Duy trì phòng giáo dục, các cuộc thi thêm vòng cấp huyện có cần thiết?

24/02/2025 09:20
THANH AN

GDVN - Vai trò của phòng giáo dục và đào tạo không còn được như trước do công nghệ thông tin phát triển và một số nhiệm vụ, chức năng đã được chuyển về UBND huyện.

Hiện nay, cả nước có khoảng 700 đơn vị hành chính cấp huyện, điều này cũng đồng nghĩa với số lượng phòng giáo dục và đào tạo tương đương.

Tuy nhiên, những năm gần đây, vai trò của phòng giáo dục và đào tạo không còn được như trước do công nghệ thông tin phát triển và một số nhiệm vụ, chức năng đã được chuyển về cho Ủy ban nhân dân huyện. Vì thế, việc duy trì phòng giáo dục trong bối cảnh hiện nay không còn thực sự cần thiết.

Khi tổ chức các cuộc thi, bất cập của cấp trung gian - phòng giáo dục và đào tạo thể hiện khá rõ.

so-do-2526-4883.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Còn phòng giáo dục và đào tạo, cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thêm vòng thi cấp huyện

Cứ tạm tính, mỗi phòng giáo dục và đào tạo có khoảng 12-15 nhân sự, với số lượng phòng giáo dục như trên thì nhân sự đã lên đến cũng hơn 8 nghìn nhân sự gồm lãnh đạo, chuyên viên, nhân viên thuộc khối cơ quan này.

Mỗi lãnh đạo, chuyên viên phụ trách mảng nào, cấp học nào bao giờ cũng muốn tạo những “điểm nhấn”, có thành tích đối với mảng hoạt động mà mình phụ trách. Vì thế, thêm nhiều thủ tục, cuộc thi, nhiều đợt thanh, kiểm tra không cần thiết và dưới cơ sở thêm áp lực.

Đặc biệt, một số cuộc thi, hội thi mà ngành tổ chức thì cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thêm một khâu trung gian là cấp huyện tổ chức, chấm thi cũng nảy sinh bất cập.

Ví dụ như việc viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên cấp trung học phổ thông hiện nay sau khi cấp trường chấm chọn (cấp cơ sở) thì gửi trực tiếp cho sở giáo dục chấm chọn và Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận giải cấp tỉnh.

Nhưng, giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải bắt buộc thêm cấp huyện và cấp huyện công nhận giải thì những sáng kiến kinh nghiệm đó mới có giá trị xét thi đua, tính thành tích cho cá nhân.

Trong khi, nhiều huyện có đến cả gần 100 trường cho 3 cấp học và lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo có hơn chục người. Họ chấm không xuể và chuyên môn chưa chắc đã phù hợp.

Nhiều lãnh đạo chuyên viên có chuyên môn là Khoa học tự nhiên nhưng chấm sáng kiến ở mảng Khoa học xã hội, hoặc ngược lại. Vì thế, không ít nơi nhìn mặt chấm giải gây nên những xì xào sau mỗi cuộc thi.

Sau khi cấp cấp huyện, nếu giáo viên đó đủ điều kiện xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen cấp tỉnh… thì mới tiếp tục gửi sáng kiến cho sở chấm thẩm định.

Trong khi, giáo viên cấp trung học phổ thông họ bỏ qua bước trung gian cấp huyện nên khá thuận lợi trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm bởi họ chỉ có cấp trường (cấp cơ sở) và cấp tỉnh. Trong khi, giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng qua cấp trường, cấp huyện, rồi mới đến cấp tỉnh.

Các phong trào khác như, thi làm đồ dùng dạy học; thi soạn bài giảng E-learning; thi sáng tạo Khoa học kĩ thuật, thi tìm hiểu…cũng có cách chấm tương tự, bắt buộc phải qua cấp huyện. Thành ra, những “gương mặt thân quen” thì luôn có giải, những nhân tố mới ít được thừa nhận, dẫn đến bàn tán.

Các cuộc thi của học sinh cũng thêm vòng huyện tương tự. Chẳng hạn thi học sinh giỏi văn hóa cuối cấp trung học cơ sở; thi giải máy tính cầm tay; thi hùng biện tiếng Anh; thi văn nghệ…đều phải trải qua vòng thi cấp huyện rồi mới thi cấp tỉnh. Trong khi, học sinh cấp trung học phổ thông chỉ thi cấp tỉnh.

Việc các cuộc thi, hội thi, các phong trào khi tổ chức qua cấp huyện cũng đồng thời phát sinh thêm kinh phí chi cho khâu tổ chức, giám thị, giám khảo, giáo viên, học sinh đạt giải. Đó là chưa kể thời gian, công sức của các nhà trường, giáo viên và học sinh rồi mới đến thi cấp tỉnh.

Bỏ phòng giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hiện nay là cần thiết

Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở không còn trực thuộc phòng giáo dục và đào tạo như trước đây mà trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện. Con dấu nhà trường cũng đã chuyển sang cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân huyện chứ không phải là phòng giáo dục và đào tạo như trước đây.

Chi ủy các trường học cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì trực Đảng ủy xã (phường, thị trấn) nên vai trò quản lý của phòng giáo dục và đào tạo đối với các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chỉ còn ở mảng chuyên môn.

Song, đối với mảng chuyên môn thì hiện nay đã có hội đồng cốt cán các bộ môn nối dài từ trường đến sở giáo dục nên về cơ bản các bộ môn họ cũng có những cách thức hoạt động liên thông với nhau.

Chẳng hạn, khi tổ chức kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chuyên viên từng bộ môn của Phòng Giáo dục Trung học; Tiểu học (sở giáo dục) sẽ làm việc về nhân sự chấm thi với một số thành viên cốt cán. Khi xong xuôi, họ thông báo nhân sự cho phòng giáo dục.

Hoặc, khi lựa chọn nhân sự đi ra đề, phản biện đề thi tuyển sinh 10 thì chuyên viên sở họ cũng chọn nhân sự rồi mới thông báo về phòng giáo dục. Về cơ bản, bộ phận chuyên môn của phòng giáo dục chỉ có 1 chuyên viên nên không thể cáng đáng hết được các hoạt động chuyên sâu của từng bộ môn, nhất là những môn liên quan đến thi cử.

Báo cáo số liệu hiện nay, nhiều khi sở cũng xem phòng là cấp trung gian, họ thực hiện báo cáo trên bảng tính nên các trường nhập trực tiếp luôn.

Mấy năm nay, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều phát sinh, khó khăn thì từng bộ môn họ sẽ trao đổi qua nhóm zalo của hội đồng cốt cán cấp tỉnh nên mọi thứ nhanh chóng, thuận lợi từ sở xuống đến giáo viên các nhà trường.

Nếu đi theo đường truyền thống, các thông tin này sẽ từ sở, qua phòng, về trường rồi mới đến giáo viên.

Vì vậy, việc duy trì phòng giáo dục và đào tạo hiện nay có cần thiết hay không là việc nên xem xét.

Người viết là giáo viên trung học cơ sở nhận thấy, trường học cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nếu không còn phòng giáo dục và đào tạo có thể sẽ hoạt động tốt hơn vì họ không phải chịu thêm một cấp quản lý trung gian nữa.

Thời đại công nghệ thông tin, các văn bản chỉ đạo của Bộ đăng trên cổng thông tin xong là giáo viên cả nước đều biết. Nhưng có khi phải rất lâu thì các nhà trường mới triển khai vì nó phải qua nhiều cấp trung gian.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN