Chưa bồi hoàn sẽ không được tuyển vào cơ quan nhà nước nếu đi học bằng ngân sách

24/04/2025 06:29
Minh Ngọc

GDVN - Bộ GD&ĐT đề xuất tăng thời gian bồi hoàn chi phí từ 60 lên 120 ngày, người chưa bồi hoàn sẽ không được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo để lấy ý kiến.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua việc tổng kết, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 143/2013/NĐ-CP cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị định còn một số hạn chế, vướng mắc.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định chưa bao quát hết được các trường hợp được cử đi học bằng ngân sách nhà nước.

Điển hình như các trường hợp học tại các trường thuộc công an, quân đội hoặc được quân đội cử đi học tại các trường ngoài quân đội/các trường hợp đi học chương trình đào tạo trong nước bằng ngân sách nhà nước mà không thuộc Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Nghị định cũng chưa có chế tài chặt chẽ đối với các trường hợp cố tình không thực hiện bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo; chưa quy định cụ thể quy trình, trình tự để người học và gia đình người học cam kết cũng như thực hiện trách nhiệm bồi hoàn.

Thời gian để người học thực hiện bồi hoàn quá ngắn, gây khó khăn cho người học trong việc thực hiện trách nhiệm bồi hoàn, làm hạn chế tính khả thi của việc triển khai thực hiện Nghị định. Ngoài ra, việc quy định phải hoàn trả kinh phí trong 1 lần cũng gây khó khăn cho người học.

Ngoài ra, Nghị định chưa có quy định về các trường hợp được miễn, giảm chi phí bồi hoàn. Vì vậy chưa đảm bảo tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật về bồi hoàn khác, đồng thời, phần nào gây khó khăn cho những trường hợp người học gặp khó khăn về kinh tế, sức khỏe…

Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 143/2013/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và phù hợp với tình hình thực tế là cần thiết.

GDVN-Sinh vien ULIS.jpg
Ảnh minh họa: Thúy Hiền

Dự thảo có nhiều điểm mới như mở rộng đối tượng phải bồi hoàn, tăng thời gian bồi hoàn, miễn bồi hoàn cho người mắc bệnh hiểm nghèo, giảm mức bồi hoàn cho người nghèo và bổ sung quy định không tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước đối với người chưa bồi hoàn.

Cụ thể, về đối tượng áp dụng, dự thảo bổ sung đối tượng là người học tham gia chương trình đào tạo ở trong nước bằng nguồn ngân sách Nhà nước nói chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc sửa đổi này nhằm bao quát hết được các trường hợp được cử đi học bằng ngân sách Nhà nước.

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP, tăng thời hạn người học/gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn từ 60 ngày lên 120 ngày. Qua đó, tạo thuận lợi cho người học/gia đình người học có thời gian thu xếp kinh phí để chi trả chi phí bồi hoàn theo quy định.

Về quy định đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn, Dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định về quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm trường hợp người học chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi hoàn theo quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ không được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này nhằm hạn chế trường hợp người học không chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước để nộp hồ sơ tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước khác.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về miễn, giảm chi phí bồi hoàn tại khoản 5, Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP. Cụ thể, miễn chi phí bồi hoàn cho người học được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận mắc bệnh hiểm nghèo, không đủ khả năng lao động hoặc từ trần;

Để thống nhất với chính sách chung của Nhà nước về hỗ trợ đối với hộ nghèo, dự thảo Nghị định đề xuất giảm 1 phần chi phí bồi hoàn để hỗ trợ cho người học. Theo đó, giảm tối đa 20% chi phí bồi hoàn cho người học thuộc hộ nghèo theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 143.

Qua quá trình tổng kết, khảo sát việc thi hành Nghị định số 143/2013/NĐ-CP, có một số ý kiến cho rằng Nghị định số 143/2013/NĐ-CP không hướng dẫn về mẫu cam kết bồi hoàn chi phí đào tạo của người học, gia đình người học nên trong thực tiễn triển khai còn chưa thống nhất, đồng thời cũng gây khó khăn cho người học, gia đình người học khi thực hiện trách nhiệm này. Vì vậy, Dự thảo cũng bổ sung Phụ lục kèm theo Nghị định để quy định mẫu Cam kết bồi hoàn chi phí đào tạo.

Xem đầy đủ Dự thảo TẠI ĐÂY.

Minh Ngọc