Tuyển dụng và thu hút giảng viên nước ngoài đang là “bài toán khó” của trường ĐH

22/04/2025 06:34
Thúy Hiền

GDVN - Việc thu hút GV nước ngoài không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần thúc đẩy quá trình quốc tế hóa trong các trường đại học Việt Nam.

Nghị quyết 51 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế” trong đó chủ đề số 8 nhấn mạnh: Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới; thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới thành lập phân hiệu tại Việt Nam; khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam; thành lập các trung tâm kết nối tri thức để chia sẻ tri thức của hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo Việt Nam với các cơ giáo dục đại học trong khu vực và quốc tế”.

Những định hướng từ Nghị quyết 51 không chỉ đặt ra yêu cầu, mà còn mở ra cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong nước chủ động đổi mới, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo. Trên thực tế, nhiều trường đại học đã xây dựng lộ trình và chiến lược cụ thể để thích ứng, song quá trình triển khai vẫn gặp không ít rào cản.

Hợp tác quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo là yếu tố then chốt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở các biên bản ghi nhớ đã ký kết với đối tác quốc tế, nhà trường hiện đang triển khai nhiều chương trình hợp tác và liên kết đào tạo mang tính thực chất.

Các chương trình tiêu biểu bao gồm: Chương trình 3+1 (sinh viên quốc tế trong chương trình đào tạo cử nhân sẽ học 1 năm tại trường); Chương trình 3+1+2 (sinh viên quốc tế hoàn thành chương trình 3+1 tại trường sẽ tiếp tục học 2 năm tại trường để lấy bằng thạc sĩ); Chương trình 7+1 (trong 8 học kỳ đào tạo cử nhân của đối tác quốc tế, sinh viên sẽ học 1 học kỳ tại trường); Chương trình 5+1 (trong chương trình đào tạo thạc sĩ của đối tác quốc tế, sinh viên sẽ học 1 học kỳ tại trường).

Bên cạnh đó, trường triển khai các chương trình thực tập và trải nghiệm cho sinh viên tại các trường đại học, doanh nghiệp đối tác quốc tế trong thời gian 2 tuần cùng chương trình thực tập giảng dạy 3 tháng tại các trường đối tác. Các chương trình này được thực hiện với các đối tác đến từ các nước như Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Thái Lan, Bỉ và Canada.

pgs.ts nguyễn văn hiếu.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Website nhà trường)

“Để thu hút hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo các ngành “mũi nhọn”, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tập trung xây dựng chuỗi đối tác chiến lược theo định hướng phát triển bền vững. Các đối tác được lựa chọn đều có thế mạnh bổ sung cho nhà trường, nhất là trong những lĩnh vực mà trường đang có ưu thế. Trên nền tảng đó, nhà trường chủ động đa dạng hóa các chương trình liên kết, hợp tác ở nhiều trình độ khác nhau, với phương thức tổ chức linh hoạt và nội dung thiết thực.

Nhờ chiến lược bài bản, hoạt động hợp tác quốc tế của trường diễn ra sôi nổi, hiệu quả và bền vững, không chỉ giữ vững các đối tác truyền thống mà còn thu hút thêm nhiều đối tác mới. Đáng chú ý, sinh viên quốc tế sau quá trình học tập và trải nghiệm tại trường đã trở thành những “đại sứ kết nối”, góp phần lan tỏa hình ảnh và uy tín của nhà trường trên trường quốc tế”, thầy Hiếu cho biết.

Ngoài ra, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mang tính “mở”, tạo hành lang thuận lợi để thúc đẩy vai trò then chốt của các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhờ đó, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai các thủ tục, định hướng và hoạt động hợp tác quốc tế.

Đồng thời, những thay đổi nhanh chóng về chính sách cũng đặt ra yêu cầu đối với nhà trường trong việc liên tục cập nhật, điều chỉnh và hoàn thiện định hướng chiến lược hợp tác quốc tế. Đây không chỉ là cách để thích ứng với bối cảnh mới, mà còn là cơ hội để nhà trường phát huy vai trò, sứ mệnh của mình trong việc kết nối và lan tỏa tri thức ra khu vực và thế giới.

Còn theo Tiến sĩ Cao Tấn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, nhà trường đã triển khai đa dạng các chiến lược nhằm thu hút hợp tác từ các đối tác nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo các ngành “mũi nhọn” của trường.

Một trong những bước quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của nhà trường là thành lập Viện Đào tạo Quốc tế (ISFM), đơn vị chuyên trách về hợp tác và liên kết đào tạo quốc tế ở các trình độ từ đại học đến tiến sĩ với các đại học tiên tiến trên thế giới. ISFM đã thiết lập quan hệ với các đại học uy tín từ Anh, Hoa Kỳ, Canada, Malaysia, Ấn độ, Pháp.

TS Cao Tấn Huy.jpg
Tiến sĩ Cao Tấn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing. (Ảnh: NVCC)

“Trong giai đoạn 2021-2030, Trường Đại học Tài chính - Marketing đặt mục tiêu phát triển quan hệ hợp tác với ít nhất 5 trường đại học trên thế giới trong các lĩnh vực đào tạo và trao đổi giảng viên, sinh viên; trong đó, ít nhất 2 trường thuộc khối G7 và G20 (nhóm các nền kinh tế lớn).

Đến năm 2030, trường hướng tới nâng số trường có quan hệ hợp tác quốc tế lên trên 10 trường. Các hoạt động hợp tác bao gồm đào tạo theo chuẩn quốc tế, trao đổi giảng viên và sinh viên, tổ chức hội thảo quốc tế và trao đổi học thuật bằng các dự án nghiên cứu khoa học chung.

Nhà trường cũng chú trọng đến việc tăng cường năng lực giảng dạy bằng tiếng Anh của giảng viên, phấn đấu đến năm 2030 đạt 60% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên có thể giảng dạy thành thạo bằng tiếng Anh và tham gia trực tiếp vào các dự án nghiên cứu quốc tế.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Trường Đại học Tài chính - Marketing đã ký kết biên bản hợp tác toàn diện với nhiều đơn vị trong và ngoài nước. Cụ thể, vào tháng 1/2025, trường đã ký kết hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực Tài chính và Marketing”, thầy Huy cho biết.

Với những chiến lược này thể hiện cam kết của Trường Đại học Tài chính - Marketing trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Ngoài ra, trong năm 2024, nhà trường đã tiến hành rà soát và điều chỉnh các chương trình đào tạo theo định hướng chuẩn quốc tế. Trong số các chương trình được rà soát, có 5 chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ định hướng kiểm định chất lượng quốc tế, bao gồm: ngành Marketing, ngành Kinh doanh quốc tế, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Tài chính - Ngân hàng.

Các mô hình liên kết đào tạo tại Trường Đại học Tài chính - Marketing được triển khai đa dạng và linh hoạt, từ 3+0, 2+1 đến 2+2, đáp ứng nhu cầu phong phú của người học. Sinh viên có thể lựa chọn học toàn phần tại Việt Nam hoặc kết hợp giữa học trong nước và từ 1 đến 2 năm tại nước ngoài để nhận bằng tốt nghiệp do các trường đại học đối tác quốc tế cấp.

Không chỉ tạo cơ hội học tập quốc tế cho sinh viên hệ liên kết, mô hình này còn mở rộng khả năng trao đổi sinh viên với các chương trình chính quy của trường, giúp tăng cường trải nghiệm học thuật và giao lưu quốc tế.

Gv nước ngoài ufm.jpg
Đội ngũ giảng viên nước ngoài mang lại nhiều thay đổi tích cực cho cơ sở giáo dục đại học. (Ảnh minh họa: ufm.edu.vn)

Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy trong các chương trình liên kết được tiếp cận và vận dụng các chuẩn mực đào tạo quốc tế, từ đó lan tỏa phương pháp giảng dạy hiện đại vào các chương trình chính quy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung của nhà trường.

Ngoài ra, cả giảng viên và sinh viên tham gia chương trình liên kết đều được sử dụng hệ thống giáo trình, tài liệu học tập, học liệu điện tử và kho nghiên cứu học thuật của các trường đối tác, cũng như mạng lưới nhà xuất bản quốc tế mà các đối tác liên kết đang hợp tác. Điều này góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng.

Tuyển dụng và thu hút giảng viên nước ngoài là “bài toán khó” trong quá trình hội nhập

Trong xu thế toàn cầu hóa giáo dục, việc thu hút giảng viên nước ngoài không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần thúc đẩy quá trình quốc tế hóa trong các trường đại học Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyển dụng và “giữ chân” đội ngũ giảng viên quốc tế vẫn là bài toán nan giải đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học.

Theo Tiến sĩ Cao Tấn Huy, cho đến thời điểm tháng 4/2025, Trường Đại học Tài chính - Marketing chưa có giảng viên người nước ngoài làm việc theo hình thức cơ hữu. Nhà trường chỉ mời giảng viên quốc tế đến giảng dạy các học phần tiếng Anh trong chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

“Theo quy định hiện hành, viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập phải có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam. Vì vậy, nhà trường không thể tuyển dụng giảng viên là người nước ngoài theo diện viên chức.

Đối với hình thức ký hợp đồng lao động, theo Luật Lao động năm 2019 và Nghị định 152/2020/NĐ-CP, người lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Tuy nhiên, thủ tục này hiện vẫn còn nhiều vướng mắc khiến đến nay Trường Đại học Tài chính - Marketing chưa thể ký hợp đồng lao động chính thức với giảng viên quốc tế”, thầy Huy cho hay.

Bàn về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, một trong những vướng mắc lớn hiện nay mà Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng phải đối mặt là vấn đề chế độ đãi ngộ và thủ tục hành chính dành cho giảng viên nước ngoài.

“Hiện nay, nhà trường chưa có nguồn ngân sách riêng để chi trả mức lương cạnh tranh cho các chuyên gia quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu. Điều này khiến việc thu hút và giữ chân các nhà khoa học nước ngoài trở nên khó khăn, thiếu sức hút để họ gắn bó lâu dài.

Trung bình mỗi năm, trường chỉ đón khoảng hai giảng viên nước ngoài đến công tác, chủ yếu theo hình thức tình nguyện. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ và xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam cũng mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu thủ tục khác nhau. Điều này khiến trường gặp không ít khó khăn trong việc mời chuyên gia đến giảng dạy hoặc hỗ trợ nghiên cứu trong những thời điểm cần thiết.

Bên cạnh đó, trường đang có gần 400 sinh viên quốc tế theo học, đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đông nhất là sinh viên đến từ Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc và Pháp. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong việc thu hút sinh viên quốc tế là số lượng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh còn hạn chế. Điều này phần nào ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và mức độ hấp dẫn của nhà trường trong mắt sinh viên nước ngoài”, thầy Hiếu thông tin.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại nhà trường có bốn giảng viên người nước ngoài đang giảng dạy, gồm hai giáo sư (người Hàn Quốc và người Đài Loan) cùng hai tiến sĩ (người Mỹ và người Macau). Tuy nhiên, công tác tuyển dụng và thu hút giảng viên quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục hành chính cũng như chế độ đãi ngộ.

pgs.ts nguyễn xuân hoàn.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC)

“Việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài vẫn là một bài toán không dễ giải đối với các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài yêu cầu về chế độ đãi ngộ cạnh tranh và thu nhập tương xứng, các thủ tục hành chính liên quan như đăng ký, xin giấy phép lao động từ cơ quan chức năng cũng là rào cản lớn. Thực tế, có những trường hợp dù nhà trường đã mất nhiều thời gian để hoàn tất hồ sơ nhưng cuối cùng giảng viên vẫn từ chối nhận việc vì quy trình rườm rà và kéo dài.

Trong bối cảnh đó, trường chủ yếu ký hợp đồng khoán (dạng hợp đồng sự vụ) với giảng viên nước ngoài, đặc biệt là khi mời giảng dạy các chuyên đề ngắn hạn hoặc tham gia chương trình đào tạo trong thời gian ngắn từ một đến hai tuần.

Về sinh viên quốc tế, hiện trường đang có gần 10 sinh viên nước ngoài theo học, chủ yếu đến từ 2 quốc gia là Myanmar và Campuchia. Những sinh viên này chủ yếu theo học các ngành như Công nghệ tài chính, Công nghệ thông tin và Sinh học”, thầy Hoàn thông tin.

Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng, một trong những khó khăn lớn trong việc triển khai các chương trình liên kết quốc tế liên quan đến giáo trình. Nhiều chương trình khi được nhập khẩu về Việt Nam phải mất thời gian dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để đảm bảo phù hợp với người học trong nước. Bên cạnh đó, không ít giáo trình có bản quyền được yêu cầu mua với chi phí cao, thường tính bằng ngoại tệ, gây áp lực đáng kể về tài chính cho các trường.

Đồng thời, để triển khai các chương trình đào tạo liên kết, các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam buộc phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành. Đặc biệt, không chỉ các trường đại học đối tác nước ngoài phải đạt kiểm định chất lượng quốc tế, mà chính ngành học liên kết cũng phải được kiểm định. Đây là điều kiện bắt buộc nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời là cơ sở pháp lý để chương trình được cấp phép triển khai tại Việt Nam.

Thúy Hiền