Kỹ sư Điện lạnh và Điều hòa không khí có thể đạt mức lương đến 60 triệu/tháng

11/04/2025 11:22
Mạnh Đoàn

GDVN -Kỹ sư Điện lạnh và Điều hòa không khí làm trong các công ty quốc tế mức lương kỳ vọng có thể đạt từ 25 – 60 triệu đồng/tháng chưa tính thưởng...

Trong mỗi công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp hiện nay đều cần có điện lạnh, điều hòa không khí. Khi những tòa cao ốc, văn phòng... đi vào hoạt động sẽ cần những kỹ sư chuyên môn quản lý về điện lạnh và điều hòa không khí.

Không chỉ phụ trách công tác quản lý, kỹ sư còn cần có giải pháp để tiết kiệm điện năng giúp giảm chi phí cho chủ đầu tư.

Vai trò của kỹ sư Điện lạnh và Điều hòa không khí là không thể thiếu, vì vậy nhu cầu nhân lực về ngành nghề này là rất lớn.

Để có góc nhìn cụ thể hơn về công tác đào tạo, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Công nghệ Điện lạnh & Điều hòa không khí, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ - Trưởng khoa Nhiệt - Điện lạnh, Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Thiếu hụt kỹ thuật viên và kỹ sư chuyên môn về ngành Điện lạnh & Điều hòa không khí

​Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ cho hay, theo các báo cáo gần đây, thị trường máy điều hòa không khí và tủ lạnh tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng đáng kể.

Cụ thể, năm 2024, thị trường máy điều hòa không khí tại Việt Nam đạt giá trị khoảng 1,02 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 2,89 tỷ USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 7,98%.

Thị trường tủ lạnh tại Việt Nam được định giá khoảng 1,85 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,57 tỷ USD vào năm 2030, dự báo tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 5,6%.

​Sự tăng trưởng trên được thúc đẩy bởi các yếu tố như đô thị hóa, nhu cầu ngày càng cao đối với các thiết bị gia dụng hiện đại.​

"Thị trường đang chứng kiến sự thiếu hụt đáng kể về kỹ thuật viên và kỹ sư có chuyên môn về ngành Điện lạnh và Điều hòa không khí (viết tắt là HVAC)", Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ nói.

sinh-vien-nganh-dien-lanh-va-dieu-hoa-khong-khi-truong-dai-hoc-cong-nghe-dong-a.jpg
Buổi thực hành trên lớp của sinh viên ngành Điện lạnh và Điều hoà không khí. (Ảnh: website nhà trường)

Đào tạo ngành Công nghệ Điện lạnh & Điều hòa không khí nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Trưởng khoa Nhiệt - Điện lạnh cho biết, theo báo cáo, nhu cầu thị trường HVAC công nghiệp tại Việt Nam đã tăng trưởng kép 17% trong giai đoạn 2019–2023.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm sẽ đạt 9,1% trong giai đoạn 2024–2026. Điều này cho thấy nhu cầu về nhân lực có tay nghề trong lĩnh vực này là rất lớn và đang tiếp tục tăng cao. ​

Trước thực tiễn nhu cầu xã hội ngày càng tăng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật Điện lạnh và Điều hòa không khí, Khoa Nhiệt - Điện lạnh (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất chương trình đào tạo ngành Điện lạnh và Điều hòa không khí.

Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ và phê duyệt từ phía nhà trường. Từ đó, chính thức mở ra hướng đào tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, khẳng định vai trò tiên phong của khoa trong việc cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật có chất lượng.

"Năm 2025, khoa bắt đầu tuyển sinh ngành học Điện lạnh và Điều hòa không khí. Khoa cũng đã xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường về lĩnh vực này.

Hiện nhà trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho người học, các phòng học được quy hoạch khoa học, đều được lắp điều hòa, trang bị máy chiếu đầy đủ.

Khoa Nhiệt - Điện lạnh có 3 phòng thực hành, đủ loại máy móc cho sinh viên ngành thực hành. Ngoài ra, sinh viên cũng được thực tập tại các xưởng, nhà máy dây chuyền, quá trình nhiệt - lạnh ngay trong trường tại nhà máy bia SABECO, dây chuyền sản xuất bia thủ công Pilot", thầy Trần Gia Mỹ chia sẻ.

Thí sinh lựa chọn ngành Công nghệ Điện lạnh & Điều hòa không khí cần có những kỹ năng gì?

Chia sẻ về những kỹ năng thí sinh cần có khi học ngành học trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ cho hay, thí sinh cần có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm như, kỹ năng phân tích, tính toán chuyên môn về Vật lý, Toán học, sự tư duy logic. Bên cạnh đó là các kỹ năng mềm về làm việc nhóm, quản lý thời gian, cập nhật công nghệ mới.

Thông tin về chương trình đào tạo của ngành Công nghệ Điện lạnh & Điều hòa không khí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ cho biết, chương trình đào tạo ngành học này trong 4,5 năm, với 150 tín chỉ (không bao gồm môn Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh).

Sinh viên sẽ được học các môn học đại cương và các môn chuyên ngành như: Kỹ thuật điện, Kỹ thuật lạnh, Kỹ thuật điều hòa không khí, Đồ án điều hòa không khí, Ứng dụng IoT trong các hệ thống nhiệt lạnh… Đặc biệt, sinh viên sẽ có thời gian thực hành, thực tập, thực tập tại các doanh nghiệp, đơn vị có quan hệ hợp tác với nhà trường.

Về liên kết doanh nghiệp, khoa có liên kết với các hãng máy lạnh, điều hòa thương hiệu hàng đầu thế giới như Daikin, LG,… cũng như liên kết với các doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước về lĩnh vực này.

"Sinh viên được định hướng nghề nghiệp, thực tập, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có sự đánh giá năng lực sinh viên và có thể nhận các em vào làm việc sau khi tốt nghiệp", Trưởng khoa Nhiệt - Điện lạnh thông tin.

Về cơ hội việc làm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ đưa ra lời khuyên với sinh viên, đó là sinh viên nên chịu khó học hỏi thực tế thông qua các chương trình thực tập có liên kết với doanh nghiệp.

Cần có sự cập nhật công nghệ để tiết kiệm năng lượng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ cho hay, kỹ sư Công nghệ Điện lạnh & Điều hòa không khí cần có sự nghiên cứu các công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như sử dụng công nghệ biến tần (Inverter); Các công nghệ về thế hệ môi chất lạnh mới hiệu quả về năng lượng, thân thiện với môi trường; Sử dụng các hệ thống có hiệu suất cao như điều hòa trung tâm VRV, chiller;

Sử dụng các công nghệ lưu trữ nhiệt năng ở dạng tích trữ như hệ thống bể đá cho chiller, tiêu thụ năng lượng đồng đều vào các khung giờ để giảm tải hệ thống, vận hành ở mức ổn định, ít biến động cho hệ thống cấp tải nhiệt lạnh;

Tích hợp với hệ thống năng lượng tái tạo. Cung cấp nguồn năng lượng ổn định để giảm thiểu chi phí năng lượng; Sử dụng hệ thống thiết bị trao đổi nhiệt giữa khí thải ra môi trường và khí tươi từ ngoài môi trường vào trong không gian điều hòa;

Thay thế các hệ thống lạnh cũ bằng các hệ thống lạnh sử dụng chu trình hấp thụ, tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị có hệ thống nhiệt nóng như lò hơi, lò sấy hấp liên tục; Ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành hệ thống lạnh;

Kiểm soát quá trình lắp đặt, vận hành, bảo trì bằng những kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, tránh tổn thất năng lượng do lắp đặt sai; Đề xuất những phương án tối ưu khi thiết kế và lắp đặt hệ thống điện lạnh và điều hòa không khí, sử dụng vật liệu cách nhiệt hiệu quả.

Mức lương của kỹ sư Công nghệ Điện lạnh & Điều hòa không khí có thể đến 60 triệu đồng/tháng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ chia sẻ, mức lương khởi điểm của kỹ sư Công nghệ Điện lạnh & Điều hòa không khí là khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. Điều này phù hợp với thực tế, khi tân kỹ sư chưa có nhiều kinh nghiệm.

Sau khoảng 2 – 3 năm, tuỳ năng lực, kỹ sư có thể đạt mức lương khoảng 12 – 20 triệu đồng/ tháng.

"Tuy nhiên, mức độ tăng lương có thể thay đổi theo thái độ và kinh nghiệm thực tế của họ", thầy Trần Gia Mỹ chia sẻ.

Theo Trưởng khoa Nhiệt - Điện lạnh, đối với các vị trí quản lý hoặc chuyên gia về Công nghệ Điện lạnh & Điều hòa không khí tại các công ty của Việt Nam, sẽ có mức lương từ 15 - 30 triệu đồng/tháng.

nganh-dien-lanh-va-dieu-hoa-khong-khi2.jpg
Ảnh: website nhà trường.

Ở vị trí này, kỹ sư không chỉ đảm nhận vai trò chuyên môn mà còn chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho một nhóm, sắp xếp nhân sự thực hiện kế hoạch và giám sát tiến độ thực hiện công việc.

Để làm được điều này, đòi hỏi kỹ sư hoặc chuyên gia phải có khả năng quản lý, giám sát tiến độ làm việc nhóm.

Đối với kỹ sư, chuyên gia làm việc trong các công ty quốc tế, mức lương họ có thể nhận được từ 25 – 60 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng theo khả năng làm việc.

"Để làm việc tốt công việc tại công ty nước ngoài, kỹ sư phải có khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng theo yêu cầu), tôn trọng văn hóa làm việc của công ty.

Bên cạnh đó là nắm vững quy định pháp lý về thuế, và các chủ trương chính sách liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, kỹ sư phải có kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức và điều hành công việc hiệu quả. Thực tế cho thấy thường thì các tân kỹ sư cần có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm mới có thể đáp ứng các yêu cầu này", Trưởng khoa Nhiệt - Điện lạnh chia sẻ.

Mạnh Đoàn