Việt Nam là một quốc gia ven biển, với bờ biển dài trên 3.260 km, có vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế, có nhiều hoạt động giao thông trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia với diện tích rộng khoảng 1 triệu km2.
Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hơn 80% tổng khối lượng hàng hóa thương mại quốc tế được vận chuyển bằng đường biển.
Trước bối cảnh đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hàng hải ngày càng trở nên cấp thiết. Ngành Khoa học hàng hải tại các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu sắc về điều hành tàu biển, quản lý cảng, logistics và an toàn hàng hải.
Trong đó, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở giáo dục đại học uy tín tại phía Nam đào tạo ngành Khoa học hàng hải.
Sinh viên nữ có thể gặp khó khăn nhất định nhưng không có nghĩa ngành này “kén nữ”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (UTH) cho biết, ngành Khoa học hàng hải của nhà trường nằm trong những lĩnh vực đào tạo truyền thống và chiến lược, gắn liền với sứ mệnh phát triển giao thông vận tải biển quốc gia. Điểm đặc trưng của ngành Khoa học hàng hải tại UTH là sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức chuyên môn hiện đại, chuẩn quốc tế với kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn sát với nhu cầu doanh nghiệp. Chương trình đào tạo luôn được cập nhật theo xu hướng công nghệ mới trong ngành biển từ tự động hóa, kỹ thuật số đến quản lý an toàn và môi trường biển.

Đặc biệt, sinh viên ngành Khoa học hàng hải tại UTH được tiếp cận môi trường học tập mang tính ứng dụng cao với hệ thống phòng thực hành mô phỏng hiện đại, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm thực tế và mạng lưới kết nối doanh nghiệp mạnh mẽ. Chính những yếu tố này tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sinh viên, giúp các em vững vàng bước vào thị trường lao động trong và ngoài nước.
Hiện nay, ngành Khoa học hàng hải tại UTH hiện có các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu bao gồm: Chuyên ngành Điều khiển và Quản lý tàu biển; Chuyên ngành Khai thác máy tàu thủy và quản lý kỹ thuật; Chuyên ngành Quản lý hàng hải; Chuyên ngành Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển; Chuyên ngành Cơ điện tử; Chuyên ngành Quản lý cảng và logistics.
“Điểm nổi bật của các chương trình là sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ có kiến thức vững chắc mà còn có kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực vận hành tàu biển, logistics, quản lý kỹ thuật và nghiên cứu hàng hải chuyên sâu.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học hàng hải tại UTH được trang bị toàn diện cả về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng thực hành, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điều khiển và khai thác tàu biển, luật hàng hải quốc tế, logistics, vận tải đa phương thức và tiếng Anh chuyên ngành. Đây là nền tảng quan trọng để sinh viên dễ dàng hòa nhập và thích nghi với môi trường làm việc thực tế, đặc biệt là trong ngành hàng hải - một lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên môn cao và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Với chương trình đào tạo gắn liền thực tiễn, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các công ty vận tải biển, hãng tàu, cảng biển, công ty logistics, cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải hoặc tổ chức quốc tế liên quan đến an toàn, khai thác và bảo vệ môi trường biển. Các vị trí có thể kể đến như: thuyền viên trên tàu từ thợ máy, thuỷ thủ, các sĩ quan hàng hải đến thuyền trưởng, máy trưởng, điều phối vận tải, quản lý cảng, giám định viên hàng hải, chuyên viên logistics, hoặc chuyên viên kỹ thuật - bảo trì hệ thống tàu biển.
Không chỉ giới hạn ở thị trường trong nước, sinh viên của UTH còn có nhiều cơ hội làm việc tại các hãng tàu nước ngoài, các tổ chức hàng hải quốc tế hoặc tiếp tục học lên bậc cao học và tham gia vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu quốc tế. Với bằng cấp được công nhận theo tiêu chuẩn IMO, sinh viên hoàn toàn có thể phát triển sự nghiệp trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh ngành Hàng hải đang tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng ứng dụng công nghệ cao”, thầy Tuấn bày tỏ.

Trên thực tế, đặc thù các công việc về lĩnh vực khoa học hàng hải đòi hỏi thời gian làm việc liên tục trên biển, thường kéo dài từ vài tuần đến nhiều tháng. Chưa kể, người làm việc trên tàu đòi hỏi thể lực tốt, khả năng thích nghi với không gian sống chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thiếu tiện nghi và áp lực công việc cao, đặc biệt khi thời tiết xấu hoặc gặp sự cố kỹ thuật. Do đó, nhiều thí sinh lo ngại vất vả, nguy hiểm và phải sống xa gia đình, nhất là nữ giới.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thầy Tuấn cho biết: “Đúng là đặc thù của ngành Hàng hải đối với nhóm ngành đi biển đòi hỏi người làm việc phải có sức bền, khả năng thích nghi với môi trường làm việc kéo dài trên biển, xa nhà và có phần khắc nghiệt. Tuy nhiên, đây không phải là rào cản tuyệt đối đối với nữ giới. Trên thực tế, nếu các bạn nữ có đam mê, bản lĩnh và được đào tạo bài bản về chuyên môn cũng như kỹ năng, thì hoàn toàn có thể phát triển và thăng tiến trong ngành như bất kỳ ai khác. Bên cạnh đó, đội tàu biển chạy tuyến quốc tế được trang bị điều kiện sống, điều kiện làm việc hiện đại nên giảm được tính vất vả do đó nữ hoàn toàn có thể làm việc dễ dàng”.
Theo thầy Tuấn, tại UTH, số lượng nữ sinh theo học ngành Khoa học hàng hải tuy chưa cao, nhưng đang ngày càng tăng trong những năm gần đây. Điều đặc biệt là các bạn nữ thường rất nổi bật nhờ sự kiên trì, tinh thần học tập nghiêm túc và khả năng thích nghi tốt. Nhà trường tự hào khi có nhiều nữ sinh đã và đang trở thành những tấm gương tiêu biểu trong ngành, có thể kể đến như bạn Lê Nguyễn Bảo Thư - nữ thuyền viên đi tàu biển đầu tiên của Việt Nam, hay sinh viên Hứa Nguyễn Hoài Thương - người đầu tiên được công nhận là nữ sỹ quan máy đạt chuẩn quốc tế IMO.
“Tất nhiên, các bạn nữ cũng có thể gặp những khó khăn nhất định như về thể lực, tâm lý xa nhà hoặc áp lực từ gia đình, xã hội. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ngành này ‘kén nữ’, mà đòi hỏi người học phải thật sự hiểu mình đang chọn gì và có sự chuẩn bị nghiêm túc ngay từ đầu.
Do vậy, UTH luôn nỗ lực xây dựng một môi trường đào tạo bình đẳng, hiện đại và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nghề nghiệp. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác truyền thông để giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về đặc thù công việc trong lĩnh vực Hàng hải, không chỉ gói gọn trong việc đi biển mà còn có nhiều vị trí công việc trên bờ, từ quản lý kỹ thuật, điều hành vận tải, logistics đến nghiên cứu và giảng dạy.
Quan trọng hơn cả là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc định hướng đúng đắn, để mỗi học sinh, đặc biệt là các bạn nữ có thể mạnh dạn theo đuổi ước mơ ‘chinh phục đại dương’, bởi ngành Khoa học hàng hải không chỉ cần thể lực, mà còn rất cần trí tuệ, sự bản lĩnh và lòng đam mê”, thầy Tuấn nêu quan điểm.
Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để giúp sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng ngành Khoa học hàng hải, việc đảm bảo đội ngũ giảng viên chất lượng là vô cùng quan trọng. Bởi đội ngũ giảng viên chính là yếu tố cốt lõi tạo nên chất lượng đào tạo, đặc biệt với một ngành mang tính đặc thù và yêu cầu cao như Khoa học hàng hải. Tại UTH, nhà trường luôn chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng “vững chuyên môn - giỏi thực tiễn - hội nhập quốc tế.
Nhiều giảng viên của Viện Hàng hải đã từng đi tàu biển dài ngày, là sỹ quan hàng hải, thuyền trưởng, máy trưởng tàu biển trực tiếp vận hành, quản lý khai thác tàu… Điều này giúp quá trình giảng dạy gắn sát với thực tế, không chỉ là lý thuyết mà còn là những kinh nghiệm sống còn ngoài đại dương.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên thường xuyên được cử đi học tập, tập huấn ở nước ngoài, tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu theo tiêu chuẩn IMO, cập nhật các công nghệ, quy định quốc tế mới nhất về khai thác và vận hành tàu biển.
UTH cũng chủ động mời các chuyên gia từ doanh nghiệp, tập đoàn vận tải biển, hãng tàu, tổ chức đăng kiểm quốc tế... về giảng dạy và chia sẻ, góp phần nâng cao chất lượng chương trình và mở rộng góc nhìn nghề nghiệp cho sinh viên.
“Ngành Khoa học hàng hải đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và xu hướng phát triển của ngành hàng hải thông minh toàn cầu. Trước bối cảnh đó, UTH không ngừng đổi mới và xây dựng các chiến lược mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và gia tăng sức hút đối với người học.
Chương trình đào tạo ngành Khoa học hàng hải luôn được điều chỉnh theo hướng mở và linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và sự phát triển khoa học công nghệ. Nhà trường chú trọng tích hợp các thành tựu của công nghệ số vào chương trình giảng dạy, đặc biệt là các nội dung liên quan đến mô phỏng điều khiển tàu, quản lý hành trình bằng dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành và bảo trì tàu biển, cùng với các công nghệ điện - điều khiển hiện đại đang được áp dụng trong ngành công nghiệp tàu thủy quốc tế.
Song song đó, UTH cũng tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để triển khai các học kỳ thực tế tại cảng biển, hãng tàu và doanh nghiệp logistics lớn trong và ngoài nước, qua đó giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp với môi trường làm việc thực tế, hình thành kỹ năng nghề nghiệp vững chắc và định hình tư duy toàn cầu. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo thực hành - mô phỏng cũng đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại, giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn có điều kiện rèn luyện kỹ năng thực tế ngay trong nhà trường”, thầy Tuấn thông tin.
Thầy Tuấn cho hay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng học thuật, UTH cũng đặc biệt chú trọng truyền thông hướng nghiệp để phụ huynh và học sinh hiểu đúng về ngành Khoa học hàng hải. Đây không chỉ là ngành dành cho những người đi biển, mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong việc quản lý, khai thác vận hành, nghiên cứu và quản lý kỹ thuật tại các công ty vận tải biển, hãng tàu, cảng biển và các tập đoàn logistics trong nước và quốc tế.
"Với chiến lược phát triển rõ ràng và sự đồng hành chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và người học, UTH kỳ vọng sẽ tiếp tục là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực hàng hải chất lượng cao, thích ứng với thời đại và đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu. Với việc nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở Vũng Tàu của trường trở thành trung tâm hàng hải, logistics của khu vực phía Nam, đặc biệt từ tháng 7/2025 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập sẽ là cơ hội lớn cho phát triển", thầy Tuấn bày tỏ.