Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ngoại ngữ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và trở thành môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục. Vì vậy, để giờ dạy Tiếng Anh đạt chất lượng và hiệu quả cao là một yêu cầu cấp thiết. Điều này đòi hỏi giáo viên không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn, đồng thời đổi mới phương pháp dạy học và kỹ năng sư phạm một cách linh hoạt và sáng tạo.
Nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh, mỗi giáo viên cần tự chọn ra cho mình phương pháp dạy phù hợp thông qua quá trình tìm tòi, thử nghiệm và tích lũy kinh nghiệm giảng dạy thực tế của bản thân trên cơ sở hiểu biết về lý thuyết của việc dạy học. Đặc biệt, vấn đề "làm thế nào để khơi gợi và duy trì hứng thú học tập cho các học sinh trong mỗi giờ dạy ngoại ngữ" luôn là câu hỏi trăn trở và mục tiêu mà tất cả giáo viên tâm huyết hướng đến.
Bộ sách mang hơi thở sáng tạo và giúp truyền cảm hứng vào mỗi giờ dạy tiếng Anh
Chia sẻ về những bí quyết nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy môn tiếng Anh, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Trần Ngọc Thảo - Thạc sĩ giáo dục Trường Đại học Edith Cowan (Úc), Giám đốc học thuật tại Trung tâm TESOL Simple Education (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Trên thực tế, bộ não trẻ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên và nhanh chóng khi được tiếp xúc và tương tác hằng ngày, thậm chí hiệu quả hơn cả người lớn.
Đối với trẻ nhỏ, điều quan trọng là giúp các em yêu thích việc học tiếng Anh thay vì vội vàng đưa vào khuôn khổ thi cử quá sớm. Niềm say mê với tiếng Anh sẽ giúp các em chủ động dành thời gian học tập nhiều hơn, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Vì vậy, giáo viên nên áp dụng phương pháp học tập nhẹ nhàng, lồng ghép các trò chơi vào bài giảng để mỗi tiết học trở nên thú vị hơn.

Cô Lê Trần Ngọc Thảo - Thạc sĩ giáo dục Trường Đại học Edith Cowan (Úc), Giám đốc học thuật tại Trung tâm TESOL Simple Education (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.
"Bản thân tôi cũng từng có trải nghiệm đáng nhớ khi còn là sinh viên, làm trợ giảng ở một số trung tâm tiếng Anh và tham gia các dự án giảng dạy. Tại đây, tôi được tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại – nơi lớp học được thiết kế sinh động, có nhiều trò chơi hấp dẫn, tạo bầu không khí gần gũi và tương tác cho học viên, đặc biệt là trẻ nhỏ. Điều đó để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, bởi nó hoàn toàn khác biệt so với phương pháp truyền thống vì việc học chỉ xoay quanh lý thuyết ngữ pháp, ghi nhớ từ vựng đơn điệu và ít cơ hội thực hành, có thể khiến tiếng Anh trở nên khó tiếp cận và thiếu hứng thú. Vì vậy, việc tạo ra một không gian học thân thiện, tích cực, có nhiều hoạt động tương tác là yếu tố vô cùng quan trọng để nuôi dưỡng tình yêu ngôn ngữ cho học sinh từ sớm, giúp các em không chỉ cảm thấy hứng thú mà còn có thể sử dụng tiếng Anh tự nhiên và linh hoạt...”, cô Ngọc Thảo bày tỏ.
Để khơi gợi hứng thú của các em trong việc tiếp thu kiến thức, hệ thống giáo trình, tài liệu học tập cũng đóng vai trò là công cụ bổ trợ đắc lực giúp giáo viên tổ chức hoạt động giảng dạy hiệu quả hơn. Theo đánh giá của cô Ngọc Thảo, bộ sách Family and Friends National Edition của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Đại học Oxford có thiết kế nội dung hấp dẫn, hình thức sinh động và gần gũi với lứa tuổi học sinh.
Điểm nổi bật của bộ sách là khả năng lồng ghép khéo léo các hoạt động quen thuộc trong đời sống hằng ngày cùng những yếu tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam như trò chơi dân gian “bịt mắt bắt dê”, hình ảnh con trâu, cánh đồng lúa,… Đó là những chi tiết tưởng chừng chỉ xuất hiện trong đời sống thường nhật của trẻ em Việt Nam, nay lại được giới thiệu và được hiện diện một cách sinh động trong một bộ sách quốc tế, mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy thú vị.

“Khi các em nhìn thấy thế giới xung quanh gần gũi với mình được phản chiếu qua lăng kính ngôn ngữ mới, việc học tiếng Anh không còn khô khan mà trở thành một trải nghiệm thực tiễn sống động và nhiều hứng thú”, cô Ngọc Thảo nhấn mạnh. "Song, tầm quan trọng của việc tập huấn giáo viên để đảm bảo thông điệp và tinh thần của sách được truyền tải một cách trọn vẹn đến học sinh cũng rất cần thiết. Các buổi tập huấn chuyên sâu cho giáo viên sẽ giúp thầy cô hiểu rõ định hướng của người viết sách, từ đó triển khai bài giảng một cách hiệu quả nhất, nhằm gia tăng tính hấp dẫn và giá trị giáo dục".
Phát triển kỹ năng giao tiếp vượt trội theo chuẩn quốc tế
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Hoàng Thị Hồng Nhung - giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ Queen Bee (Hà Nội) cho hay, với mục tiêu phát triển toàn diện các kỹ năng cho học sinh, quá trình thầy cô giảng dạy ngoại ngữ cần hình thành và nuôi dưỡng ở người học nhóm năng lực 4Cs (Creativity – Sáng tạo, Collaboration – Hợp tác, Communication – Giao tiếp, Critical Thinking – Tư duy đa chiều) thông qua hoạt động của bài học, từng bước giúp các em dễ dàng hội nhập thời đại mới.
Đồng thời, học sinh cần phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, cũng như được giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống, quy tắc ứng xử, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, kiến thức liên môn,... lồng ghép trong giờ học tiếng Anh. Ngoài ra, các em còn cần được tiếp cận và làm quen với nền văn hóa của Việt Nam và các nước khác trên thế giới, bổ sung vốn kiến thức giúp các em thêm yêu mến giá trị văn hóa dân tộc.
Được đưa vào sử dụng chính thức trong cơ sở giáo dục phổ thông, bộ sách Family and Friends National Edition nằm trong chuỗi Friends Series đầy đủ 12 lớp từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông đang ngày càng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giáo viên bộ môn cũng như các đơn vị giảng dạy, trung tâm Anh ngữ về tính chuẩn mực của ngôn ngữ bản xứ cũng như bởi tính thông dụng và thực tế trong công tác giảng dạy.
Theo cô Hồng Nhung, bộ sách được trình bày logic, khoa học, dễ dàng ghi nhớ và hệ thống kiến thức. Cấu trúc bài học trong sách được xây dựng theo tiến trình khám phá kiến thức mới, đến thông hiểu, thực hành và vận dụng. Học sinh được tiếp cận mở đầu nội dung mới thông qua các câu chuyện trong Lesson One một cách cụ thể và phát triển liên thông từ việc khái quát đến ứng dụng thực hành. Từ đó, giúp các em học sinh ở các trình độ học tập khác nhau có thể vận dụng theo năng lực học tập cá nhân.
Ngoài việc học tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng các tiêu chuẩn đầu ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh học bộ sách còn được làm quen với các bài kiểm tra đánh giá năng lực quốc tế như Cambrigde, TOEFL,… Đặc biệt, sách giữ lại nội dung gốc từ Nhà xuất bản Đại học Oxford và được các chuyên gia bản ngữ điều chỉnh để phù hợp với trình độ và năng lực của học sinh tại Việt Nam ở từng cấp bậc tương đương. Vì vậy, học sinh được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc và làm quen với ngôn ngữ chuẩn quốc tế.

Với Family and Friends National Edition, ngoài các bài học kiến thức, sách thường lồng ghép các tình huống thực tế để học sinh thực hành ngôn ngữ. Với các bài "Everyday English" dựa theo các bài thi tiếng Anh Cambridge, các cụm từ thông dụng, hữu ích sử dụng trong cuộc sống hằng ngày được đưa vào sách, từ đó giúp các em dễ dàng áp dụng tiếng Anh trong các tình huống giao tiếp thực tế.
Mặt khác, cô Hồng Nhung nhận định rằng, bộ sách đóng vai trò là một công cụ hỗ trợ hữu ích, vì trong quá trình giảng dạy, bộ tài nguyên thiết thực đi kèm giúp giáo viên sử dụng làm tài liệu tham khảo, tổ chức nhiều hoạt động học tập phong phú hơn, phù hợp với trình độ và năng lực giao tiếp của học sinh.
Các thẻ từ (Flashcards), thẻ ngữ âm (Phonics cards), tranh tình huống (Posters) đi kèm là tư liệu mà các thầy cô cần kết hợp sử dụng cho hoạt động làm quen, chia nhóm thi đấu và ôn tập từ vựng trực quan sinh động, giúp học sinh ghi nhớ và hứng thú với việc học tiếng Anh. Tài liệu in ấn cũng có thể hỗ trợ giáo viên kiểm tra kết thúc mỗi đơn vị bài học (unit), các bài tập giúp học sinh làm quen với bài thi chuẩn quốc tế như Cambridge Exam, TOEFL Primary, Pearson Exam,…

"Các câu chuyện và đoạn hội thoại trong bộ sách được xây dựng một cách khéo léo, với lối dẫn dắt tự nhiên, gần gũi, tạo cảm giác như đang bước vào một thế giới nhỏ đầy màu sắc mà ở đó, các em học sinh có thể dễ dàng tìm thấy chính mình.
Những nhân vật được sáng tạo trong sách không chỉ sinh động, dễ thương mà còn mang tính cách đa dạng trong đời sống thường nhật của trẻ, xoay quanh gia đình và bạn bè. Thông qua hành trình của các nhân vật, các em không chỉ học được cách sử dụng tiếng Anh trong những tình huống cụ thể mà còn tiếp nhận nhiều bài học mang tính giáo dục nhẹ nhàng về sự chia sẻ, tinh thần hợp tác rất dễ nhớ và dễ nắm bắt", cô Hồng Nhung cho biết.