CSGDĐH đào tạo nghệ thuật gặp vô vàn khó khăn để duy trì, phát triển giảng viên

30/04/2025 06:28
Hồng Linh

GDVN - Đại diện một số trường đại học đào tạo ngành nghệ thuật trăn trở về tình trạng thiếu giảng viên cũng như phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế".

Trong đó, có đặt ra yêu cầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến chính sách đối với đào tạo các ngành, nghề lĩnh vực đặc thù nghệ thuật và thể dục thể thao.

Trước vấn đề này, đại diện một số trường đại học đào tạo ngành nghệ thuật đã đưa ra một số chia sẻ và kiến nghị, đề xuất đối với đào tạo ngành đặc thù.

Chất lượng đào tạo chưa được đồng bộ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Huy Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đào tạo các ngành, nghề đặc thù trong nghệ thuật không chỉ phát triển năng khiếu sáng tạo mà còn bồi dưỡng thẩm mỹ, tư duy nhân văn và bản sắc văn hóa, giúp sinh viên trở thành những cá nhân có khả năng cảm thụ và đóng góp vào giá trị tinh thần của xã hội.

Ngoài ra, các ngành nghệ thuật chuyên sâu như sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, mỹ thuật, âm nhạc… có vai trò giúp thế hệ trẻ tiếp nối và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa, đồng thời đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục để nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Việc đào tạo ngành nghề nghệ thuật đặc thù chuyên sâu có tác động mạnh đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thông qua các tổ chức uy tín trong nước và các tổ chức quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn, thu hút được sinh viên và giảng viên nước ngoài, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam tiếp cận thị trường lao động chất lượng cao.

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay, thầy Quang cho biết: “Văn hoá nghệ thuật nói chung và nghệ thuật nói riêng ngày càng được coi trọng trong đời sống văn hóa và giải trí. Nhu cầu xã hội và cơ hội nghề nghiệp đa dạng. Sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Nhà nước có các chính sách khuyến khích tài năng nghệ thuật, như Đề án 1341 “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2030” và Đề án 1437 "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030"; giúp sinh viên có cơ hội thể hiện tài năng vượt trội.

Một số cơ sở đào tạo nghệ thuật đã bắt đầu chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành và phẩm chất nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy phù hợp với định hướng "phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học".

Chúng ta cũng từng bước mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài uy tín, tổ chức các buổi thảo luận, chuyên đề trao đổi học thuật quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, những việc này vẫn còn thực hiện tự phát, chưa được quán triệt đồng đều. Chưa có cơ chế để các trường nghệ thuật chia sẻ nguồn lực, liên thông, liên kết với nhau tạo ra cơ hội lớn mạnh, thiếu sự gắn kết với nhu cầu xã hội.

Hầu hết các trường nghệ thuật đều trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất (cả về trang thiết bị và hạ tầng cơ sở) chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn cơ sở giáo dục theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

z5319124381069_e619cdce3fd2655f9c70b4f93c0b70c6.jpg
Tiến sĩ Phạm Huy Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, vai trò của đào tạo các ngành, nghề đặc thù trong nghệ thuật và thể dục thể thao đối với sự phát triển toàn diện của nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu và nhu cầu phát triển của đất nước.

Việc đào tạo các ngành này có tác động rất lớn đến trí tuệ, nhân cách, tâm hồn và thể chất của nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trực tiếp giáo dục và làm ra cái đẹp cũng như thể thao thành tích cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thầy Minh nói: “Về chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật và thể dục thể thao hiện nay so với yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW, theo tôi là chưa đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo.

Việc đào đào tạo các ngành, nghề này tại Việt Nam đang đứng trước thuận lợi là sự quan tâm và quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đúng chức năng và chuyên môn) và Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chung về đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Khó khăn ở những Nghị định, Thông tư và những quy định mang tính chất chung đối với các trường đại học mà chưa tính tới yếu tố chuyên sâu đặc thù của các trường nghệ thuật và thể dục thể thao. Nếu có thì chỉ là hạ thấp các tiêu chí, mức độ của quy định là hoàn toàn chưa hợp lý”.

Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Mai Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Âm nhạc Huế cho biết, đào tạo các ngành nghề đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, cụ thể là trong lĩnh vực âm nhạc với loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như nhã nhạc, ca trù, chèo, cải lương, ví dặm, cồng chiêng Tây Nguyên, bài chòi… và các loại nhạc cụ truyền thống nhằm giáo dục nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ, để họ hiểu biết, trân trọng và có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, những nghệ sĩ được đào tạo bài bản sẽ hoạt động và cống hiến góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhận định về việc đào tạo lĩnh vực âm nhạc, Thạc sĩ Mai Anh cho biết, chất lượng đào tạo chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo, một số ngành đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở địa phương chất lượng còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.

Bên cạnh những thuận lợi cho giảng dạy âm nhạc như chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế... Thạc sĩ Mai Anh chỉ ra một số vấn đề bất cập. Cụ thể, hiện nay các chính sách và cơ chế chưa đồng bộ, quy định hiện hành còn nhiều bất cập chưa phù hợp với tính chất đặc thù của đào tạo nghệ thuật.

Ví dụ, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định đào tạo trung cấp từ 1,5-2 năm trong khi thời gian đào tạo trung cấp âm nhạc dài nhất là ngành piano, violin lên tới 9 năm; độ tuổi tuyển sinh (tuyển từ hết lớp 3); tiêu chuẩn giảng viên....

Nhiều trường văn hóa nghệ thuật ở các địa phương còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, phòng tập, nhạc cụ; ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Đội ngũ giảng viên chất lượng cao còn hạn chế, việc thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên là các nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành gặp nhiều thách thức do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng và các quy định về bằng cấp, chứng chỉ.

Không ít cơ sở giáo dục cùng đào tạo những ngành/nghề giống nhau ở trình độ trung cấp, đại học nhưng nội dung chương trình đào tạo mỗi nơi một khác, chưa thực sự có chuẩn chương trình chung.

Một số ngành nghệ thuật truyền thống đang thiếu hoặc không có người học do nhu cầu xã hội và về cơ hội việc làm. Chẳng hạn, chuyên ngành Nhã nhạc Cung đình Huế tại Học viện Âm nhạc Huế đã nhiều năm không tuyển được thí sinh.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Các cơ sở đào tạo còn gặp khó khăn về ngân sách, vì vậy việc triển khai và ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình giảng dạy và quản lý còn chưa được tiến hành đồng bộ.

11.jpg
Thạc sĩ Mai Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Âm nhạc Huế. Ảnh: Website nhà trường.

Thách thức để giữ chân giảng viên có trình độ cao

Bên cạnh những vướng mắc trên, vấn đề giảng viên cũng là một trong số những điều khiến đại diện các cơ sở giáo dục đại học trăn trở. Tiến sĩ Phạm Huy Quang cho biết, để giữ chân giảng viên có trình độ cao trong các trường đào tạo nghệ thuật là một thách thức lớn, đặc biệt do hạn chế về tài chính, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc.

Đội ngũ giảng viên có trình độ cao (tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp…) có thể chủ trì ngành học còn thiếu (mặc dù đã được tính tỷ lệ thấp hơn so với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội).

Về các môn học theo xu hướng của xã hội, có những môn học không có giảng viên trình độ chuyên môn theo đúng chuẩn quy định. Ví dụ, môn học về AI - trí tuệ nhân tạo về các sản phẩm nghệ thuật, marketing nghệ thuật, sản xuất phim… ở Việt Nam hiện không có trường đào tạo đại học và sau đại học đúng những ngành này phục vụ cho nghệ thuật.

Việc các giảng viên muốn nâng cao trình độ (thạc sĩ, tiến sĩ) đúng chuyên ngành như sân khấu - điện ảnh cũng khó khăn. Vì khu vực phía Nam không có đơn vị nào đủ điều kiện đào tạo những mã ngành này (chỉ có ở Hà Nội). Hơn nữa, với mức thu nhập như hiện nay, đội ngũ phải đi học nâng cao trình độ xa nhà là một trở ngại lớn.

Đưa ra những góp ý cho việc đào tạo các ngành nghệ thuật, thầy Quang bày tỏ, cần phải có cơ chế đặc biệt để đào tạo một đội ngũ đông đảo những người làm chuyên môn. Ví dụ như cử cùng lúc nhiều người đi học, tạo thành các nhóm làm thay đổi một ngành nghề phục vụ cho nền công nghiệp văn hoá – nghệ thuật – giải trí (Trường hợp Hàn Quốc từng cử hàng trăm người sang Mỹ học điện ảnh và họ trở về làm thay đổi nền điện ảnh quốc gia, bao gồm tiêu thụ mỹ phẩm, ẩm thực, thời trang, du lịch...).

Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ một số ngành khó tuyển sinh (như Lý luận phê bình điện ảnh, sân khấu…); cần phải đầu tư mạnh cơ sở vật chất theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội.

Đặc biệt, cần có cơ chế đặc thù đối với yêu cầu về giảng viên (các môn học có chuyên gia nhưng không đủ điều kiện giảng dạy (không có thạc sĩ, tiến sĩ…); có cơ chế tuyển dụng người giỏi nghề, người có học vị cao (có học vị tiến sĩ nhưng không phải là giảng viên cao cấp) đã nghỉ hưu.

Dien-vien-1-1024x683.jpg
Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng bàn luận về vấn đề giảng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh thông tin, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc duy trì đội ngũ cũng như phát triển đội ngũ nhân lực có chất lượng cao.

Những quy định về giảng dạy, hướng dẫn và hội đồng đánh giá chuyên đề, luận án phải có trình độ tiến sĩ trở lên rất khó cho các ngành chuyên sâu đặc thù. Vì hiện tại rất ít và hiếm các nghệ sĩ đạt yêu cầu trên nên hội đồng đa số là các tiến sĩ ngành gần, chưa đáp ứng được yếu tố chuyên sâu.

Đối với mỹ thuật tạo hình (hội họa, đồ họa, điêu khắc) lại không có danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, tình trạng khan hiếm càng trầm trọng.

Trước thực tế, số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư, phó giáo sư của lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao ngày càng giảm sút do không có nhiều người quan tâm học bởi người hướng dẫn khoa học không đúng chuyên môn sâu của các giảng viên.

Số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ không muốn làm phó giáo sư vì tiêu chuẩn bài báo quốc tế có chỉ số. Các giáo sư, phó giáo sư phần nhiều lớn tuổi trong khi thế hệ tiếp nối lại ít nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học của Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

"Về các chính sách hỗ trợ đào tạo hiện tại đối với lĩnh vực nghệ thuật và thể dục thể thao, theo tôi cũng cần xem xét tăng chế độ đối với giảng viên, viên chức như: lương, phụ cấp ưu đãi nghề. Cần có cơ chế đặt hàng đối với các ngành khó tuyển và thiếu (như Lý luận, lịch sử và phê bình của các loại hình nghệ thuật; nghệ thuật dân gian, truyền thống…).

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW, tôi cho rằng cần bổ sung Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật để hỗ trợ tốt hơn cho đào tạo nghệ thuật dân tộc trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Đặc biệt là đối với đào tạo tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật rất cần quy định cho các trường đại học được đào tạo từ trung cấp" - thầy Minh nói thêm.

59edf544f74f3abd8c01a02b72cc9e0c-2369.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Theo quan điểm của Thạc sĩ Mai Anh, hiện nay hệ thống quản lý, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu còn chưa đồng bộ; hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu.

Hạn chế về nguồn tài liệu, học liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập, các đầu sách chuyên ngành phần lớn đã cũ, số lượng cũng như chất lượng chưa đáp ứng được cho nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu và học tập của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Chất lượng đào tạo trình độ đại học, sau đại học chưa ngang bằng so với trình độ mặt bằng đào tạo các nước tiên tiến trên thế giới.

Thầy Mai Anh chia sẻ: "Các Bộ, ban, ngành cần sớm hoàn thiện và ban hành chuẩn chương trình đào tạo đầy đủ cho tất cả các ngành ở các trình độ thuộc lĩnh vực âm nhạc để các cơ sở đào tạo căn cứ xây dựng, rà soát chương trình đào tạo đảm bảo tính thống nhất, đảm bảo chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và có sự đối sánh với các chương trình đào tạo tương ứng của các cơ sở đào tạo âm nhạc tại các quốc gia phát triển trên thế giới.

Chính phủ cũng cần sớm ban hành Nghị định về đào tạo chuyên sâu đặc thù, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật; cùng với đó cần có những giải pháp đồng bộ và mang tính chiến lược, tập trung vào hoàn thiện chính sách, tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ trong đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong nghệ thuật".

DSC_6.jpg
Ảnh minh họa: Website Học viện Âm nhạc Huế.
Hồng Linh