Phổ cập mầm non cho trẻ 3-5 tuổi là hoàn toàn khả thi

27/04/2025 06:36
Thu Trang

GDVN - Cần đầu tư xây dựng và cải thiện cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời thu hút và đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng.

Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết 03 nhóm chính sách, cụ thể: Ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non; Chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.

Phát triển mạng lưới trường, lớp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang chia sẻ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi sẽ giúp tác động phát triển giáo dục cũng như mở rộng quy mô giáo dục của các nhà trường. Bên cạnh đó, nhờ công tác phổ cập mà chất lượng nuôi dạy trẻ được tốt hơn, góp phần phát triển năng lực của trẻ được sớm hơn.

Trẻ được đến lớp sớm sẽ được chăm sóc, giáo dục sớm, từ đó hình thành tính cách, kỹ năng cho trẻ. Ý thức của trẻ về môi trường xung quanh sau khi được phổ cập giáo dục cũng sẽ tốt và đúng đắn, từ đó sẽ được chuẩn bị tốt hơn trước khi tham gia vào cấp tiểu học từ trình độ học tập đến các khả năng giao tiếp,..

Hiện tại ở Thành phố Ngã Bảy, các trường mầm non đều đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng việc thực hiện phổ cập trẻ em từ 3-5 tuổi.

Trong những năm học qua, các trường trên địa bàn luôn tích cực, chủ động trong công tác tham mưu các cấp lãnh đạo, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, địa phương cũng nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn lực của xã hội đầu tư cơ sở vật chất nhằm cải tạo môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học đảm bảo thẩm mĩ, thân thiện, an toàn.

Thành phố Ngã Bảy cũng đã nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên mầm non bằng nhiều biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên hợp đồng tại các đơn vị trường học còn thiếu định mức giáo viên theo quy định. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian, sắp xếp công việc hợp lý để giáo viên đủ điều kiện tham gia thi tuyển theo quy định.

Nhìn chung, công tác phổ cập giáo dục mầm non vẫn đang được triển khai và thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết trẻ từ 3-5 tuổi đều được ra lớp, chỉ có một số ít gia đình vẫn muốn giữ trẻ ở nhà, vì vậy để khắc phục việc trẻ chưa tới trường, giáo viên cũng đã đến nhà dân trên địa bàn để vận động, thực hiện công tác phổ cập giáo dục.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Vũ Thị Gấm, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hữu Sản (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, thời gian qua nhà trường luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lên kế hoạch triển khai phổ cập giáo dục mầm non. Đồng thời nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ tới tất cả cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Hiện tại, trường đã huy động được 100% trẻ 3-5 tuổi ra lớp. Cán bộ làm công tác phổ cập đều hiểu và nắm bắt rõ tình hình con em trên địa bàn xã nên không tồn tại quá nhiều khó khăn. Nếu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 tuổi có thể giúp các em vào nề nếp từ sớm. Từ đó, tạo tiền đề để việc học các lớp trên được thuận lợi hơn.

Về cơ sở vật chất, trường có đủ chỗ học, đầu tư xây mới phòng học, kiên cố hóa trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu trẻ mầm non tới trường. Đội ngũ giáo viên được bổ sung đảm bảo định biên giáo viên 2 cô/lớp, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Còn theo cô Trịnh Thị Ngoạn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa huệ (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) hiện nay số trẻ độ tuổi từ 3-5 tuổi của nhà trường đã huy động so với số trẻ điều tra trên địa bàn đã đạt 100%. Với phụ huynh các em, vấn đề nhận thức về vai trò của bậc học mầm non đối với sự phát triển của trẻ đã thay đổi rất nhiều, do đó phụ huynh đã cho trẻ ra lớp từ độ tuổi nhỏ. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi là hoàn toàn khả thi.

Để đảm bảo các điều kiện, môi trường học tập, nhà trường đã cải tạo sân vườn đảm bảo đa dạng, phong phú các nội dung hoạt động ngoài trời cho trẻ, tạo môi trường để trẻ được thoả sức trải nghiệm, khám phá, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo cho trẻ.

Đội ngũ giáo viên mầm non của trường cũng đạt chuẩn trình độ. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải xác định tầm quan trọng của bậc học mầm non, gắn thành công của chương trình phổ cập giáo dục với trách nhiệm của bản thân để tạo dựng hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Cần thực hiện tốt xã hội hóa bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước

Theo thầy Tuấn, để thực hiện tốt việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi, cần phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất. Các trường mầm non phải được đầu tư hệ thống phòng học đầy đủ; Trang bị đồ dùng chăm sóc bán trú đảm bảo phục vụ các hoạt động của trẻ tại trường; Đảm bảo có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; Có hệ thống sân chơi xanh, sạch, đẹp và đồ chơi ngoài trời an toàn…

Để việc thực hiện phổ cập giáo dục trẻ mầm non từ 3-5 tuổi được thuận lợi, cần đầu tư xây dựng và cải thiện cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời thu hút và đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, cùng với nguồn từ ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục cần được khuyến khích phát triển, đầu tư kiên cố hóa trường, lớp; sắp xếp các điểm trường, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Hiện nay, thực hiện xã hội hóa giáo dục đang được thực hiện theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nếu có những chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư vào các khu vực khó khăn thì việc kêu gọi hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa sẽ được dễ dàng, hoàn thiện hơn. Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào công tác hỗ trợ, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư cho giáo dục khi có một hành lang pháp lý thông thoáng hơn.

Đồng thời, chế độ phụ cấp, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên mầm non cũng cần có sự quan tâm hơn nữa đến đội ngũ này, đặc biệt là chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi, thêm giờ để đội ngũ có thêm tâm huyết, giữ vững lửa nghề và tận tâm phục vụ công việc.

Còn theo cô Gấm, để việc thực hiện phổ cập giáo dục trẻ mầm non từ 3-5 tuổi được thuận lợi, nhà trường cũng như địa phương sẽ tiếp tục chuẩn hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, sử dụng công nghệ xanh, khai thác nguồn tài nguyên hiệu quả, đảm bảo trường mầm non đạt chuẩn toàn diện trên tất cả các phương diện từ cơ sở vật chất, đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Ngoài ra, khi Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non được ban hành thì hy vọng thời gian tới sẽ được quan tâm, xây dựng những chính sách hỗ trợ để tăng tỷ lệ trẻ mẫu giáo toàn tỉnh được tiếp cận với giáo dục mầm non có chất lượng, đặc biệt là nhóm trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có nhiều điều kiện, cơ hội học tập trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo các chính sách, ưu đãi về tuyển dụng, lương đối với đội ngũ giáo viên mầm non thực hiện phổ cập giáo dục theo quy định. Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hàng năm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Thu Trang