Trường ĐH chỉ ra những thách thức trong thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

18/04/2025 06:21
Thu Thuỷ

GDVN - Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, việc thu hút nhân tài ngành giáo dục vẫn tồn tại một số khó khăn, chủ yếu là do chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc còn hạn chế.

Ngày 18/03/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục.

Môi trường dân chủ và chế độ đãi ngộ hợp lý là nền tảng để nhà giáo gắn bó lâu dài

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, hiện trường có 101 giảng viên trình độ tiến sĩ trên tổng số 333 giảng viên, đạt tỷ lệ 30,33%. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục đại học, nhà trường không ngừng thu hút giảng viên có học hàm, học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, đồng thời khuyến khích giảng viên học tiến sĩ với nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn.

a677fcbbdd3e178fba3a5e27f4a4a2f3-2024-08-26.09-46-32.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai)

Theo thầy Quỳnh, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các trường đại học, cùng những thách thức về tài chính, chế độ đãi ngộ và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu còn hạn chế, nhà trường đã đưa ra chính sách hỗ trợ giảng viên học tiến sĩ với nhiều ưu đãi. Cụ thể, mỗi giảng viên được hỗ trợ 120 triệu đồng trong suốt khóa học, chia thành ba đợt (40 triệu đồng/ đợt) và được thưởng thêm 20 triệu đồng nếu hoàn thành chương trình tiến sĩ trong vòng 3 năm kể từ ngày có quyết định cử đi học.

“Trong thời gian học, giảng viên vẫn được hưởng 100% lương (bao gồm lương cơ bản và phụ cấp), giảm 50% số giờ giảng dạy tiêu chuẩn mỗi năm và được nghỉ hai ngày làm việc mỗi tuần để tập trung học tập. Nếu theo học tại Trường Đại học Lạc Hồng, giảng viên được giảm 50% học phí trong 4 năm, giảm 20% học phí ôn thi và 50% lệ phí thi chứng chỉ tiếng Anh 6 bậc hoặc 50% học phí học văn bằng 2 tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp, giảng viên được bố trí công việc phù hợp với học vị và xét nâng lương tương ứng. Chính sách này thể hiện cam kết mạnh mẽ của nhà trường trong việc đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, tạo động lực nâng cao trình độ chuyên môn và gắn bó lâu dài với nhà trường”, thầy Trường thông tin.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng bày tỏ, việc thu hút nhân tài vào giảng dạy ở các trường đại học tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, chủ yếu do chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn, môi trường làm việc hạn chế và sự cạnh tranh gay gắt từ chính trong các trường với nhau và từ doanh nghiệp. Trong đó, mức lương thấp khiến nhiều giảng viên giỏi rời bỏ môi trường học thuật để tìm cơ hội tốt hơn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, ít cơ hội nghiên cứu và thăng tiến làm giảm động lực cống hiến. Trong khi, các trường ở nước ngoài và doanh nghiệp lại có chính sách đãi ngộ linh hoạt hơn, thu hút giảng viên chất lượng cao.

“Ngoài ra, việc tuyển dụng giảng viên trẻ gặp khó khăn do mức lương khởi điểm thấp và cơ hội phát triển hạn chế, khiến nhiều sinh viên giỏi không mặn mà với nghề giảng dạy. Thêm vào đó, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra yêu cầu cao về chuyển đổi số, nhưng không phải giảng viên nào cũng được đào tạo bài bản để thích ứng.

Hiện nay, Nhà nước đã triển khai Đề án 89 nhằm hỗ trợ kinh phí đào tạo tiến sĩ cho giảng viên, nhưng thủ tục giải ngân còn chậm, gây khó khăn cho người tham gia, thậm chí nhiều giảng viên đã đi học hơn một năm vẫn chưa nhận được kinh phí”, thầy Quỳnh nêu quan điểm.

Thầy Quỳnh cho hay, một trong những giải pháp quan trọng để các trường đại học thu hút và giữ chân nhân tài là cải thiện môi trường làm việc, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và tăng cường hỗ trợ nghiên cứu. Song song với đó, các trường đại học cần có chính sách đãi ngộ cạnh tranh, với mức lương thưởng hấp dẫn nhằm tạo động lực cho giảng viên gắn bó lâu dài. Bên cạnh yếu tố vật chất, yếu tố tinh thần cũng đóng vai trò thiết yếu.

Do đó, một môi trường làm việc dân chủ, nơi giảng viên có tiếng nói trong các quyết định quan trọng sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết và cam kết lâu dài. Đồng thời, việc hỗ trợ phát triển nghề nghiệp thông qua các khóa đào tạo nâng cao, tài trợ nghiên cứu và khuyến khích hợp tác quốc tế sẽ giúp giảng viên mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu thực hiện đồng bộ những giải pháp này, các trường đại học không chỉ tạo sức hút đối với nhân tài, mà còn tạo điều kiện để giảng viên phát huy năng lực và cống hiến bền vững cho nhà trường.

IMG_0027.jpg
Các trường đại học thu hút và giữ chân nhân tài bằng cách cải thiện môi trường làm việc, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và hỗ trợ nghiên cứu. (Ảnh minh họa: website Trường Đại học Lạc Hồng)

“Cụ thể, Trường Đại học Lạc Hồng thu hút nhân tài bằng chính sách đãi ngộ hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Trong đó, giảng viên được hưởng gần như toàn bộ lợi nhuận từ hợp đồng chuyển giao, đồng thời nhận thêm khoản thưởng khích lệ từ nhà trường. Ngoài ra, con em giảng viên theo học trong hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học cũng được hỗ trợ giảm học phí.

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống giảng viên như du lịch, nghỉ dưỡng và phúc lợi công đoàn. Nhờ những chính sách thiết thực này, nhà trường luôn được Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá là đơn vị xuất sắc. Hơn nữa, hằng năm, các giảng viên của nhà trường được tạo điều kiện giao lưu, tham gia các chương trình hợp tác quốc tế tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan…”, thầy Quỳnh chia sẻ.

Cần phải hướng đến việc 'nuôi dưỡng' giảng viên chứ không chỉ 'giữ chân'

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, hiện nay, một trong những thách thức đáng lo ngại trong lĩnh vực giáo dục là tình trạng 'chảy máu chất xám', đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm giảng viên có trình độ cao như tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, môi trường làm việc thiếu tính cạnh tranh và cơ hội nghiên cứu còn hạn chế.

"Để khắc phục vấn đề này, các cơ sở giáo dục cần xây dựng hệ thống chính sách toàn diện nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Trước hết, các trường cần cải thiện thu nhập cho giảng viên thông qua việc điều chỉnh lương, thưởng dựa trên hiệu suất công việc, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển học thuật.

Song song đó, các phúc lợi thiết yếu như hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm sức khỏe và chính sách ưu đãi học phí cho con em giảng viên cũng cần được quan tâm, nhằm tạo sự an tâm và gắn bó lâu dài. Mặt khác, việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp phải được chú trọng, bao gồm giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và mở rộng cơ hội đào tạo, hợp tác quốc tế.

Bên cạnh việc thu hút nhân lực trong nước, Việt Nam cũng cần mở rộng hợp tác với các trường đại học quốc tế, mời gọi chuyên gia và nhà khoa học nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Đồng thời các trường nên thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu ứng dụng, tư vấn và chuyển giao công nghệ.

Tôi cho rằng một chính sách đãi ngộ đủ mạnh, kết hợp với môi trường học thuật năng động và kết nối rộng mở, sẽ là chìa khóa để giữ chân nhân tài và nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam trong dài hạn", thầy Quỳnh bày tỏ.

Cùng bàn vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Nghị quyết 51/NQ-CP của Chính phủ đề ra nhiệm vụ thu hút và trọng dụng nhân tài trong ngành Giáo dục là một chủ trương rất đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

pho-hieu-truong-pgsts-nguyen-duc-trung-5619.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Theo thầy Trung, giáo dục là nền tảng của sự phát triển và để nâng cao chất lượng đào tạo, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ giảng viên là yếu tố mang tính quyết định. Thực tế cho thấy, các trường đại học hiện nay đang gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân giảng viên giỏi, đặc biệt là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và khoa học ứng dụng. Chính vì vậy, Nghị quyết 51 ra đời như một giải pháp quan trọng nhằm tạo ra cơ chế thu hút nhân tài hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành giáo dục.

“Để thực hiện tốt chủ trương này, các cơ sở giáo dục đại học cần có những chính sách cụ thể và phù hợp. Đối với nhà trường, việc thu hút giảng viên chất lượng cao đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Nhà trường đã có chính sách tuyển dụng rõ ràng, trong đó ưu tiên những giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên, đồng thời chú trọng đến những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Đặc biệt, trường hướng đến thu hút các giảng viên trong lĩnh vực công nghệ, khoa học ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Đây là một hướng đi chiến lược, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tạo điều kiện để nhà trường phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng giúp nhà trường thu hút và giữ chân giảng viên chính là chế độ đãi ngộ hợp lý. Theo đó, nhà trường đã xây dựng một hệ thống chính sách thu nhập cạnh tranh, đảm bảo mức lương khởi điểm phù hợp với trình độ của giảng viên. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư phải được hưởng mức thu nhập xứng đáng, đủ sức cạnh tranh với các khu vực khác, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đảm bảo giảng viên có điều kiện làm việc thuận lợi, từ cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện đầy đủ, đến môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp. Khi giảng viên cảm thấy được tôn trọng và có điều kiện tốt để phát triển sự nghiệp, họ sẽ có động lực cống hiến lâu dài cho nhà trường”, thầy Trung bày tỏ.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc cạnh tranh để thu hút giảng viên giỏi không chỉ diễn ra trong phạm vi trong nước mà còn ở phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia đang có chính sách thu hút nhân tài rất cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đại học. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc giữ chân giảng viên giỏi, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành giáo dục.

Theo thầy Trung, xu hướng dịch chuyển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục hiện nay không còn là hiện tượng cá biệt. Việc các giảng viên giỏi tìm đến những quốc gia, những trường đại học có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn và cơ hội phát triển sự nghiệp rõ ràng hơn là điều dễ hiểu. Do vậy, khi Việt Nam đang trong quá trình chuyển mình để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thì việc bảo đảm một đội ngũ giảng viên ổn định, chất lượng, gắn bó lâu dài với nghề là yếu tố then chốt. Nếu không có các chính sách đủ mạnh để giữ chân và thu hút nhân tài, giáo dục Việt Nam không chỉ tụt lại phía sau trong khu vực mà còn đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn lực chất lượng phục vụ cho chiến lược phát triển đất nước.

"Theo tôi, khi giảng viên được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, được tiếp cận với hệ thống nghiên cứu hiện đại và có đội ngũ đồng nghiệp chất lượng cao sẽ giúp họ gắn bó lâu dài với nghề. Mặt khác, thu nhập của giảng viên cũng cần được cải thiện giúp đảm bảo cuộc sống, từ đó phát huy tối đa sự nhiệt huyết và tận tuỵ với nghề. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ giảng viên trẻ phải làm thêm công việc ngoài giờ để trang trải chi phí sinh hoạt, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Ngoài thu nhập, vấn đề hỗ trợ về nhà ở và điều kiện sống cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài. Ở nhiều nước phát triển, giảng viên không chỉ được trả lương cao mà còn được hỗ trợ nhà ở, các phúc lợi xã hội như bảo hiểm y tế, giáo dục cho con cái. Một số trường đại học còn có chính sách tài trợ nghiên cứu, hỗ trợ học bổng cho con em giảng viên, tạo điều kiện để cả gia đình có thể an cư lạc nghiệp trong môi trường học thuật. Nếu Việt Nam có thể xây dựng được một hệ sinh thái giáo dục với đầy đủ các yếu tố này, thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn, giúp nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

Do đó, để thực sự tạo ra bước đột phá, chính sách phải hướng đến việc 'nuôi dưỡng' giảng viên chứ không chỉ 'giữ chân'. Hơn nữa, các trường cần nhìn nhận giảng viên là trung tâm của hệ thống giáo dục đại học, từ đó có các chiến lược phát triển dài hạn như đầu tư vào đào tạo sau đại học, tài trợ đi thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài, tạo môi trường học thuật tự do và khuyến khích sáng tạo", thầy Trung nêu quan điểm.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt Nghị quyết 51, ngân sách dành cho giáo dục cần được tăng cường hơn. Trong đó, Nhà nước cần đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời có những chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ có tiềm năng. Việc hình thành các quỹ phát triển giảng viên, các chương trình học bổng nội bộ, quỹ nghiên cứu độc lập trong các trường đại học công lập cũng là một hướng đi nên được khuyến khích.

“Tôi cho rằng, một nền giáo dục phát triển không chỉ dựa vào nội dung giảng dạy, mà còn phải dựa vào đội ngũ giảng viên giỏi, có tâm huyết và được đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất. Chỉ khi giảng viên được đảm bảo cả về vật chất lẫn tinh thần, họ mới toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp trồng người, góp phần nâng tầm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Nghị quyết 51 là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, theo tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, các cơ quan quản lý giáo dục và chính phủ. Với cơ chế tuyển dụng minh bạch, chế độ đãi ngộ hợp lý, môi trường làm việc thuận lợi và chiến lược đào tạo nhân lực phù hợp với thực tế, các cơ sở giáo dục hoàn toàn có thể thu hút và giữ chân nhân tài, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành giáo dục Việt Nam trong tương lai”, thầy Trung bày tỏ.

Thu Thuỷ