổi sinh nở chiếm phần lớn. Nếu giáo viên nghỉ thai sản thì số lượng giáo viên sẽ không đảm bảo. Việc có thêm những chính sách khuyến khích sẽ tạo động lực để giáo viên mầm non yêu nghề và cống hiến nhiều hơn.

Hiện tại, Trường mầm non Nga An đang có mức thu tối đa với một học sinh mầm non là 140.000 đồng/học sinh/tháng. Đây cũng là mức thu được ủy ban nhân dân tỉnh quy định, dùng để chi trả cho giáo viên làm thêm giờ.

“Đây là mức thu cố định để chi trả cho giờ làm thêm của giáo viên mầm non. Tuy nhiên, khối lượng công việc rất nhiều. Các cô giáo chỉ có thêm mức hỗ trợ từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng/tháng. Khi có giáo viên nghỉ chế độ, số tiền này sẽ được chia đều ra cho các giáo viên khác. Khoản thu nhập này sẽ dao động khác nhau theo các tháng, không cố định”, cô Oanh cho biết thêm.

Ủng hộ những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo về chính sách nghỉ hưu sớm đối với giáo viên mầm non, tuy nhiên Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Giang cũng mong muốn giáo viên mầm non có thể được quan tâm hơn về chính sách hỗ trợ.

“Với Trường mầm non Sơn Giang, thuộc vùng núi còn nhiều khó khăn, giáo viên chúng tôi cũng có rất nhiều trăn trở. Đặc thù giờ giấc của giáo viên mầm non có nhiều điểm khác với các cấp học còn lại, thường không có gì chứng minh, ghi chép lại là mỗi ngày giáo viên đã làm việc thêm bao nhiêu giờ và vì lý do gì. Về phía lãnh đạo nhà trường, chúng tôi cũng sắp xếp thời gian để ở lại hỗ trợ giáo viên, tuy nhiên thực tế các giáo viên vẫn rất vất vả.

Giáo viên mầm non coi việc làm thêm giờ là chuyện 'như cơm bữa' và rất sẵn sàng với nhiệm vụ. Tuy nhiên, để giáo viên yên tâm công tác, rất mong Nhà nước sẽ có thêm những chính sách quan tâm hỗ trợ đối với việc làm thêm giờ của giáo viên, khuyến khích các giáo viên trẻ yên tâm theo nghề”, cô Thủy tâm sự.

z6329338556657_7c8a7d5e4aa261f59f8a9183ad000726.jpg
Một tiết học của học sinh tại Trường mầm non Thượng Giáo. (Ảnh: NTCC)

Trong khi đó, cô giáo Phạm thị Bách cho rằng, quy trình xét thăng hạng cho giáo viên mầm non còn chậm trễ, chưa tạo động lực để giáo viên học tập nâng cao trình độ.

“Trường tôi công tác đã phổ biến về việc chuẩn bị có đợt xét thăng hạng cho giáo viên mầm non lên hạng 2. Nhiều giáo viên đã học trung cấp lý luận chính trị hoặc có trình độ đại học đang trông chờ được xét thăng hạng, tuy nhiên thực tế triển khai còn chậm. Nhiều cô giáo sắp về hưu nhưng vẫn chưa được xét thăng hạng. Điều này chưa tạo được động lực để thu hút giáo viên học nâng cao trình độ.

Hệ số lương của giáo viên mầm non nếu được cân nhắc nâng lên cũng sẽ góp phần hỗ trợ, khích lệ chúng tôi gắn bó với nghề, đặc biệt với những giáo viên công tác ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa”, cô Bách bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/thoi-su/chinh-sach-nghi-huu-som-doi-voi-giao-vien-mam-non-1460177.ldo

Thảo Lê