Chàng trai khiếm thị nghị lực, đa tài chơi được nhiều nhạc cụ

17/04/2025 09:27
Ngũ Thanh Tuyến

GDVN - Tuy những thành viên trong ngôi nhà nhỏ ấy không nhìn thấy ánh sáng nhưng vẫn có nguồn sáng được thắp lên từ tình yêu thương và nghị lực phi thường của họ.

Ngôi nhà đặc biệt ấy là tổ ấm của anh Bùi Ngọc Thịnh (sinh năm 2000) hiện ngụ tại trụ sở Hội Người mù Ninh Hòa, tổ dân phố 17, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Mặc dù bị khiếm thị từ nhỏ nhưng nghị lực sống, niềm đam mê âm nhạc và tình yêu thương đã giúp Thịnh và cả nhà vượt qua bóng tối và vươn lên trên số phận nghiệt ngã.

Thắp sáng cuộc đời tăm tối

Thịnh là kết quả sau cuộc hôn nhân do định mệnh sắp đặt của đôi vợ chồng khiếm thị Bùi Văn Lộc - Lê Thị Thủy.

Năm 2000, Thịnh ra đời trong niềm hạnh phúc của ba mẹ, dẫu cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Nhưng niềm vui của đôi vợ chồng đón con trai chào đời chưa được bao lâu, nỗi buồn lại vây kín gia đình. Ông Lộc đau đớn khi bác sĩ nhãn khoa giỏi tại các bệnh viện lớn thông báo Thịnh bị mù bẩm sinh giống bố mẹ.

Gạt nỗi đau thương, bất hạnh, gia đình ông Lộc dồn hết tình yêu vào đứa con trai khiếm thị. Họ sống chủ yếu dựa vào công việc làm tăm tre, làm nhang, bó chổi, chiếu… trong Hội người mù Ninh Hòa.

Ảnh 1 (16).JPG
Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi đến đời lòng mẹ vẫn theo con” (lời bài thơ “Con cò” của nhà thơ Chế Lan Viên). Ảnh nhân vật cung cấp.

Năm 3 tuổi, Thịnh đã có cảm giác với các loại nhạc cụ khi được ba mẹ đưa đi nghe chương trình văn nghệ do Hội Người mù Ninh Hòa biểu diễn. Lúc ấy Thịnh bắt đầu cảm nhận được nhịp điệu trống, những tiếng trống dần dần thành nhịp, thành điệu.

5 tuổi, Thịnh bắt đầu biết đi, nghe thấy nhạc, Thịnh lại tíu tít lên. Đêm về lại bắt mẹ hát, ba đàn, âm nhạc thấm dần trong trí não cậu bé khiếm thị.

Lên 6 tuổi, Thịnh bắt đầu tập tành với dàn trống cũ của Hội Người mù. Đến tuổi đi học, thương con, vợ chồng ông Lộc còn lặn lội đưa Thịnh đến Hội Người mù tỉnh (cách 40 km) để em được tham gia lớp học chữ nổi dành cho trẻ em khiếm thị. Thịnh sáng dạ nên tiếp thu bài rất nhanh.

Không nhìn thấy bằng mắt, Thịnh dùng tay sờ lên các dụng cụ để nhận dạng rồi ngồi ngay ngắn chính giữa đánh trống một cách chính xác. Năm 7 tuổi, Thịnh có thể đánh được hơn 100 điệu trống khác nhau, tất cả đều đúng và chuẩn nhịp.

Tỏa sáng một tài năng

Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng thấy được năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm của con, ba mẹ em vẫn tằn tiện gom góp mua “đồ nghề”, tìm thầy về dạy cho con. Do Thịnh có năng khiếu nên trong gần một năm, Thịnh đã chơi được rất nhiều các loại nhạc cụ một cách nhuần nhuyễn. Đến nay, Thịnh đã chơi được gần 300 bài hát bằng nhiều loại đàn khác nhau.

Khi đã chinh phục được “người bạn” trống, Bùi Ngọc Thịnh bắt đầu chuyển sang đánh guitar, organ và một số loại đàn khác. Thấy con mình tập luyện guitar khổ sở, đôi tay của em đau rát, chảy máu để lại nhiều vết sẹo, mẹ có ý định ngăn cản nhưng Thịnh nhất quyết theo đuổi đến cùng. “Dù khó khăn bao nhiêu con cũng quyết tâm học đàn vì con mê nó. Con muốn sau này trở thành nhạc sĩ sáng tác nhạc để giúp ích cho đời và cho ba mẹ”.

Năm 2006, cậu bé Thịnh khi ấy đã “rinh” huy chương vàng guitar cổ điển và huy chương bạc với ca khúc “Đứa bé” trong liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ IV của Hội Người mù Việt Nam.

Năm 2011, Thịnh được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao bằng kỷ lục Việt Nam. Tại hội thi Tiếng hát từ trái tim do Hội người mù tỉnh Khánh Hòa tổ chức, Thịnh đoạt giải Nhất với tiết mục đàn guitar cho mẹ hát, một giải nhất hòa tấu và một giải nhì độc tấu đàn Organ.

Ảnh 2 (16).jpg
Giấy chứng nhận của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập Thịnh là “cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất” là một trong những món quà lớn lao và ý nghĩa nhất mà Thịnh dành tặng cho cha mẹ. Ảnh nhân vật cung cấp.

Năm 2012, khi tròn 12 tuổi, Thịnh được vinh danh vào sách kỷ lục Việt Nam với danh hiệu “cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất” với 7 loại nhạc cụ khác nhau, bao gồm trống, đàn guitar cổ (phím lõm), organ, sến, nhị, tranh, kìm.

Ảnh 3 (8).jpg
Thịnh biểu diễn một trong 5 loại nhạc cụ mà mình thành thạo. Ảnh nhân vật cung cấp.

Sau khi đạt kỷ lục, Bùi Ngọc Thịnh được Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang tuyển thẳng vào học lớp năng khiếu đặc biệt của trường. Từ đó, Thịnh càng lao vào tập luyện hăng say hơn và được biểu diễn ở nhiều nơi.

Đến nay, Thịnh đã chơi thành thạo được 14 nhạc cụ (thêm các nhạc cụ nữa là sáo, đàn bầu, piano, violin, mandolin...).

Ảnh 4 (2).JPG
Bằng chính tài năng và niềm đam mê của mình, Thịnh đã mang lại “ánh sáng”, niềm hạnh phúc bất ngờ, lớn lao cho cha mẹ. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chân trời rộng mở

Không chỉ chơi thành thạo các loại nhạc cụ, Thịnh còn có năng khiếu sáng tác nhạc và sở hữu giọng ca khỏe khoắn. Có sự giúp sức và động viên của ba mẹ, Thịnh đã mày mò soạn được hàng chục bài nhạc và phổ nhạc cho các bài thơ.

Các ca khúc mà Thịnh đã sáng tác như "Cho ta", "Ước mơ", "Tung tăng"… gây ấn tượng mạnh cho người nghe. Đặc biệt, ca khúc “Cho ta” mà Thịnh đã trình diễn ở nhiều nơi, có những ca từ khiến người nghe không khỏi xúc động: “Cha mẹ sinh ra ta/ Cho ta cả cuộc đời/ Bầu trời xanh bao la/ Không phủ kín tình cha/ Biển rộng xanh mênh mông/ Không đong đầy tình mẹ/ Mai sau lớn lên người/ Con xây đắp cho đời/ Công ơn cha và mẹ/ Suốt đời con không quên”.

Ảnh 5 (1).JPG
Hạnh phúc, ánh sáng vẫn luôn tràn ngập trong tim mỗi thành viên gia đình Thịnh. Ảnh nhân vật cung cấp.

Hơn nữa, Thịnh còn tích cực viết báo. Khi có các ý tưởng mới, Thịnh đọc lại nhờ các bạn mắt sáng viết cho, sau đó đem đi gửi. Chủ đề viết báo mà Thịnh tâm đắc nhất là phê bình âm nhạc và văn hóa.

Thầy giáo Lưu Thế Hải, giáo viên trực tiếp của Thịnh luôn tự hào, nể phục về cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt nhưng đa tài trên lĩnh vực nghệ thuật: “Với người khác chơi được một loại nhạc cụ đã là giỏi, đằng này cậu bé bị mù như thế mà đã chơi thạo được hơn 10 loại nhạc cụ thì quả là một tài năng hiếm có”.

Ảnh 7 (1).JPG
Ông Bùi Văn Lộc (ba của Thịnh) luôn quan tâm lo lắng và dõi theo từng bước đi của con. Ảnh nhân vật cung cấp.

“Dẫu có vất vả thế nào, chúng tôi vẫn ráng hết sức làm tất cả vì con, giúp Thịnh luôn có cơ hội thỏa mãn niềm đam mê của mình. Nghe những lời khen, những bài báo viết về Thịnh, chúng tôi hạnh phúc lắm. Đó là động lực và ánh sáng duy nhất của những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi” - ba Thịnh cho biết.

Hiện tại, ngoài việc chơi đàn phục vụ trong tỉnh như liên hoan, lễ hội, Thịnh còn đảm nhiệm công việc phối nhạc cho nhiều phòng thu. Thịnh đã có thể tự kiếm tiền, nuôi sống bản thân và gia đình từ chính tài năng và nghị lực của mình. “Mong Thịnh có thể tự nuôi sống được bản thân và gia đình” - mẹ Thịnh xúc động tâm sự.

Những mong muốn nhỏ nhoi ấy của ba mẹ Thịnh đã phần nào trở thành hiện thực khi giờ đây, họ có quyền tự hào về con trai của mình được nhiều người biết đến với tấm gương nghị lực vượt lên số phận, khổ luyện với đam mê âm nhạc.

Dù nhìn xung quanh, Thịnh thấy toàn màu đen và bóng tối. Thịnh không thấy được gương mặt bố mẹ và bố mẹ cũng không thấy gương mặt con như thế nào. Thế nhưng, bức tranh cuộc sống đầy màu sắc và hình ảnh chân trời rộng mở chắc hẳn vẫn hiện lên vô vàn sinh động trước mắt họ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết được Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.

Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.

Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.

Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.

Ngũ Thanh Tuyến