“Sát thủ” SSN-26 Yakhont

05/12/2011 11:07
Theo Báo Hà Nội Mới
Bất chấp sức ép từ Mỹ và Israel, Nga vẫn tuân thủ cam kết với Syria khi khẳng định vừa giao cho Damascus một số tên lửa

Bất chấp sức ép từ Mỹ và Israel, Nga vẫn tuân thủ cam kết với Syria khi khẳng định vừa giao cho Damascus một số tên lửa đất đối hạm siêu thanh SSN-26 Yakhont tiên tiến bậc nhất hiện nay.


Thông tin về thương vụ này, được đồn đoán vào khoảng 300 triệu USD, xuất hiện vào năm 2009; một năm sau đó, Nga chính thức thông báo sẽ thực hiện thỏa thuận với đồng minh truyền thống trong thế giới Arab cho dù nhận được yêu cầu phá bỏ hợp đồng từ Washington và Tel Aviv.
Với tầm bắn gần 400km và tốc độ Mach 2, gấp đôi vận tốc âm thanh, tên lửa Yakhont được xem là cơn ác mộng với mọi lực lượng hải quân.

Sử dụng nhiên liệu lỏng, dài 8,9m, nặng 3 tấn và có khả năng làm nổ tung mục tiêu với đầu đạn khoảng 300kg, Yakhont có nguyên lý hoạt động cực kỳ đặc biệt khi có thể bay ở tầm cao trong suốt hành trình và hạ xuống tầm thấp khi tiếp cận mục tiêu.

Khi cách đích khoảng 15km, tên lửa hành trình này có thể bay cách mặt biển chỉ 10m khiến nó gần như không bị radar phát hiện. Bên cạnh đó, việc triển khai vũ khí này cũng khá linh hoạt do Yakhont có thể đặt trên xe tải hoặc bệ phóng cố định.

Chương trình tên lửa hiện đại này được thực hiện từ những năm 1990 nhưng sau đó bị đình trệ vì thiếu kinh phí. Việc nối lại chế tạo loại vũ khí đặc biệt này chỉ diễn ra khi Nga có ý định xuất khẩu.

Những tính năng đặc biệt của Yakhont là lý do Mỹ, đặc biệt là Israel phản đối kịch liệt giao dịch giữa Nga và Syria. Tel Aviv cho rằng việc Damascus sở hữu tên lửa được xem như "sát thủ tàu chiến" có thể đe dọa cân bằng quân sự chiến lược tại khu vực cũng như những nguy cơ nghiêm trọng với toàn bộ các tàu hải quân ở khu vực Địa Trung Hải.

Cho đến thời điểm hiện tại, tên lửa đất đối hạm này cũng là loại vũ khí tối tân hơn bất kỳ tên lửa chống hạm nào mà Syria đang sở hữu.

Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy Syria có thể chuyển phiên bản cũ của Yakhont cho nhóm Hezbollah tại quốc gia láng giềng Lebanon mà Damascus được cho là đang hậu thuẫn, nhưng Israel vẫn xem đây là một mối nguy tiềm tàng có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của quốc gia Do Thái. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, không có lý do gì để phiên bản mới nhất của Yakhont rơi vào tay nhóm vũ trang Shiite bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

Sự việc trở nên nóng hơn khi có thông tin cho rằng, Nga sẽ chuyển giao tới 72 quả tên lửa siêu thanh này cho Syria vào thời điểm chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang chịu những sức ép toàn cầu liên quan đến tình trạng bất ổn an ninh trong nước.

Mátxcơva cho rằng thỏa thuận mua bán vũ khí gây tranh cãi này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Nga sẽ tiếp tục theo đuổi bản hợp đồng.

Mặc dù vậy, thương vụ giữa Nga - Syria diễn ra vào thời điểm vô cùng nhạy cảm làm phương Tây và Israel không thể không dè chừng khi Yakhont có thể hoạt động trong khuôn khổ hệ thống phòng thủ ven biển lưu động với nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ bờ biển Syria khỏi nguy cơ tấn công từ biển.

Nó cũng được xem là một động thái cho thấy, Nga vẫn tiếp tục củng cố sự hiện diện ở Trung Đông đang dần nằm dưới sự sắp đặt của phương Tây.
Theo Báo Hà Nội Mới