Từ trước đến nay, trí thức và nhà khoa học luôn là lực lượng tiên phong trong việc khai sáng dân trí, xây dựng lý luận cách mạng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn. Đây là lực lượng đại diện cho trí tuệ, tài năng của dân tộc, mang lại sự đột phá và phồn vinh cho mỗi quốc gia.
Tại buổi gặp mặt nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục năm 2024, một trong những nội dung gợi mở với ngành Giáo dục được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là cần “có giải pháp đột phá để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, vừa làm việc trong ngành giáo dục, đồng thời cống hiến ở ngành, lĩnh vực khác”.
Theo quan điểm của một số lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, việc tận dụng, sử dụng phù hợp tri thức của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đưa đất nước thích nghi, phát triển kịp thời trong bối cảnh bùng nổ thông tin và khoa học công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên thực tế vẫn còn một số bất cập khiến việc thực hiện nội dung này chưa thật sự hiệu quả.
Muốn có thợ tốt thì cần tận dụng người thầy
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết: Đối với mỗi quốc gia, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành được coi là nguyên khí, là tài sản quý báu có ý nghĩa và vai trò quan trọng để thay đổi vận mệnh đất nước.
Còn đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc sở hữu đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho công tác đào tạo. Thậm chí, đây còn là một nhiệm vụ được ưu tiên trong chiến lược phát triển của nhiều đơn vị.
Trên thực tế, các chuyên gia, nhà khoa học là lực lượng tri thức có kiến thức chuyên sâu, am hiểu tường tận một lĩnh vực nào đó, lại vừa có kinh nghiệm làm việc trong thực tiễn nên sẽ có đủ kiến thức học thuật, kỹ năng để cùng cơ sở giáo dục triển khai, đảm bảo công tác đào tạo. Hiện nay, tiêu chí giảng viên là một trong những yêu cầu hàng đầu của các trường đại học để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như nâng cao vị thế của đơn vị trong xã hội.
Đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới cho con người. Khi đó, chỉ có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học mới có đủ trình độ để áp dụng nền tảng lý thuyết vào thực tế, giúp nâng cao năng suất và giải quyết các vấn đề mà nhu cầu xã hội đặt ra.
Chưa kể với điều kiện làm việc thường xuyên được tiếp cận với các xu hướng, công nghệ và kỹ năng mới, họ là đội ngũ duy nhất có đủ khả năng chuyển giao nền tảng tri thức mới. Trong hoạt động giáo dục và đào tạo, họ không chỉ có khả năng truyền đạt kiến thức mà còn là lực lượng chủ chốt quyết định sự phát triển cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từng bước nâng cao trình độ nguồn nhân lực quốc gia để đáp ứng kịp thời sự phát triển nhanh chóng của nhân loại.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho - Hiệu trưởng Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng cũng đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Thầy Nho cho rằng, việc khuyến khích đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành vừa làm việc trong ngành giáo dục, đồng thời cống hiến ở các ngành, lĩnh vực khác là điều rất cần thiết, sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho xã hội.
Theo quan điểm của Hiệu trưởng Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng, nhà khoa học và các chuyên gia là nguồn nhân lực vừa có tri thức vừa có kinh nghiệm hoạt động trong thực tiễn. Do đó, đội ngũ này có thể bổ trợ rất nhiều hoạt động tại các cơ sở giáo dục đại học.
Với khối lượng kiến thức chuyên sâu, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có thể hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Mặt khác, với thời gian hoạt động thực tiễn, họ sẽ có nhiều bài học thực tế để chia sẻ, làm dẫn chứng cho sinh viên, giúp công tác đào tạo gắn liền với thực tiễn hơn. Điều này cũng góp phần đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội, theo kịp các bước tiến của xã hội.
Bên cạnh đó, thầy Nho cũng cho rằng việc tạo điều kiện để đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành vừa làm việc trong ngành giáo dục, vừa cống hiến cho lĩnh vực khác sẽ tận dụng tối đa chất xám của đội ngũ trí thức. Qua đó tạo tiền đề phát triển toàn diện từng ngành, từng lĩnh vực và thúc đẩy trình độ nghiên cứu khoa học công nghệ ở nước ta.
Cơ chế chưa rõ ràng thì khó thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đến với giáo dục
Theo đánh giá của Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Nho, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có thể đóng góp, xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo cũng như truyền đạt, cập nhật kiến thức và các xu hướng công nghệ mới nhất cho sinh viên.
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã triển khai mời doanh nghiệp cùng hợp tác trong công tác đào tạo người học với mong muốn chất lượng đầu ra có thể bám sát và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, vì chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ hoạt động này nên các đơn vị vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Trong khi đó, đối với ngành y tế, việc tận dụng tri thức của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đã được các trường đào tạo khối ngành sức khỏe áp dụng từ lâu và cơ bản đã được những kết quả tích cực.
Có thể nhận thấy tại các trường y, đội ngũ giảng viên hầu hết là các bác sĩ đang làm việc hoặc đã từng công tác tại các bệnh viện. Đội ngũ này không chỉ có kiến thức học thuật chuyên sâu mà còn giàu kinh nghiệm thực tiễn trong công tác khám chữa bệnh. Do đó, khi tham gia vào công tác đào tạo, đội ngũ bác sĩ sẽ dễ dàng chia sẻ về kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn, cũng như hướng dẫn người học cách xử lý các trường hợp bệnh nhân trong thực tế.
Ngày 5/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Theo Tiến sĩ Lê Viết Nho, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong xây dựng chương trình, kế hoạch, hợp đồng, tổ chức đào tạo thực hành, lượng giá và đánh giá kết quả thực hành; bảo đảm sự thống nhất, tương đồng về quyền và trách nhiệm giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe.
Đặc biệt, Nghị định cũng tạo thuận lợi trong việc phối hợp và sử dụng nguồn lực các bên. Trong trường hợp cơ sở đào tạo không đủ số lượng giảng viên để tiến hành giảng dạy hoặc thiếu những giảng viên là người có kinh nghiệm lâm sàng thì có thể mời các bác sĩ làm việc tại cơ sở thực hành đến dạy sinh viên.
“Kể từ khi Nghị định 111 được ban hành, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe đã có cơ hội bổ sung đội ngũ chuyên gia là những bác sĩ đầu ngành, có kiến thức, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Điều này góp phần mang lại cho các đơn vị nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo người học”, Tiến sĩ Lê Viết Nho cho hay.
Ghi nhận kết quả tích cực từ ngành y tế, thầy Nho cho rằng nên áp dụng linh hoạt với các lĩnh vực khác. Cụ thể, cần có những chính sách, cơ chế rõ ràng hơn với từng lĩnh vực nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia, giáo sư đầu ngành có cơ hội cống hiến cùng lúc nhiều lĩnh vực khác nhau. Bởi, chỉ khi có cơ chế rõ ràng các trường mới có cơ sở thực hiện, đội ngũ trí thức cũng có động lực để làm việc, cống hiến.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cũng cho rằng khi thu hút được chuyên gia, giáo sư đầu ngành tham gia công tác đào tạo sẽ không chỉ giúp sinh viên được tiếp cận với kiến thức chuyên sâu, cập nhật từ những chuyên gia hàng đầu mà còn tạo cơ hội kết nối với mạng lưới học thuật trong lĩnh vực chuyên môn.
Nếu có thể thu hút đội ngũ chuyên gia, giáo sư đầu ngành vừa làm việc cho giáo dục, vừa cống hiến cho lĩnh vực khác thì sẽ tạo ra một giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu giảng dạy chuyên sâu và cập nhật kiến thức thực tiễn.
Bên cạnh đó thầy Khải cũng cho rằng, để hoạt động này triển khai có hiệu quả và lâu dài thì phải cần có thêm nhiều chính sách, cơ chế rõ ràng đối với từng lĩnh vực.
“Muốn cơ sở giáo dục tận dụng tri thức của đội ngũ chuyên gia cho công tác đào tạo thì Nhà nước phải có cơ chế rõ ràng để tạo động lực và cơ sở cho các đơn vị dễ dàng thực hiện.
Lấy ví dụ về lĩnh vực y tế, đội ngũ giáo sư, bác sĩ sẽ là nhân lực chủ chốt phụ trách chuyên môn tại các bệnh viện. Do đó tại các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành sức khỏe, điều kiện tiên quyết đối với các giáo sư, giảng viên chuyên ngành đào tạo phải gắn liền với các bệnh viện thực hành.
Trên thực tế, đội ngũ giảng viên có năng lực, trình độ và kỹ năng tốt sẽ là những chuyên gia đầu ngành về khám chữa bệnh lâm sàng. Họ là những người giàu kinh nghiệm thực tế nên sẽ có nhiều kiến thức và trải nghiệm để truyền đạt cho các thế hệ sinh viên.
Ngược lại, đội ngũ bác sĩ khi tham gia vào công tác đào tạo thì sẽ có cơ hội nâng cao năng lực, trình độ tri thức và quay trở lại ứng dụng tốt hơn cho công việc khám chữa bệnh của mình ”, thầy Khải nêu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cũng chỉ ra một số bất cập khiến việc thu hút, tận dụng tri thức của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học còn gặp khó.
Đầu tiên là vì đặc thù công việc của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học rất bận rộn nên đội ngũ này sẽ không có nhiều thời gian để dành cho hoạt động đào tạo.
Thứ hai, nếu so sánh mức thu nhập của đội ngũ này ở lĩnh vực theo đúng chuyên môn họ công tác và ngành giáo dục thì sẽ có sự chênh lệch khá lớn. Trên thực tế, các chuyên gia, nhà khoa học nếu công tác đúng ngành, lĩnh vực chuyên môn của họ thì thu nhập sẽ rất cao. Hiện nay, trong bối cảnh tự chủ tài chính, cơ sở giáo dục đại học không có nhiều điều kiện để xây dựng các chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn dành cho đội ngũ này. Điều này chính là rào cản khiến các chuyên gia, giáo sư đầu ngành không quá mặn mà với công tác đào tạo.
Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu có thêm chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong việc thu hút, đãi ngộ đội ngũ chuyên gia, giáo sư đầu ngành, để họ có thêm điều kiện vừa làm việc trong ngành giáo dục, vừa cống hiến cho lĩnh vực khác.
Mặt khác cần tính toán đến việc giữ chân và đãi ngộ xứng đáng theo mức độ cống hiến của từng cá nhân để nuôi dưỡng và phát huy tài năng của đội ngũ này. Các cơ sở giáo dục đại học cần tích cực xây dựng môi trường làm việc, nghiên cứu học thuật rộng mở, có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu hút đội ngũ này tham gia vào hoạt động đào tạo.