Trường ĐH Ngoại ngữ tổng kết đề án FIRE về đổi mới sáng tạo, NCKH của sinh viên

17/04/2025 15:43
Bài và ảnh: Thúy Hiền

GDVN - Sự kiện là cơ hội để sinh viên ULIS thể hiện khả năng đổi mới sáng tạo, thử thách bản thân và rèn luyện kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Ngày 17/4/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Ngày hội học sinh, sinh viên Đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu khoa học, Khởi nghiệp (ULIS FIRE Day). Đặc biệt, ULIS FIRE DAY 2025 là một trong những sự kiện chào mừng 70 năm thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (1955-2025).

Năm 2025, với phiên bản ULIS FIRE DAY 8.0, sự kiện không chỉ tổng kết, đánh giá đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động Đổi mới Sáng tạo, Nghiên cứu Khoa học và Khởi nghiệp của sinh viên giai đoạn 2020-2025" (FIRE), mà còn mở ra nhiều cơ hội kết nối, giao lưu và thể hiện tài năng của học sinh, sinh viên.

Sự kiện có sự hiện diện của Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng; Tiến sĩ Hoa Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng; cùng nhiều đại biểu, đại diện các doanh nghiệp đối tác, các giảng viên và sinh viên tiêu biểu của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Chương trình năm nay mang một dấu ấn đặc biệt khi đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Đổi mới Sáng tạo, Nghiên cứu Khoa học và Khởi nghiệp của sinh viên giai đoạn 2020-2025” bước sang năm thứ 5, hoàn thành sứ mệnh nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp dành cho sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2020-2025.

Trong 5 năm qua, FIRE không chỉ là tên gọi mà thực sự đã trở thành một thương hiệu, một môi trường sinh viên không chỉ học tập kiến thức mà còn được nuôi dưỡng tinh thần dấn thân, khởi nghiệp, sáng tạo và nghiên cứu một cách bài bản, chuyên sâu và gắn với thực tiễn”.

GDVN-TS Đỗ Tuấn Minh.jpg
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc sự kiện.

Trong quá trình triển khai, đề án đã ghi dấu nhiều kết quả ấn tượng: hơn 27.000 lượt sinh viên có sản phẩm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp; 1.300 đề tài, dự án tham gia nghiệm thu, các cuộc thi, diễn đàn và giải thưởng trong lẫn ngoài trường; 16 số journal (tạp chí) được phát hành; 99 học sinh, sinh viên được vinh danh với Giải thưởng Đổi mới sáng tạo UI-Award; 729 lượt giảng viên và cựu học sinh, sinh viên tham gia hướng dẫn đề tài; hơn 1 tỷ đồng được huy động cho Quỹ “Thắp lửa khởi nghiệp sáng tạo” và một không gian ươm mầm rộng hơn 400m² chính thức đi vào hoạt động.

Nhà trường tin tưởng rằng mỗi ý tưởng sáng tạo, đề tài khoa học hay dự án khởi nghiệp khi nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị đối tác và chính nhà trường sẽ có tiềm năng vươn xa.

Đặc biệt, với sự quan tâm và đầu tư của toàn hệ thống, chỉ cần sinh viên đủ tự tin, dám nghĩ, dám thử sức, các em chắc chắn sẽ gặt hái được kiến thức, kinh nghiệm và những trải nghiệm quý giá cho hành trình nghề nghiệp, từ đó đóng góp thiết thực cho sự phát triển của xã hội.

gdvn-khen thuong.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Lê Kim Anh trao bằng khen cho các cá nhân là các giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có đóng góp tích cực trong triển khai Đề án FIRE.

Bên cạnh đó, tại ULIS FIRE Day 2025, lần đầu tiên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khoa học Sinh viên (ULIS Students Forum). Đây không chỉ là một hoạt động học thuật chuyên sâu và sáng tạo, diễn đàn còn là một bước tiến quan trọng thể hiện tinh thần tự chủ, bản lĩnh học thuật và khả năng lãnh đạo của sinh viên trong kỷ nguyên số.

Điểm đặc biệt và mang tính tiên phong của "ULIS STUDENTS FORUM 2025" chính là việc sinh viên được trao quyền trực tiếp đảm nhiệm tất cả các khâu tổ chức và điều hành. Từ xây dựng nội dung, quản lý chương trình, điều phối sự kiện, đến chủ trì và thư ký phiên thảo luận của các tiểu ban, đội ngũ tình nguyện viên.

Cơ hội này không chỉ tạo điều kiện để sinh viên thể hiện bản lĩnh, sự chủ động và tinh thần trách nhiệm mà còn giúp các bạn rèn luyện kỹ năng quản lý, làm việc nhóm, tư duy phản biện và khả năng lãnh đạo trong môi trường thực tiễn. Nhà trường đóng vai trò cố vấn, cung cấp các nguồn lực, tổ chức tập huấn các kỹ năng liên quan để sinh viên tự tin đảm nhận và tổ chức một diễn đàn thực sự dành cho sinh viên về khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

gdvn-khen hssv.png
Nhóm học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ và sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội được trao giải thưởng vì có tinh thần và thành tích tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Diễn đàn được khởi động từ quý 3 năm 2024 đến tháng 4/2025 đã thu hút hơn 1.200 thành viên trong nhóm trao đổi và 10.000 người theo dõi trang mạng xã hội thông tin. Qua đây, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định được vai trò tiên phong, dẫn dắt và kết nối với sinh viên đam mê khoa học cùng khối ngành nghề và rộng hơn thế.

Thắp lửa đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học

Tại phiên toàn thể của Diễn đàn Khoa học Sinh viên (ULIS Students Forum) đã mang đến hai tham luận đáng chú ý gồm: Báo cáo số 1 với chủ đề “Gen Z: Từ khát vọng tri thức đến hành động vì cộng đồng” và Báo cáo số 2 mang tên “Sinh viên với công bố quốc tế: Không thể hay chưa thử bắt đầu”.

Ở báo cáo số 1 với chủ đề “Gen Z: Từ khát vọng tri thức đến hành động vì cộng đồng”, bạn Nguyễn Bảo Ngọc - Chủ trì tham luận khẳng định, nghiên cứu khoa học chỉ thật sự có ý nghĩa khi xuất phát từ thực tiễn, phục vụ con người và cộng đồng, chứ không chỉ dừng lại ở điểm số hay lý tưởng trên giấy.

“Thế hệ trẻ bây giờ thực sự rất năng động và có những ý tưởng vô cùng sáng tạo so với trước đây. Chúng ta đang có rất nhiều lĩnh vực để khám phá, từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo đến khởi nghiệp. Mỗi đề tài đều mang đặc điểm riêng, thể hiện tư duy và thế mạnh của từng cá nhân. Đặc biệt, công nghệ đang hỗ trợ con người rất nhiều, mở ra nhiều cơ hội hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy, không ít đề tài dù được đánh giá cao trên giấy nhưng lại gặp khó khăn khi triển khai thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do người thực hiện bỏ qua các bước quan trọng như khảo sát nhu cầu, quan sát thực tiễn hoặc chưa tiếp cận đúng đối tượng mà dự án hướng tới.

Không ít đề tài được khởi động chỉ nhằm phục vụ việc học hay đạt điểm số. Nếu dừng lại ở đó, những ý tưởng tiềm năng sẽ mãi nằm trên giấy, thay vì lan tỏa giá trị cho cộng đồng”, bạn Nguyễn Bảo Ngọc bày tỏ.

gdvn-bao ngoc.png
Sinh viên Nguyễn Bảo Ngọc chủ trì bài tham luận với chủ đề “Gen Z: Từ khát vọng tri thức đến hành động vì cộng đồng”.

Theo Bảo Ngọc, để một dự án nghiên cứu khoa học thành công, điều quan trọng đầu tiên là tự đặt câu hỏi: "Liệu ý tưởng này có thực sự phục vụ cộng đồng không?". Một đề tài chỉ thực sự có giá trị khi xuất phát từ những nhu cầu thực tế, từ những vấn đề mà xã hội đang đối mặt. Chính những vấn đề này sẽ là nền tảng để dự án phát triển bền vững, thay vì chỉ dừng lại ở lý thuyết.

Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Ý tưởng tốt chỉ là bước khởi đầu, và nếu thiếu các yếu tố quan trọng như nguồn lực, kỹ năng hay động lực, dự án dễ dàng rơi vào bế tắc. Niềm tin vào chính mình là yếu tố quyết định, giúp một ý tưởng trên giấy trở thành hiện thực có giá trị. Nghiên cứu khoa học không chỉ nhằm đạt điểm số hay hoàn thành một lý tưởng cá nhân, mà quan trọng hơn, đó là cách bạn đóng góp vào việc cải thiện và làm phong phú thêm cuộc sống của cộng đồng.

Trong bài tham luận số 2 với chủ đề "Sinh viên với công bố quốc tế: Không thể hay chưa thử bắt đầu", bạn Hoàng Văn Lực đã phân tích những nguyên nhân khiến sinh viên Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội, chưa thể có nhiều công bố quốc tế. Những nguyên nhân này được chia thành hai yếu tố chính: yếu tố cá nhân và yếu tố bên ngoài.

Về yếu tố cá nhân, sinh viên gặp khó khăn chủ yếu do bốn yếu tố gồm: trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, kinh nghiệm nghiên cứu còn non trẻ, thiếu phương pháp luận và lý thuyết vững chắc, cùng với việc thiếu sự hỗ trợ cần thiết.

Về yếu tố bên ngoài, sinh viên gặp khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt và tiêu chuẩn xuất bản công bố quốc tế cao. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các nhà nghiên cứu quốc tế cũng gặp trở ngại vì sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Thêm vào đó, thiếu sự hợp tác quốc tế và khó tiếp cận các nhà nghiên cứu, giảng viên nước ngoài là một thách thức lớn đối với sinh viên.

gdvn-van luc.png
Sinh viên Hoàng Văn Lực chủ trì bài tham luận với chủ đề "Sinh viên với công bố quốc tế: Không thể hay chưa thử bắt đầu".

Để thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong sinh viên, theo Hoàng Văn Lực, trước hết, sinh viên cần cải thiện khả năng ngoại ngữ, tìm kiếm sự hỗ trợ phù hợp, phát triển kỹ năng nghiên cứu, lựa chọn tạp chí phù hợp để công bố và xây dựng mạng lưới kết nối hiệu quả.

Ngoài 2 phiên thảo luận toàn thể, các phiên song song được tổ chức đồng thời tại các địa điểm khác nhau trong khuôn viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

7 tiểu ban song song tập trung vào các chủ đề gồm: Trí tuệ nhân tạo và công nghệ trong giáo dục ngoại ngữ và các ngành khoa học xã hội và nhân văn; Nghiên cứu ngôn ngữ, giáo dục ngoại ngữ (2 tiểu ban); Nghiên cứu xã hội học trong kỷ nguyên số; Văn hóa truyền thông xuyên quốc gia; Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong khối ngành khoa học xã hội và nhân văn (2 tiểu ban).

Với 02 báo cáo phiên toàn thể, 07 tiểu ban song song, 70 báo cáo được trình bày trên nhiều lĩnh vực khác nhau, 01 kỷ yếu sẽ được xuất bản và hơn 5000 người học tham dự cả trực tiếp và trực tuyến, diễn đàn hứa hẹn trở thành ngày hội dành cho sinh viên trường.

Một số hình ảnh khác tại sự kiện

gdvn-ban chi dao.png
Tập thể Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên giai đoạn 2020-2025" của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
gdvn-khoi dong.jpg
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội khởi động Diễn đàn Khoa học Sinh viên (ULIS Students Forum).
GDVN-Tiểu ban 2.jpg
Tiểu ban số 2 với chủ đề “Nghiên cứu ngôn ngữ, giáo dục ngoại ngữ 1”.
GDVN-Tiểu ban 4.jpg
Tiểu ban số 4 với chủ đề “Nghiên cứu xã hội học trong kỷ nguyên số”.
GDVN-Sinh vien ULIS.jpg
Sự kiện ghi nhận sự tham gia sôi nổi của sinh viên trong và ngoài Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bài và ảnh: Thúy Hiền