Nghị quyết số 51/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 51 đặt ra là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, làm căn cứ cho việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục công lập, nhất là các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Phát sinh nhiều thủ tục hành chính khi tham gia đấu thầu
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cho biết, hiện nay, nhà trường đang thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu cung ứng dịch vụ trong hoạt động đào tạo theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Cụ thể:
Đối với hoạt động đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho tỉnh Thanh Hoá, nhà trường được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá giao nhiệm vụ.
Đối với đào tạo, tập huấn các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho đối tượng theo chương trình mục tiêu quốc gia được trường thực hiện theo cơ chế đặt hàng.
Đối với đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định 71 cho các tỉnh khác; một số lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn;… trường thực hiện theo cơ chế đấu thầu cung ứng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu cung ứng dịch vụ trong hoạt động đào tạo theo Nghị định 32, nhà trường nhận thấy một số nội dung chưa phù hợp, gây khó khăn cho trường khi thực hiện.
Trước hết, kinh phí cấp cho hoạt động đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định 71 thường phân bổ theo từng đợt, song có khi bị chậm trễ, đặc biệt là khoản hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên sư phạm. Tình trạng này khiến nhiều sinh viên, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt, dẫn đến các em khó có thể yên tâm học tập, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, cơ chế đấu thầu trong hoạt động đào tạo theo Nghị định 71 còn bộc lộ những bất cập. Thực tế cho thấy, có những cơ sở có năng lực chuyên môn vững vàng nhưng không thể trúng thầu do hạn chế về năng lực đấu thầu. Điều này dẫn đến việc các đơn vị phải liên danh khi tham gia đấu thầu, tạo thêm khâu trung gian, làm giảm hiệu quả triển khai và phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ, hiện nay, nhà trường đã thực hiện một số hoạt động đào tạo theo nhiệm vụ được giao và đang từng bước triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng và đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bám sát theo định hướng của Nghị quyết 51.
Về cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ, Trường Đại học Tiền Giang đã chủ động phối hợp với cơ quan chủ quản và các đơn vị sử dụng lao động, bao gồm sở giáo dục và đào tạo, ủy ban nhân dân địa phương và doanh nghiệp để xác định nhu cầu nhân lực thực tiễn. Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời đề xuất được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo giáo viên – một nhiệm vụ trọng tâm mang tính đặc thù của nhà trường.
Về đấu thầu, do đặc thù của lĩnh vực giáo dục, nhà trường đã thực hiện đấu thầu nhưng chưa nhiều. Hiện, nhà trường vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các điều kiện cần thiết để mở rộng áp dụng cơ chế này trong thời gian tới. Trước mắt, đấu thầu được định hướng áp dụng đối với một số dịch vụ hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, nơi có thể lượng hóa sản phẩm dịch vụ một cách rõ ràng hơn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng, việc triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tác động rõ nét đến việc thúc đẩy tự chủ tài chính và nâng cao chất lượng chuyên môn nhà trường.
Về chuyên môn, cơ chế này thúc đẩy nhà trường đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, đáp ứng sát với nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà trường mà còn tạo ra áp lực tích cực để trường nâng cao chất lượng đầu ra và hiệu quả quản trị nội bộ.
Về phương diện tài chính, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu góp phần chuyển đổi cách thức phân bổ ngân sách từ cấp phát theo đầu vào sang chi trả theo kết quả đầu ra, giúp nhà trường tăng nguồn thu và nâng cao mức độ tự chủ, chủ động hơn trong quản lý nguồn lực và xác lập chiến lược phát triển. Thay vì phụ thuộc vào ngân sách cố định, nhà trường có thể chủ động tham gia đặt hàng, đấu thầu các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu phù hợp với năng lực và thế mạnh chuyên môn, từ đó tăng khả năng huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực công.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu trong giáo dục đại học cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Điều này phần nào có ảnh hưởng đến khả năng tự chủ tài chính cũng như năng lực tự chủ toàn diện cho nhà trường. Cụ thể:
Một mặt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các cơ chế này hiện vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; địa phương chưa có văn bản hướng dẫn, quy trình thực thi cụ thể, dẫn đến lúng túng trong áp dụng thực tiễn.
Mặt khác, việc xác định đơn giá dịch vụ đào tạo còn nhiều bất cập do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như ngành học, quy mô lớp, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Điều này gây khó khăn cho công tác lập dự toán và thực hiện hợp đồng một cách chính xác, hiệu quả.

Cần cơ chế pháp lý rõ ràng trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở đào tạo hiện nay, để đáp ứng hiệu quả các yêu cầu của cơ chế đặt hàng và đấu thầu, nhà trường xác định cần ưu tiên đầu tư cho hoạt động chuyên môn và không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Đây vừa là động lực thúc đẩy trường cải tiến liên tục, vừa là cơ hội để khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học. Đồng thời, việc gia tăng nguồn thu từ hoạt động đào tạo cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao mức độ tự chủ tài chính của nhà trường.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn cũng đưa ra kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để nhà trường thực hiện tự chủ hiệu quả.
Thứ nhất, nên cân nhắc bỏ cơ chế đấu thầu trong hoạt động đào tạo theo Nghị định số 71, chỉ giữ lại cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ, nhằm phù hợp hơn với đặc thù lĩnh vực giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo triển khai nhiệm vụ.
Thứ hai, để cơ chế đặt hàng thực sự phát huy hiệu quả, cần sớm ban hành văn bản pháp lý rõ ràng, đồng bộ nhằm điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể quá trình triển khai của cơ sở đào tạo trong thực tiễn.
Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho hay, từ thực tiễn triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu tại trường, nhà trường nhận thấy một số vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung để việc thực hiện tự chủ đạt hiệu quả thực chất.
Trước hết, cần xây dựng và ban hành kịp thời các định mức kinh tế – kỹ thuật chuẩn và đơn giá đào tạo theo ngành, trình độ và hình thức đào tạo. Đây là cơ sở pháp lý và kỹ thuật quan trọng giúp các trường xây dựng đề án đặt hàng hoặc dự thầu một cách minh bạch, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế đặt hàng ổn định đối với các lĩnh vực đặc thù, như đào tạo giáo viên, nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp… những ngành có vai trò xã hội lớn nhưng khó thu hút đầu tư tư nhân. Việc xác lập rõ danh mục ngành được nhà nước đặt hàng lâu dài sẽ giúp nhà trường có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển nhân lực một cách bài bản, tránh bị động trong quy hoạch đào tạo.
Ngoài ra, cũng cần có lộ trình cụ thể, minh bạch về việc mở rộng phạm vi tự chủ, đặc biệt là tự chủ tài chính gắn với trách nhiệm giải trình, để nhà trường vừa có động lực đổi mới, vừa có đủ cơ chế kiểm soát rủi ro khi triển khai.
Việc thay đổi cơ chế quản lý tài chính từ “cấp phát” sang “đặt hàng – giao nhiệm vụ – đấu thầu” không chỉ đơn thuần là thay đổi phương thức phân bổ ngân sách, mà có tác động sâu rộng đến toàn bộ hoạt động chuyên môn của nhà trường. Cụ thể:
Về hoạt động dạy học, khi nguồn lực tài chính gắn chặt với kết quả đầu ra, nhà trường buộc phải đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và hình thức kiểm tra – đánh giá. Chất lượng đào tạo không còn được đo bằng chỉ tiêu đầu vào hay thời lượng lý thuyết, mà bằng năng lực thực hành, khả năng đáp ứng nhu cầu lao động và mức độ hài lòng của người học. Điều này tạo áp lực tích cực lên đội ngũ giảng viên trong việc cập nhật kiến thức, gắn bài giảng với thực tiễn và nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Về nghiên cứu khoa học, cơ chế mới mở ra cơ hội để nhà trường tiếp cận nguồn lực nghiên cứu thông qua đấu thầu, đặt hàng từ nhà nước hoặc doanh nghiệp. Các đề tài không chỉ hướng đến công bố học thuật mà còn phải có giá trị ứng dụng cụ thể, giải quyết bài toán thực tiễn của địa phương, ngành hoặc xã hội. Qua đó, thúc đẩy mô hình “nghiên cứu phục vụ phát triển” và tăng tính kết nối giữa trường đại học và cộng đồng.
Về cung ứng dịch vụ giáo dục, nhà trường có điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ mới như đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu cho doanh nghiệp; tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm định chất lượng,… Sự năng động này giúp nhà trường trở thành nơi không chỉ đào tạo mà còn cung cấp giải pháp thiết thực cho xã hội.
Do đó, nếu được triển khai đồng bộ và có hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế này sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp nhà trường thực hiện tự chủ một cách thực chất, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng đào tạo và vị thế trong xã hội.

Để triển khai hiệu quả cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong giáo dục đại học, sự vào cuộc đồng bộ và nhất quán của các Bộ, ngành là yếu tố then chốt. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng, cần tập trung vào một số chính sách và hướng dẫn cụ thể như sau:
Trước hết, các Bộ, ban, ngành cần ban hành hướng dẫn liên ngành đầy đủ, thống nhất và sát thực tiễn, làm rõ toàn bộ quy trình triển khai cơ chế, từ bước xác định nhu cầu xã hội, lựa chọn đơn vị thực hiện, đến cơ chế giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán.
Song song với đó, cần xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo chuyên môn cho cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong các lĩnh vực tài chính công, đấu thầu, định giá dịch vụ công, và quản lý hợp đồng đặt hàng. Những kiến thức và kỹ năng này là yếu tố then chốt để các trường chủ động và tự tin hơn khi tham gia vào cơ chế mới.
Cuối cùng, cần thúc đẩy môi trường phối hợp giữa nhà trường – đơn vị sử dụng lao động – cơ quan quản lý, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò điều phối, hỗ trợ kết nối các bên. Việc liên kết, đối thoại thường xuyên giữa các bên sẽ đảm bảo việc đặt hàng, đào tạo đáp ứng đúng và trúng nhu cầu thực tế, đồng thời giúp nâng cao tính ứng dụng của chương trình đào tạo cũng như mở rộng nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục đại học.
Tóm lại, sự hỗ trợ chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ là điều kiện cần, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy thực thi quyền tự chủ một cách thực chất, minh bạch và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục đại học.