Mầm non đến THCS cấp xã sẽ quản lý hành chính: Hiệu trưởng chia sẻ gì?

18/04/2025 06:36
Ngọc Huyền

GDVN - Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ GD&ĐT chỉ đạo cấp xã quản lý hành chính các trường mầm non đến THCS, Sở GD sẽ đảm nhiệm phần chuyên môn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1581/BGDĐT-GDPT ngày 8/4/2025 về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp phụ trách các nhiệm vụ chuyên môn, trong khi Ủy ban nhân dân cấp xã được chuyển giao quản lý hành chính và địa bàn đối với các trường từ mầm non đến trung học cơ sở.

Chuyển giao quản lý về cấp xã: Gần trường, sát việc, giảm thủ tục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phùng Thị Trại - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho biết, tại địa phương, Công văn 1581/BGDĐT-GDPT nhận được sự đồng thuận cao từ các trường học, giáo viên cũng như cán bộ quản lý.

Theo cô Trại, việc Ủy ban nhân dân xã đảm nhận công tác hành chính là hợp lý, bởi chính quyền cấp xã luôn gần gũi với trường học, nắm bắt thực tế nhanh và dễ đi sâu sát vào công tác điều hành hàng ngày.

2024_11_19_04_50_572.jpg
Cô Phùng Thị Trại - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến. Ảnh: NVCC

“Xã thường xuyên tiếp cận các cơ sở giáo dục, nắm tình hình kịp thời và hiểu rõ hơn về nhu cầu cụ thể của từng đơn vị. Việc chuyển giao cho xã quản lý hành chính giúp nhà trường giảm bớt một cấp trung gian, từ đó các thủ tục sẽ rút gọn đáng kể”, cô Trại chia sẻ.

Về mặt chuyên môn, vì cấp xã không có bộ phận chuyên môn chuyên trách nên chuyển thẳng trách nhiệm chỉ đạo về Sở Giáo dục và Đào tạo là phù hợp. Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chuyên môn cao nhất, thuộc cấp tỉnh, do đó sẽ có năng lực tổng hợp, điều phối và đưa ra quyết định một cách khoa học, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh.

Một trong những điểm nổi bật của việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là Ủy ban nhân dân xã sẽ nắm giữ vai trò quyết định về hợp đồng lao động ngắn hạn trong các trường mầm non.

Theo cô Trại, đây là một hướng đi linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tế tại cơ sở. “Khi thiếu nhân sự, nhà trường báo cáo trực tiếp lên xã, cơ quan gần nhất. Xã nắm rõ tình hình và có thể đưa ra quyết định kịp thời, không phải chờ qua nhiều cấp như trước”, cô Trại bộc bạch.

Đồng thời, cô cũng đồng tình rằng các quyết định mang tính dài hạn như điều động, bổ nhiệm, hay phân bổ biên chế giáo viên được thực hiện ở cấp tỉnh là đúng đắn. Sở Giáo dục và Đào tạo có cái nhìn tổng quan, biết được toàn bộ nhu cầu nhân sự trên địa bàn toàn tỉnh. Xã này thừa, xã kia thiếu, chỉ cấp tỉnh mới có thể điều phối sao cho hợp lý và công bằng.

Đánh giá về sự thay đổi trong quy trình báo cáo, cô Trại cho biết việc báo cáo hành chính từ nay sẽ thực hiện trực tiếp với Ủy ban nhân dân xã thay vì gửi qua Phòng Giáo dục và Đào tạo như trước. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho cả nhà trường và cơ quan quản lý.

“Trước kia dù Phòng Giáo dục và Đào tạo là đơn vị quản lý trực tiếp, nhưng trường vẫn phải báo cáo một số thông tin qua Ủy ban nhân dân huyện, rồi mới đến Phòng Giáo dục và Đào tạo. Bây giờ cắt đi một khâu trung gian, mọi thứ trở nên rõ ràng và gọn gàng hơn”, cô nói.

Theo cô Trại, việc phân cấp rõ ràng chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm, hành chính do Ủy ban nhân dân xã quản lý chính là một bước tiến giúp nhà trường giảm áp lực thủ tục, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, đồng thời tạo điều kiện cho quản lý giáo dục ở cơ sở trở nên gần gũi, sát thực tế hơn bao giờ hết.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Ánh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng: “Bước đầu thay đổi mô hình quản lý chắc chắn sẽ có những bỡ ngỡ nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung, các trường không gặp quá nhiều khó khăn. Chúng tôi chỉ cần làm quen với việc báo cáo lại một số đầu việc cho Ủy ban nhân dân xã thay vì Phòng Giáo dục và Đào tạo như trước”.

Theo thầy Ánh, việc chính quyền cấp xã trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục mang lại nhiều thuận lợi. Một trong những lợi thế lớn nhất là sự gần gũi, tiếp cận nhanh với cơ sở. Các đề xuất, báo cáo hay tờ trình từ nhà trường sẽ được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng hơn.

6cb004f2914637186e57.jpg
Thầy Nguyễn Ánh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An. Ảnh: Website Trường

“Ví dụ như về cơ sở vật chất, nếu trường cần xây thêm một phòng học, trước đây phải báo cáo từ cấp thấp rồi chờ trình cấp cao hơn, bây giờ làm việc trực tiếp với xã sẽ rút ngắn thời gian đáng kể. Việc hành chính trở nên đơn giản hơn rất nhiều”, thầy phân tích.

Về phía công tác chuyên môn, thầy Ánh đánh giá việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp phụ trách là phù hợp, bởi đây là cơ quan có chuyên môn cao và nắm rõ nhu cầu, thực trạng của ngành. Đặc biệt, trong công tác nhân sự, khi không qua Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường có thể làm việc trực tiếp với Sở, giúp việc điều chỉnh, bổ sung đội ngũ giáo viên trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.

“Bây giờ tất cả đã thực hiện trên phần mềm. Chỉ cần nhập số lớp học, số học sinh là hệ thống sẽ tính ra định mức giáo viên cần có. Đối chiếu với số lượng hiện tại, trường sẽ biết ngay đang thừa hay thiếu. Các thao tác điều chỉnh, cập nhật, gửi dữ liệu đi nhanh và chính xác, chỉ cần ngồi từ trường và gửi thẳng cho Sở Giáo dục và Đào tạo để Sở có hướng điều động, phân bổ giáo viên về trường”, thầy Ánh chia sẻ.

Cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã

Trao đổi về chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Bích San (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) nhận định, đây là một chủ trương hợp lý và thuận tiện nếu được triển khai bài bản, đúng người, đúng việc.

Theo cô Minh Nguyệt, trong mô hình mới, việc Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp phụ trách công tác tuyển dụng, điều động giáo viên là tốt nhất vì đây là cơ quan chuyên môn, có hiểu biết sâu sát về ngành, về đội ngũ và thực tế của các cơ sở giáo dục.

Trước đây, việc quản lý đội ngũ giáo viên do Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện, tuy nhiên theo cô Nguyệt, cấp huyện là đơn vị hành chính tổng hợp, việc hiểu sâu về cơ sở giáo dục của từng xã nhiều khi còn hạn chế.

Do đó, khi bỏ cấp huyện và chuyển nhiệm vụ hành chính sang cấp xã, chuyển nhiệm vụ chuyên môn lên Sở Giáo dục và Đào tạo là một bước đi đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, tránh chồng chéo, đồng thời đảm bảo công tác nhân sự diễn ra minh bạch, hiệu quả hơn.

22(1).jpg
Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Bích San. Ảnh: Website Trường

Ở cấp xã, các nhiệm vụ được giao chủ yếu là quản lý hành chính và địa bàn, như cập nhật thông tin đội ngũ, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, theo dõi số lượng nhân sự, hợp đồng lao động... Điều này được các cơ sở giáo dục đánh giá là phù hợp với vai trò của chính quyền cơ sở.

Tuy nhiên, cô Minh Nguyệt cũng cho rằng, để chính quyền cấp xã tiếp nhận nhiệm vụ một cách hiệu quả, cần đánh giá và chú trọng vào đội ngũ cán bộ.

"Người phụ trách mảng giáo dục ở cấp xã nếu không có kiến thức chuyên môn, không hiểu ngành thì rất khó để quản lý hiệu quả. Lý tưởng nhất là những cán bộ quản lý mảng giáo dục ở cấp xã phải từng làm trong ngành, có bằng cấp sư phạm, có kinh nghiệm thực tế về mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Ngoài ra, những cán bộ từng làm ở Phòng Giáo dục và Đào tạo trước đây, sau khi mô hình tổ chức thay đổi, có thể được phân về các xã, phường để tiếp tục đảm nhận công tác quản lý. Như vậy sẽ tận dụng được nguồn lực sẵn có, đồng thời đảm bảo sự tiếp nối, không bị đứt gãy về chuyên môn”, nữ hiệu trưởng bày tỏ.

Dù chưa đi vào thực hiện toàn diện, cô Minh Nguyệt cho rằng mô hình 2 cấp cần một thời gian để các bên làm quen, điều chỉnh và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu được triển khai bài bản, đúng người, đúng chuyên môn, thì đây là bước đi hợp lý, tạo thuận lợi cho cả công tác quản lý và hoạt động của các cơ sở giáo dục địa phương.

Góp ý cho quá trình chuyển giao nhiệm vụ về cấp xã, cô Phùng Thị Trại cũng đồng tình với việc cần bồi dưỡng và nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ.

“Muốn đảm đương tốt vai trò mới, cán bộ xã phải được tập huấn về nghiệp vụ quản lý giáo dục, đặc biệt là những mảng liên quan đến nhân sự, tài chính và hành chính nhà trường. Nơi nào cán bộ xã còn yếu về chuyên môn, hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm thì cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động chung”, nữ nhà giáo thẳng thắn chia sẻ.

Tuy nhiên, cô cũng bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng rằng với sự hỗ trợ từ ngành và sự nỗ lực từ chính quyền địa phương, mô hình mới sẽ nhanh chóng đi vào nề nếp.

“Về phía nhà trường, dù làm việc với huyện hay xã thì các nhiệm vụ ngành giáo dục đặt ra vẫn được thực hiện nghiêm túc, đều đặn và không bị gián đoạn. Chúng tôi không thấy có gì thay đổi lớn ngoài việc ‘điểm đến’ của báo cáo đã chuyển từ Phòng Giáo dục và Đào tạo về Ủy ban nhân dân xã. Các nội dung, kế hoạch, công việc thường kỳ vẫn diễn ra bình thường”, cô Trại nhấn mạnh.

Về phía Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, thầy Nguyễn Ánh cho hay, tại địa phương, lực lượng cán bộ cấp xã vẫn còn mỏng, nhất là những người có chuyên môn về giáo dục.

“Nếu cán bộ xã là người hiểu ngành, từng công tác trong lĩnh vực giáo dục thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu không có kiến thức chuyên môn, việc phối hợp, chỉ đạo nhà trường sẽ gặp khó khăn”, thầy Ánh bày tỏ.

Do đó, theo thầy Ánh, để mô hình 2 cấp vận hành trơn tru, duy trì, nâng cao được chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực ở cấp xã. Đồng thời, cũng có thể tính đến phương án điều chuyển những cán bộ từng công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo về làm việc, đảm nhận công tác quản lý giáo dục tại địa phương.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, thầy Ánh tin tưởng vào năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ cấp tỉnh. Tuy nhiên, thầy cũng cho rằng khối lượng công việc tại Sở trong thời gian tới sẽ tăng lên đáng kể khi phải tiếp nhận thêm các nhiệm vụ từ cấp huyện.

“Trước đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp các trường. Bây giờ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo, phần chuyên môn sẽ đảm bảo, nhưng số lượng đầu việc và dữ liệu từ các trường đổ về có thể khiến thời gian xử lý kéo dài. Tôi rất trông đợi vào khả năng cân đối và phân bổ công việc hợp lý của đội ngũ ở Sở”, thầy Ánh nói.

Từ kinh nghiệm thực tế, thầy cũng đưa ra khuyến nghị, các trường cần chủ động, linh hoạt trong cách làm việc và báo cáo. Với những vấn đề nằm trong khả năng tự xử lý, nhà trường nên giải quyết gọn gàng tại chỗ, tránh đẩy lên các cấp cao hơn nếu không cần thiết. Việc này vừa giảm tải cho cấp trên, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp và tự chủ của đơn vị.

“Khi các vấn đề được giải quyết tốt ngay từ cấp cơ sở, thì lúc báo cáo lên Ủy ban nhân dân xã hay Sở Giáo dục và Đào tạo, mọi thứ sẽ dễ thống nhất, không dây dưa, không chồng chéo. Điều đó giúp hệ thống quản lý vận hành thông suốt, hiệu quả hơn”, thầy Ánh nhấn mạnh.

Ngọc Huyền