Vai trò của ĐH "mẹ" là điều tiết, hỗ trợ thành viên chứ đừng tạo thêm gánh nặng

11/04/2025 06:40
Doãn Nhàn

GDVN -Từ việc có trường thành viên của ĐH Thái Nguyên gặp khó trong việc nộp kinh phí điều tiết về ĐH “mẹ”, có ý kiến đề xuất cần xem xét lại hiệu quả khoản thu này.

Vừa qua, bài viết “Thành viên của ĐH Thái Nguyên tuyển sinh chật vật vẫn phải nộp kinh phí điều hòa” được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Theo đó, phản ánh tới Tạp chí, có trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên cho hay, hiện nay số lượng tuyển sinh hàng năm được ít, trong khi đó trường còn nhiều hoạt động phải chi, ngoài ra còn phải đóng cả thuế doanh nghiệp, thuế đất… mà nguồn ngân sách chi thường xuyên thì ngày càng giảm. Trong bối cảnh đó, việc vẫn phải nộp kinh phí điều tiết cho đại học "mẹ" (Đại học Thái Nguyên) khiến trường gặp nhiều khó khăn.

Kinh phí điều tiết có thể khiến trường thành viên thêm gánh nặng

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, trong khi trường thành viên đang vật lộn với các khó khăn tài chính, việc phải nộp một khoản kinh phí điều tiết cho đại học "mẹ" - Đại học Thái Nguyên càng làm tăng thêm gánh nặng.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc huy động kinh phí từ trường thành viên về đại học "mẹ" có thể tạo ra nguy cơ bất công trong phân phối nguồn lực. Vai trò của đại học "mẹ" là điều tiết, hỗ trợ các trường thành viên trong công tác tuyển sinh, đào tạo và phát triển, và phải đảm bảo không tạo thêm gánh nặng cho trường đại học thành viên.

Với những trường tuyển sinh tốt, việc trích ra một phần ngân sách nộp về đại học “mẹ” có thể không phải là vấn đề lớn. Song, với những trường tuyển sinh khó khăn, phải chắt chiu từng khoản chi để đóng góp cho đại học "mẹ", họ sẽ không có đủ nguồn lực để cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy hay hỗ trợ nghiên cứu khoa học.

Do đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, các quy định về khoản thu điều tiết kinh phí tại Đại học Thái Nguyên cần được xem xét và tính toán lại. Trong đó, cần tính đến tính hợp lý trong các khoản thu, cũng như đánh giá lại hiệu quả trong việc hỗ trợ lại cho các trường thành viên trong công tác tuyển sinh, đào tạo và phát triển như thế nào để có phương án điều tiết hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời, cũng cần có phương án linh hoạt hỗ trợ trường thành viên, nhất là những trường đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh và duy trì hoạt động, nhằm tạo cơ hội để các đơn vị thành viên cùng phát triển bền vững.

Cần sự minh bạch và đổi mới

Trụ sở Đại học Thái Nguyên. Ảnh: website nhà trường
Trụ sở Đại học Thái Nguyên. Ảnh: website nhà trường

Liên quan đến khoản thu này, nguyên lãnh đạo của một đại học vùng chia sẻ với phóng viên rằng, vì đại học “mẹ” không trực tiếp thực hiện các hoạt động đào tạo, nên cần có khoản thu điều tiết kinh phí từ các đơn vị thành viên. Một phần khoản thu này được trích ra để duy trì hoạt động của văn phòng đại học, phần lớn còn lại được chi vào các hoạt động phúc lợi chung, nhằm gắn kết các đơn vị thành viên, và đặc biệt chi cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo vị lãnh đạo, vì không có ngân sách nhà nước chi trả, nên chừng nào bộ máy quản lý đại học “mẹ” còn tồn tại thì vẫn phải đảm bảo chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Vì vậy, việc thu kinh phí điều tiết từ các đơn vị thành viên là cần thiết. Vấn đề then chốt là cần có sự thống nhất giữa các đơn vị thành viên về cách thức thu và sử dụng nguồn kinh phí, bảo đảm tính minh bạch và rõ ràng, cùng với sự quản lý chặt chẽ từ hội đồng đại học.

Trong khi đó, lãnh đạo một trường đại học thành viên trực thuộc đại học vùng chia sẻ rằng, cần phải có tổng kết và đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí điều tiết từ các đơn vị thành viên, đặc biệt khi mô hình đại học vùng đã hoạt động hơn 30 năm.

Theo vị lãnh đạo này, thực tế có một số hoạt động chung liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị trong cùng một đại học, do đó việc huy động đóng góp chung là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề cần được làm rõ là cách thức điều tiết và việc sử dụng khoản kinh phí điều tiết này vào những mục gì, hiệu quả ra sao. Đến nay, chưa có một báo cáo tổng kết hay đánh giá nào về vấn đề này.

Vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì sửa đổi Luật Giáo dục đại học, đây là thời điểm thích hợp và cần thiết để xem xét lại vấn đề này.

“Cần thiết phải đánh giá hiệu quả việc huy động nguồn kinh phí điều tiết từ các đơn vị thành viên. Nếu có hiệu quả, sẽ tiếp tục triển khai; nếu không, cần có giải pháp điều chỉnh thích hợp,” vị lãnh đạo đề xuất.

Như vậy, vấn đề kinh phí điều tiết cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Các trường đại học thành viên cần có cơ chế tài chính rõ ràng và công bằng hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình triển khai thực thi Luật Giáo dục đại học trong giai đoạn 2019-2024 vừa qua còn tồn tại nhiều khó khăn và vướng mắc. Trong đó, đối với tổ chức và quản trị giáo dục đại học, Bộ giáo dục và Đào tạo cho rằng: quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình 2 cấp) có nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ.

Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép một đại học được tổ chức theo mô hình 2 cấp (đại học và trường đại học thành viên), như mô hình hiện nay của 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng. Trong thực tế, tổ chức và hoạt động của các đại học 2 cấp gặp một số vấn đề như sau:

Mô hình tổ chức, quản trị có thêm một cấp trung gian, dễ trở nên cồng kềnh, kém hiệu quả. Quản lý nhà nước gặp khó khăn do vừa phải quản lý đại học, vừa phải quản lý các trường đại học thành viên như những cơ sở giáo dục đại học khác.

Khó khăn trong việc phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa cấp đại học với các trường đại học thành viên, khi từng trường đại học cũng được thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình như các cơ sở giáo dục đại học khác.

Cạnh tranh giữa các trường đại học thành viên trong phát triển các hướng chuyên môn, ngành đào tạo (có thể dẫn tới trùng lặp, chồng chéo), chia sẻ sử dụng tài nguyên chung, thu hút sinh viên và các nguồn lực hỗ trợ từ cấp đại học.

Doãn Nhàn