Trường vùng cao có sách là quý rồi, sách cũ hay mới đều được học sinh trân trọng

20/04/2025 07:18
Ngọc Huyền

GDVN - Thiếu thốn sách vở, trường vùng cao vẫn nỗ lực giữ lửa văn hoá đọc, gieo mầm tri thức cho trẻ em dù điều kiện còn nhiều gian khó.

Ngày 21/4 hằng năm được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò của việc đọc trong phát triển tri thức, kỹ năng và nhân cách con người. Không chỉ là ngày hội của những người yêu sách, sự kiện còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt với thế hệ trẻ.

Ở khắp nơi trên cả nước, các hoạt động như trưng bày sách, tọa đàm, giao lưu tác giả, bạn đọc… được tổ chức rộn ràng. Thế nhưng, tại các điểm trường vùng cao, nơi điều kiện còn khó khăn, những trang sách lại mang ý nghĩa đặc biệt hơn cả. Đó là món quà, là ước mơ, là cánh cửa dẫn lối đến thế giới rộng lớn ngoài bản làng.

Trường vùng cao vất vả tìm nguồn sách

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tiên Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Nằm giữa vùng núi Kon Rẫy, Trường Tiểu học xã Đăk Kôi có 100% học sinh là người dân tộc Xơ Đăng. Việc đọc sách sẽ giúp các em học sinh hình thành thói quen tốt, rèn vốn từ tiếng phổ thông, phát triển kỹ năng và trau dồi thêm kiến thức. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với các em học sinh người Xơ Đăng, vốn chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với tiếng phổ thông ngoài môi trường trường học”.

image(1).png
Thầy Nguyễn Tiên Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Kôi. Ảnh: Website Trường.

Trong nỗ lực xây dựng văn hoá đọc cho học sinh, nhà trường luôn cố gắng làm mới các đầu sách hiện có. Được biết, nguồn sách hiện tại chủ yếu đến từ các đơn vị từ thiện, các tổ chức xã hội và sự hỗ trợ từ cơ quan, ban ngành địa phương. Tuy nhiên, đến nay số lượng sách vẫn chưa được phong phú. Bên cạnh đó, sách được tặng thường đến từ vùng có điều kiện tốt, nên trường không có nhiều sự lựa chọn.

Thầy Phong cho biết, nguồn sách chưa đa dạng về thể loại và nội dung, việc chủ động lựa chọn sách còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, kinh phí nhà trường rất hạn hẹp, còn phụ huynh thì gần như không thể đóng góp xã hội hoá vì điều kiện kinh tế khó khăn.

“100% phụ huynh là người dân tộc thiểu số, việc xã hội hoá để mở rộng nguồn sách là rất khó. Nhà trường cũng đã được phân cấp quản lý, kinh phí chủ động đưa về trường để tự phân bổ, nhưng các khoản cần chi nhiều, nên phần kinh phí mua thêm sách cũng eo hẹp”, thầy Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điểm sáng đáng ghi nhận là nhà trường đã có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất gồm thư viện đủ để vận hành, không gian đọc sách cho học sinh đảm bảo và có đội ngũ thầy cô nhiệt tình tham gia tổ chức hoạt động đọc sách.

1 đak koi.jpg
Hoạt động mượn sách mang về nhằm khơi gợi thói quen đọc sách, tìm tòi, khám phá của học sinh. Ảnh: Website Trường Tiểu học xã Đăk Kôi.

“Chúng tôi vẫn đang cố gắng hết sức. Trường thường xuyên giữ liên hệ với các tổ chức xã hội, mời các đoàn đến giao lưu, tổ chức tặng sách, tạo điều kiện để các buổi đọc sách trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, để duy trì bền vững và có chiều sâu, chúng tôi vẫn rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các tổ chức thiện nguyện và cơ quan chức năng”, thầy Phong bộc bạch.

Gặp cùng “cái khó” về nguồn sách, tại Trường Tiểu học Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), nơi phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, việc tiếp cận sách chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Cô Vì Thị Hằng - Giáo viên Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh chia sẻ đầy trăn trở: “Thư viện của trường hiện là nguồn sách duy nhất mà các em có thể tiếp cận. Phụ huynh ở đây gần như không có điều kiện mua sách cho con. Có sách là quý rồi, các em không chê cũ hay mới, chỉ mong được đọc thêm điều gì đó mới mẻ”.

c Hằng.jpg
Cô Vì Thị Hằng - Giáo viên Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Trường Tiểu học Lóng Luông. Ảnh: NVCC

Với nhiều em nhỏ, một quyển truyện tranh đơn giản có thể là cả một thế giới kỳ diệu. Tuy nhiên, phần lớn đầu sách trong thư viện là sách cũ, được quyên góp lại từ nhiều năm trước. Nhiều em phải đọc đi đọc lại những quyển sách đã quen thuộc mà vẫn không có gì mới để thay thế.

“Những năm gần đây, dù nhà trường từng nhận được sự hỗ trợ từ một số tổ chức xã hội với một số đầu sách mới, nhưng trong năm học này, chưa có đơn vị nào tài trợ thêm. Thư viện không được làm mới, nguồn sách không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ các em học sinh”, cô Hằng bộc bạch.

Không chỉ thiếu sách, việc tổ chức các hoạt động đọc sách cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Mỗi dịp tổ chức Ngày hội đọc sách 21/4, thầy cô đều loay hoay vì sách để trưng bày không đủ, sách hay quá ít, còn sách mới thì gần như không có.

Nữ nhà giáo cho hay, điều đáng nói là tại địa phương, văn hóa đọc trong gia đình vẫn chưa được hình thành. Phụ huynh bận rộn mưu sinh, trẻ con sau giờ học phải phụ giúp việc nhà, không có nhiều thời gian đọc sách tại nhà. Dù nhà trường tạo điều kiện cho học sinh mượn sách về, nhưng phần lớn các em phải tranh thủ đọc tại trường trong giờ ra chơi hoặc các buổi sinh hoạt lớp.

Giữa núi rừng, tình yêu sách vẫn nảy nở

Không chỉ là một cán bộ quản lý, thầy Tiên Phong còn là người đồng hành cùng từng học trò và hiểu rõ vai trò sâu xa của sách trong quá trình học tập, đặc biệt với trẻ em dân tộc thiểu số. Theo thầy, chìa khóa để nuôi dưỡng tình yêu sách chính là tạo trải nghiệm vui và ý nghĩa khi đọc sách, kết hợp với tuyên truyền thường xuyên và sự đồng hành từ gia đình. Dù khó, nhưng đó là cách duy nhất để trẻ thật sự cảm nhận được sách là người bạn gần gũi.

Tại trường, hàng năm nhà trường đều tổ chức nhiều hoạt động sách sáng tạo như cuộc thi kể chuyện theo sách, thi tìm hiểu sách, ngày hội đọc sách, góc đọc sách trong giờ sinh hoạt lớp,...

“Mỗi lần tổ chức, học sinh đều hào hứng tham gia. Chúng tôi cũng linh hoạt tổ chức nhiều hình thức, từ đọc sách cá nhân đến đọc sách theo nhóm, kể chuyện sáng tạo để giữ lửa hứng thú cho các em. Nhìn các em vui vẻ khi đọc sách, chúng tôi biết rằng, dù ở nơi vùng cao thiếu thốn, tình yêu sách vẫn nảy nở với những học trò nhỏ đó”, thầy Phong bộc bạch.

Với học sinh lớp 1, 2, những em mới bắt đầu làm quen với tiếng phổ thông, thường gặp khó khi đọc các thể loại sách nhiều chữ. Khi đó, nhà trường thường ưu tiên sử dụng sách có tranh ảnh minh hoạ, sách ít chữ để học sinh dễ tiếp cận, không cảm thấy quá tải.

2 đak koi.jpg
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong khuôn khổ ngày hội đọc sách tại Trường Tiểu học xã Đăk Kôi. Ảnh: Website Trường.

“Các em mới đầu có thể gặp khó khăn, nhất là khi gặp từ lạ, nhưng chỉ cần làm quen từ từ là sẽ đọc được. Và khi đã đọc được rồi, các em rất thích”, vị hiệu trưởng hạnh phúc nói.

Thầy Tiên Phong cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nội dung sách. Ngoài truyện dân gian, truyện cổ tích và sách về các nhân vật lịch sử, trường đang khai thác những bộ sách giới thiệu về Bác Hồ, về anh hùng dân tộc, để giúp các em nuôi dưỡng lòng biết ơn, yêu quê hương. Đồng thời, thầy cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ những đầu sách viết về dân tộc thiểu số, về văn hoá địa phương với cách trình bày hấp dẫn hơn, gần gũi hơn.

“Những cuốn sách như thế sẽ giúp các em hiểu hơn về chính dân tộc mình, nơi mình đang sống. Không chỉ là kiến thức, đó là cách xây dựng sự tự hào, là gốc rễ nuôi dưỡng tâm hồn.

Tôi tin rằng nếu có sự chung tay của xã hội, nếu mỗi thầy cô đều kiên nhẫn gieo mầm từ những hoạt động nhỏ, thì học sinh vùng cao sẽ không chỉ biết đọc, mà còn yêu việc đọc, thấy sách là người bạn đồng hành trong suốt hành trình trưởng thành”, thầy Phong khẳng định.

Về phía Trường Tiểu học Lóng Luông, dù gặp không ít khó khăn, nhà trường vẫn không ngừng tìm cách đưa sách đến gần hơn với học sinh. Theo cô Hằng, mỗi năm nhà trường đều tổ chức nhiều hoạt động phong phú để khuyến khích các em đọc sách.

“Chúng tôi tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm xoay quanh chủ đề sách. Vào dịp 21/4 - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhà trường sẽ phát động phong trào làm báo Đội, trưng bày sách, tuyên truyền về ý nghĩa của việc đọc sách. Các em tham gia rất hào hứng”, cô Hằng cho biết.

longluong.jpg
lóng luông.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Lóng Luông trong ngày hội đọc sách do trường tổ chức. Ảnh: NVCC

Với sự sáng tạo của các thầy cô, sách không chỉ dừng lại ở việc đọc đơn thuần mà còn trở thành nguyên liệu cho các hoạt động kể chuyện, đóng kịch, vẽ tranh theo truyện… Từ đó, học sinh vừa được tiếp cận tri thức, vừa phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giao tiếp.

Ngoài truyện cổ tích, truyện dân gian hay truyện tranh thiếu nhi là những thể loại được các em yêu thích nhất, nhà trường cũng cố gắng mở rộng thêm những cuốn sách kỹ năng sống, sách khoa học đơn giản để giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Một điểm sáng đáng ghi nhận là sự chủ động của nhà trường trong việc xây dựng thư viện. Dù điều kiện hạn chế, các thầy cô đã phát động phong trào quyên góp sách cũ trong học sinh và cộng đồng, tạo nên thư viện chung để tất cả học sinh đều có cơ hội đọc.

Đặc biệt, những buổi giao lưu với xe sách lưu động do tỉnh tổ chức về trường là dịp hiếm hoi giúp các em được tiếp xúc với nhiều đầu sách mới lạ. Dù chưa có thư viện cộng đồng ở cấp huyện, nhưng với sự hỗ trợ này, thầy cô và học sinh đều cảm thấy được tiếp thêm động lực.

Khép lại câu chuyện, cô Hằng không giấu được mong mỏi chân thành: “Tôi làm công tác Đội nên thường xuyên trò chuyện với các em. Các em rất yêu sách, nhớ từng câu chuyện, từng nhân vật. Dù thiếu thốn đủ bề, tình yêu sách của các em vẫn âm ỉ, lặng lẽ và đẹp vô cùng.

Tôi mong có nhiều sự quan tâm hơn nữa đến văn hóa đọc vùng cao. Mỗi năm, nếu được cấp bổ sung sách, không chỉ là sách giáo khoa mà cả truyện thiếu nhi, sách kỹ năng, sách khoa học thì đó chính là những hạt giống nuôi dưỡng tri thức cho các em. Một quyển sách nhỏ cũng có thể thắp lên một ước mơ lớn”.

Ngọc Huyền