Luật Nhà giáo cần rõ cơ chế giám sát tuyển dụng, điều động GV để tránh "cát cứ"

28/03/2025 09:00
Việt Dũng

GDVN - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo.

Chiều ngày 27/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, và Xã hội của Quốc hội đã tổ chức buổi Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo.

Đến tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Thanh – Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cùng với các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các khu vực lân cận.

Đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 1,59 triệu nhà giáo

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 1,59 triệu nhà giáo, trong đó hơn 70% các thầy cô đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập, còn lại là các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, đội ngũ nhà giáo ngoài công lập đang ngày càng phát triển, yêu cầu đặt ra là cần có một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo lúc này là một yêu cầu cấp thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

gdvn_baThanhLNG.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc tọa đàm (ảnh: V.D)

Dự thảo Luật Nhà giáo đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp lần thứ 8 vào tháng 10/2024. Đến nay, sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý thì dự thảo gồm có 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo đã trình tại Kỳ họp lần thứ 8).

Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự và các chuyên gia cũng đã cho ý kiến về các nội dung như: Quy định về chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo; Thẩm quyền tuyển dụng đối với nhà giáo; Quy định về thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập; Quy định về quyền, nghĩa vụ và những việc không được làm đối với nhà giáo.

gdvn_toancanhLNG.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo (ảnh: V.D)

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã góp ý về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; chính sách nhà giáo ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; điều kiện nghỉ hưu của giáo viên mầm non…

Cần đồng bộ quy định giữa Luật Nhà giáo và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Thủy – Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang phân tích, nếu được ban hành, Luật Nhà giáo sẽ mang lại sự bình đẳng giữa nhà giáo ở khu vực công lập và ngoài công lập, thừa nhận sự đóng góp của khu vực ngoài công lập trong việc đáp ứng các nhu cầu học tập đa dạng của xã hội.

“Hoạt động của nhà giáo hiện nay thực hiện theo năm học, trong khi một số quy định về đánh giá, khen thưởng lại thực hiện theo năm dương lịch như các cơ quan hành chính, sự nghiệp khác. Chính vì vậy, tôi đề xuất đánh giá nhà giáo theo năm học, chứ không nên theo niên lịch hành chính, nhằm kịp thời ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Thủy đề nghị.

Về vấn đề tuyển dụng, điều động nhà giáo, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói, dự thảo Luật Nhà giáo chưa làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc tuyển dụng và điều động nhà giáo không bị "cát cứ", tùy tiện giữa các địa phương.

gdvn_ongHieuLNG.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: V.D)

Cũng nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nêu lên một thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không cho phép việc điều động viên chức giữa các địa phương.

Cụ thể là hiện nay, bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở, việc tuyển dụng giáo viên sẽ do Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện, chưa cho phép việc điều động giáo viên giữa các địa phương với nhau, còn chỉ riêng bậc trung học phổ thông là do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, thì có thể thực hiện việc điều động nhân sự trong trường hợp cần thiết.

Do vậy, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị cần đồng bộ giữa Luật Nhà giáo và Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu của Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó có vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên.

Dự thảo Luật Nhà giáo quan tâm tối đa tới hệ thống nhà giáo ngoài công lập

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, dự án Luật Nhà giáo đã được Ban soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi, cầu thị tiếp thu, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ chuyên gia cho đến địa phương, các cơ sở giáo dục.

Với tinh thần này, trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa và Xã hội tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trong đó chỉ tính riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hội nghị lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục đại học tư thục, Sở Giáo dục và Đào tạo. Tinh thần của Ban soạn thảo là luật xây dựng để phát triển nhà giáo, xây dựng lực lượng của ngành, không nhằm siết chặt quản lý, làm mất đi không gian sáng tạo, hoạt động nghề nghiệp của các thầy cô.

gdvn_ThutruongThuongLNG.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu (ảnh: V.D)

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, tất cả các ý kiến đều được ghi âm, đưa vào từng nhóm nội dung cụ thể để rà soát, khách quan, công bằng nhưng đảm bảo tinh thần nhà giáo là viên chức đặc biệt, cần có cơ chế và chính sách đặc biệt, vượt trội, chứ không phải đặc quyền và đặc lợi của nhà giáo. Vì thế, đến thời điểm này có nhiều nội dung nổi trội, khác biệt trong dự thảo luật.

Một điểm khác biệt nữa của dự thảo Luật Nhà giáo lần này, là sự quan tâm tối đa tới hệ thống nhà giáo ngoài công lập, như là các thầy cô cũng được hỗ trợ kinh phí tập huấn như giáo viên công lập.

Ngoài ra, đối với việc tuyển dụng, dự thảo Luật Nhà giáo quy định đối với cấp xã quản lý và tổ chức quy hoạch về cơ sở giáo dục trên địa bàn, đầu tư công; còn tuyển dụng nhân sự do ngành giáo dục mà cụ thể là Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị sẵn sàng 3 Nghị định, 13 thông tư để ban hành khi dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua.

Cuối cùng, ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh: “Tháng 5 này, Luật Nhà giáo được thông qua sẽ là tin vui lớn khi năm 2025 kỷ niệm 80 năm ngành Giáo dục. Dự thảo Luật được thông qua sẽ cụ thể hóa hơn nữa sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ, tiếp thu tối đa các ý kiến của chuyên gia để có sản phẩm tốt nhất, không quá cầu toàn mà chặt chẽ nhất có thể”.

Việt Dũng