Theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19/4 hàng năm được chọn là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Mục tiêu của ngày kỷ niệm trên là giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam đã có buổi trò chuyện cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, nguyên Giảng viên cao cấp Khoa Nhân học và Tôn giáo học, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) để lắng nghe những chia sẻ của thầy về văn hóa dân tộc.
Được biết, hoạt động kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 được tổ chức từ ngày 17 đến 20/4/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lâm Bá Nam sẽ đến dự và phát biểu tại sự kiện.
Văn hóa là bộ gen của mọi dân tộc
Bàn về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lâm Bá Nam cho biết: “Văn hóa dân tộc là kho tàng khổng lồ mà cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam đã sáng tạo ra trong toàn bộ tiến trình phát triển tộc người, trong sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc và mở rộng ra là giao thoa trong nước và quốc tế trong diễn trình lịch sử.
Vì thế khi nói về văn hóa dân tộc, người ta gọi đó là hồn cốt của một tộc người hay là một dân tộc, mang sắc thái, đặc trưng tính cách của từng dân tộc.
Giống như Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phong trong công trình về văn hóa và phát triển có khẳng định, văn hóa là bộ gen xã hội của mọi dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và liên tục được bồi đắp. Do đó, nếu một tộc người đánh mất sắc thái văn hóa của mình cũng đồng nghĩa với việc tộc người người đó bị diệt vong với tư cách tộc người.
Phải nói rõ thêm rằng, bản thân tộc người là chủ thể sáng tạo, là người bảo tồn và làm giàu các giá trị văn hóa. Văn hóa không phải bất biến mà tồn tại một cách sống động trong đời sống văn hóa tộc người. Hiểu như vậy để thấy rằng việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa trong đời sống đương đại có vai trò hết sức quan trọng.
Đảng và Nhà nước đang xác định đúng, khi coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển kinh tế xã hội. Văn hóa không thể nhìn ở lớp vỏ bên ngoài mà còn phải nhìn ở bề sâu, văn hóa thâm nhập vào tất cả lĩnh vực đời sống của mọi dân tộc hay là mọi tộc người.
Văn hóa được ẩn chứa ở trong từng cá thể, rộng ra là cộng đồng, là quốc gia. Theo nghĩa hẹp, trong từng cộng đồng, văn hóa thẩm thấu trở thành nét riêng mà ta quen gọi là bản sắc. Bản sắc ấy làm cho họ trở thành một thành tố trong cộng đồng, quốc gia”.
Tuy vậy, theo thầy Nam, trong quá trình vận động phát triển, có thể nói văn hóa tộc người đang đứng trước những thử thách to lớn. Sự phát triển kinh tế cùng với sự giao thoa từ bên ngoài đặt ra câu hỏi: “Chúng ta bảo tồn văn hóa như thế nào? Gìn giữ như thế nào để văn hóa trở thành nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển?”.
Chưa bao giờ các luồng văn hóa, các thành tố văn hóa từ bên ngoài xâm nhập vào đời sống của chúng ta một cách “khủng khiếp” như ngày hôm nay. Nhu cầu phát triển là tất yếu, không thể khước từ, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Văn hóa cũng phải vận động và muốn sự vận động ấy đảm bảo bền vững, trước hết phải là sự phát triển từ nội tại.

Tri thức của đồng bào là một kho tàng sống động
Chia sẻ về nghiên cứu Dân tộc học/Nhân học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam cho biết, ngành học này bắt đầu từ năm 1960 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), sau đó được mở rộng ra Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tổng hợp Huế (tiền thân của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế).
Nhu cầu ban đầu của ngành là đào tạo các nhà dân tộc học phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện đường lối chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Ngành Dân tộc học tiếp tục được mở rộng trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, đã có quá trình chuyển đổi trong nghiên cứu từ Dân tộc học sang Nhân học, mở rộng về mặt đối tượng nghiên cứu, tăng cường thêm các phương pháp nghiên cứu.
Khi nghiên cứu, các nhà dân tộc học đặt vấn đề về mặt tộc người, mà muốn hiểu được một tộc người trước hết phải hiểu văn hóa của họ. Vì vậy, mỗi nhà dân tộc học đều là một người nghiên cứu về văn hóa theo nghĩa là tổng thể các sáng tạo của tộc người nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần trong quá trình giao thoa văn hóa và phát triển.
Ngành Dân tộc học phải trả lời được câu hỏi "Họ là ai?", "Họ sống như thế nào?", "Họ đã tạo dựng những gì, đóng góp ra sao vào kho tàng văn hóa quốc gia?"... ngoài ra, còn có những nhu cầu của quốc gia đặt ra với vấn đề dân tộc.
Như vậy, ngành Dân tộc học với tư cách là một ngành khoa học cơ bản có vị trí đặc biệt, liên quan tới vấn đề dân tộc ở Việt Nam, trên cả phương diện tộc người và quốc gia.
Trong 70 năm qua, các nhà Dân tộc học Việt Nam đã có những thành tựu to lớn, trả lời được câu hỏi mà Nhà nước đặt ra về thành phần tộc người, trình độ phát triển kinh tế xã hội tộc người, con đường đi lên và phát triển của các tộc người. Họ cũng là chủ lực để tiếp cận văn hóa các tộc người ở Việt Nam.
Do đó, lĩnh vực khoa học này cũng cần phải được đầu tư trọng điểm của Nhà nước trong nghiên cứu, không phải chỉ nhìn ở một số khía cạnh về mặt chính sách.
Thầy Nam cho biết, các nhà Dân tộc học có phương pháp nghiên cứu đặc thù là phương pháp điền dã Dân tộc học. Nghiên cứu của các nhà Dân tộc học có phần khác một số lĩnh vực vì họ là những người tạo ra tư liệu và tư liệu đó từ đời sống mang đến.
Chia sẻ thêm về hành trình nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lâm Bá Nam nói: “Các nhà Dân tộc học đã lăn lộn từ miền núi đến đồng bằng đến vùng sâu vùng xa. Chúng tôi làm điều đó bởi vì tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người và niềm say mê văn hóa tộc người.
Tôi có gần nửa thế kỷ lang thang trên mọi miền đất nước, chung sống với đồng bào. Ngoài những người thầy dạy trực tiếp của tôi trên giảng đường, toàn bộ tri thức tôi có được ngày hôm nay phần lớn là đồng bào các tộc người ở Việt Nam đã chỉ dạy cho tôi.
Tôi đã đến ở với họ và họ coi như tôi như người thân, họ không chỉ cho tôi thức ăn, chốn nghỉ mà còn cho tôi toàn bộ tri thức dân tộc. Họ chính là người thầy lớn nhất của cuộc đời tôi”.
Theo thầy Nam, trong bối cảnh mới, nghiên cứu Dân tộc học/Nhân học cần quan tâm đến việc sử dụng công nghệ số, đặc biệt là cập nhật các thông tin mới nhưng bất luận thế nào phương pháp đặc thù của nhà Dân tộc học là không thay đổi.
Ngành Dân tộc học không phải chỉ là nghiên cứu truyền thống mà hơn hết là tiếp cận cuộc sống đương đại. Ngành Dân tộc học khi chuyển đổi sang Nhân học là nghiên cứu đương đại. Người ta có thể nghiên cứu một vấn đề tại địa bàn một tộc người cụ thể, sau đó 5 năm, 10 năm vẫn có thể quay lại để tiếp tục nghiên cứu quá trình vận động, thay đổi.
Nghiên cứu các vấn đề Nhân học/Dân tộc học đương đại để trả lời những câu hỏi của thực tiễn đặt ra, gắn liền với nhu cầu phát triển, nhu cầu vận động tộc người, để từ đó đề xuất được các vấn đề chính sách cùng các vấn đề lý luận về tộc người.
Trao cơ hội cho thế hệ trẻ phát triển văn hóa
Có quan điểm cho rằng hiện tại chúng ta đang gìn giữ văn hóa theo hướng “bảo tàng hóa”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lâm Bá Nam nhận định: “Nhiều người quan niệm rằng là bảo tồn là phải giữ nguyên trạng. Thực tế, chúng ta không nên ngưng đọng hóa để văn hóa trở thành các hóa thạch.
Có những thành tố văn hóa có thể bảo tồn một cách nguyên vẹn trong bảo tàng, trong các dạng thức công nghệ hiện đại để người ta nhận diện tiến trình phát triển của lịch sử, còn bảo tồn văn hóa phải bắt đầu từ chủ thể văn hóa, phải đặt trong đời sống tộc người. Đây là bảo tồn trong vận động và phát triển. Đó mới là cốt lõi, điều chúng ta phải tính toán đến.
Ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, do điều kiện kinh tế xã hội mà nhiều thành tố văn hóa, nhiều sáng tạo văn hóa có phần bị phai nhạt. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đang đặt ra một cách cấp thiết, họ khó lòng có thể nghĩ đến các nhu cầu tinh thần. Đến khi đời sống ổn định, nhu cầu văn hóa lại trỗi dậy, đó là quy luật.
Gần đây, tôi có trở lại vùng phía Tây của tỉnh Quảng Bình, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chứt. Họ có nhu cầu rất quan trọng là tạo lập một số thành tố văn hóa trong quá trình hội nhập. Trước đó, người Chứt sống trong các hang đá, trang phục của họ làm bằng vỏ cây. Suốt một thời gian dài họ không có trang phục dân tộc riêng.
Nhu cầu chính đáng bây giờ của họ là có trang phục truyền thống của mình. Tôi gọi đó là tạo dựng văn hóa. Chúng ta không thể bắt họ trở về với trang phục xa xưa là khố bằng vỏ cây. Vì cuộc sống và văn hóa luôn luôn vận động, biến đổi.
Có một lý thuyết rất hay về biến đổi văn hóa, được hiểu là lựa chọn sự biến đổi. Tôi đã đến hầu khắp các nhóm địa phương của người Chứt, tôi và các cộng sự cùng với họ tạo được một bộ trang phục cộng đồng để người Chứt sử dụng trong ngày lễ, ngày hội. Việc lựa chọn các yếu tố từ màu sắc đến hoa văn của bộ trang phục này xuất phát từ chính nhu cầu, cũng như những đặc điểm môi trường, cảnh quan, văn hóa của đồng bào.
Rõ ràng, ở đây, cần phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng của các nhà quản lý, các nhà khoa học. Trên và trước hết, điều này phải gắn liền với nguyện vọng của người dân, như cách tôi vẫn gọi là nghiên cứu Dân tộc học ứng dụng, đặt trong bối cảnh và sự phát triển hiện nay”.

Trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lâm Bá Nam rất cần có định hướng để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.
Thầy Nam nói: “Chúng ta đã có một hệ thống chính sách, vấn đề là phải đưa chính sách vào cuộc sống, phải có những đầu tư lâu dài, tránh những chính sách mang tính hình thức, cản trở sự phát triển. Đầu tư về văn hóa nhiều khi vô hình, không thể đong đếm nhưng đó là đầu tư bền vững. Vì vậy, khi nói đến đầu tư về văn hóa ngày hôm nay, trước hết là phải đầu tư về con người và điều này đặt vào tay thế hệ trẻ.
Tôi đã lên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và nói với các bạn trẻ người Mông rằng, tạo hóa đã cho non sông đất nước một dải cao nguyên hùng vĩ, một dòng sông Nho Quế trong vắt đẹp như một kỳ quan. Người Mông có những sáng tạo vô cùng ấn tượng như kiến trúc đá, hoạt động thổ canh hốc đá… mà các tộc người khác không thể có được.
Khi người trẻ biết yêu, biết tự hào về di sản của dân tộc mình, họ mới có nhu cầu bảo tồn và đặc biệt là làm giàu kho tàng đó để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Muốn vậy, chúng ta phải tăng cường thêm các cơ hội, để con em đồng bào tiếp cận với hệ thống giáo dục quốc dân. Họ được đi học, họ sẽ trở về để xây dựng quê hương, đóng vai trò tích cực cho sự phát triển. Cho nên trong việc đào tạo để phục vụ các vùng dân tộc thiểu số, ngoài tăng cường hậu thuẫn cán bộ từ các vùng miền, đặc biệt phải tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Sức trẻ sẽ làm nên những điều kỳ diệu hơn và đó là kỳ vọng của ngày hôm nay”.