Không tìm thấy đề án mở nhiều ngành mới, ĐH Công nghệ TP.HCM nói do lỗi kỹ thuật

16/04/2025 06:24
Tường San

GDVN -Theo thông tin từ Trường ĐH Công nghệ TPHCM, những ngành mới mở đã được công khai trên website theo đúng quy định nhưng do lỗi kỹ thuật nên chưa hiển thị đầy đủ.

Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập ngày 26/4/1995 theo Quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đi vào hoạt động theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo số 2128/QĐ-GDĐT.

Theo cổng thông tin điện tử của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà trường đào tạo 63 ngành nghề thuộc các lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Kiến trúc - Mỹ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Marketing - Truyền thông, Luật, Khoa học xã hội - nhân văn, Ngoại ngữ và Nghệ thuật.

Đối với các chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, nhà trường được phép đào tạo Thạc sĩ cho 16 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực Kỹ thuật, Kinh tế, Du lịch, Ngoại ngữ, Luật, Thú y; đào tạo trình độ Tiến sĩ với 03 chuyên ngành Kỹ thuật điện, Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin.

Hiện Trường do Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Đắc Lộc làm Hiệu trưởng; Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Trường sở hữu 04 khu học xá toạ lạc tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm Trụ sở Điện Biên Phủ (Saigon Campus) ở 475A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh; Cơ sở Ung Văn Khiêm (Ung Van Khiem Campus) ở 31/36 Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh; Trung tâm Đào tạo Nhân lực chất lượng cao HUTECH (Thu Duc Campus) ở Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), Xa lộ Hà Nội, Phường Hiệp Phú, Thành phố Thủ Đức; Viện Công nghệ Cao HUTECH (Hitech Park Campus) tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), Phường Long Thạnh Mỹ, Thành phố Thủ Đức.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh ngành Kinh tế số, Công nghệ tài chính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật nhiệt, tuy nhiên, khi ấn vào link Đề án mở mã ngành đào tạo trình độ đại học các ngành này do Nhà trường đăng tải trên website thì không thể mở được. Đồng thời, phóng viên cũng không tìm thấy đề án mở ngành Điều dưỡng (tuyển sinh năm 2021); ngành Tài chính quốc tế (tuyển sinh năm 2022).

Trong khi đó, các ngành mở năm 2023 và một số ngành được mở năm 2021, 2022 vẫn được Nhà trường đăng tải đề án mở ngành.

Screenshot 2025-04-14 145626.png
Nhiều ngành mới mở năm 2024 nhưng không thể truy cập vào để xem Đề án mở ngành. (Ảnh chụp màn hình).

Điều 14, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định: Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày ban hành quyết định mở ngành đào tạo hoặc nhận được quyết định cho phép mở ngành đào tạo của cơ quan có thẩm quyền, cơ sở đào tạo phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo...

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Nguyễn Thị Xuân Dung – Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Đề án mở các ngành Kinh tế số, Công nghệ tài chính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật nhiệt, Tài chính quốc tế đã được Nhà trường công khai trên website theo đúng quy định. Tuy nhiên, do một số lỗi kỹ thuật, các thông tin này chưa hiển thị đầy đủ. Trường đã tiến hành kiểm tra và khắc phục các vấn đề này.

Riêng đề án mở các ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Nhà trường mở ngành và thực hiện tuyển sinh từ năm 2021, Trường đã công khai trong “Đề án mở khối ngành Sức khỏe”.

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024, năm 2024, Nhà trường đã dừng tuyển sinh đối với ngành học Tài chính quốc tế (bắt đầu tuyển sinh từ năm 2022). Như vậy, ngành học ngành đã bị đóng chỉ sau 2 năm tuyển sinh. Ngành Chăn nuôi (bắt đầu tuyển sinh từ năm 2022) còn bị dừng tuyển sinh ngay vào năm 2023 (tức chỉ sau 1 năm bắt đầu tuyển sinh).

Screenshot 2025-04-14 150942.png
Screenshot 2025-04-14 150830.png
Thông tin tuyển sinh ngành Tài chính quốc tế và ngành Chăn nuôi của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 năm 2022, 2023 tại Đề án tuyển sinh 2024. (Ảnh chụp màn hình).

Về vấn đề này, cô Dung thông tin: “Năm 2022, Trường mở ngành Chăn nuôi và Tài chính quốc tế. Trước đó, Trường đã thực hiện khảo sát và đánh giá nhu cầu nhân lực của xã hội, khả năng đáp ứng của Trường, cũng như thực trạng đào tạo của các trường có cùng ngành đào tạo.

Kết quả cho thấy, nhu cầu đào tạo nhân sự có kiến thức chuyên sâu về chăn nuôi và tài chính quốc tế hệ đại học là cần thiết để tạo nên đội ngũ các cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thêm vào đó, hằng năm Nhà trường đón tiếp rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này đến trao đổi hợp tác để tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp các ngành học nói trên.

Tuy nhiên, trong quá trình tuyển sinh, có thể công tác tư vấn hướng nghiệp chưa thực sự sâu sát thực tiễn nên thí sinh chưa nhận thức được mức độ quan trọng và nhu cầu của các ngành Chăn nuôi, Tài chính quốc tế; cũng có thể do sở thích ngành nghề của giới trẻ liên tục biến đổi không ngừng theo sự biến động của nền kinh tế và trào lưu xã hội khiến thí sinh không đặt nguyện vọng ưu tiên vào các ngành này nhiều, dẫn đến tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào các ngành này rất ít”.

Theo báo cáo công khai tài chính năm 2023-2024 và năm 2022-2023 do Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải, phóng viên thấy rằng, tổng thu năm của Nhà trường có xu hướng tăng, từ 1.145 tỷ đồng (năm 2023) lên 1.260 tỷ đồng (năm 2024).

Về vấn đề này, cô Dung cho hay: “Sự gia tăng tổng nguồn thu của Nhà trường từ 1.145 tỷ đồng (năm 2023) lên 1260 tỷ đồng (năm 2024) được hình thành từ nhiều yếu tố. Theo đó, Trường đã chú trọng vào việc quản lý tài chính một cách hiệu quả, tối ưu hóa các nguồn lực hiện có để đảm bảo sự phát triển bền vững. Ngoài ra, việc cải tiến xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng thực tiễn đã thu hút thêm nhiều sinh viên.

Đồng thời, đẩy mạnh mô hình đào tạo Nhà trường - Doanh nghiệp, các mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức được tăng cường đã mang lại nhiều cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên: Nhà trường thường xuyên đưa sinh viên đi thực tế từ năm nhất đến năm cuối; các hội thảo, ngày hội việc làm quy mô lớn ở đa dạng lĩnh vực ngành nghề được tổ chức nhiều lần trong năm để kết nối sinh viên với các doanh nghiệp một cách thiết thực.

Tất cả những yếu tố này đã tạo ra một môi trường học tập tích cực, góp phần đáng kể vào sự gia tăng tổng nguồn thu của Nhà trường trong thời gian qua”.

Diện tích đất/sinh viên, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ chưa đạt Thông tư 01

Mặt khác, khi phóng viên bấm vào báo cáo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2023-2024 được Nhà trường đăng tải trên website thì báo “Lỗi, Không tải được tài liệu PDF”. Do đó không thể thấy được thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường.

Screenshot 2025-03-11 112006.png
Ảnh chụp màn hình.

Theo cô Dung: “Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số giảng viên cơ hữu của nhà trường là 1.346, trong đó có 418 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ trở lên (đạt tỷ lệ 31%).

Để đảm bảo quy định về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, Trường đang chủ động triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Hiện trường đang có chính sách hỗ trợ học phí cho các cán bộ của nhà trường đi học các chương trình nghiên cứu sinh, đồng thời có chính sách tốt để thu hút nhiều giảng viên tốt nghiệp các chương trình tiến sĩ ở nước ngoài về trường công tác. Hy vọng rằng, trong tương lai gần Nhà trường sẽ gia tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên”.

Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học phải không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Ngoài ra, thông tin từ báo cáo công khai thông tin cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đại học năm 2023-2024 cho thấy, diện tích đất/sinh viên của Nhà trường hiện chỉ đạt 2,05m2.

Trong khi đó, theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số cho vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học nhằm quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2.

Cũng theo hướng dẫn xác định các chỉ số đánh giá của Thông tư này, tổng diện tích đất của cơ sở cơ sở giáo dục đại học hoặc của một phân hiệu có nhân hệ số theo vị trí khuôn viên, chia cho số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học hoặc của phân hiệu. Hệ số vị trí của khuôn viên bằng 2,5 đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và bằng 1 đối với các khu vực còn lại.

Trước thực tế này, cô Dung thông tin, năm học 2023-2024, diện tích đất của Trường là 69.395,3 m2, quy mô người học là 33.984 sinh viên. Như vậy, theo quy đổi, diện tích đất/sinh viên của Trường là 4.4 m2.

Để nâng cao diện tích đất/sinh viên, nhằm đạt được quy định tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai một số chính sách đầu tư cơ sở vật chất như tích cực tìm kiếm các dự án phù hợp để tiếp tục đầu tư, mở rộng không gian, xây dựng hạ tầng đào tạo sinh viên; Đầu tư xây dựng các tòa nhà mới với thiết kế hiện đại, tối ưu hóa không gian và chức năng sử dụng nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo; Ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức một số nội dung học trực tuyến, tăng hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Sau khi nhận được phản hồi của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 14/04/2025, phóng viên thấy rằng, website của Nhà trường đã cập nhật đầy đủ đề án mở ngành của những ngành học: Kinh tế số, Công nghệ tài chính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật nhiệt.

Tường San