Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Buôn Ma Thuột với 40 năm gắn bó với ngành Tâm thần

23/02/2025 06:21
Ngọc Trâm

GDVN - Cống hiến cho sự phát triển của ngành tâm thần tại Việt Nam, GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ y bác sĩ suốt 40 năm qua.

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý học, Học viện Quân y, nguyên trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103. Hiện, thầy Đức là Phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội chống động kinh Việt Nam; Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.

40 năm gắn bó với ngành Tâm thần học cả trong công tác điều trị và giảng dạy, thầy Đức đã đạt được nhiều thành tựu tiêu biểu như: giải Nhất Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (năm 2003); Huân chương chiến công hạng Nhất (năm 2004); Thầy thuốc ưu tú (năm 2005); Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (năm 2021)...

40 năm cống hiến cho ngành Tâm thần và những dấu ấn khó quên

Năm 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức, khi đã tròn 40 năm thầy gắn bó với ngành Tâm thần.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đức chia sẻ, từ nhỏ, thầy đã dành sự ngưỡng mộ đối với hai người y sĩ trong làng, những người tận tâm với nghề và hết lòng chăm sóc bệnh nhân.

“Thuở nhỏ, tôi vừa mong ước trở thành thầy giáo, vừa mong ước trở thành bác sĩ. Vì nhiều lý do, khi làm hồ sơ dự thi đại học tôi chọn thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội). Khi có giấy gọi nhập học vào trường, tôi lại xung phong đi bộ đội. Sau 2 tháng huấn luyện tân binh, tôi được cử đi học y tá. 1 năm sau, tôi thi đỗ vào Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) và 2 năm sau ngày nhập ngũ, tôi chính thức trở thành sinh viên quân y”.

Sau 6 năm miệt mài học tập, năm 1982, thầy Đức tốt nghiệp và được phân công về làm việc tại Bệnh viện Quân y 103. Năm 1986, thầy bắt đầu tham gia giảng dạy tại Học viện Quân y và gắn bó với 2 nhiệm vụ giảng dạy và chữa bệnh từ đó đến nay.

unnamed (77).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. (Ảnh: website nhà trường)

Những năm đầu theo đuổi nghề y, thầy Đức gặp không ít khó khăn, khi ngành Tâm thần vẫn bị kỳ thị. Nhiều bác sĩ không dám nhận mình làm chuyên khoa tâm thần. Đôi khi, bác sĩ gặp người bệnh cũ cũng tránh tiếp xúc vì lo sợ người xung quanh sẽ biết khiến người bệnh không hài lòng. Có thể nói, đã có lúc cộng đồng kỳ thị người bệnh, kỳ thị cả bác sĩ, nhân viên y tế ngành Tâm thần.

“Nhiều đồng nghiệp cũng buông lời chế giễu với chúng tôi. Trong một lần đi dự hội nghị, đồng nghiệp hỏi tôi làm khoa gì. Tôi trả lời rằng tôi làm tại khoa Tâm thần, người đồng nghiệp đó lặng lẽ bỏ đi. Dưới con mắt của nhiều người khi nhắc đến ngành Tâm thần, có điều gì đó giống như sự coi thường, kỳ thị. Rất ít người tình nguyện vào ngành, do vậy mà ngành Tâm thần luôn thiếu y, bác sĩ.

Các gia đình có người thân mắc bệnh thường che giấu hoặc có đưa đi khám nhưng đều tránh khoa Tâm thần. Một số người khi thấy người thân bị tâm thần còn có cách làm trái khoa học, thậm chí là mê tín dị đoan như đi lễ bái, cúng vái, hầu đồng... hay nặng nề hơn nữa là đánh đập người bệnh. Có trường hợp, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị tâm thần, người nhà không chấp nhận nên chửi bới bác sĩ. Điều này khiến thầy thuốc có lúc cũng nản lòng”, thầy Đức chia sẻ.

Việc tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần không hề dễ dàng. Đặc thù của người bệnh tâm thần là không kiểm soát được ý thức và hành vi. Những bệnh nhân này thường không hợp tác với bác sĩ, thậm chí có thể tấn công cả bác sĩ khi đang khám bệnh.

“Một lần đang thăm khám, người bệnh đột ngột tấn công tôi, tuy đau nhưng tôi vẫn phải tiếp tục công việc. Những lần như vậy không khiến bản thân buồn mà trái lại tôi xem đó như một bài học để lần sau có thêm phương pháp ứng phó, chữa trị cho người bệnh.

Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn, từ những người già, trẻ em đến những chiến sĩ từ mặt trận trở về. Họ không chỉ mang theo những vết thương thể xác mà còn phải chịu đựng những tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Lúc đó, tôi nhận ra rằng, những người bệnh này cần bác sĩ không chỉ chữa trị về thể chất mà còn cần sự chăm sóc về tinh thần”.

unnamed - 2025-02-19T141157.541.png
Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột. (Ảnh: NVCC)

Trong suốt quá trình làm nghề, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức đã nhiều lần phải đưa ra những quyết định khó khăn, có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp và quá trình phấn đấu của bản thân.

Một trong những trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc đối với thầy là trường hợp một bệnh nhi bị rối loạn ăn uống, từ chối ăn và chỉ còn da bọc xương. Cháu bé đã mất cha từ sớm, chỉ còn mẹ ở bên cạnh. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi chữa trị nhiều nơi nhưng tình trạng không cải thiện. Khi tình hình bệnh trở nên quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, gia đình không từ bỏ và tiếp tục đưa bé đến Bệnh viện Quân y 103 để tiếp tục điều trị.

“Khi nhìn thấy người bệnh còn quá nhỏ, tương lai phía trước sắp khép lại, tôi không khỏi xót xa, trăn trở. Trong trường hợp này, biện pháp chữa trị duy nhất là sốc điện, nhưng chống chỉ định không sử dụng cho người có thể lực quá yếu.

Sau nhiều lần cân nhắc và bàn bạc với gia đình người bệnh, tôi đã quyết định sử dụng phương pháp sốc điện. Qua lần sốc điện đầu tiên, điều kỳ diệu đã đến, người bệnh đã có thể ngồi dậy, ăn được rồi dần bình phục từng ngày trong niềm vui sướng của gia đình. Hiện nay, người bệnh ngày nào đã lập gia đình, có con cái khỏe mạnh”, thầy Đức nhớ lại.

40 năm qua, chính tình yêu nghề, sự đồng cảm và mong muốn giúp đỡ bệnh nhân đã tiếp thêm sức mạnh để thầy Đức gắn bó với ngành Tâm thần.

Giảng dạy là cơ hội để tự hoàn thiện bản thân và truyền cảm hứng cho sinh viên

Bên cạnh công việc điều trị, thầy Đức còn tích cực tham gia công tác giảng dạy. Với thầy, mỗi lần đứng trên bục giảng là một lần được hoàn thiện bản thân.

“Tôi nhận ra rằng, dạy học là cách để bản thân trau dồi kiến thức. Tôi luôn coi mỗi giờ giảng là một giờ học. Sau mỗi bài giảng, tôi đều đối chiếu lại với tài liệu, sổ ghi chép để kiểm tra xem bản thân có giảng đúng không và cần bổ sung thêm những vấn đề gì. Theo thời gian, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của tôi cũng dần được nâng cao.

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1995, tôi bắt đầu tham gia giảng dạy nhiều hơn, không chỉ cho sinh viên y khoa mà còn cho các lớp chuyên khoa I, II, cao học, nghiên cứu sinh ngành Tâm thần và các chuyên ngành khác học bộ môn tâm thần”.

ad-4nxe87kiv-yzlfdo4qmdi05c5nvz9fq-ra-j-oizbptmjbaz-ppl9zkt3jrj0ofgez3-5aqnebmjwwchq5udyijxi-iugi4idpo-ciykkt5kkbnxknjizaelmegvos6wvkhrkkjbj-7040.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức tặng sách cho sinh viên tại Học viện Quân y. (Ảnh: NVCC)

Vừa là một bác sĩ vừa công tác trong lĩnh vực giáo dục, thầy Đức phải phân chia công việc rõ ràng để duy trì sự cân bằng, đảm bảo chất lượng giữa công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân và công tác giảng dạy.

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức cho biết, thầy chủ yếu chuẩn bị bài giảng ở nhà và lên lớp giảng dạy theo kế hoạch của nhà trường và bộ môn. Đối với công tác khám chữa bệnh, thầy thường đến khoa sớm, ít nhất trước giờ thăm khám 30 phút. Buổi chiều có khi thầy về muộn, thậm chí rất muộn để khám bệnh hoặc xem lại hồ sơ bệnh án và tài liệu với những ca bệnh khó.

“Tôi cũng bố trí thời gian để tiếp học sinh, sinh viên và cả gia đình người bệnh khi họ có vấn đề cần giải đáp. Việc này diễn ra trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại. Lúc đầu là điện thoại cố định, sau này sử dụng điện thoại di động, điện thoại di động của tôi không bao giờ tắt máy, luôn luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi”, thầy Đức chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó với giảng đường, các thế hệ học trò dành cho thầy Cao Tiến Đức cách gọi gần gũi và thân thương - “bố Đức”. Thầy Đức cho rằng đây là phần thưởng lớn trong sự nghiệp giáo dục của mình.

“Nhiều sinh viên, học viên vẫn thường xuyên chia sẻ những vấn đề cá nhân, những vướng mắc trong cuộc sống, tình yêu với tôi. Đôi khi, có sinh viên mắc lỗi cũng đến giãi bày với tôi, nhờ tôi chỉ giúp cách khắc phục. Tôi luôn coi học trò như anh, chị, em, con cháu trong gia đình.

Tôi thấy có một số sinh viên không muốn học bộ môn tâm thần. Tôi nghĩ có nhồi nhét kiến thức vào đầu mà các em không thích. Vì vậy theo tôi cần phải làm cho sinh viên hiểu sự cần thiết của việc học ngành Tâm thần nói chung và bộ môn Tâm thần nói riêng dù sau này có làm chuyên khoa tâm thần hay không. Tôi muốn truyền cho sinh viên hứng thú trong học tập để họ tự giác, say mê với môn học này”, thầy Đức kể.

Với sự phát triển của y học và sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề sức khỏe tâm thần, sinh viên hiện nay ngày càng có cái nhìn tích cực hơn về ngành Tâm thần. Nhiều người lựa chọn theo đuổi ngành này, đặc biệt không ít sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp tiếp tục tham gia kỳ thi bác sĩ nội trú và chọn ngành Tâm thần để theo học. Đây là một tín hiệu tích cực nhưng để trở thành một bác sĩ tâm thần giỏi, ngoài kiến thức chuyên môn, còn cần phải có những phẩm chất đặc biệt.

Theo thầy Đức, người học không chỉ cần học tốt kiến thức chuyên ngành mà cần phải có kiến thức toàn diện về các chuyên khoa khác như nội khoa, ngoại khoa, tâm lý học,... Các bạn trẻ cần hiểu và chấp nhận những khó khăn, gian khổ của công việc bác sĩ tâm thần và cần có niềm đam mê, sự thông cảm với người bệnh, gia đình của họ, coi người bệnh như người thân. Không những thế, việc học tập nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của của công việc cũng rất quan trọng.

unnamed - 2025-02-19T141209.314.png
Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức cùng sinh viên ngành Y khoa tại Học viện Quân y. (Ảnh: NVCC)

Thời gian tới, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức mong muốn được góp sức lực và trí tuệ vào việc phát triển công tác giáo dục và y tế tại khu vực Tây Nguyên.

“Tôi hi vọng có thể tiếp tục góp phần xây dựng và phát triển Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột ngày càng lớn mạnh, uy tín, chất lượng, hiệu quả, cam kết vì lợi ích cộng đồng, có ảnh hưởng xã hội ngày càng sâu, rộng!”, thầy Đức bày tỏ.

Ngọc Trâm