Tác giả chia sẻ về hành trình 5 năm nghiên cứu, biên soạn SGK Âm nhạc 10,11,12

19/04/2025 07:13
Thảo Lê

GDVN - Là một trong những tác giả tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa Âm nhạc cấp THPT, Tiến sĩ Thu Hà bày tỏ mong muốn tiếp thêm tình yêu nghệ thuật đến với học sinh.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà hiện đang là giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô là một trong những tác giả trực tiếp tham gia biên soạn nội sách giáo khoa Âm nhạc 10,11,12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nội dung chính mà nữ tác giả tham gia biên soạn là thanh nhạc lớp 10,11,12 và chuyên đề kỹ năng biểu diễn thanh nhạc lớp 11.

5 năm miệt mài nghiên cứu, điều chỉnh liên tục để phù hợp với thực tiễn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thu Hà cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy quá trình biên soạn sách để lại cho tác giả nhiều dấu ấn.

"Tôi cảm thấy may mắn và cũng tự hào khi có cơ hội tham gia vào quá trình biên soạn sách giáo khoa Âm nhạc 10,11,12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản. Đây là lần đầu kiến thức về âm nhạc được đưa vào giảng dạy ở bậc trung học phổ thông nên cũng có nhiều yếu tố mới mẻ từ nội dung đến hình thức thể hiện.

Cá nhân tôi và các tác giả khác có rất nhiều cung bậc cảm xúc khi được trải qua giai đoạn dài biên soạn sách. Chúng tôi thực sự đã dành trọn tâm huyết để xây dựng nên một cấu trúc sách phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Quá trình xây dựng nội dung, chúng tôi phải điều chỉnh liên tục để phù hợp với đặc điểm của học sinh từng độ tuổi. Tôi không nhớ đã có bao nhiêu bản thảo xây dựng xong nhưng lại hủy bỏ vì chưa phù hợp. Khoảng 5 năm nghiên cứu cần mẫn, bộ sách cuối cùng cũng đã hoàn thành, vượt qua các vòng thẩm định của hội đồng thẩm định để tới với giáo viên và học sinh.

Hành trình này có những ngày chúng tôi mất ăn mất ngủ với việc biên soạn, nhưng thành quả cuối cùng là một dấu mốc mà tôi vô cùng tự hào", cô Hà chia sẻ.

485660408_1160707039185490_3224002598248538401_n.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà hiện đang là giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Quá trình biên soạn sách giáo khoa Âm nhạc 10,11,12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đòi hỏi sự cẩn trọng trong nội dung và công phu về bố cục, cách thức trình bày. Nữ giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: "Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu nhằm xây dựng nên cấu trúc cho từng cuốn sách giáo khoa Âm nhạc từ lớp 10 đến lớp 12. Dựa vào khung chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, tôi và các đồng nghiệp đã tích cực xây dựng nội dung kiến thức.

Thực tế qua quá trình biên soạn, tôi thấy rằng đây là một hành trình dài đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và đầy trách nhiệm của tác giả. Việc lựa chọn những bài hát sao cho phù hợp với lứa tuổi, đáp ứng được mục tiêu giáo dục cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống; phù hợp với năng lực tiếp nhận của người học, đáp ứng được tính vừa sức đồng thời đảm bảo sự phát triển giọng hát; tích hợp được các mạch nội dung, liên thông giữa các cấp học, lớp học... đòi hỏi tác giả phải thực sự tâm huyết và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Cùng với đó việc trình bày nội dung làm sao cho hấp dẫn để học sinh cảm thấy không nhàm chán, ngắn gọn nhưng phải đảm bảo đủ kiến thức nền cũng là những thử thách với đội ngũ biên tập.

Hầu hết các tác phẩm, hình ảnh trong sách giáo khoa Âm nhạc được lựa chọn tỉ mỉ, mang giá trị nghệ thuật cao. Nội dung các cuốn sách hướng đến ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình bạn, nghĩa thầy trò.

Chúng tôi cố gắng đưa vào những nội dung kiến thức cơ bản nhất về âm nhạc đến với học sinh, như: lý thuyết âm nhạc, đọc nhạc, hát, nhạc cụ, thường thức âm nhạc hoặc nghe nhạc. Để dễ hiểu và dễ tiếp cận, các nội dung này cần được biên soạn ngắn gọn, cô đọng và đầy đủ.

Những sai sót dù là nhỏ nhất cũng không được phép xảy ra, đây vừa là áp lực nhưng cũng vừa là động lực để đội ngũ tác giả cố gắng hoàn thành bộ sách một cách tốt nhất".

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Thu Hà, sách giáo khoa Âm nhạc cũng được biên soạn theo hướng giúp tăng cường khả năng tự học ở học sinh.

"Điều mà tôi vô cùng tâm đắc chính là bộ sách này được xây dựng bởi tập thể tác giả có chuyên môn sâu rộng, có kinh nghiệm sư phạm và giàu tâm huyết. Các mạch nội dung được tích hợp chặt chẽ, logic và bao trùm. Nhờ vậy, học sinh đọc, hiểu và có thể thực hành mà không cần quá phụ thuộc vào giáo viên. Kiến thức trong sách rất cơ bản, phù hợp với việc phân hoá năng lực người học và lộ trình học tập của tất cả học sinh.

Ở cấp học phổ thông, học sinh được học phần kiến thức chung (học 4 bài) và phương án lựa chọn là học đàn hoặc học hát (học 6 bài). Ở Phần phương án lựa chọn, chúng tôi mong muốn học sinh có thể chủ động phát hiện ra sở trường, thế mạnh của mình. Các em có thể học chuyên sâu hơn về nhạc cụ hoặc kỹ năng hát để thi vào những trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp sau này", nữ giảng viên chia sẻ thêm.

Screenshot 2025-04-16 112933.png
Sách giáo khoa Âm nhạc gồm 2 phần nội dung chính là kiến thức chung và phương án lựa chọn. Ảnh chụp màn hình sách giáo khoa điện tử Âm nhạc lớp 11
z6512446182620_6ec97517fe98e187a44b5959519432e0.jpg
Quá trình biên soạn sách đòi hỏi đội ngũ tác giả phải chỉn chu từng chi tiết. Ảnh NVCC

Mong muốn khơi dậy tình yêu âm nhạc ở học sinh phổ thông

Môn Âm nhạc trước đây thường được xem là môn phụ, ít được đầu tư. Việc học môn Âm nhạc cũng vì thế mà trở nên khô khan, không đạt được hiệu quả, đặc biệt với những học sinh có năng khiếu nghệ thuật.

Bên cạnh đó, do thiếu hụt đội ngũ giáo viên có chuyên môn giảng dạy Âm nhạc cũng tạo ra thách thức với môn học có tính nghệ thuật này. Đây là điều mà Tiến sĩ Thu Hà và đội ngũ biên soạn trăn trở trong quá trình xây dựng nội dung sách giáo khoa.

"Với sách giáo khoa Âm nhạc 10,11,12 trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, các kiến thức đều phải được nghiên cứu lại từ đầu, do không có cơ sở tham khảo như ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Nỗi trăn trở lớn với chúng tôi là làm thế nào để bộ sách có thể sử dụng một cách hiệu quả cho học sinh và giáo viên. Với môn Âm nhạc, học sinh không chỉ ngồi đọc khuông nhạc và hát mà còn được tiếp cận những kiến thức sâu hơn về nhạc lý, nhạc cụ,... Điều này sẽ đánh thức năng lực cảm thụ và giúp học sinh khám phá năng khiếu sớm hơn.

Sách giáo khoa cũng là sản phẩm học tập cần sự bền vững, ổn định nên các kiến thức phải mang tính phổ quát, tiếp cận được nhiều đối tượng học sinh. Khi biên soạn nội dung, chúng tôi phải thực sự đặt mình vào vị trí của người học để hiểu xem học sinh cần điều gì nhất ở cuốn sách Âm nhạc. Đối tượng người học đa phần là nghiệp dư, chưa làm quen với các khái niệm âm nhạc nhiều, vì vậy nội dung cần phải dễ hiểu, dễ tiếp cận", cô Hà nhận định.

z6512446249535_6fc16ee972d79851f5fca2a281b9c050.jpg
Buổi tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới lớp 5, 9, 12 khu vực miền Bắc có. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Thu Hà tâm sự, bản thân mong muốn những cuốn sách giáo khoa Âm nhạc sẽ là những người bạn gần gũi với học sinh, giúp âm nhạc đến gần hơn với học sinh phổ thông. Qua đó, khơi dậy tình yêu âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung cho các em.

Nữ giảng viên cũng cho rằng, việc giáo dục âm nhạc đã được đánh giá có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của học sinh từ nhân cách, tâm lý, trí tuệ cho đến thể chất, tinh thần,… Đặc biệt là nhóm học sinh phổ thông, khi các em đang trong quá trình tìm hiểu và định hình thế mạnh cá nhân.

Một điểm nổi bật trong sách giáo khoa Âm nhạc 10,11,12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đó là kiến thức về nhạc cụ (guitar, keyboard). Tiến sĩ Thu Hà nêu ra những tiêu chí về loại nhạc cụ phù hợp với học sinh phổ thông.

"Tiêu chí lựa chọn nhạc cụ để đưa vào bộ sách cũng là một trong những vấn đề được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng. Ở phần kiến thức chung, chúng tôi ưu tiên những nhạc cụ mà học sinh đã từng tiếp cận ở các cấp học dưới như: sáo recorder, ukulele, organ,... đồng thời khuyến khích sử dụng các nhạc cụ mang tính địa phương.

Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp cả nhạc cụ giai điệu và nhạc cụ gõ nhằm đáp ứng nội dung mới mẻ ở bậc trung học phổ thông – đó là hình thức hòa tấu nhạc cụ.

Riêng trong phương án lựa chọn học nhạc cụ ở phần 2 của cuốn sách, chúng tôi chọn nhạc cụ là guitar. Đây là nhạc cụ gọn nhẹ, giúp người học dễ dàng mang theo trong các hoạt động học tập và sinh hoạt âm nhạc cùng bạn bè. Hơn nữa, đây cũng là nhạc cụ gần gũi, linh hoạt trong việc tạo nên các bản hòa tấu phong phú và sinh động".

Screenshot 2025-04-16 145753.png
Guitar được chọn là một nhạc cụ trong chương trình học môn Âm nhạc ở bậc phổ thông. Ảnh chụp màn hình sách giáo khoa điện tử Âm nhạc lớp 10

Tác giả chia sẻ cách học tập tốt với sách giáo khoa Âm nhạc

Là tác giả cuốn sách, Tiến sĩ Thu Hà cũng có những chia sẻ để giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận việc dạy và học Âm nhạc hiệu quả.

"Sách giáo khoa Âm nhạc được tích hợp các file âm thanh với phần phối khí hiện đại, hỗ trợ hiệu quả cho giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy, học tập cũng như tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ tại trường. Việc này không chỉ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài giảng, mà còn góp phần khơi dậy hứng thú, tăng cường sự chủ động trong học tập của học sinh.

Để học tốt những kiến thức trong sách giáo khoa Âm nhạc, giáo viên cần là người định hướng với học sinh về các nội dung chính và cách tiếp cận cuốn sách. Điều này dựa trên nền tảng văn hoá của địa phương, trình độ chuyên môn của giáo viên.

Học sinh sẽ được phân loại theo tố chất riêng biệt, với những em học sinh có khả năng tiếp cận sâu, sẽ là cơ hội để trau dồi năng khiếu, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Với học sinh không có định hướng theo nghệ thuật có thể nắm chắc được những lý thuyết cơ bản, từ đó rèn luyện thêm một kỹ năng mới.

Một ưu điểm ở sách giáo khoa Âm nhạc 10,11,12 đó là độ mở về nội dung và phương pháp dạy học, tạo cảm giác thoải mái đúng với tính chất của một môn năng khiếu nghệ thuật".

z6512446214826_cd569ac05b29a943318140b8b4a1195e.jpg
Đội ngũ biên soạn sách giáo khoa Âm nhạc mong muốn truyền tải tình yêu quê hương, đất nước qua từng bài học. Ảnh: NVCC

Với bộ môn Âm nhạc, việc ứng dụng công nghệ thông tin là một tiến trình tất yếu để hỗ trợ người học có trải nghiệm học tập tốt hơn.

"Hiện nay xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm hỗ trợ học tập, ứng dụng được tích hợp với sách giáo khoa rất phổ biến. Với sách giáo khoa Âm nhạc, nội dung này cũng được triển khai qua hình thức tích hợp mã QR dẫn đến các file âm thanh, giúp học sinh luyện tập và thực hiện biểu diễn dễ dàng hơn.

Ngoài ra, những hệ thống học liệu trực tuyến như OLM.vn và ViettelStudy.vn cũng sẽ song hành với học sinh cùng các bài kiểm tra tương tác dạng trắc nghiệm liên quan đến kiến thức lý thuyết hoặc cảm thụ âm nhạc.

Tùy thuộc vào mỗi địa phương, giáo viên có thể linh hoạt áp dụng công nghệ vào việc giảng dạy môn Âm nhạc nhằm đảm bảo chất lượng và mục tiêu học tập của từng học sinh", Tiến sĩ Thu Hà cho biết thêm.

Thảo Lê