Nghị quyết 51 ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nghị quyết nhấn mạnh việc hoàn thiện chính sách để thúc đẩy liên kết với các cơ sở giáo dục tiên tiến quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài, thành lập phân hiệu đại học nước ngoài tại Việt Nam và xây dựng trung tâm kết nối tri thức. Đây vừa là yêu cầu, vừa là cơ hội để các trường đại học trong nước đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục dù quá trình triển khai còn gặp nhiều rào cản.
Chiến lược “quốc tế hóa” trong đào tạo và nghiên cứu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế là mục tiêu then chốt, thúc đẩy các cơ sở giáo dục chủ động chuyển đổi toàn diện theo hướng hiện đại, phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn và triết lý giáo dục của nhà trường.
“Trong tiến trình đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, những góp ý từ đoàn chuyên gia nước ngoài đóng vai trò quan trọng, giúp nhà trường phát huy điểm mạnh, tháo gỡ các điểm nghẽn trong quy trình đào tạo. Từ đó, trường không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học, phụng sự cộng đồng mà còn tiếp tục khẳng định vị thế, vun đắp truyền thống và học hiệu riêng.
Đồng thời, hoạt động này diễn ra trong bối cảnh thuận lợi khi giáo dục Việt Nam đang từng bước chuyển đổi số, hội nhập và quốc tế hóa. Nhà trường có nhiều điều kiện để hợp tác với các chuyên gia quốc tế, giáo sư đầu ngành trong và ngoài nước, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Kết quả đáng ghi nhận là đến nay, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đã có 4 chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận đạt chuẩn bởi Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), khẳng định hiệu quả rõ nét của quá trình đổi mới”, thầy Long cho hay.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận 91-KL/TW và Nghị quyết 51/NQ-CP đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế. Những chính sách hỗ trợ về liên kết đào tạo, bằng kép, công nhận tín chỉ quốc tế… cũng giúp trường dễ dàng triển khai các chương trình phối hợp với các đối tác nước ngoài.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, nhà trường xác định một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế về giáo dục là phát triển đa dạng chương trình hợp tác, liên kết quốc tế.
Hiện tại, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đã triển khai 2 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ, trong đó có 1 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ ngành Biên phiên dịch Hàn-Việt với Trường Cao học Anh ngữ Quốc tế, Hàn Quốc; 1 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ ngành TESOL với Đại học Victoria Wellington, New Zealand.
Ngoài ra, nhà trường đang tích cực xúc tiến thoả thuận liên kết đào tạo các chương trình đào tạo bậc đại học và thạc sĩ với các trường đối tác tại Nga và Australia, dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm 2026.
Nhà trường phối hợp với Đại học Đà Nẵng thực hiện Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) do USAID tài trợ và các hoạt động phi xây dựng thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (Dự án VUDP).
Dự án PHER là sáng kiến kéo dài 5 năm nhằm hiện đại hoá 3 đại học hàng đầu của Việt Nam và hỗ trợ phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, nằm trong Khung chương trình Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Đại học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Đặc biệt, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong đào tạo và phát triển hợp tác quốc tế gắn với các chỉ số xếp hạng trường đại học, đặc biệt là bộ tiêu chí về công bố khoa học quốc tế trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục WoS/Scopus và dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo mũi nhọn của trường, gồm: nghiên cứu, giảng dạy ngoại ngữ và nhân văn đối với các ngành Quốc tế học, Quan hệ quốc tế, Đông phương học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học,...
Nhà trường xây dựng chiến lược phối hợp với các cơ quan ngoại giao và đối tác trong, ngoài nước để tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân, đặc biệt là các hoạt động học thuật, nhằm thu hút chuyên gia, tình nguyện viên, giảng viên, thực tập sinh và sinh viên quốc tế đến nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại trường.
Bàn về chiến lược quốc tế hóa trong đào tạo và nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tân - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Hà Nội cho biết, nhà trường luôn coi trọng việc mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới, xem đây là hướng đi quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy, cập nhật tri thức hiện đại và tạo cơ hội học tập, nghiên cứu trong môi trường quốc tế cho cả giảng viên lẫn sinh viên.
Hiện tại, Trường Đại học Hà Nội đang triển khai giảng dạy 7 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ với các trường đại học của các nước Úc, Áo, Niu Di-lân, Bỉ, Nhật Bản. Khi theo học các chương trình này, người học có cơ hội được tiếp cận với các chương trình tiên tiến, kiến thức cập nhật, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá được đổi mới với sự tham gia của giảng viên nước ngoài.
Ở trình độ cử nhân, người học thường được tăng thời lượng thực hành thông qua các dạng bài tập dự án phong phú, thời gian thực tập dài. Ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, người học phát triển các đề tài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của cả giảng viên người Việt và người nước ngoài.
Thông qua đó, các giảng viên Việt Nam cũng được cập nhật thêm về các chủ đề hoặc phương pháp nghiên cứu mới của nước ngoài.

Bên cạnh các chương trình liên kết đào tạo cấp bằng, nhà trường còn triển khai hơn 100 chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên. Mỗi năm, trường cử trung bình khoảng 250 sinh viên Việt Nam sang các trường đại học của gần 20 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ để trao đổi học tập.
Về chiến lược phát triển, Trường Đại học Hà Nội phát huy lợi thế đặc thù khi toàn bộ sinh viên, giảng viên đều thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Hiện nhà trường giảng dạy 11 ngoại ngữ và 11 chuyên ngành theo mô hình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Mỗi khoa đào tạo được xem như một “phòng hợp tác quốc tế thu nhỏ”, chủ động triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu theo định hướng toàn cầu hóa mà trường đề ra.
Nhờ đó, mạng lưới đối tác quốc tế của nhà trường ngày càng mở rộng, gồm các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, viện văn hóa - ngôn ngữ, doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn kinh tế, cùng hơn 300 trường đại học đối tác tại bốn châu lục.
Đào tạo quốc tế vướng “nút thắt” về kiểm định chương trình liên kết và nguồn nhân lực
Trong bối cảnh giáo dục ngày càng hội nhập, các chương trình đào tạo quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo ra công dân toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn gặp không ít rào cản.
Hai “nút thắt” lớn nhất hiện nay là công tác kiểm định các chương trình liên kết đào tạo và khó khăn trong việc thu hút đội ngũ giảng viên nước ngoài. Đây đều là những yếu tố mang tính then chốt để đảm đảm chất lượng và uy tín cho các chương trình quốc tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tân, việc kiểm định chương trình liên kết đào tạo là một khó khăn tương đối lớn cho các trường đại học của Việt Nam.
“Trên thực tế, khi một trường đại học nước ngoài triển khai chương trình liên kết tại Việt Nam, chương trình đó thường đã được kiểm định theo quy định của nước sở tại. Tuy nhiên, đối với yêu cầu kiểm định tại Việt Nam, cần làm rõ sẽ áp dụng bộ tiêu chuẩn nào, bởi tiêu chuẩn kiểm định của nước ngoài có thể khác biệt so với tiêu chuẩn trong nước hoặc của một tổ chức kiểm định quốc tế khác.
Bên cạnh đó, chi phí thực hiện kiểm định hiện vẫn ở mức cao, trở thành gánh nặng đối với không ít cơ sở giáo dục đại học. Do vậy, nếu một chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có số lượng người học hạn chế nhưng vẫn phải chi trả mức phí lớn để kiểm định lại chương trình sẽ khó đạt hiệu quả về mặt kinh tế.
Trên cơ sở đảm bảo tính đúng, tính đủ trong xây dựng mức học phí các chương trình liên kết, chi phí kiểm định lại sẽ làm gia tăng học phí mà người học phải đóng. Điều này có thể làm giảm cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến đối với người học”, thầy Tân cho hay.
Nhìn chung, các chính sách hiện hành tương đối thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, một số quy định vẫn có thể gây chậm trễ trong triển khai do yêu cầu thủ tục phải qua nhiều bộ, ngành và địa phương.
Theo thầy Tân, Quyết định 06/2020/QĐ-TTg về Tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; Nghị định 80/2020/NĐ-CP về Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam đều đặt ra những quy trình phức tạp. Do đó, cần có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là những trường đã thực hiện cơ chế tự chủ.
Nếu không có cơ chế đặc thù, các trường đại học sẽ khó có thể triển khai chương trình liên kết để vừa đào tạo nguồn nhân lực, vừa tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Điều này vô hình trung làm chậm cơ hội tiếp cận tri thức mới và bắt nhịp với xu thế phát triển toàn cầu.

“Trước đây, số lượng giảng viên, chuyên gia nước ngoài công tác tại Trường Đại học Hà Nội thường xuyên duy trì trên 30 người. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 50%.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do chế độ đãi ngộ vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân giảng viên nước ngoài. Các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phải bố trí ngân sách đủ lớn để mời giảng viên nước ngoài chất lượng cao, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía họ vẫn là một thách thức không nhỏ. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính liên quan đến việc xin hoặc miễn giấy phép lao động vẫn còn phức tạp, rườm rà, quy trình hướng dẫn chưa thực sự thống nhất.
Bên cạnh đó, số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Trường Đại học Hà Nội được duy trì ổn định, dao động từ 700 đến 800 sinh viên mỗi năm. Phần lớn sinh viên quốc tế theo học các chương trình về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Nhờ có nhiều ngành đào tạo được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, nhà trường không gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại trường”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tân cho hay.
Theo Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, trong 5-10 năm tới, Trường Đại học Hà Nội đặt mục tiêu trở thành Đại học Hà Nội, mở rộng quy mô đào tạo và cơ sở vật chất. Nhà trường đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 3 mục tiêu và 9 giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế. Các chỉ số đánh giá được thiết kế theo từng năm để theo dõi tiến độ thực hiện. Song song đó, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh về hợp tác quốc tế, tiến tới quốc tế hóa toàn diện.

Bàn về tình hình đội ngũ giảng viên nước ngoài và sinh viên quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long cho biết, năm 2024, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng có 17 tình nguyện viên và giảng viên nước ngoài đến công tác. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của một cơ sở đào tạo chuyên ngữ, bởi sự tham gia của giảng viên bản ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng phản xạ, phát âm, giao tiếp cho người học và góp phần cải thiện chất lượng đầu ra.
Theo thầy Long, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP(quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam) nhằm tạo thuận lợi trong việc sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam như rút ngắn thời hạn báo cáo nhu cầu tuyển dụng, cấp giấy phép lao động điện tử góp phần hỗ trợ các trường trong công tác tuyển dụng giảng viên nước ngoài, nhưng thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng và một số cơ sở giáo dục khác đang vướng mắc bởi thủ tục xin chỉ tiêu lao động nước ngoài còn rườm rà. Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động thường mất nhiều thời gian xét duyệt; việc hợp pháp hóa lãnh sự các văn bằng, chứng chỉ hay xác nhận kinh nghiệm phụ thuộc vào quy định riêng của từng quốc gia. Ngoài ra, yêu cầu ứng viên phải có từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm chuyên môn cũng là một rào cản lớn trong quá trình tuyển dụng.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài phải được xác lập trong Đề án vị trí việc làm, đồng thời nhà trường phải giải trình rõ lý do không thể sử dụng giảng viên trong nước. Quan trọng hơn, chính sách đãi ngộ hiện nay từ tiền lương, hỗ trợ đến chế độ giờ giảng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh để thu hút giảng viên nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu lâu dài tại trường.

Trong năm 2024, số lượng sinh viên quốc tế đến giao lưu, trao đổi, học tập tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng là 480 sinh viên. Trong đó, số lượng sinh viên đến trao đổi, thực tập và tham gia các khóa học tiếng Việt là 135 sinh viên; sinh viên đi trao đổi, thực tập tại các đơn vị nước ngoài là 345 sinh viên. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, đây là con số khiêm tốn so với nguồn lực và tiềm năng của nhà trường.
“Khó khăn thứ nhất cản trở việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại trường là cơ hội việc làm cho người nước ngoài tại Đà Nẵng còn rất hạn chế, thủ tục xin thị thực và giấy phép lao động phức tạp. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên quốc tế, đặc biệt là các sinh viên đến từ Lào, Trung Quốc và Hàn Quốc có nguyện vọng ở lại Đà Nẵng làm việc sau khi tốt nghiệp; tuy nhiên, do thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp, phần lớn đều phải trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học.
Khó khăn thứ hai xuất phát từ đặc thù của một trường đại học chuyên ngữ, khi phần lớn chương trình đào tạo tập trung vào các ngoại ngữ phổ biến như tiếng Anh, Trung, Hàn, Nhật,..., trong khi thực tế lại rất ít người nước ngoài đến Việt Nam chỉ để học ngôn ngữ, khiến số lượng lưu học sinh quốc tế tại trường vẫn còn hạn chế.
Trước thực trạng đó, nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh đối với các ngành thuộc lĩnh vực nhân văn như Quốc tế học, Quan hệ quốc tế, Đông phương học, đồng thời mở rộng các chương trình liên kết quốc tế nhằm tăng khả năng thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập và trao đổi.
Khó khăn thứ ba là việc thiếu ký túc xá gần khuôn viên trường. Hiện nay, sinh viên quốc tế của trường phải lưu trú tại Ký túc xá quốc tế của Đại học Đà Nẵng, nằm trong khuôn viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Điều này gây không ít trở ngại trong việc di chuyển, quản lý cũng như chăm lo đời sống tinh thần cho lưu học sinh”, thầy Long cho hay.
Trong tương lai, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng định hướng trở thành cơ sở giáo dục đại học uy tín trên trường quốc tế. Chiến lược phát triển tập trung vào mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đẩy mạnh trao đổi giảng viên, sinh viên với các đối tác nước ngoài. Đồng thời, nhà trường chú trọng thu hút sinh viên quốc tế và nâng cao chất lượng giảng dạy theo chuẩn mực quốc tế.