Vừa qua, một số phụ huynh có con học tại tại Trường Tiểu học Phạm Kha (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) phản ánh đến phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, có một số phòng học đã xuống cấp gây nguy hiểm.
Phụ huynh cũng phàn nàn là nhà trường nhiều lần vận động xã hội hóa vào việc sửa chữa phòng học, tuy nhiên hiện trạng cơ sở vật chất lớp học không được cải thiện nhiều.
Những phụ huynh này cung cấp cho phóng viên một số ảnh chụp về hiện trạng cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Phạm Kha.
Các ảnh chụp cho thấy hình ảnh của một số lớp học, trong đó có phòng treo biển bên ngoài là phòng Mỹ thuật dấu hiệu xuống cấp. Nền hành lang và phía trong phòng học cũ kỹ, các mảng tường hoen ố, bong tróc. Ngoài ra, một số ảnh chụp khác cho thấy khung cảnh gây lo ngại.

Nhằm để có thông tin khách quan, ngày 16/4 phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ lãnh đạo Trường Tiểu học Phạm Kha để tìm hiểu.
Qua trao đổi, cô Đỗ Thị Phương - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định những thông tin như phụ huynh phản ánh là không đúng. Vị Hiệu trưởng này cho rằng, những phòng học xuống cấp được phụ huynh chụp ảnh lại và gửi cho phóng viên hiện nhà trường đã không còn cho học sinh học trong đó nữa.
Ngoài ra cô Phương cho biết thêm, hàng năm nhà trường có vận động một phần kinh phí xã hội hóa để phục vụ việc cải tạo, sửa chữa trang thiết bị lớp học. Tuy nhiên, đa phần các hạng mục trong trường đều có dấu hiệu xuống cấp nên các khoản chi phí đó không đủ để khắc phục hoàn toàn cơ sở vật chất của nhà trường.
"Nhà trường vẫn cho sửa chữa những phần thiết yếu nhất để đảm bảo việc học tập của học sinh được diễn ra thông suốt. Tuy nhiên, khối lượng hạng mục cần sửa sang là rất nhiều vì nhìn đâu cũng thấy xuống cấp. Có thể, phụ huynh chưa nhìn thấy những hạng mục mà nhà trường đã sữa chữa nên mới có những suy nghĩ tiêu cực như vậy", lãnh đạo Trường Tiểu học Phạm Kha bày tỏ.
Phóng viên đề cập việc, những khu vực được phụ huynh chụp lại có nằm trong danh sách những hạng mục được nhà trường vận động xã hội hóa để sửa chữa hàng năm hay không?
Về việc này, cô Phương cho hay: "Những khu vực đó thuộc dãy nhà cấp 4 của Ủy ban nhân dân xã từ ngày xưa. Theo kế hoạch thì những khu đó sau này sẽ được phá bỏ để làm nhà đa năng. Vì thế, những khu đó trước đây chúng tôi vẫn tận dụng để làm phòng học Mỹ thuật vì phòng chức năng của nhà trường không đủ.
Sau cơn bão số 3 năm 2024, Huyện có về khảo sát và đánh giá hiện trạng và chỉ đạo rằng, những phòng học đó không thể tiếp tục để dạy học được vì nó mất an toàn cho cả học sinh và giáo viên. Vì thế, từ đó chúng tôi cũng đã cho đóng cửa và không cho học sinh học ở đó.
Hiện tại ở phòng học đó chúng tôi cũng chỉ để bàn ghế cũ và các trang thiết bị chưa dùng hoặc không dùng đến, nó chỉ đóng vai trò là kho chứa đồ đạc của nhà trường chứ không phải phòng học. Có thể phụ huynh nhìn thấy hiện trạng như vậy nên cho rằng lớp học Mỹ thuật không được cải tạo, sửa chữa nhưng thực tế không phải như vậy".
Qua đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Kha cho biết, để có đủ phòng học dạy môn Mỹ thuật, nhà trường đã cho cải tạo một phòng học khác thay thế cho phòng học cũ, kiên cố hơn. Việc phụ huynh không tìm hiểu kỹ và chụp gửi đi những hình ảnh không đúng khiến cho bộ mặt của nhà trường bị ảnh hưởng.

Liên quan đến những phản ánh của phụ huynh về thực trạng của nhà trường, cô Phương thông tin thêm, nhà trường cũng đã có trao đổi với một số phụ huynh. Trong đó, đại diện nhà trường cũng giải thích rõ với phụ huynh về việc, nếu phụ huynh cho rằng những hình ảnh lớp học xuống cấp đó đang cho học sinh học thì tại sao trong đó lại không có bàn ghế, phòng học lại trống trơn như vậy.
Đối với nội dung phụ huynh cho rằng, nhà trường kêu gọi vận động xã hội hóa nhưng không chi kinh phí cho sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh rằng, nhà trường đã chi đủ và đúng các hạng mục cần thiết.
"Việc vận động xã hội hóa để sửa chữa cơ sở vật chất trong trường không phải chúng tôi muốn huy động thế nào cũng được mà phải trình kế hoạch và xin ý kiến của ủy ban nhân dân xã. Sau khi ủy ban nhân dân xã đã duyệt thì chúng tôi gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ quan này sẽ ra thông báo để thực hiện.
Tất nhiên trong quá trình thực hiện chúng tôi sẽ có một số điều chỉnh trong kế hoạch để phù hợp với thực tế của nhà trường.
Nhìn chung cơ sở vật chất của nhà trường đã xuống cấp khá nhiều nên khi vận động được kinh phí chúng tôi phải chi cho rất nhiều hạng mục sửa chữa. Chưa kể có một số hạng mục năm nào cũng phải khắc phục lại để đảm bảo an toàn cho học sinh như: cải tạo nền nhà, đường điện, đường ống nước.
Một số phụ huynh cũng cho rằng, trong năm học 2021 - 2022 dịch bệnh bùng phát, không tổ chức dạy học nhưng nhà trường vẫn thu tiền xã hội hóa. Điều này tôi cũng đã nói rõ với các phụ huynh rằng, năm học học sinh không đến trường thì chỉ không mất chi phí cho việc ăn bán trú và khoản tiền điện, tiền nước, còn các yêu cầu khác thì buộc nhà trường vẫn phải đảm bảo vận hành.
Năm học đó, Ủy ban nhân dân xã cũng cho 3 phòng học mới, tuy nhiên việc mua sắm bàn ghế, trang thiết bị học tập thì nhà trường cũng phải chủ động. Trong đó, ngân sách nhà nước cũng chỉ hỗ trợ một phần, phần còn lại vẫn phải nhờ đến nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa. Chúng tôi cũng đã giải thích với phụ huynh nhiều lần như thế nhưng họ không nghe", cô Phương bày tỏ.
Hiện tại, phương án đảm bảo kế hoạch dạy học của nhà trường trong khi chờ chính quyền xây thêm những phòng học mới, lãnh đạo nhà trường cho biết, sẽ vận dụng mọi phương án chứ tuyệt đối không để học sinh học trong các phòng học không đảm bảo an toàn.
Cô Phương nhấn mạnh: "Đối với cơ sở vật chất của nhà trường, cấp trên cũng đã lên phương án để xây mới một số phòng học. Tuy nhiên, vì ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên chưa triển khai để xây dựng được ngay.
Tạm thời nhà trường có phòng học nào đảm bảo điều kiện thì chúng tôi sẽ cho học trong các phòng đó. Nếu không có phòng học chuyên biệt thì giáo viên phải đến dạy học trực tiếp ở các lớp. Chẳng hạn như môn tiếng Anh hoặc Âm nhạc chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên đến tận các lớp để dạy".
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 17/4, một lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết, đơn vị này đã nắm bắt được sự việc. Hiện cơ quan này cũng đang cho các phòng, ban có liên quan xác minh làm rõ những thông tin phụ huynh phản ánh.