Hỗ trợ học phí bằng cách cấp trực tiếp cho người học là hợp lý, tăng minh bạch

04/05/2025 07:36
Khánh Hòa

GDVN- Lãnh đạo các trường tư thục, dân lập cho rằng hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập nhằm đảm bảo thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học.

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, thể hiện tính ưu việt của chế độ và thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học.

Theo đó, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục ước tính khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng (Trong đó, khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng; Khối dân lập, tư thục: 1,9 nghìn tỷ đồng). Mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. [1]

Hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập thể hiện sự quan tâm của Nhà nước

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Yên Hưng (Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Việc Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục là chủ trương đúng đắn, thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với người học.

Chính sách này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục và thúc đẩy sự công bằng giữa học sinh trường công lập và tư thục. Việc áp dụng chính sách hỗ trợ chung cho cả hai hệ thống giáo dục không chỉ phản ánh sự quan tâm của Nhà nước đối với quyền lợi của người học, mà còn thể hiện cam kết về bình đẳng trong giáo dục.

Thực tế, phụ huynh của học sinh theo học trường tư thục cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân như đóng thuế, tham gia các hoạt động xã hội... Do đó, việc Nhà nước hỗ trợ học phí cho học sinh trường tư thục, dân lập còn khẳng định sự công bằng trong việc phân bổ nguồn lực công, đảm bảo quyền được học tập của các em không bị giới hạn bởi bất cứ hệ thống giáo dục nào.

Bên cạnh đó, chính sách này cũng góp phần khuyến khích xã hội hóa giáo dục một cách bền vững, giúp tạo ra môi trường học tập thuận lợi và công bằng hơn cho mọi học sinh”.

co-phuong.jpg
Cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Yên Hưng (Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm, thầy Phạm Sỹ Liêm – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quang Trung (quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng) cho rằng: “Chính sách mới về việc hỗ trợ học phí cho học sinh học tại các trường ngoài công lập là một chính sách rất tốt, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cũng như khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Đây cũng là nguồn động viên thiết thực đối với gia đình có thu nhập trung bình, nhất là những trường hợp học sinh không trúng tuyển vào trường trung học phổ thông công lập, đang theo học tại cơ sở tư thục, dân lập. Qua đó, thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước trong việc đảm bảo cơ hội học tập cho mọi học sinh, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa hệ thống công lập và ngoài công lập trong tiếp cận chính sách”.

Thầy Liêm nhìn nhận, việc chi trả tiền hỗ trợ học phí trực tiếp cho người học là phương án hợp lý, nhằm tăng tính minh bạch và đảm bảo quyền lợi trực tiếp của người học. Phương thức này cũng góp phần giảm bớt một phần gánh nặng cho phụ huynh và thúc đẩy sự công bằng trong giáo dục.

"Trong thời gian tới, các trường tư thục, dân lập mong muốn Nhà nước sẽ quan tâm cũng như có thêm chính sách hỗ trợ thiết thực và lâu dài hơn dành cho học sinh ngoài công lập. Điều này không chỉ khích lệ tinh thần học tập của học sinh mà còn là sự ghi nhận xứng đáng đối với những đóng góp ngày càng rõ nét của cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho toàn xã hội", thầy Liêm bày tỏ.

hoc-sinh-quang-trung.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Quang Trung (quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng) trong một buổi lễ trưởng thành. Ảnh: website nhà trường.

Hỗ trợ học phí bằng cách cấp trực tiếp cho người học là hợp lý

Cô Hoàng Thị Kim Khánh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Văn Lang (Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: “Đề xuất hỗ trợ học phí đối với người học tại các trường dân lập, tư thục trong năm học sắp tới là rất tích cực. Dù mức hỗ trợ ít hay nhiều vẫn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với mọi đối tượng học sinh.

Chính sách này cũng góp phần tạo ra sự công bằng giữa các trường công lập và tư thục, bảo đảm cơ hội học tập bình đẳng cho các em. Việc mở rộng hỗ trợ cho học sinh trường tư không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, mà còn thể hiện tư duy quản lý giáo dục toàn diện, hướng đến sự phát triển hài hòa giữa các hệ thống giáo dục”.

Cô Khánh cho rằng, việc chi trả tiền hỗ trợ học phí trực tiếp cho người học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể giúp người học chủ động hơn, nhưng cũng cần cân nhắc về tính thuận tiện và khả năng phát sinh khó khăn trong quá trình thực hiện.

Dù áp dụng phương thức hỗ trợ nào, yếu tố hiệu quả và đơn giản hóa thủ tục cho phụ huynh, học sinh cần được ưu tiên. Nhà trường sẽ luôn là đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn để người học tiếp cận và thụ hưởng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

h0c-sinh-van-lang-2.jpg
Học sinh Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Văn Lang (Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) trong một buổi học ngoại khóa về tiếng Anh. Ảnh: website nhà trường.

Theo cô Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Yên Hưng, việc hỗ trợ học phí bằng cách cấp trực tiếp cho người học là giải pháp khá hợp lý. Nếu chính sách hỗ trợ học phí được thông qua, trong năm học 2025-2026, nhà trường sẽ phổ biến đầy đủ thông tin đến phụ huynh học sinh. Đồng thời, khi cơ quan quản lý Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, nhà trường sẽ thực hiện theo chỉ đạo chung, hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh và học sinh hoàn thành thủ tục, hồ sơ để nhận được khoản hỗ trợ một cách thuận tiện nhất.

Cô Phượng cho rằng, để nâng cao tính công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa học sinh trường công và trường tư, cần có thêm những điều chỉnh phù hợp trong chính sách hỗ trợ học phí. Hiện nay, nguồn lực kinh tế của Nhà nước còn hạn chế nên mức hỗ trợ chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Trong tương lai, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn, hy vọng Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm và tính toán mức đầu tư nhiều hơn cho các trường tư thục.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Văn Lang, các trường công lập đã và đang được Nhà nước quan tâm, đầu tư về việc xây dựng cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ phương tiện và thiết bị phục vụ công tác giảng dạy cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác. Trong khi đó, các trường tư thục, dân lập, phần lớn chi phí đều do chủ đầu tư tự đảm nhận. Ban lãnh đạo nhà trường và chủ đầu tư kỳ vọng Nhà nước sẽ có thêm chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng khối ngoài công lập, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các cơ sở này. Việc thu hẹp khoảng cách giữa các hệ thống giáo dục cũng góp phần đảm bảo điều kiện và cơ hội học tập công bằng cho học sinh.

Về hỗ trợ học phí có thể xem là bước khởi đầu cho sự đồng hành của Nhà nước với cơ sở giáo dục tư thục, dân lập. Khi Đảng và Nhà nước có sự nhìn nhận và ghi nhận về vai trò của các trường ngoài công lập, chắc chắn sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp trong thời gian tới.

Việc nắm bắt chính xác nhu cầu thực tế của người học và các cơ sở giáo dục sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển cân bằng trong toàn hệ thống giáo dục.

Tài liệu tham khảo

[1] https://baochinhphu.vn/de-xuat-ho-tro-hoc-phi-cho-hoc-sinh-truong-dan-lap-tu-thuc-102250425150030855.htm

Khánh Hòa