CSGD tư được tiếp cận trụ sở dôi dư sau sáp nhập sẽ mang lại rất nhiều lợi ích

29/04/2025 08:51
Mộc Trà

GDVN- Cho phép tư nhân sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập mở trường góp phần giải bài toán thiếu trường lớp, song cần thận trọng, tránh “lãng phí chồng lãng phí".

Vừa qua, trước định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ưu tiên sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập nơi này làm trường học, cơ sở y tế và không gian công cộng cho người dân, nhiều nhà đầu tư giáo dục đề xuất tạo điều kiện cho khối giáo dục tư thục tiếp cận nguồn lực này.

GDVN_hoc dan.jpg
Nhiều chuyên gia đề xuất, nên cho các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực giáo dục tiếp cận nguồn lực này. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Có sẵn trụ sở dôi dư, địa phương có chính sách thu hút phát triển giáo dục ngoài công lập cũng là điều hợp lý, thuận lợi

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Sắp tới, chúng ta sẽ có một số lượng lớn các trụ sở dôi dư, do tổ chức lại chính quyền địa phương, không còn cấp huyện nữa, mà hiện nay, trụ sở các cơ quan cấp huyện cũng rất nhiều; thứ hai là việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng sẽ tạo ra một số lượng trụ sở dôi dư không nhỏ.

Vậy, đối với những cơ sở vật chất dôi dư này, phải xử lý như thế nào? Bởi vì, các công trình nếu dôi dư mà không được đưa vào sử dụng thì sẽ xuống cấp rất nhanh và gây lãng phí. Trung ương chắc chắn cũng sẽ hướng dẫn về vấn đề này và các địa phương cũng sẽ xây dựng đề án để sử dụng trụ sở dôi dư như thế nào cho hiệu quả nhất.

Tôi cũng đồng ý với phương án nên rà soát để bổ sung các cơ sở vật chất đó cho các công trình phục vụ lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế. Đây đều là những công trình rất cần thiết cho đời sống dân sinh, phục vụ trực tiếp người dân, tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu rất là nhiều, đặc biệt là hệ thống các trường học. Tôi không nói đến vùng sâu, vùng xa, mà ở ngay cả những đô thị, hệ thống trường lớp của chúng ta cũng không phải đã đạt 100% yêu cầu.

Chính vì vậy, với những trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tôi cho rằng, cũng có tính chất tương đồng trong kiến trúc và xây dựng để có thể là sử dụng làm trường học.

Ngoài ra, tôi cũng đồng tình với đề xuất nên tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tại sao nói là tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập? Bởi, hiện nay, nếu chúng ta thành lập các trường công lập, sẽ rất khó khăn. Vì có trường lớp, thì phải có giáo viên và giáo viên công lập thì còn liên quan đến tổng biên chế của cả nước và tổng biên chế của toàn ngành giáo dục.

Cho nên, không phải cứ muốn là có thể thành lập được trường công. Bởi vậy cho nên, quan điểm phát triển giáo dục đào tạo của Đảng và Nhà nước cũng là đa dạng hóa các loại hình trường lớp - phát triển cả trường công lập và trường ngoài công lập. Song, theo tôi, các cơ chế chính sách ưu đãi hiện nay chưa thực sự đủ hấp dẫn để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục. Cho nên, hệ thống trường lớp của chúng ta còn thiếu rất nhiều.

Chính bởi vậy, trong giai đoạn này, tôi cũng rất mong muốn các địa phương sẽ xem xét, tạo điều kiện cho giáo dục ngoài công lập thông qua những chính sách cụ thể. Điều cần nhất đối với các tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào giáo dục chính là đất đai và cơ sở vật chất. Khi chúng ta đã có sẵn các trụ sở dôi dư, tôi cho rằng, việc các địa phương có chính sách cụ thể để thu hút phát triển giáo dục ngoài công lập cũng là điều rất hợp lý và rất thuận lợi trong thời điểm này”.

z6550394352599_8d40879494b04bd21c88ba456a879e13.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nếu thực hiện được chủ trương trên, người được thụ hưởng chính là người dân. Và mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước chính là nâng cao đời sống của người dân, thì khi phát triển giáo dục hay y tế, văn hóa... cũng đều là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nữ đại biểu phân tích: “Trên thực tế hiện nay, chúng ta cũng đang thiếu rất nhiều trường lớp; nếu như có thể giải quyết được, thì sẽ giải được phần nào “bài toán”. Tôi không kỳ vọng là giải được hết, nhưng mà cũng sẽ giải được phần nào “bài toán” thiếu trường lớp hiện nay, đặc biệt là tại các đô thị. Các trụ sở cơ quan hành chính thường tập trung ở các đô thị, kể cả trụ sở huyện thì cũng nằm ở trung tâm huyện và trụ sở tỉnh thì cũng nằm ở trung tâm tỉnh, cũng là ở các đô thị, cũng là những nơi hiện đang khá thiếu trường lớp.

Thứ hai, điều này cũng hết sức đúng đắn với quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt là hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tập trung vào việc phải phát triển hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất để đảm bảo các quy định của ngành giáo dục, giải quyết khó khăn về diện tích, cơ sở vật chất trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia thì cũng rất khó khăn về diện tích cũng như là cơ sở vật chất. Nếu giải quyết được các khó khăn trên, sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là các gia đình có con em đang độ tuổi đến trường”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng đánh giá, việc ưu tiên cho các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực giáo dục tiếp cận với các mặt bằng vốn là trụ sở đơn vị hành chính dôi dư sau sáp nhập, chính là cơ hội để các cơ sở giáo dục tư thục phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hiền phân tích: “Khó khăn đối với không ít các cơ sở giáo dục tư thục trong thời gian qua có lẽ là vấn đề “quỹ đất”. Có trường hoạt động hàng chục năm, vẫn trong tình trạng đi thuê cơ sở vật chất; có trường mặc dù đã tiếp cận được mặt bằng để xây dựng trường, song, vẫn còn khá eo hẹp, chưa đủ diện tích để đáp ứng hết các điều kiện giáo dục, chẳng hạn, khuôn viên hay thư viện, phòng y tế hay nhà bếp vẫn còn khá hạn chế.

Chính vì vậy, nếu các nhà đầu tư giáo dục có thể tiếp cận và sử dụng mặt bằng tại trụ sở dôi dư, sẽ tạo được nhiều thuận lợi. Đó là vừa giải quyết nỗi lo về cơ sở vật chất, vừa có thể đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục. Khi đó, nhà đầu tư vừa có thể tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất khang trang, vừa mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại… phục vụ nhu cầu học tập của người học. Đồng thời, các điều kiện cho học sinh tiếp cận với kiến thức cũng được hoàn thiện hơn, chẳng hạn, sẽ xây dựng thêm các khu sinh hoạt thể chất, khu khám phá, trải nghiệm hoặc đầu tư phòng thí nghiệm… giúp học sinh có nhiều cơ hội thực học hơn.

Như vậy, nếu các địa phương dành các trụ sở dôi dư sau sáp nhập cho các cơ sở giáo dục tư thục tiếp cận, chắc chắn sẽ góp phần cải thiện vấn đề cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hiền, để chủ trương trên có thể thực hiện một cách hiệu quả, cần nghiên cứu cơ chế chính sách cụ thể theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với từng địa phương.

nguyen-thanh-hien-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-nghe-an-1-8433.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: quochoi.vn.

Cần thực hiện trên cơ sở quy hoạch địa phương, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội

Cùng bàn về đề xuất trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, đề xuất trên nếu được thực hiện, hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội mở rộng và phát triển quy mô, chất lượng đối với các cơ sở giáo dục tư thục.

Nữ đại biểu cho biết: “Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy, hiện nay, nhiều địa phương đã và đang rốt ráo thực hiện các kế hoạch để bố trí, xử lý các trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Các địa phương cũng đang rất tích cực xây dựng các phương án và mở ra cơ hội phát triển quy mô đối với các lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục”.

z6550069347220_3551ba03c5f1143d04de4e84e06334ec.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng chia sẻ thêm: “Đặc biệt, với đề xuất của một số chuyên gia giáo dục, nên tạo cơ hội cho khối giáo dục tư thục tiếp cận với nguồn lực này, tôi cho rằng, cũng rất phù hợp với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo mà chúng ta đã và đang thực hiện.

Bởi lẽ, nhiều địa phương muốn thu hút đầu tư vào giáo dục, tuy nhiên, lại gặp khó trong việc bố trí “quỹ đất” cho nhà đầu tư mở trường, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị lớn, nơi mật độ dân cư ngày càng tăng cao. Chính điều này có thể đang gây khó cho các nhà đầu tư tư nhân muốn mở trường để phục vụ nhu cầu học tập của địa phương.

Như vậy, nếu các địa phương có thể ưu tiên dành các trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập, để các nhà đầu tư tư nhân được tiếp cận và sử dụng vì mục đích giáo dục, tôi cho rằng, đây có thể sẽ là một “bước đệm” nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn của các đơn vị tư nhân đang “mỏi mắt” tìm “quỹ đất” phù hợp. Bởi, hầu hết các trụ sở hành chính cũng đều nằm ở các vị trí “đắc địa”, nằm ở trung tâm với giao thông thuận lợi và diện tích khá rộng rãi, có rất nhiều tiềm lực để xây dựng trường học một cách dễ dàng”.

“Nếu có thể để các nhà đầu tư tư nhân thuê lại các trụ sở công, không chỉ góp phần giảm áp lực ngân sách nhà nước, mà còn giúp khai thác hiệu quả tài sản, tránh tình trạng để trống, lãng phí kéo dài.

Tuy nhiên, việc xác định phương án sử dụng phù hợp, chuyển đổi cho lĩnh vực giáo dục hay vì mục đích khác, cũng cần được thực hiện trên cơ sở quy hoạch địa phương, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội” - Đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Phải đảm bảo được sự minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị: “Đương nhiên chúng ta sẽ sử dụng lại các trụ sở dôi dư để tránh lãng phí, tuy nhiên, trong quá trình rà soát để quyết định giao cho đơn vị, tổ chức, cá nhân nào, sử dụng vào mục đích gì, cũng cần hết sức thận trọng để tránh tình trạng “lãng phí chồng lãng phí”.

Tại sao tôi nói là “lãng phí chồng lãng phí”? Nếu trụ sở dôi dư mà để không, thì là lãng phí; nhưng nếu chúng ta giao không đúng đối tượng, không đúng mục đích và không có sự minh bạch, thì lại càng lãng phí hơn. Đây là tài sản công của Nhà nước, cho nên trong quá trình thực hiện, phải hết sức tuân thủ các quy định của pháp luật và phải đảm bảo được sự minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả”.

Theo nữ đại biểu, hiện nay, các quy định của pháp luật Luật Đầu tư, Luật Đất đai cũng như nhiều luật khác cũng đã có rất nhiều; tuy nhiên, mỗi địa phương cũng còn có những quy định, chính sách riêng.

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ: “Với mỗi địa phương, phải căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như điều kiện ngân sách của địa phương để đưa ra những chính sách riêng.

Trong quá trình đi khảo sát, giám sát với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (hiện tại là Ủy ban Văn hóa và Xã hội), tôi thấy có rất nhiều địa phương đã ban hành được chính sách rất tích cực để thu hút nhà đầu tư giáo dục.

Tôi lấy ví dụ, như tỉnh Bắc Giang chẳng hạn, qua khảo sát về tình hình phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, cho thấy địa phương cũng ban hành được một hệ thống chính sách hết sức hấp dẫn để thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp - những nơi có đông công nhân. Theo đó, tỉnh Bắc Giang có những ưu đãi nhất định, không những về đất đai, về thuế, mà còn trực tiếp có những ưu đãi liên quan đến tài chính trong việc xây dựng trường lớp. Ví dụ như, hỗ trợ xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập…

Với tất cả những chính sách riêng của địa phương như thế, tôi đánh giá, Bắc Giang là một trong những tỉnh có hệ thống trường mầm non ngoài công lập khá phát triển và có chất lượng tốt; đặc biệt là ở các khu công nghiệp hoặc vùng lân cận, nơi có rất đông con em công nhân theo học”.

“Như vậy, tùy từng địa phương, sẽ có những chính sách ưu đãi nhất định. Với Bắc Giang, địa phương này đã có ưu đãi về giáo dục mầm non, bởi trên địa bàn có đông công nhân ở độ tuổi còn khá trẻ, nên con em họ cũng hầu hết ở lứa tuổi mầm non. Nhưng ở địa phương khác, có thể sẽ ưu tiên cho các loại hình trường lớp khác mà địa phương vẫn còn đang thiếu. Và điều này cũng tùy thuộc điều kiện ngân sách ở các địa phương. Nhưng vẫn cần có những chính sách thiết thực như tương tự, mới có thể giải “bài toán” thiếu trường lớp hiện nay” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Mộc Trà