Tại Tiêu chí 3.1, Tiêu chuẩn 3 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2”.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù hệ số vị trí của khuôn viên đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của thành phố trực thuộc Trung ương được tính = 2,5 thì thời gian từ nay đến 2030 để cải thiện tiêu chí về đất đai rất khó vì giá cả đất ngày càng leo thang, quỹ đất lại có hạn, thủ tục hành chính kéo dài, chưa kể còn phải cạnh tranh với nhiều lĩnh vực khác.
Bài toán tìm quỹ đất phù hợp ở khu trung tâm đô thị ngày càng khó khăn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường nhận thức rõ những thách thức trong việc đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất, đặc biệt là trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng hạn chế và giá đất liên tục tăng cao. Việc mở rộng hoặc nâng cấp diện tích đất phục vụ đào tạo gặp phải sự cạnh tranh từ nhiều lĩnh vực khác, gây khó khăn trong việc tìm kiếm và phát triển không gian mới.
Theo thầy Tuấn, việc cân đối giữa nhu cầu mở rộng diện tích và hiệu suất sử dụng đất cũng là một bài toán cần giải quyết. Trường đang tập trung tối ưu hóa cơ sở vật chất sẵn có, nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích đất và không gian học tập nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo trong điều kiện hiện tại.
Về mức độ đáp ứng Tiêu chuẩn 3 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, nhà trường vẫn đang bám sát các nội dung của tiêu chí này để đảm bảo tuân thủ quy định, đồng thời duy trì hiệu suất và hiệu quả hoạt động đào tạo. Các chỉ số cụ thể như diện tích đất/người học hay diện tích sàn/người học đang được rà soát, đánh giá nhằm có phương án điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế.

“Việc mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở vật chất tại Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là bài toán về tài chính mà còn liên quan đến các thủ tục hành chính, đặc biệt là quy hoạch đất đai và cấp phép xây dựng.
Trường luôn nỗ lực tối ưu hóa không gian hiện có, cải thiện hiệu suất sử dụng đất thay vì chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học, Nhà nước có thể xem xét đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ban hành cơ chế hỗ trợ sử dụng đất dài hạn, giúp các trường có định hướng phát triển ổn định, lâu dài.
Hiện tại, nhà trường đang triển khai Dự án trung tâm nghiên cứu, phát triển đường sắt tốc độ cao và đào tạo nguồn nhân lực logistics tại Đồng Nai trên diện tích 55 ha và được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ quỹ đất cho giáo dục”, thầy Tuấn thông tin.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, trong quá trình mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất, nhà trường luôn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời nắm bắt các cơ hội phát triển. Tuy nhiên, như bất kỳ tiến trình nào, quá trình này còn gặp nhiều thách thức, do đó, nhà trường đã nhận thức mỗi khó khăn cũng là cơ hội để học hỏi, sáng tạo và luôn nỗ lực biến những thách thức này thành động lực phát triển bền vững.
“Việc tìm kiếm diện tích đất phù hợp trong khu vực đô thị, đặc biệt là tại các khu vực trung tâm, ngày càng trở nên khó khăn khi quỹ đất dành cho mục đích giáo dục đang dần bị thu hẹp. Ngoài ra, các quy định liên quan đến quy hoạch đô thị và sử dụng đất đôi khi chưa hoàn toàn đồng nhất giữa các cấp quản lý, tạo ra những phức tạp trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý. Sự không đồng bộ này đôi khi dẫn đến việc phải điều chỉnh hồ sơ và kéo dài thời gian thực hiện các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ.
Dù đối diện với những khó khăn này, nhà trường luôn tìm cách tối ưu hóa các cơ hội có sẵn, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để nâng cao tính đồng bộ trong quy định và quản lý đất đai. Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả trong quá trình phát triển cơ sở vật chất mà còn đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ”, thầy Tuấn nêu quan điểm.
Tại Định hướng phát triển và phân bố mạng lưới đến năm 2030, Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu phương án sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học như sau: “Củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện có; chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật”.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thầy Tuấn nhận định, quy định tại Quyết định số 452/QĐ-TTg về việc sắp xếp và phát triển các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2030 đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với toàn hệ thống giáo dục đại học, trong đó có Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Việc củng cố, nâng cao năng lực và đảm bảo đáp ứng các tiêu chí kiểm định không chỉ là thách thức mà còn là động lực để nhà trường tiếp tục hoàn thiện và phát triển theo hướng bền vững.
“Là một cơ sở đào tạo có bề dày truyền thống và giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhà trường đã chủ động triển khai nhiều chiến lược để đảm bảo tuân thủ các tiêu chí đặt ra. Trước hết, nhà trường tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo, không ngừng cập nhật chương trình giảng dạy theo xu hướng hiện đại, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của ngành nghề. Bên cạnh đó, công tác kiểm định chất lượng giáo dục được đẩy mạnh, không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước mà còn hướng đến các chuẩn mực quốc tế, khẳng định vị thế và uy tín của trường trong hệ thống giáo dục đại học.
Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức trong lĩnh vực giao thông vận tải để mở rộng cơ hội nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc đầu tư vào cơ sở vật chất cũng được thực hiện theo lộ trình nhằm đảm bảo môi trường học tập hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chất lượng và quy mô đào tạo.
Nhà trường nhìn nhận quy định này không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của ngành giao thông vận tải và hạ tầng đô thị”, thầy Tuấn nhấn mạnh.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trước bối cảnh các trường đại học, đặc biệt là những cơ sở nằm tại khu vực đô thị đông đúc, đang gặp khó khăn về quỹ đất và hiệu năng sử dụng cơ sở vật chất, việc có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và các cơ quan quản lý giáo dục là vô cùng cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học.
Thứ nhất, Nhà nước cân nhắc tinh giản thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, cấp phép xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất của các trường đại học. Việc rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư giáo dục không chỉ giúp các trường tận dụng quỹ đất hiệu quả hơn mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hạ tầng phục vụ đào tạo.
Thứ hai, Nhà nước cần có cơ chế linh hoạt hơn trong việc sử dụng đất dành cho giáo dục như xem xét các chính sách khuyến khích mô hình hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp hoặc tổ chức nghiên cứu để tận dụng không gian sẵn có một cách tối ưu. Việc hỗ trợ các trường trong việc chuyển đổi hoặc tái cấu trúc không gian đào tạo theo hướng thông minh và hiện đại sẽ giúp gia tăng hiệu quả sử dụng mà không cần mở rộng thêm diện tích đất.
Thứ ba, Nhà nước cũng có thể cân nhắc các chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giảng dạy và nghiên cứu, nhằm giảm áp lực về không gian vật lý và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có. Điều này không chỉ giúp các trường đại học thích ứng với xu hướng giáo dục hiện đại mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Với những chính sách hỗ trợ phù hợp, các trường đại học có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Xây dựng cơ sở vật chất dùng chung và triển khai cơ chế thuê dài hạn là giải pháp tiềm năng
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng xây dựng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung và triển khai cơ chế hỗ trợ thuê dài hạn là giải pháp cần thiết, khả thi và bền vững.
“Theo nhà trường, việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung và triển khai cơ chế hỗ trợ thuê dài hạn là một giải pháp có nhiều tiềm năng, không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục. Trong bối cảnh quỹ đất đô thị ngày càng hạn chế, việc sử dụng chung hạ tầng, phòng thí nghiệm, thư viện, trung tâm nghiên cứu,… có thể góp phần giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu suất khai thác thiết bị và mở ra nhiều cơ hội hợp tác học thuật giữa các trường.
Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả cần có những điều chỉnh phù hợp với thực tế hoạt động của từng trường. Đặc biệt, đối với các lĩnh vực đào tạo đặc thù như giao thông vận tải, cơ sở vật chất không chỉ đơn thuần là giảng đường hay phòng thí nghiệm mà còn liên quan đến các trung tâm thực hành, mô hình mô phỏng và công trình nghiên cứu chuyên sâu. Do đó, nhà trường mong muốn cơ chế này được thiết kế theo hướng linh hoạt, đảm bảo các đơn vị có thể tiếp cận và sử dụng cơ sở vật chất chung nhưng vẫn giữ được tính chủ động trong việc quản lý, vận hành.
Ngoài ra, Nhà nước cần có hành lang pháp lý rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng chung cơ sở vật chất, cũng như các chính sách hỗ trợ về tài chính, thủ tục hành chính để các trường có thể tham gia một cách thuận lợi. Nếu được triển khai hợp lý, đây sẽ là một hướng đi khả thi giúp nâng cao hiệu quả đầu tư trong giáo dục đại học, đồng thời tạo ra một môi trường hợp tác học thuật mạnh mẽ giữa các trường, góp phần vào sự phát triển chung của nền giáo dục Việt Nam”, thầy Tuấn nêu quan điểm.

Bên cạnh giải pháp sử dụng cơ sở vật chất dùng chung, thầy Tuấn cho biết, cần có những chính sách linh hoạt hơn để hỗ trợ các trường đại học đáp ứng tiêu chí về diện tích đất mà vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo. Một trong những đề xuất quan trọng là cải thiện cơ chế quy hoạch đất dành cho giáo dục đại học. Hiện nay, tại các đô thị lớn, quỹ đất dành cho trường đại học ngày càng hạn chế, trong khi việc mở rộng cơ sở vật chất phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp. Do đó, các cấp quản lý cần có chính sách ưu tiên hoặc quy hoạch dài hạn dành riêng cho các cơ sở giáo dục đại học, giúp các trường có thể chủ động hơn trong kế hoạch phát triển.
Mặt khác, nhà trường đề xuất điều chỉnh tiêu chí đánh giá diện tích đất trên cơ sở hiệu suất sử dụng thay vì chỉ dựa vào tổng diện tích. Thay vì áp dụng một tiêu chí diện tích cố định cho tất cả các trường, nên cân nhắc các yếu tố như mật độ sử dụng, mô hình giảng dạy kết hợp trực tiếp, trực tuyến và khả năng tận dụng công nghệ để tối ưu hóa không gian. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các trường trong khu vực đô thị có thể đáp ứng tiêu chuẩn mà không nhất thiết phải mở rộng diện tích đất theo cách truyền thống.
“Ngoài ra, tôi cho rằng cần có chính sách hỗ trợ tài chính và thủ tục hành chính để khuyến khích các trường đầu tư vào hạ tầng công nghệ và mô hình giảng dạy linh hoạt, giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà không bị ràng buộc quá nhiều vào yếu tố diện tích vật lý. Các hình thức hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu cũng nên được thúc đẩy để tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có.
Với những điều chỉnh phù hợp trong chính sách và quy định hiện hành, các trường đại học sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển bền vững, vừa đảm bảo đáp ứng các tiêu chí quản lý, vừa nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”, thầy Tuấn bày tỏ.