Bẫy "đầu tư, việc nhẹ lương cao": Trường ĐH làm gì để SV tránh bị lôi kéo?

06/05/2025 06:38
Đình Nam

GDVN - Đại diện một số cơ sở giáo dục đại học cho biết nhà trường đã có nhiều hoạt động cảnh báo sinh viên trước các thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng. 

Hiện nay, vấn đề tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng đang là vấn đề nhức nhối, gây bất an cho người dân. Trong đó, vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua sàn đầu tư chứng khoán quốc tế do Phó Đức Nam (tức TikToker Mr.Pips; 30 tuổi, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (tức Mr.Hunter; 34 tuổi, trú Hà Nội) cầm đầu khiến dư luận xôn xao vì có liên quan tới cả học sinh, sinh viên tham gia.

Đáng chú ý, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết có hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan đến vụ án này và khẳng định sẽ xử lý nghiêm những người này bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia vào. [1]

Sinh viên bị lôi kéo vào đường dây lừa đảo vì thiếu kỹ năng cần thiết

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban, Ban Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sinh viên dễ bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, trong đó thầy Hùng nhấn mạnh đến việc sinh viên còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm.

“Trong thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến sinh viên dễ dàng bị lôi kéo vào những mô hình lừa đảo như “việc nhẹ lương cao” hay “đầu tư tài chính công nghệ cao”. Trước hết, phần lớn sinh viên còn thiếu kinh nghiệm và sự nhận thức đầy đủ về những rủi ro trên môi trường mạng.

Khi mới bước chân vào thế giới việc làm hoặc đầu tư, họ thường chưa đủ khả năng để nhận diện các chiêu trò tinh vi, dễ bị hấp dẫn bởi những lời quảng cáo có cánh hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ mà không cần bỏ ra nhiều công sức.

Thêm vào đó, áp lực tài chính luôn là một vấn đề phổ biến. Chi phí học tập, sinh hoạt, cùng mong muốn kiếm thêm thu nhập để giảm gánh nặng cho bản thân và gia đình khiến sinh viên dễ dàng bị thu hút bởi những lời mời gọi hấp dẫn. Chính tâm lý muốn làm giàu nhanh cũng góp phần thúc đẩy sự liều lĩnh của các em.

Dù quen thuộc với công nghệ, sinh viên vẫn thường thiếu các kỹ năng bảo mật cần thiết. Sự tự tin thái quá trong việc sử dụng internet khiến họ dễ lơ là, không đề phòng các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi như website giả mạo, email lừa đảo hay ứng dụng chứa mã độc.

Đáng nói hơn, nhiều người còn bỏ qua bước quan trọng là kiểm chứng thông tin hoặc xin lời khuyên từ những người có kinh nghiệm, mà thay vào đó tin vào những lời mời gọi hấp dẫn trên mạng mà không mảy may nghi ngờ.

Cuối cùng, tâm lý đám đông cũng là một yếu tố tác động mạnh mẽ. Khi bạn bè, người quen cùng tham gia vào một mô hình nào đó, sinh viên dễ bị cuốn theo vì nghĩ rằng số đông không thể sai. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng điều này để tạo ra cộng đồng giả mạo, đánh vào lòng tin và sự cả tin của người trẻ, khiến họ rơi vào “bẫy” lúc nào không hay”.

unnamed - 2025-04-24T113015.291.jpg
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban, Ban Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ành: NVCC)

Cũng theo Phó Trưởng ban, Ban Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội, đã từng có trường hợp kẻ gian giả mạo văn bản có chữ ký và con dấu của trường liên quan đến chương trình trao đổi sinh viên, buộc nhà trường phải lên tiếng khẳng định không hề ban hành các tài liệu đó, đồng thời khuyến cáo sinh viên chỉ nên kiểm tra thông tin qua các kênh chính thức như website trường, email nội bộ, fanpage hoặc ứng dụng eHUST.

Những cảnh báo này thường đi kèm hướng dẫn cụ thể để nhận diện dấu hiệu lừa đảo, chẳng hạn như lỗi ngữ pháp, sai thể thức văn bản hay thông tin không thống nhất, đồng thời khuyến khích sinh viên chủ động báo cáo ngay với nhà trường hoặc cơ quan chức năng nếu phát hiện hành vi đáng ngờ.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Chiều Phụng - Phó Bí thư Đoàn trường, chuyên viên phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định: “Một trong những nguyên nhân khiến sinh viên dễ bị lôi kéo vào các đường dây hoặc tổ chức lừa đảo là do các bạn chưa từng tiếp xúc hay được trang bị đầy đủ thông tin về những hình thức lừa đảo tinh vi hiện nay.

Việc thiếu sự cập nhật về thời cuộc và sự nhẹ dạ, cả tin khiến sinh viên dễ bị cuốn theo các lời mời gọi hấp dẫn, đặc biệt là những hứa hẹn về quyền lợi kinh tế. Thậm chí, chỉ với những phần quà nhỏ như vài món đồ lưu niệm hay gấu bông, nhiều sinh viên đã bị dụ dỗ tham gia vào các hoạt động không rõ ràng như đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin cá nhân.

Sự dễ dãi trong việc chia sẻ dữ liệu cá nhân đã vô tình tạo điều kiện để các đối tượng xấu khai thác thông tin, từ đó giả mạo danh tính sinh viên để thực hiện các hành vi lừa đảo. Chính sự chủ quan, cộng với sức hút từ các lợi ích ngắn hạn, đã khiến nhiều bạn rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo một cách rất dễ dàng”.

Đồng quan điểm, thầy Bùi Văn Dự - Phó Bí thư Đoàn trường, chuyên viên phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhận định, nguyên nhân trước hết xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của một bộ phận sinh viên về pháp luật cũng như các chiêu trò ngày càng tinh vi của tội phạm công nghệ cao.

Các đối tượng thường đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn, chỉ yêu cầu thực hiện một vài nhiệm vụ tưởng chừng vô hại, khiến các bạn sinh viên không nhận ra rằng hành vi đó có thể vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, nhu cầu kiếm thêm thu nhập trong thời gian học tập cũng khiến nhiều bạn dễ dàng bị cuốn vào các đường dây lừa đảo lúc nào không hay, tất cả bắt đầu chỉ từ sự cả tin và thiếu cảnh giác.

ad-4nxd4dvpyknibav2zabwlhp4mc6md8ofzebdnzosiet75iekg6rsdbcu1372jcpbu94rvcx2xguab1o-m4n-cecbquxmkx-aovdfalr2zyul86appzmann0ximxn1q4d8qzjgf4lehq-3247.jpg
Sinh viên dễ bị lôi kéo vào các đường dây lừa đảo qua mạng do thiếu kỹ năng, nhận thức.(Ảnh minh họa: Đình Nam

Trường đại học thực hiện nhiều biện pháp cảnh báo sinh viên

Trước sự gia tăng ngày càng tinh vi của các hình thức lừa đảo công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhận diện và phòng tránh các nguy cơ này.

Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, một trong những giải pháp trọng tâm nhà trường thực hiện là việc phát đi các cảnh báo chính thức qua nhiều kênh thông tin. Những đơn vị như các phòng ban, trung tâm chức năng hay các tổ chức đoàn - hội thường xuyên cập nhật và thông báo kịp thời đến sinh viên về những chiêu trò lừa đảo, tiêu biểu như mạo danh học bổng, chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, hay các lời mời gọi việc làm “nhẹ nhàng, lương cao”.

“Là một trong những đại học chuyên đào tạo về công nghệ và có số lượng sinh viên đông đảo, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc trang bị kiến thức an ninh mạng cho sinh viên. Công tác này được triển khai thông qua nhiều hình thức khác nhau, bắt đầu ngay từ các buổi sinh hoạt công dân đầu khóa - nơi toàn thể tân sinh viên được tiếp cận với những cảnh báo cụ thể về các hình thức lừa đảo phổ biến.

Ngoài ra, các bài thi tìm hiểu pháp luật cũng được phát động tới toàn bộ sinh viên nhằm tăng cường nhận thức và kỹ năng phòng tránh rủi ro. Đồng thời, nhà trường khuyến khích sinh viên chủ động áp dụng công cụ bảo mật, như xác thực hai bước cho tài khoản email hay sử dụng ứng dụng chặn lừa đảo để lọc cuộc gọi và website đáng nghi.

Kiến thức về an ninh mạng còn được tích hợp trực tiếp trong các học phần chính khóa. Các môn học như Tin học đại cương hay Pháp luật đại cương đã và đang cập nhật nội dung liên quan đến kỹ năng số, phòng chống lừa đảo công nghệ, cũng như kiến thức pháp luật về trách nhiệm dân sự và hình sự trong môi trường mạng.

Quan điểm nhất quán của nhà trường là việc giáo dục kiến thức an ninh mạng cần được thực hiện đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung, với những cấp độ đào tạo khác nhau phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Nhờ sự kết hợp đồng bộ này, sinh viên không chỉ có khả năng tự bảo vệ bản thân mà còn góp phần giúp đỡ những người xung quanh tránh khỏi các hình thức lừa đảo đang ngày càng tinh vi trên không gian số”, thầy Hùng thông tin.

DSCF8428.jpg
Sinh viên thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội được trang bị kiến thức an ninh mạng ngay từ các buổi sinh hoạt công dân đầu khóa. Ảnh: website nhà trường

Trong khi đó, đại diện phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và cảnh báo cho sinh viên trước các hành vi lừa đảo, đặc biệt là trên không gian mạng.

Trước hết, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua những kênh truyền thông chính thức và nội bộ của nhà trường, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội. Những thông tin cảnh báo về những hình thức giả mạo chữ ký, con dấu của nhà trường đều được công khai rõ ràng nhằm giúp sinh viên kịp thời nhận biết và phòng tránh.

Bên cạnh đó, trong các buổi tập huấn công tác đoàn thanh niên - hội sinh viên, nhà trường cũng lồng ghép các chuyên đề về cảnh giác, phòng chống tội phạm công nghệ cao. Đây là nội dung thiết thực, góp phần trang bị kỹ năng nhận diện và xử lý tình huống cho sinh viên.

Ngoài ra, đoàn trường và hội sinh viên nhà trường còn tích cực phối hợp với Quận đoàn Đống Đa, Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên Thành phố Hà Nội tham gia các buổi tập huấn, tọa đàm chuyên đề. Thông qua đó, sinh viên không chỉ được tiếp cận kiến thức thực tiễn từ các chuyên gia mà còn có thể lan tỏa thông tin hữu ích này trong công tác truyền thông của đoàn - hội nhà trường”.

snapedit_1745469219189.jpeg
Thạc sĩ Trần Chiều Phụng - Phó Bí thư Đoàn Trường, chuyên viên phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Thạc sĩ Trần Chiều Phụng nói thêm, vào đầu mỗi năm học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tuần sinh hoạt công dân - sinh viên, là hoạt động bắt buộc đối với tất cả sinh viên. Trong chương trình này, các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật được lồng ghép, trong đó có phần trọng tâm là nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, đoàn thanh niên và hội sinh viên nhà trường cũng xây dựng kế hoạch tổ chức những buổi tọa đàm, chuyên đề chuyên sâu, mời các chuyên gia có hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến trao đổi với sinh viên. Đây là những hoạt động thường niên, góp phần trang bị kiến thức thực tiễn và kỹ năng phòng vệ trước những nguy cơ tội phạm công nghệ trong môi trường học đường.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động và nội dung quan trọng nhằm thích ứng với yêu cầu của thời đại số. Một trong những định hướng trọng tâm là nâng cấp hạ tầng công nghệ số, hướng tới việc hiện đại hóa toàn diện hệ thống kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường bảo mật thông tin và hoàn thiện hệ thống công nghệ nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu và nâng cao chất lượng quản lý, vận hành, phục vụ hiệu quả hơn cho các hoạt động của nhà trường.

Cùng chia sẻ về các biện pháp nhà trường cảnh báo sinh viên tránh mắc bẫy lừa đảo qua mạng, thầy Bùi Văn Dự cho hay tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, việc phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho sinh viên luôn được chú trọng.

Nhà trường thường xuyên mời các cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) - Công an thành phố Hà Nội đến tập huấn, chia sẻ về những vấn đề an ninh nổi bật đang diễn ra trên địa bàn, đặc biệt dành cho sinh viên năm nhất, năm hai và năm ba. Ban giám đốc học viện cũng đã chỉ đạo lồng ghép nội dung về phòng chống tội phạm công nghệ cao trong các học phần liên quan đến pháp luật.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng chia sẻ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch hợp tác chặt chẽ với cơ quan công an, chuyên gia công nghệ cũng như các tổ chức xã hội nhằm xây dựng những chương trình thiết thực giúp sinh viên nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo và hành vi vi phạm pháp luật.

Trong những năm gần đây, nhà trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chính thức với nhiều đơn vị như Công an phường Bách Khoa, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cũng như các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ như FPT, Viettel, 2Target…

Những biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết không chỉ nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho sinh viên kỹ năng thực tiễn và kiến thức về an toàn thông tin.

Đồng thời, thông qua sự phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà trường còn tích cực tham gia vào việc xử lý các tình huống lừa đảo khi phát hiện dấu hiệu bất thường, đồng thời cung cấp hướng dẫn cụ thể cho sinh viên về quy trình trình báo, tố giác các hành vi vi phạm. Nhờ đó, sinh viên không chỉ nâng cao được nhận thức pháp luật mà còn chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng trong không gian số ngày càng phức tạp.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/1-000-hoc-sinh-sinh-vien-roi-vao-vong-lao-ly-vi-lien-quan-vu-pho-duc-nam-mr-pips-lua-dao-2025041718365857.htm

Đình Nam