NGƯT Trần Đức Huyên chia sẻ chuyện "hậu trường" biên soạn sách giáo khoa Toán

06/05/2025 07:36
Hải Ninh

GDVN - NGƯT Trần Đức Huyên chia sẻ, đằng sau mỗi trang sách giáo khoa là nỗ lực của đội ngũ tác giả trong việc cân bằng giữa kiến thức hàn lâm và cách tiếp cận gần gũi.

Để những trang sách giáo khoa Toán đến được với học sinh cả nước là cả một hành trình biên soạn đầy tâm huyết của đội ngũ tác giả. Mỗi công thức, mỗi bài tập không chỉ đơn thuần là kiến thức, mà còn là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc, đầy trách nhiệm với rất nhiều cuộc họp, chỉnh sửa, phản biện.

Trong hành trình ấy, Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên là một trong những người lặng lẽ đứng sau, cống hiến bền bỉ. Thầy Huyên là chủ biên của Sách giáo khoa môn Toán lớp 6-12, thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Những đêm trắng và tinh thần cống hiến của đội ngũ tác giả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Đức Huyên chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tôi về công tác tại Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau gần 40 năm đứng lớp, tôi nghỉ hưu và chuyển lên sinh sống tại tỉnh Tây Nguyên. Dù đã rời xa bục giảng, nhưng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng ngành giáo dục với vai trò là chủ biên và tác giả sách giáo khoa môn Toán lớp 6-12 thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản.

Biên soạn sách giáo khoa cũng là một hình thức tự học không ngừng. Bản thân tác giả buộc phải nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng hơn để có thể truyền tải kiến thức một cách chính xác và hiệu quả nhất đến người học”.

NGUT Trần Đức Huyên.jpg
Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên - chủ biên và tác giả của sách giáo khoa môn Toán lớp 6-12, thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: NVCC

Theo thầy Huyên, việc đầu tiên và quan trọng trong quá trình biên soạn sách là lựa chọn những tác giả có tâm huyết. Họ không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải dành trọn tâm sức để “theo đuổi” từng chi tiết trong quá trình biên soạn. Chỉ khi người viết thật sự tận tâm, sản phẩm cuối cùng mới có thể truyền cảm hứng, tạo động lực học tập và đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nhà giáo ưu tú cho hay, thầy và cộng sự thường xuyên tham gia tập huấn để hiểu rõ định hướng năng lực của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng mời các chuyên gia quốc tế tham gia chia sẻ về phương pháp giảng dạy, tích hợp liên môn. Thông qua đó, vừa giúp tác giả hoàn thiện bản thân vừa học hỏi thêm những kiến thức bổ ích.

Thầy Huyên bày tỏ, áp lực lớn nhất khi viết sách giáo khoa là phải tuân thủ đúng tiến độ và đảm bảo bản thảo được phê duyệt trước khi bắt đầu năm học mới. Đồng thời, phải kịp thời tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên để thầy cô có đủ thời gian làm quen với tài liệu.

Không chỉ vậy, bản thảo cũng cần được công khai để giáo viên và hội đồng thẩm định đóng góp ý kiến. Quá trình này rất căng thẳng, vì các tác giả phải liên tục tiếp nhận phản hồi, chỉnh sửa nội dung và cân đối giữa nhiều luồng ý kiến khác nhau nhằm đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nhưng vẫn nhận được sự đồng thuận cao trong thực tiễn giảng dạy.

Mặt khác, việc làm sách giáo khoa cho học sinh phổ thông đòi hỏi phải chuyển tải kiến thức hàn lâm thành nội dung dễ hiểu, phù hợp mọi vùng miền. Chẳng hạn, kiến thức Toán học cơ bản đã có sẵn, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để truyền đạt kiến thức phù hợp với trình độ của từng lứa tuổi học sinh. Bên cạnh kiến thức nền, đội ngũ tác giả phải sáng tạo ra những bài toán có tính ứng dụng thực tiễn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và bối cảnh toàn cầu hiện nay.

Thầy Huyên chia sẻ: “Để xây dựng những bài học gắn với thực tiễn, tôi thường tự thử nghiệm các hoạt động, tận dụng ngay những vật dụng đơn giản trên bàn làm việc như bìa, giấy cắt, que gỗ. Quá trình này không chỉ kiểm tra tính khả thi của bài học mà còn giúp hình dung cách giáo viên có thể triển khai hiệu quả trong lớp học. Đây là công việc đòi hỏi người biên soạn phải thật kiên trì và có óc sáng tạo.

Bên cạnh việc học hỏi từ các nền giáo dục tiên tiến, tác giả sách giáo khoa còn cần linh hoạt điều chỉnh để nội dung phù hợp với điều kiện thực tế tại các trường học nước ta. Các hoạt động, ví dụ minh họa hay sản phẩm học tập phải vừa mang tính sư phạm, vừa dễ áp dụng trong việc dạy và học, với những nguyên liệu thân thuộc, dễ kiếm như hộp giấy, que tre hay vật liệu tái chế thường gặp trong đời sống hàng ngày”.

IMG_9250.jpeg
Thầy Huyên cùng đội ngũ giáo viên tập huấn về sách giáo khoa mới. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, việc sắp xếp công việc giữa các tác giả cũng đòi hỏi sự hợp lý và linh hoạt để đảm bảo quá trình phối hợp diễn ra nhịp nhàng. Nhờ vào sự phát triển của Internet, nhóm biên soạn có thể làm việc trực tuyến, góp phần rút ngắn khoảng cách và tăng hiệu quả trao đổi. Tuy nhiên, sau mỗi giai đoạn hoàn thiện phần mềm nội dung, các tác giả vẫn phải gặp trực tiếp để rà soát, chỉnh sửa cũng như hoàn thiện bản thảo một cách chỉn chu nhất.

Trong quá trình biên soạn sách, nhiều thầy cô phải hy sinh đáng kể quỹ thời gian cá nhân, đặc biệt là tận dụng cả thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để viết sách. Với thầy Huyên, chuyện thức đến 3, 4 giờ sáng để hoàn thành bản thảo diễn ra gần như mỗi ngày.

“Đây là quãng thời gian vô cùng căng thẳng nhưng cũng đầy quyết tâm. Chính đam mê nghề nghiệp và trách nhiệm với học trò đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ giúp đội ngũ biên soạn sách vượt qua mệt mỏi, kiên trì theo đuổi công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa này”, thầy Huyên kể lại.

Thầy cho biết, niềm vui lớn nhất trong quá trình biên soạn sách là được trực tiếp chia sẻ, tập huấn với giáo viên về nội dung sách và cách sử dụng sách sao cho hiệu quả nhất. Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không chỉ là công cụ truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò hỗ trợ học sinh tự học, đặc biệt với các em có năng lực từ trung bình khá trở lên.

Thầy Huyên tập huấn với giáo viên về nội dung sách và cách sử dụng sách sao cho hiệu quả nhất. Ảnh: NVCC

Thầy Huyên tập huấn với giáo viên về nội dung sách và cách sử dụng sách sao cho hiệu quả nhất. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, thầy Huyên cho rằng có một đội ngũ tác giả không được đặt tên trên cuốn sách nhưng có vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong việc đưa những ý tưởng sáng tạo vào thực tế giảng dạy. Đó chính là đội ngũ giáo viên, đặc biệt các tổ trưởng tổ Toán – Tin của các trường, là những người rất tâm huyết, sáng tạo và tham gia tích cực vào việc phát triển, xây dựng bài học để truyền tải kiến thức ấy đến từng học sinh trên đất nước.

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Toán học, thầy Huyên còn tham gia biên soạn các tài liệu liên quan đến công nghệ thông tin, tiêu biểu như sách Phương pháp giải các bài toán trong tin học do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Bên cạnh đó, thầy cũng đang xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy học, dành cho cả học sinh và giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học. Thầy Huyên mong muốn đội ngũ giáo viên hiểu rõ cách tích hợp AI vào từng môn học, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy trong thời đại công nghệ số.

“Chân trời sáng tạo” và những cải tiến hướng tới tự học, tự đánh giá của học sinh

Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên cho biết, để đạt được hiệu quả cao cho các cuốn sách giáo khoa Toán lớp 6-12 trong bộ sách Chân trời sáng tạo, đội ngũ biên soạn sách đã áp dụng phương pháp 5K gồm: khởi động – khám phá – khái quát – kiến tạo – kiểm tra.

Mỗi bước trong bài học đều được thiết kế theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, khuyến khích học sinh chủ động tiếp cận, khám phá kiến thức qua trải nghiệm thực tiễn, từ đó hình thành tư duy độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Cụ thể, mỗi bài học đều bắt đầu bằng phần khởi động, với mong muốn gợi mở tuy duy, giúp học sinh tập trung vào vấn đề cần học. Tiếp theo là phần khám phá, thường gắn với các câu hỏi mở để học sinh tự tìm hiểu và rút ra kiến thức. Tiếp đến là phần khái quát lại các kiến thức trọng tâm, giúp học sinh nắm vững nội dung bài học. Sau đó, phần kiến tạo sẽ giúp học sinh áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Cuối cùng, phần kiểm tra giúp các em tự kiểm tra mức độ hiểu bài và năng lực của bản thân.

“Việc thiết kế và biên soạn sách theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực đã góp phần thay đổi tư duy dạy học của giáo viên. Trong các buổi tập huấn, tác giả và giáo viên cùng trao đổi, học hỏi và phối hợp chặt chẽ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả, đảm bảo sách không chỉ đáp ứng yêu cầu đổi mới mà còn phù hợp với thực tiễn giảng dạy.

Bên cạnh nội dung sách, yếu tố then chốt vẫn là đội ngũ thầy cô giáo – những người trực tiếp truyền đạt kiến thức đến học sinh. Chính sự thấu hiểu và gắn kết giữa tác giả và giáo viên trong quá trình đồng hành triển khai chương trình đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ”, vị chủ biên bày tỏ.

SGK Toán.png
Để đạt được hiệu quả cao cho các cuốn sách giáo khoa Toán lớp 6-12 trong bộ sách Chân trời sáng tạo, đội ngũ biên soạn sách đã áp dụng phương pháp 5K. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Thầy Huyên cho hay, cải tiến lớn nhất của bộ sách Chân trời sáng tạo nằm ở ba điểm. Thứ nhất, thay vì bắt đầu ngay bằng lý thuyết, thầy cô có thể giới thiệu một đoạn video hoặc một tình huống thực tế liên quan đến nội dung bài học. Điều này tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng hình dung và hiểu tại sao lại có những khái niệm như thế trong bài học. Việc khởi động như vậy giúp học sinh tập trung và chuẩn bị tinh thần để tiếp thu kiến thức.

Thứ hai, trong mỗi bài học đều có phần vận dụng thực tế, tích hợp các bài toán ứng dụng vào đời sống hàng ngày, giúp học sinh hiểu rằng học toán không chỉ để thi cử hay làm bài kiểm tra, mà còn là công cụ hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề thực tế. Mục tiêu là giúp học sinh thấy được giá trị thực tiễn của môn học, từ đó tạo động lực học tập hơn là chỉ học để đối phó với bài kiểm tra.

Thứ ba, sau mỗi bài học, học sinh sẽ tự đánh giá khả năng của bản thân qua những câu hỏi phản hồi hoặc bài tập tự kiểm tra. Điều này giúp học sinh tự nhận thức được sự tiến bộ của mình và hiểu rõ hơn về những gì mình đã học được. Đây là điểm mà các bộ sách trước chưa có và là một trong những cải tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự tự học và phát triển năng lực cá nhân của học sinh.

5980585D-C623-4B10-8BDC-AEC65B9FA0EA.jpeg
Học sinh học thử nghiệm sách giáo khoa Toán của bộ sách Chân trời sáng tạo. Ảnh: NVCC

Theo Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên, người biên soạn sách đóng vai trò như một giáo viên, thậm chí là học sinh, để đảm bảo cuốn sách phù hợp với nhu cầu thực tế của người sử dụng.

Không chỉ dừng lại ở vai trò tác giả, người biên soạn sách giáo khoa còn là cầu nối giữa chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực tiễn dạy học trong nhà trường. Họ không chỉ truyền tải tinh thần và mục tiêu cốt lõi của chương trình đã được phê duyệt, mà còn đồng hành cùng giáo viên bằng việc đề xuất những phương pháp giảng dạy phù hợp, khả thi và dễ triển khai. Quan trọng hơn cả, tác giả sách phải làm sao để cuốn sách thực sự trở thành công cụ tin cậy trên tay thầy cô, đồng thời truyền cảm hứng học tập và khả năng tự học cho học sinh.

Hải Ninh