Tại phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ngày 15/3, Tổng Bí thư Tô Lâm có chia sẻ vai trò của Khoa học cơ bản, Toán lý thuyết. Tổng Bí thư cũng nêu lên thực tế rằng, ít người lựa chọn học các ngành này dù việc chú trọng Khoa học cơ bản, Toán lý thuyết sẽ giúp đạt những thành tựu về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, lượng tử…
Thực tế, bên cạnh một số thuận lợi, việc việc đào tạo nguồn nhân lực trong ngành Toán học ở Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn.
Tăng cường nhân lực Toán học là cần thiết
Đề cập rõ hơn về tầm quan trọng của ngành Toán học, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười – Trưởng khoa Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Ủy viên Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) cho biết:
Toán học là nền tảng cốt lõi của Công nghiệp 4.0, góp phần phát triển các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT). Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, việc tăng cường nguồn nhân lực Toán học chất lượng cao là yếu tố then chốt để Việt Nam bắt kịp xu thế toàn cầu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trong tương lai, xu hướng giao thoa giữa Toán học và các ngành khoa học khác sẽ ngày càng rõ nét, như trong Y học (mô hình hóa dịch tễ và phân tích gene), Kinh tế (tối ưu hóa đầu tư và dự báo thị trường), Vật lý (mô phỏng hiện tượng tự nhiên) và Tin học (thuật toán học máy và xử lý dữ liệu).
Sự kết hợp này không chỉ mở ra những hướng nghiên cứu mới mà còn góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn và thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ.
"Việt Nam có nhiều thuận lợi trong đào tạo Toán học như truyền thống học tập lâu đời, thành tích cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và nền tảng tư duy logic tốt. Các chương trình STEM và chuyển đổi số quốc gia đều đề cao vai trò của Toán học, và một số trường đại học đã thiết lập hợp tác quốc tế, giúp sinh viên tiếp cận xu hướng mới nhất" - thầy Mười nói thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười – Trưởng khoa Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Ủy viên Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028). Ảnh: NVCC.
Dưới góc nhìn của Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm (Trường Đại học Cần Thơ), Ủy viên Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028): "Toán học không chỉ là nền tảng của nhiều ngành khoa học và công nghệ mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế tri thức.
Toán học trở thành công cụ cốt lõi để giải quyết các vấn đề phức tạp, tối ưu hóa quy trình, phát triển công nghệ mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, mật mã học, tài chính định lượng, và mô hình hóa toán học đều dựa trên những nguyên lý và phương pháp Toán học.
Việc tăng cường nguồn nhân lực Toán học không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia trên trường quốc tế. Nhiều quốc gia đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và đào tạo Toán học. Bởi họ nhận thức được rằng sự phát triển khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực mũi nhọn như Công nghệ thông tin, Y học chính xác, Kỹ thuật vật liệu, đều cần đến các công cụ Toán học tiên tiến.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình trí tuệ nhân tạo gần đây cũng đặt ra những thách thức mới về mặt Toán học, đòi hỏi các nhà Toán học đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển các thuật toán có hiệu suất cao và đảm bảo tính chính xác, ổn định của hệ thống".
Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quốc Anh cho biết, Toán học sẽ tiếp tục phát triển theo 2 hướng chính là:
Toán học lý thuyết: Hướng nghiên cứu này tập trung vào phát triển các lý thuyết toán học nền tảng, chẳng hạn như lý thuyết số, hình học đại số, đại số trừu tượng và Toán rời rạc. Những nghiên cứu trong các lĩnh vực này không chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà còn đóng góp quan trọng vào các ứng dụng thực tiễn như mã hóa dữ liệu, an toàn thông tin, và tính toán lượng tử.
Toán học ứng dụng: Hướng này tập trung vào việc áp dụng Toán học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, mô phỏng tính toán, tối ưu hóa, kinh tế lượng, y sinh học và kỹ thuật. Với sự bùng nổ của dữ liệu lớn (Big Data) cùng nhu cầu phân tích dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, Toán học ứng dụng ngày càng trở thành một công cụ quan trọng giúp đưa ra các quyết định chính xác và hiệu quả hơn.
Có thể thấy, Toán học là lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành công nghiệp và đời sống xã hội. Việc đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục Toán học không chỉ giúp nâng cao năng lực khoa học - công nghệ của quốc gia mà còn góp phần thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững trong tương lai.
Cần thiết phải đổi mới chương trình đào tạo
Chia sẻ về những khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực Toán học ở Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười nói: "Số lượng sinh viên theo học giảm mạnh, nhiều trường phải dừng tuyển sinh ngành Toán học và Toán ứng dụng. Nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là tiến sĩ Toán học và Thống kê, chưa đạt chỉ tiêu quốc gia.
Việc thu hút sinh viên theo học Toán chưa cao, do ngành học này bị xem là khó và ít cơ hội việc làm hấp dẫn so với các ngành Kinh tế, Công nghệ. Hơn nữa, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và giảng dạy Toán học chưa thực sự đồng bộ và hiện đại, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, chương trình đào tạo Toán học hiện nay chủ yếu tập trung vào lý thuyết. Tuy nền tảng lý thuyết vững chắc, nhưng còn thiếu kỹ năng thực tiễn, lập trình, công nghệ và kỹ năng mềm, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số".
Theo thầy Mười, để phù hợp với xu hướng quốc tế và yêu cầu của nền kinh tế số, chương trình đào tạo Toán học cần đổi mới theo hướng ứng dụng, tăng cường kỹ năng công nghệ, hợp tác quốc tế và kết nối với doanh nghiệp. Đây là giải pháp thiết yếu để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển bền vững, cụ thể:
Tăng cường tính ứng dụng: Cần bổ sung các môn học liên quan đến khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, mô hình hóa và tính toán khoa học vào chương trình Toán học. Việc kết hợp Toán học với các ngành khác như Kinh tế, Sinh học, Công nghệ thông tin sẽ giúp sinh viên có cái nhìn thực tiễn và đa chiều.
Đổi mới phương pháp giảng dạy: Giảm cách tiếp cận nặng về lý thuyết, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như học qua dự án, thực hành trên dữ liệu thực tế, sử dụng phần mềm mô phỏng, và hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thực tế.
Thúc đẩy nghiên cứu và công bố quốc tế: Sinh viên và giảng viên cần được tạo điều kiện để tham gia nghiên cứu sớm, tiếp cận các đề tài thực tiễn và có cơ hội công bố quốc tế. Nhà trường nên hợp tác với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để hỗ trợ tài chính và hướng dẫn nghiên cứu.
Xây dựng chương trình đào tạo liên ngành: Tích hợp Toán học với các lĩnh vực khác như Khoa học máy tính, Tài chính định lượng, Khoa học vật liệu, Sinh học tính toán để mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Mở rộng chương trình trao đổi sinh viên, hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới để cập nhật các xu hướng Toán học hiện đại và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận môi trường nghiên cứu tiên tiến.
Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quốc Anh cho rằng, số lượng người học ngành Toán học và Khoa học cơ bản đang có xu hướng giảm, đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển của nền khoa học và công nghệ của Việt Nam. Đáng chú ý là sự suy giảm này bắt đầu ngay từ các cấp học dưới.
"Một trong những nguyên nhân khiến học sinh e ngại Toán học lý thuyết là do cách giảng dạy ở bậc phổ thông còn mang tính hàn lâm, chưa làm nổi bật được ứng dụng thực tiễn của Toán học. Nhiều học sinh cho rằng Toán là môn học khó, nặng về công thức và chứng minh. Trong khi thực tế, Toán có vai trò thiết yếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống và sản xuất.
Việc giảng dạy Toán học cần được đổi mới theo hướng trực quan, ứng dụng nhiều hơn vào thực tiễn để học sinh thấy được giá trị của Toán học đối với các ngành khoa học và công nghệ.
Chỉ khi Toán học được nhìn nhận đúng với giá trị, chúng ta mới có thể xây dựng một nền khoa học mạnh mẽ, làm nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghệ tiên tiến trong tương lai" - thầy Quốc Anh khẳng định.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Toán học
Để phát triển nguồn nhân lực Toán học cả về số lượng và chất lượng, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo cần tập trung vào các giải pháp sau:
Đổi mới cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ: Xây dựng chính sách thu hút nhân tài, tăng cường học bổng và trợ cấp cho sinh viên giỏi ngành Toán học. Đảm bảo thu nhập ổn định cho nghiên cứu sinh và ưu tiên tuyển dụng tại các viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ cao.
Nâng cao chất lượng giáo dục và định vị lại vai trò đại học: Đổi mới phương pháp giảng dạy Toán học theo hướng ứng dụng, kết hợp lý thuyết và thực tiễn. Các trường đại học cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học và khuyến khích giảng viên tham gia đề tài nghiên cứu.
Nhân rộng mô hình tiên tiến: Áp dụng các cơ chế đã thành công tại Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán sang các trường đại học và viện nghiên cứu khác. Học tập mô hình trả lương theo gói của Đại học Bách khoa Hà Nội để tạo động lực nghiên cứu.
Định hướng phát triển từ phổ thông: Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của Toán học và cải tiến chương trình giáo dục ở bậc phổ thông, nhằm khơi dậy niềm đam mê và định hướng nghề nghiệp từ sớm.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Toán học là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười đề xuất cần triển khai một số cơ chế, chính sách sau:
Thu hút và đãi ngộ nhân tài: Xây dựng chính sách lương, phụ cấp hấp dẫn, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, ổn định. Điều này giúp thu hút các nhà khoa học quốc tế và Việt kiều có trình độ cao về nước giảng dạy và nghiên cứu.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Thiết lập các chương trình nghiên cứu chung với các viện và đại học uy tín trên thế giới, đồng thời tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam để tạo điều kiện trao đổi học thuật.
Phát triển cơ sở vật chất và kinh phí: Đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu chất lượng cao, đảm bảo kinh phí nghiên cứu ổn định, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư và tận dụng các quỹ nghiên cứu quốc tế.
Đổi mới đào tạo và phương pháp giảng dạy: Cập nhật chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, chú trọng các ứng dụng hiện đại như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu và kỹ năng giảng dạy cho giảng viên.
Khuyến khích công bố quốc tế: Tạo cơ chế khen thưởng và hỗ trợ tài chính cho các công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tri thức từ chuyên gia nước ngoài cho giảng viên và sinh viên trong nước.
Như vậy, để phát triển Toán học Việt Nam bền vững và hội nhập quốc tế, việc xây dựng các cơ chế đột phá về thu hút nhân tài, hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo là rất cần thiết.

Trong Quyết định số 2200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến năm 2030, Nhà nước có đặt ra mục tiêu Hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và Thống kê, trong đó 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 02 công bố trên các tạp chí SCIE.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quốc Anh, để đạt được mục tiêu 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 2 bài báo SCIE, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính, hướng dẫn nghiên cứu, đồng thời tăng cường hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.; có chính sách ưu đãi cho những nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc, tạo động lực để họ cống hiến lâu dài trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, thực tế cho thấy, số lượng nhân lực theo đuổi các ngành Khoa học Tự nhiên, đặc biệt là Toán học, đang có xu hướng giảm sút. Điều này thể hiện rõ qua tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học Tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 chỉ đạt 37% trong tổng số gần 1,1 triệu thí sinh.
Đây là thách thức lớn đối với việc phát triển nguồn nhân lực Toán học trong nước, bởi vậy, cần có những biện pháp cụ thể để sớm khắc phục việc này, ví dụ như:
Tăng cường truyền thông và thay đổi nhận thức xã hội: Xây dựng các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh về vai trò của Toán học. Việc đưa Toán học vào các tình huống thực tế, tổ chức các cuộc thi sáng tạo, và liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp học sinh thấy được giá trị của ngành này.
Cải thiện điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp: Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ hấp dẫn hơn đối với những người theo đuổi lĩnh vực Toán học, bao gồm hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu, cơ hội việc làm trong các viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ cao và các trung tâm dữ liệu lớn.
Hợp tác quốc tế và thu hút nhân tài: Tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài quay về làm việc, đồng thời mời các chuyên gia quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam. Các chương trình hợp tác nghiên cứu với các trường đại học danh tiếng trên thế giới cũng cần được mở rộng.
Ngoài ra, Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quốc Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để phát triển nền Toán học của Việt Nam. "Việc thu hút các nhà khoa học nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu Việt Nam học tập và làm việc tại các trung tâm Toán học lớn trên thế giới sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng hội nhập quốc tế.
Cần có chính sách khuyến khích các chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam, thông qua các chương trình trao đổi, tài trợ nghiên cứu và hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu. Đồng thời, việc hỗ trợ và tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học Việt Nam trở về nước sau khi học tập ở nước ngoài là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, xây dựng các trung tâm nghiên cứu Toán học đạt chuẩn quốc tế, nơi quy tụ các chuyên gia hàng đầu, sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trong cộng đồng Toán học toàn cầu" - thầy Quốc Anh nói.