Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông: Làm thật để đổi mới thật

30/04/2025 06:35
Hướng Sáng

GDVN - Đừng nhìn kiểm định như một cánh cửa kiểm tra, hãy xem nó là một tấm gương giúp nhà trường và hệ thống tự học.

Trong một hệ thống giáo dục phát triển, kiểm định chất lượng không phải là “cái gậy” để xét duyệt, càng không phải “chiếc áo” để trang trí kiểu thành tích. Nó là tấm gương trung thực soi vào thực tiễn giáo dục, để biết trường đang ở đâu, đang làm được gì và cần phải thay đổi điều gì để tốt hơn.

Thế nhưng, ở một số nơi trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, kiểm định vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của hình thức và hành chính hóa. Làm thật, đánh giá thật, cải tiến thật và công khai minh bạch, đó mới là điều mà chúng ta đang thiếu và cũng là điều phải làm nếu muốn giáo dục đổi mới một cách căn bản và toàn diện.

Không làm thật thì kiểm định chỉ là thủ tục

Kiểm định giáo dục, nếu làm đúng và làm thật, sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự cải tiến trong từng nhà trường.

Kiểm định giúp hiệu trưởng có thêm dữ liệu để điều hành, giúp giáo viên được nhìn lại thực hành nghề nghiệp, giúp cơ quan quản lý biết rõ chỗ nào cần đầu tư, nơi nào cần hỗ trợ chuyên môn…

Tuy nhiên, thực tế kiểm định giáo dục phổ thông ở nước ta còn không ít nghịch lý. Có nơi chuẩn bị hồ sơ rất bài bản, nhưng không thực chất. Có trường đạt “chuẩn quốc gia” nhưng chất lượng vẫn còn xa với người học.

Nói như vậy không phải là để phủ nhận nỗ lực của các trường, mà để nhấn mạnh một điều rằng, nếu kiểm định chỉ để báo cáo, thì mọi hồ sơ đẹp đến đâu cũng không thể thay đổi thực tế trên lớp học.

Và nếu vẫn tiếp cận như vậy thì từ việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều khó đạt được mục tiêu.

Phân định đúng để làm đúng

Trong tiếp cận khoa học giáo dục, việc đánh giá chất lượng được xem như một trong những trụ cột, cùng với xây dựng chương trình, tổ chức dạy học và phát triển đội ngũ. Không có đánh giá đúng, sẽ không có cải tiến đúng.

Điều quan trọng là cần phải phân định rạch ròi giữa kiểm định với thanh tra và giữa hoạt động quản lý với hoạt động giáo dục.

kiemdinh.png
Ảnh minh họa: Udn.vn

Nếu như Thanh tra là để bảo đảm tuân thủ quy định, phát hiện sai phạm, giữ gìn kỷ cương, thì Kiểm định là để nhận diện thực trạng, tư vấn cải tiến, hỗ trợ phát triển.

Nếu mọi việc vẫn diễn ra đúng quy trình và vẫn nhầm lẫn hai khái niệm này, thì kiểm định sẽ trở thành công cụ kiểm tra hành chính, dẫn đến trường học rơi vào trạng thái cố gắng đối phó thay vì cải tiến để phát triển.

Tương tự, giáo dục là để truyền cảm hứng cho người học, còn quản lý là để giám sát và tạo điều kiện. Khi người quản lý can thiệp quá sâu vào quá trình dạy học, áp đặt phương pháp, chỉ tiêu, thời khóa biểu… thì giáo viên sẽ không còn không gian sáng tạo. Dần dần, việc dạy học chỉ còn là hoạt động thực thi – khô khan, gượng gạo và thiếu lửa nghề.

Mặc dù rất phũ phàng, nhưng theo quan sát của người viết, nơi này nơi khác việc dạy - học vẫn diễn ra theo kiểu hành chính, thực thi nhiệm vụ hơn là một hoạt động sáng tạo, dẫn dắt…

Hệ quả của một thời gian dài thiếu quan tâm

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta phải “chạy” với kiểm định. Trong một thời gian dài, công tác đánh giá chất lượng ở giáo dục phổ thông chưa được nhìn nhận đúng vai trò. Thiếu hướng dẫn, thiếu nhân lực chuyên trách, thiếu kinh phí, thiếu đào tạo chuyên sâu, khiến kiểm định bị xem là việc “làm thêm” hơn là một phần thiết yếu của quản trị trường học.

Chính vì thế, khi bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ kiểm định theo Thông tư 22/2024/TT-BGDĐT, nhiều địa phương, nhà trường rơi vào tình thế cũng “vừa chạy, vừa xếp hàng”.

Vừa học quy định mới, vừa chuẩn bị hồ sơ, vừa căng mình thực hiện các yêu cầu chuyên môn, tất cả trong điều kiện nguồn lực chưa được chuẩn bị kỹ.

Việc phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia về cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trên tinh thần rút gọn thủ tục hành chính, là một hướng đi có lý. Nhưng nếu không đi kèm với cơ chế giám sát, kiểm định rất dễ rơi vào tình trạng “tự chấm”, thiếu khách quan và không tạo được niềm tin từ đội ngũ.

Cần độc lập và làm có tâm

Muốn kiểm định thực sự thúc đẩy cải tiến, trước hết, phải đảm bảo độc lập và làm có tâm. Nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó, bởi lẽ ai làm và kinh phí từ đâu trong bối cảnh trường công lập như hiện nay. Và điều này rất cần điều chỉnh từ luật. Tuy nhiên, có mấy việc cần bàn như sau:

Trước hết, người làm kiểm định phải được đào tạo bài bản, không chỉ về kỹ thuật đánh giá mà còn về tư duy sư phạm, phân tích dữ liệu và đạo đức nghề nghiệp. Kiểm định viên không phải là “cán bộ kiểm tra lỗi” mà là người soi sáng con đường phát triển cho nhà trường.

Người phải hiểu sâu về triết lí giáo dục, hồn cốt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, về quản lí giáo dục… mới có thể nhận diện và tư vấn sâu sát được.

Thứ hai, và cũng là điều cốt lõi, đó là phải có đầu tư đủ để kiểm định có thể làm thật. Không thể kỳ vọng một hội đồng kiểm định làm việc tử tế, khách quan, nếu không có thời gian để khảo sát thực tế, để phỏng vấn người học, để trao đổi với giáo viên, để đọc kỹ hồ sơ. Muốn có kiểm định minh bạch, phải có cơ chế công khai, phản hồi, và cải tiến sau đánh giá.

Kiểm định là công cụ học tập của cả hệ thống

Đừng nhìn kiểm định như một cánh cửa kiểm tra, hãy xem nó là một tấm gương giúp nhà trường và hệ thống tự học. Học để biết mình đang ở đâu. Học để biết cần thay đổi điều gì. Và học để trưởng thành hơn từng ngày.

Nếu được làm đúng và làm thật, kiểm định sẽ trở thành nhịp đập của sự phát triển đều đặn, có quy luật, nhưng luôn thôi thúc cải tiến.

Nhờ đó, hiệu trưởng sẽ vững tin hơn trong điều hành; giáo viên sẽ hiểu rõ hơn về nghề nghiệp của mình; học sinh sẽ được học trong những lớp học có chất lượng để mỗi ngày một tốt hơn.

Làm thật để đổi mới thật

Đổi mới giáo dục không thể chỉ bắt đầu từ văn bản, thông tư hay khẩu hiệu. Nó bắt đầu từ tư duy thật, từ mong muốn cải tiến thật và từ những hành động tử tế mỗi ngày.

Kiểm định, nếu được làm thật và minh bạch, sẽ trở thành động lực tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông. Nhưng nếu chỉ làm hình thức, để "hoàn thành chỉ tiêu" thì sẽ không những không thúc đẩy cải cách, mà còn khiến niềm tin bị xói mòn.

Vì thế, hơn lúc nào hết, đã đến lúc chúng ta cần kiểm định giáo dục phổ thông như một tiến trình học tập, phát triển, và nhân bản hóa chính sách giáo dục. Làm thật, để giáo dục có thể tốt lên một cách thật sự.

Muốn giáo dục phổ thông đổi mới thật, cơ quan quản lý nhà nước phải dám trao quyền, dám chịu trách nhiệm và nhất là dám tách mình ra khỏi vai trò “vừa làm giám khảo vừa viết kịch bản”.

Hướng Sáng