Sáp nhập tỉnh xong, sách giáo khoa môn học nào có thể phải thay đổi, điều chỉnh?

17/04/2025 09:11
HƯƠNG MAI

GDVN - Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông là việc cần phải được thực hiện cho phù hợp với thực tế khi sáp nhập tỉnh.

Theo lộ trình, chỉ còn vài tháng nữa là nước ta sẽ thực hiện xong việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cả nước có 11 tỉnh, thành giữ nguyên; 52 tỉnh, thành còn lại sẽ thực hiện việc sáp nhập thành 23 tỉnh, thành mới. Như vậy, tên hành chính của nhiều tỉnh, thành trên cả nước hiện nay sẽ không còn nữa.

Điều này cũng đồng nghĩa một số môn học của sách giáo khoa phổ thông nếu không được thay đổi, điều chỉnh ở năm học 2025-2026 tới đây sẽ xuất hiện nhiều bất cập với thực tế giảng dạy.

Trong số các môn học, môn Nội dung giáo dục địa phương của hơn 52 tỉnh, thành hiện nay có thể sẽ thay đổi tên, nội dung để phù hợp với tên gọi mới và những vấn đề tiêu biểu của từng địa phương mới. Một số môn học khác cũng cần điều chỉnh, bổ sung một số địa danh cho phù hợp.

gdvn-giao-duc-dia-phuong-hp-1-2949-2550.jpg
Môn Nội dung giáo dục địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thực hiện sáp nhập tỉnh
 (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Môn Nội dung giáo dục địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi sáp nhập tỉnh

Trong các môn học phổ thông, gần như tất cả các môn Khoa học xã hội sẽ bị ảnh hưởng khi sáp nhập tỉnh- có thể là cả môn học hoặc phân môn. Vì thế, nếu không thực hiện điều chỉnh, bổ sung sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của học trò vì mỗi vòng đời sách giáo khoa thường được áp dụng hàng chục năm trời- tương ứng với các thế hệ học trò qua mỗi năm học.

Những môn học ảnh hưởng nhiều khi sáp nhập tỉnh, như: Nội dung giáo dục địa phương; Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí (cấp trung học phổ thông). Nội dung giáo dục địa phương; Ngữ văn; Lịch sử và Địa lí (cấp trung học cơ sở); Ngoài ra, cấp tiểu học cũng có một số môn học ảnh hưởng, như: Tiếng Việt; Lịch sử và Địa lí; Tự nhiên và Xã hội.

Đối với môn Nội dung giáo dục địa phương thì 11 tỉnh, thành không bị ảnh hưởng khi sáp nhập sẽ không phải thay đổi. Nhưng 52 tỉnh, thành chịu tác động của việc sáp nhập thì có thể phải thay đổi mới phù hợp với thực tế.

Bởi lẽ, môn Nội dung giáo dục địa phương được kết hợp giữa 6 phân môn khác nhau: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Giáo dục công dân; Âm nhạc, Mĩ thuật và sách giáo khoa môn học này do các sở giáo dục và đào tạo chủ biên. Nội dung sách giáo khoa là những vấn đề ở địa phương của từng tỉnh riêng biệt.

Khi sáp nhập từ 2-3 tỉnh, thành hiện nay thành 1 tỉnh, thành mới cũng đồng nghĩa mỗi tỉnh thành mới đã có 2-3 bộ sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ không hẳn phù hợp cho tất cả học sinh của tỉnh, thành mới.

Chẳng hạn, phân môn Ngữ văn giới thiệu một số nhà văn, nhà thơ và tác phẩm tiêu biểu của địa phương; phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật cũng giới thiệu một số nhạc sĩ, họa sĩ và những tác phẩm tiêu biểu của từng địa phương.

Phân môn Lịch sử thì giới thiệu các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử của địa phương; phân môn Địa lý thì giới thiệu sự hình thành và phát triển tự nhiên, xã hội của tỉnh nhà…Vì thế, các sở giáo dục mới sẽ phải tính toán đến việc biên soạn lại nội dung cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của tỉnh, thành mới.

Các môn Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí cũng cần được điều chỉnh, bổ sung

Đối với môn Địa lí (ở cấp trung học phổ thông); phân môn Địa lí (cấp trung học cơ sở) bị ảnh hưởng khá nhiều khi thực hiện sáp nhập tỉnh bởi vì tên tỉnh, thành của mỗi vùng kinh tế được đề cập nhiều.

Bên cạnh đó, các loại khoáng sản; cây công nghiệp; chăn nuôi; vùng chuyên canh trồng lúa, cây nông nghiệp; vùng biển… cũng đều được thể hiện khá cụ thể, rõ ràng ở từng địa phương hiện nay.

Khi sáp nhập tỉnh xong, nếu không được điều chỉnh cũng sẽ khó khăn cho người dạy, người học khi gặp những tên tỉnh, thành cũ trong sách giáo khoa.

Môn Lịch sử (cấp trung học phổ thông); phân môn Lịch sử (cấp trung học cơ sở) có nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến nhiều địa danh. Phong trào khởi nghĩa; danh nhân, nhân , vật lịch sử; những chiến công, sự kiện xảy ra ở những địa phương cụ thể. Nếu không điều chỉnh, học sinh các khóa sau này cũng khó nhận diện.

Môn Ngữ văn cũng bị ảnh hưởng ở phần giới thiệu tác giả đối với một số bài học có chú thích tác giả về quê quán, nơi công tác. Ngoài ra, còn có một số văn bản thông tin giới thiệu một số địa danh, nhân vật lịch sử gắn liền với tên tỉnh, thành cũng không còn phù hợp khi sáp nhập tỉnh.

Bên cạnh đó, trong nhiều tác phẩm văn học cũng có những địa danh cụ thể cũng cần phải chú thích kĩ để học sinh tường tận vấn đề một cách thấu đáo.

Nhìn chung, công việc điều chỉnh, bổ sung nội dung một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông là việc cần phải được thực hiện cho phù hợp với thực tế. Nếu không, sẽ có nhiều bất cập khi giảng dạy.

Việc thay đổi, điều chỉnh, bổ sung sẽ tốn khá nhiều công sức

Như phần trên chúng tôi đã đề cập, khi hoàn thiện sáp nhập tỉnh thì môn Nội dung giáo dục địa phương phải thay đổi tên sách (trừ 11 tỉnh, thành giữ nguyên) và phải lựa chọn lại những nội dung tiêu biểu của địa phương (tỉnh cũ) để đưa vào sách giáo khoa (mới) đối với môn học này cho phù hợp.

Mỗi tỉnh, thành cũ có 12 cuốn sách giáo khoa địa phương (từ lớp 1 đến lớp 12) mà đội ngũ biên soạn không phải là chuyên nghiệp- chủ yếu là chuyên viên sở và đội ngũ giáo viên cốt cán ở một số trường học nên công việc sẽ không hề đơn giản.

Trong khi, mỗi lớp có 35 tiết/ năm học và mỗi lớp sẽ có 2-3 quyển sách giáo khoa (tương ứng với số tỉnh sáp nhập) thì việc tuyển chọn lại hoặc biên soạn mới cũng sẽ tốn nhiều công sức.

Các môn: Lịch sử và Địa lí (cấp tiểu học, trung học cơ sở); Lịch sử, Địa lí (cấp trung học phổ thông); Ngữ văn (cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông); Tiếng Việt (cấp tiểu học) cũng có thể phải tiến hành điều chỉnh, bổ sung lại.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI