Hành trình sống đẹp của cô giáo Mĩ thuật giữ lửa nghề theo cách riêng

19/05/2025 07:30
Trần Thị Ánh Tuyết - Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, TPHCM

GDVN - “Sống đẹp” với tôi là khi người thầy không chỉ lên lớp, giảng bài, mà còn là một tấm gương sống tử tế cho học trò noi theo.

Tôi là một giáo viên Mĩ thuật đang sống và công tác tại Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn mười năm gắn bó với nghề dạy học, tôi thấm thía rằng: giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là hành trình gieo vào tâm hồn các em học sinh những hạt giống của yêu thương, trách nhiệm, và ý thức giữ gìn hành tinh này.

Đó cũng chính là tinh thần của “Sống Đẹp – Sống Xanh” – con đường mà tôi và ngôi trường nhỏ thân thương đang từng ngày nỗ lực xây dựng.

Cuộc sống là một bức tranh đa màu sắc, mỗi người chúng ta đều là một nét vẽ góp phần tô điểm cho bức tranh ấy.

Sống đẹp, vì thế, không chỉ là một hành động hay lời nói, mà là sự cống hiến những giá trị tinh thần vào dòng chảy của xã hội, khiến thế giới này thêm tươi sáng và có ý nghĩa hơn.

Cũng như những vì sao trên bầu trời, mỗi hành động sống đẹp là một ánh sáng nhỏ, nhưng khi kết hợp lại, chúng sẽ tạo nên một bầu trời huyền ảo, lấp lánh.

Sống đẹp không phải là một khái niệm xa vời, mà là cách chúng ta đối diện với chính mình và thế giới. Sống đẹp là sống như một ngọn đèn, soi sáng con đường cho người khác, dù ánh sáng ấy có thể là rất nhỏ.

Một nụ cười trong những lúc khó khăn, một lời an ủi khi người khác gặp chuyện buồn, hay đơn giản là hành động giúp đỡ một người xa lạ khi họ cần, tất cả đều là những ngọn đèn sáng lên giữa màn đêm tăm tối.

Như một hạt giống cần sự chăm sóc để phát triển thành cây xanh, sống đẹp cần được nuôi dưỡng từ những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu chúng ta biết kiên nhẫn tưới tắm cho hạt giống của lòng nhân ái, tình yêu thương và sự sẻ chia, chúng sẽ nở hoa, tỏa hương thơm cho xã hội.

Viết Nhật Ký học tập và làm theo Bác.jpg
Tác giả bài viết là cô Trần Thị Ánh Tuyết - Giáo viên Mĩ thuật Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Là giáo viên Mĩ thuật, tôi có một "vùng đất màu mỡ" để giáo dục học sinh về môi trường một cách trực quan và đầy cảm hứng.

Tôi thường xuyên tổ chức cho học sinh thực hiện các sản phẩm mĩ thuật từ vật liệu tái chế như giấy cũ, lon nước, hộp nhựa, vỏ hộp sữa, ống hút, hay các loại vải vụn…

Những tiết học ấy không chỉ rèn kỹ năng tạo hình, thẩm mỹ mà còn giúp các em hiểu rõ giá trị của việc tái sử dụng – giảm thiểu rác thải và từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Điều làm tôi hạnh phúc là khi thấy học sinh hào hứng mang những “phế liệu” đến lớp, háo hức tạo ra những món đồ chơi, vật dụng xinh xắn bằng chính đôi tay và sự sáng tạo của mình.

Qua từng tiết Mĩ thuật, tôi gieo vào tâm hồn học sinh thông điệp: “Mỗi vật bỏ đi đều có thể sống lại – nếu ta nhìn nó bằng con mắt yêu thương.”

Sản phẩm MT từ lá cây.jpg
Hướng dẫn học sinh làm các sản phẩm mĩ thuật từ lá cây...

Ở vùng ngoại thành Vĩnh Lộc A, điều kiện học tập và sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, tôi càng thấy rõ trách nhiệm của người giáo viên không chỉ là người dạy chữ, mà là người đồng hành, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho các em.

Tôi luôn mong học sinh của mình lớn lên không chỉ có kiến thức, mà còn có trái tim nhân ái và tinh thần hành động vì cộng đồng.

Tôi tin rằng mỗi sản phẩm mĩ thuật tái chế, mỗi hành động nhỏ của học sinh hôm nay – đều là những bước chân đầu tiên trên hành trình trở thành công dân toàn cầu văn minh, giàu trách nhiệm và yêu quê hương.

SP từ chai nhựa.jpg
SP từ giấy bìa.jpg
SPmt từ giấy.jpg
Sản phẩm mĩ thuật từ chai nhựa và giấy bìa...

“Sống đẹp” với tôi là khi người thầy không chỉ lên lớp, giảng bài, mà còn là một tấm gương sống tử tế cho học trò noi theo. Tôi lựa chọn một lối sống giản dị, chân thành và luôn lan tỏa những điều tích cực đến học sinh cũng như cộng đồng.

Ngoài công việc giảng dạy, tôi tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như hiến máu nhân đạo, đăng ký hiến tạng sau khi qua đời – bởi tôi tin rằng “sống đẹp” còn là sống để lại điều tốt đẹp cho người khác, dù là trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Tôi cũng tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, cùng đồng nghiệp và học sinh thu gom rác, trồng cây xanh, cải tạo sân trường. Những buổi sáng cuối tuần ấy không chỉ là hoạt động làm sạch môi trường, mà còn là khoảng thời gian kết nối yêu thương giữa thầy và trò, cùng nhau chung tay vì một môi trường xanh – sạch – đẹp.

Dọn vệ sinh trường học.jpg
Cô Tuyết tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, cùng đồng nghiệp và học sinh thu gom rác, trồng cây xanh, cải tạo sân trường.

Ngoài ra, tôi còn tham gia rất nhiều các hoạt động khác như chạy bộ chào mừng hoặc kỉ niệm những ngày lễ trong năm, tham gia viết Nhật kí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để rèn luyện bản thân ngày một tốt hơn cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

chạy bộ rèn luyện SK.jpg
Cô Tuyết tham gia phong trào chạy bộ, rèn luyện sức khỏe.

Từ đó bản thân sống tích cực hơn và làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Khi bản thân sống tích cực thì mới giáo dục được học sinh học tập và làm theo.

Sống đẹp giống như một chiếc cầu nối giữa trái tim và hành động, giữa lý tưởng và thực tiễn. Hình dung một cây cầu dài, vững chãi, kết nối hai bờ của sự hiểu biết và tình yêu thương, đó chính là cách mà mỗi chúng ta nên sống.

Sống đẹp là hiểu rằng mọi hành động nhỏ, dù là một lời động viên, một hành động giúp đỡ hay một sự quan tâm chân thành, đều có thể giúp thay đổi cuộc đời ai đó.

Mỗi bước đi trên cây cầu ấy đều tạo ra những dấu ấn, dù lớn hay nhỏ, nhưng đều là dấu hiệu của sự cống hiến cho xã hội.

Ngoài công việc chuyên môn, tôi dành thời gian rèn luyện chữ viết đẹp, viết thư pháp và chia sẻ niềm đam mê này với học sinh như một cách gìn giữ bản sắc dân tộc.

Việc rèn chữ không chỉ giúp học sinh rèn luyện tính kiên nhẫn, cẩn thận mà còn nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt, với văn hóa Việt Nam qua từng nét chữ.

Trong thời đại công nghệ phát triển, tôi luôn cố gắng duy trì và lan tỏa những giá trị truyền thống, để học sinh hiểu rằng: làm người Việt không chỉ là nói tiếng Việt, mà còn là giữ gìn cái hồn dân tộc qua từng hành vi, nét đẹp ứng xử, thẩm mỹ văn hóa.

Hiến máu nhân đạo.jpg
Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như hiến máu nhân đạo.

Hành trình sống đẹp, sống xanh của tôi bắt đầu từ những điều rất giản dị từ một chiếc túi vải nhỏ. Trong quá trình tìm kiếm những cách để hạn chế rác thải nhựa và lan tỏa lối sống bền vững, tôi đã chọn việc tự tay vẽ túi vải làm điểm khởi đầu.

Dần dần, tôi chia sẻ kinh nghiệm này cho các bạn sinh viên, những người trẻ đầy nhiệt huyết và sáng tạo.

Chúng tôi cùng nhau ngồi vẽ, từng nét cọ trên túi vải không chỉ thể hiện cá tính riêng mà còn chứa đựng thông điệp về tình yêu thiên nhiên.

Việc tự tay làm ra một chiếc túi độc đáo giúp các bạn thêm gắn bó với đồ dùng cá nhân, trân trọng giá trị lao động và có ý thức hơn trong việc tiêu dùng.

Mỗi chiếc túi vải không chỉ thay thế cho hàng chục chiếc túi nilon, mà còn là "lời nhắc" nhỏ mỗi ngày: rằng sống đẹp, sống xanh không hề xa vời, mà bắt đầu từ những hành động rất đỗi bình dị.

lớp vẽ túi.jpg
Lớp vẽ túi SV.jpg
Chia sẻ kinh nghiệm vẽ túi xách cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

“Sống Đẹp – Sống Xanh” không phải là điều xa vời, mà là cách sống mỗi ngày – sống bằng trái tim yêu thương, hành động vì môi trường, gìn giữ bản sắc dân tộc.

Là giáo viên Mĩ thuật, tôi chọn gieo những hạt giống nhỏ bé ấy vào tâm hồn học sinh, từng ngày một, bằng chính việc mình làm. Tôi tin rằng, mỗi bước chân nhỏ của chúng ta hôm nay – sẽ mở ra một hành trình lớn lao cho thế hệ tương lai. Và hành trình ấy, tôi vẫn đang tiếp tục, với tất cả niềm tin, yêu thương và hy vọng.

Tôi luôn tin rằng để dẫn dắt một thế hệ sống đẹp – sống xanh, người giáo viên trước hết phải là người “sống tử tế và xanh trong tâm hồn”.

Và chỉ khi người thầy có tình yêu thật sự với nghề, với học sinh, với môi trường sống – thì những điều tốt đẹp mới có thể lan tỏa một cách bền vững.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.

Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.

Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.

Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.

Trần Thị Ánh Tuyết - Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, TPHCM