Ôn thi vào 10 tại trường miễn phí, nhiều trường HS lớp 9 đăng ký dự thi 100%

29/04/2025 06:52
NGUYÊN KHANG

GDVN - Có những học sinh suy nghĩ thi tuyển sinh 10 cũng không mất mát gì mà có thêm hy vọng nên nhiều trường có số lượng học sinh lớp 9 đăng ký dự thi lên đến 100%.

Tại địa phương người viết công tác, năm nay tỉ lệ dự thi tuyển sinh 10 thì lại cao hơn so với mọi năm. Một trong nguyên nhân là học sinh lớp 9 năm nay ôn thi tuyển sinh lớp 10 tại trường không phải đóng tiền học thêm nên các em đều tham gia học và thi.

Theo tìm hiểu và trao đổi của người viết bài với nhiều học sinh, có những em học lực không tốt, khả năng rớt tuyển sinh 10 rất cao nhưng những em này vẫn thi với suy nghĩ nếu đậu lớp 10 công lập thì học, không đậu thì chuyển hướng khác.

Chính vì suy nghĩ thi tuyển sinh 10 cũng không mất mát gì mà có thêm hy vọng nên nhiều trường có số lượng học sinh lớp 9 đăng ký dự thi lên đến 100%.

gdvn-6-2623-1078.jpg
Ảnh minh họa

Khi học sinh ôn thi tuyển sinh 10 miễn phí

Nhiều năm qua, sau khi hoàn thành chương trình học lớp 9, nhà trường sẽ xét tốt nghiệp và tổ chức ôn thi tuyển sinh 10. Nhiều trường còn có kế hoạch ôn thi từ đầu học kỳ II nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức.

Khi tham gia ôn thi tuyển sinh 10, hàng tháng phụ huynh sẽ tốn một khoản tiền khá lớn cho con em mình. Vì thế, nhiều học sinh thấy mình có học lực yếu, không có khả năng đậu lớp 10 sẽ không tham gia ôn thi tuyển sinh 10 tại trường. Tuy nhiên, năm học 2024-2025 này đã khác.

Ngày 14/2/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực cũng đồng nghĩa những học sinh ôn thi (học thêm) tại trường không phải đóng bất cứ một chi phí nào.

Các em học thêm không phải đóng tiền học thêm và thầy cô dạy thêm tại trường cũng không có tiền thù lao (chủ yếu là nhà trường vận động dạy tự nguyện). Giáo viên dạy thêm tại trường, phần vì thương học trò; phần vì nể ban giám hiệu; phần vì chất lượng lớp mình dạy nếu thi tuyển sinh 10 điểm thấp sẽ ảnh hưởng đến cá nhân.

Trong khi, tâm lý chung của các nhà trường và giáo viên bộ môn là thường “nhẹ tay” với học sinh cuối cấp để các em tốt nghiệp nên điểm số cuối năm các em đều đủ điều kiện để tốt nghiệp. Chỉ trừ những em nghỉ quá 45 buổi hoặc vi phạm nghiêm trọng mới không được xét tốt nghiệp trung học cơ sở mà thôi.

Hơn nữa, đa phần các trường học sẽ kết thúc chương trình lớp 9 ở cuối tháng 4 mà cuối tháng 5 mới tổng kết năm học, đầu tháng 6 sẽ thi tuyển sinh 10. Vì vậy, nhiều học sinh dù học lực không tốt nhưng vẫn đăng ký học thêm để…chờ tổng kết năm học và cũng là một lần thi tuyển sinh 10 cho biết với bạn bè.

Việc tỉ lệ học sinh lớp 9 ở các trường trung học cơ sở đăng ký dự thi cao cũng là điều dễ hiểu. So với các kỳ thi trước đây, kỳ thi lớp 10, năm học 2025-2026 tới đây, học sinh chỉ mất thời gian đến trường ôn thi, còn chi phí thì không đáng kể, chủ yếu là chi phí cho cá nhân chứ không phải đóng góp gì.

Nếu nhiều em học lực không tốt thi điểm số sẽ khiến giáo viên, nhà trường "đau đầu"

Những năm vừa qua, dù công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở luôn gặp khó khăn nhưng hằng năm vẫn có nhiều học sinh không đăng ký dự thi ở lớp 10 khi thấy học lực của mình không đủ sức để dự thi. Bên cạnh đó là việc dự thi sẽ phát sinh thêm khá nhiều chi phí ôn tập cho gia đình học sinh.

Việc Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ra đời và có hiệu lực ở đầu học kỳ II của năm học này có nhiều ưu điểm nhưng cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho thí sinh; các trường trung học cơ sở; trung học phổ thông và phát sinh thêm nhiều chi phí đối với mỗi địa phương.

Đối với thí sinh dự thi, kỳ thi tuyển sinh 10 tới đây là kỳ thi đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mục tiêu của chương trình là phát huy phẩm chất, năng lực của người học nên sẽ có nhiều điểm mới. Việc học tủ, học thuộc lòng sẽ không phát huy được hiệu quả.

Riêng môn Ngữ văn, thực hiện theo hướng dẫn của Công văn 3715 lấy ngữ liệu đọc hiểu và viết (làm văn) hoàn toàn ngoài sách giáo khoa cũng là vấn đề nan giải cho nhiều thí sinh. Điểm thi tuyển sinh 10 tới đây có thể không cao bằng các năm trước là điều đã được nhiều giáo viên đang dạy các môn thi tuyển sinh 10 dự báo.

Đối với các trường trung học cơ sở khi tổ chức ôn thi tuyển sinh 10 (miễn phí) nên số lượng các lớp học gần như được duy trì nguyên vẹn. Sĩ số lớp đông, trong đó có những em biết mình khó có khả năng đậu nhưng các em vẫn tham gia học. Vì thế, khi học ở trên lớp, những em này không tập trung, ảnh hưởng đến nhiều em xung quanh.

Khi học sinh thi, sẽ có nhiều em điểm rất thấp, thậm chí sẽ có những em điểm liệt. Lúc này, ảnh hưởng đến nhà trường, thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy lớp học đó.

Đối với các trường trung học phổ thông thì lấy bao nhiêu chỉ tiêu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) phê duyệt từ trước khi thi. Việc số lượng dự thi đông cũng chỉ lấy chừng ấy số lượng. Dẫn đến phát sinh về việc bố trí cơ sở vật chất, bố trí nhân lực gác thi sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí gián tiếp khác.

Đối với địa phương, khi học sinh lớp 9 tham gia thi tuyển sinh 10 cũng đồng nghĩa phải bố trí thêm nhiều điểm thi, phòng thi. Phải điều động nhiều giám thị, giám khảo. Tất nhiên, phát sinh thêm nhiều tiền để chi trả cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham dự hội đồng thi, hội đồng chấm thi.

Bên cạnh đó, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông còn phải chi trả thêm tiền công tác phí cho giáo viên tham gia nhiệm vụ coi thi, chấm thi trong nhiều ngày liên tục.

Điều khó tránh là sau mỗi kỳ thi sẽ có thống kê điểm số các môn học theo số lượng học sinh. Nếu như có nhiều học sinh điểm chưa đạt, thậm chí điểm liệt sẽ tạo ra nhiều áp lực cho ngành và từng bộ môn.

Không chỉ áp lực với dư luận xã hội mà sau kỳ thi, các trường còn phân tích, đánh giá từng bộ môn, từng giáo viên ôn thi tuyển sinh 10. Nếu như kết quả nhà trường, giáo viên không tốt tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG