Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non từ năm 2025 dự kiến có một số thay đổi. Trong đó có vấn đề liên quan đến phương thức xét tuyển sớm.
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2025, Bộ sẽ chính thức bỏ phương thức xét tuyển này.
Việc Bộ Giáo dục và Đạo tạo bỏ phương thức xét tuyển sớm, dự kiến cũng sẽ có những tác động nhất định đến kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học.
Bỏ xét tuyển sớm mang lại nhiều thuận lợi cho nhà trường
Chia sẻ về điểm mới này trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết: “Cần nhấn mạnh lại sự khác biệt giữa hai khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức xét tuyển ngoài điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Xét tuyển sớm là việc công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông) trước đợt xét tuyển chung của toàn quốc.
Do đó, các trường hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì các phương thức xét tuyển như trước đây, nhưng thay vì công bố kết quả trúng tuyển sớm thì sẽ đưa dữ liệu lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ, lọc ảo tất cả các phương thức và công bố kết quả trúng tuyển vào cùng 1 thời điểm với các trường trong cả nước, theo kế hoạch của Bộ Giáo dục đại học
Bởi vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm nhìn chung không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của Học viện Ngân hàng".
Thầy Hà khẳng định, việc bỏ xét tuyển sớm mang lại nhiều thuận lợi cho các trường, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội, đồng thời giúp tăng cường sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh.
Ngoài ra, quy định mới cũng giúp thí sinh tập trung học tập tốt hơn trong học kỳ 2 của năm lớp 12, tránh bị xao nhãng bởi các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển “quá sớm”. Nhiều điều chỉnh khác trong dự thảo quy chế tuyển sinh cũng nhằm mục tiêu này.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thông tin, việc bỏ xét tuyển sớm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không tác động lớn đến kế hoạch tuyển sinh của học viện.
Thậm chí, quy định này giúp Hội đồng tuyển sinh chủ động hơn về thời điểm tuyển sinh do không bị phân tán thành 2 đợt kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 9.
Theo đó, công tác quản lý dữ liệu có nhiều thuận lợi đối với nhóm học sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc theo các phương thức khác nhau. Việc phân bổ chỉ tiêu rõ ràng hơn giữa các phương thức, độ tin cậy cao hơn do không bị lệ thuộc vào kết quả của đợt xét tuyển sớm.
Được biết, năm 2025 Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cơ bản giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét kết quả học tập lớp 12, có sử dụng tổ hợp Ngữ văn – Địa lý – Giáo dục Kinh tế và Pháp luật để xét tuyển đối với tất cả các ngành.

Một số trường đại học sẽ có điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh
Dưới góc nhìn của Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của một số trường đại học, đặc biệt là những đơn vị trước đây dựa nhiều vào phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, hoặc điểm thi đánh giá năng lực. Phía các trường đại học phải có sự điều chỉnh lại phương án tuyển sinh.
Ngoài ra, một số thí sinh có thể cảm thấy áp lực khi tất cả các phương thức xét tuyển đều dồn vào 1 giai đoạn duy nhất là sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, bỏ xét tuyển sớm từ mùa tuyển sinh 2025 sẽ giúp cho các trường đại học và các thí sinh an tâm hơn vì những lý do sau:
Đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh, do các phương thức tuyển sinh đều diễn ra trong cùng 1 khung thời gian, thí sinh sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng, tránh tình trạng thí sinh trúng tuyển sớm sau đó rút hồ sơ, gây xáo trộn dữ liệu tuyển sinh.
Giảm áp lực cho công tác quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tuyển sinh diễn ra đồng bộ giúp Bộ dễ dàng kiểm soát dữ liệu, hạn chế tình trạng ảo do thí sinh trúng tuyển nhiều trường khác nhau nhưng không nhập học.
Các trường đại học, có thể đánh giá toàn diện hơn khi xét tuyển cùng lúc, tránh tình trạng ưu tiên những thí sinh đăng ký sớm mà chưa xét trên mặt bằng chung.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Quang Dũng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, việc bỏ phương thức xét tuyển sớm giúp nhà trường tiết kiệm được không ít nguồn lực cho công tác này như xây dựng hệ thống đăng ký xét tuyển, tổng hợp/ phân tích dữ liệu, tổ chức xét tuyển sớm, đưa dữ liệu trúng tuyển sớm lên hệ thống nghiệp vụ…
Công tác quản lý dữ liệu sẽ thuận lợi hơn vì chỉ có 1 đợt xét chung, đảm bảo tính thống nhất về thông tin. Việc phân bổ chỉ tiêu theo các phương thức cũng không còn phức tạp vì đã có công thức quy đổi điểm tương đương.
Ngoài ra, với quy định mới, quyền lợi của những thí sinh không kịp đăng ký xét tuyển sớm như các năm trước sẽ được đảm bảo. Vì tất cả các phương thức được xét đồng thời trong cùng 1 đợt. Nhà trường cũng có điều kiện tốt hơn để lựa chọn thí sinh.
Thầy Dũng thông tin, nhiều năm gần đây Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải đều tổ chức xét tuyển sớm, với việc bỏ phương thức xét tuyển này, nhà trường phải xây dựng lại kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp với quy định mới.

Thí sinh giữ vững tâm lý, tập trung tối đa ôn thi
Việc bỏ phương thức xét tuyển sớm khiến không ít thí sinh có phần hoang mang, theo Tiến sĩ Trần Mạnh Hà những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm nay đều có mục đích nhằm nâng cao sự công bằng giữa các thí sinh trong việc xét tuyển đại học, sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh, tăng tính minh bạch và đồng thời tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Do đó, thí sinh không cần lo lắng và tập trung học tập tốt năm lớp 12.
Với Học viện Ngân hàng, nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh và sự ổn định trong tuyển sinh, nhà trường tiếp tục duy trì 5 phương thức xét tuyển tương tự như năm 2024 (xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông, xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế, xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông)
Bởi vậy, thí sinh có thể yên tâm tiếp tục học tập, nâng cao thành tích với các phương thức mà các em đã định hướng, ôn tập trước đó để xét tuyển vào học viện.

Quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy là, với quy định mới, các thí sinh được đánh giá, lựa chọn thông qua 1 kỳ tuyển sinh chung với những tiêu chuẩn thống nhất, không bị tác động bởi yếu tố khách quan như mức độ chênh lệch về đánh giá kết quả theo điểm học bạ giữa các trường hay điều kiện để học và thi các kỳ thi riêng/chứng chỉ quốc tế.
Vì thế, học sinh có nền tảng kiến thức vững có thể tự tin vào năng lực cá nhân để tập trung ôn thi các khối và môn theo tổ hợp xét tuyển, không mất nhiều thời gian để cùng lúc có được học bạ “đẹp” trong cả năm học hay phải đạt mức điểm theo quy định đối với các chứng chỉ quốc tế/chứng đánh giá năng lực.
Để học sinh đáp ứng những thay đổi trong quy chế tuyển sinh đại học 2025, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết:
"Thí sinh năm nay cần theo dõi sát sao các thông báo chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học, nhất là trên trang web của Bộ và các trường, để hiểu rõ về quy trình xét tuyển, tránh hiểu sai hoặc bỏ lỡ cơ hội quan trọng.
Tiếp đó, thí sinh chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các phương thức xét tuyển đều diễn ra đồng thời, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn đóng vai trò quan trọng trong xét tuyển. Bởi vậy, thí sinh cần tập trung ôn tập để đạt kết quả cao nhất.
Ngoài ra, các em phải lập kế hoạch đăng ký nguyện vọng hợp lý, thay vì chỉ dựa vào xét tuyển sớm, thí sinh cần cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn nguyện vọng để tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển.
Đặc biệt là các em giữ tâm lý vững vàng. Việc thay đổi phương thức xét tuyển có thể gây tâm lý lo lắng, nhưng điều quan trọng là thí sinh cần tin tưởng vào năng lực bản thân, chuẩn bị kỹ lưỡng và giữ tâm lý ổn định để có kết quả tốt nhất".
Với quan điểm của Tiến sĩ Phạm Quang Dũng, những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2025 không làm thí sinh mất đi cơ hội, ngược lại còn mở ra nhiều cánh cửa hơn khi xét tuyển vào các trường đại học, tăng tính công bằng và đảm bảo quyền lợi của các em.
Thầy Dũng lưu ý, các thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường định đăng ký xét tuyển và phải nắm rõ nguyên tắc xét tuyển để lựa chọn thứ tự nguyện vọng phù hợp với mong muốn của mình.
Các em nên tập trung để đạt được kết quả học tập tốt, thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt điểm cao hoặc có thể lựa chọn những kỳ thi riêng (đánh giá tư duy, năng lực…) phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân.