Nộp hồ sơ xét GS, PGS năm 2025: Bài báo, đề tài, giáo trình tính điểm ra sao?

06/05/2025 06:30
Doãn Nhàn

GDVN -Hội đồng Giáo sư nhà nước cho hay, các bài báo khoa học phải được công bố hoàn chỉnh (full published) trước ngày hết hạn nộp hồ sơ theo quy định.

Hồ sơ xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư yêu cầu đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Nhằm hỗ trợ ứng viên trong quá trình chuẩn bị, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã tiếp nhận và giải đáp nhiều câu hỏi thực tiễn.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam giới thiệu tới độc giả một số tình huống tiêu biểu cùng hướng dẫn cụ thể từ Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Bài viết trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có được tính là bài báo khoa học không?

Thầy T.V.G nêu câu hỏi về việc liệu các bài được đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo quốc tế (Proceedings) có được công nhận như bài báo khoa học.

Trả lời vấn đề này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước khẳng định: Báo cáo khoa học được đăng toàn văn trên hội thảo quốc tế (Proceedings) không được coi là bài báo khoa học.

Còn thầy H.M nêu thắc mắc về mối liên hệ giữa định hướng nghiên cứu và tính điểm bài báo. Thầy M. cho biết có ba định hướng nghiên cứu chính, và phần lớn công trình đã công bố đều phù hợp với các định hướng này. Ngoài ra cũng tham gia một số đề tài cơ sở khác thuộc cùng ngành nhưng khác chuyên ngành, trong đó giữ vai trò tác giả chính, trực tiếp viết bài, xử lý số liệu và nộp bài cho tạp chí. Vì vậy, thầy M. băn khoăn liệu có thể kê khai các bài báo thuộc các đề tài này không, và nếu kê khai thì có được tính điểm không.

Trả lời câu hỏi này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước dẫn Khoản 2, Điều 7 của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 37). Theo quy định, mỗi công trình khoa học phải có nội dung phù hợp với ngành, chuyên ngành mà ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn. Việc công nhận và tính điểm các công trình sẽ do Hội đồng Giáo sư các cấp thảo luận, thẩm định và thống nhất. Như vậy, dù ứng viên là tác giả chính, nếu bài báo không có nội dung phù hợp với chuyên ngành đăng ký thì vẫn có thể không được tính điểm.

Trong khi đó, thầy Đ.P.H hỏi về trường hợp bài báo đã được đăng “First Online” - nghĩa là đã được tạp chí công bố trên mạng nhưng chưa được đánh số tập (volume) thì có được chấp nhận trong hồ sơ không.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước trả lời rằng, các bài báo khoa học phải được công bố hoàn chỉnh (full published) trước ngày hết hạn nộp hồ sơ theo quy định, tức là phải có đủ thông tin như số tập, số kỳ và ngày phát hành trước hạn nộp hồ sơ.

3N7A5217.jpg
Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH)

Đối với các chương sách quốc tế không có giấy xác nhận sử dụng trong đào tạo, cô N.T.H băn khoăn liệu có được tính điểm hay không. Hội đồng Giáo sư nhà nước cho biết: Nếu chương sách được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc tế uy tín như Elsevier, Wiley, CRC Press… thì vẫn được xem xét tính điểm, tối đa là 1 điểm cho mỗi chương, căn cứ theo Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thầy N.Đ.M lại đặt câu hỏi liên quan đến việc xác định giá trị của các đề tài nghiên cứu trong hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. Cụ thể, thầy M. cho biết bản thân đã từng chủ nhiệm một đề tài cấp cơ sở và đảm nhiệm vai trò thư ký khoa học, đồng thời là người phụ trách một nhánh của đề tài cấp Nhà nước. Vì vậy, thầy M. băn khoăn liệu những đề tài này có được công nhận là đủ điều kiện theo yêu cầu về hoạt động nghiên cứu khoa học trong hồ sơ xét chức danh hay không.

Trả lời vấn đề này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, trong trường hợp ứng viên là người chủ trì một nhánh thuộc đề tài cấp Nhà nước và có đầy đủ minh chứng theo quy định, thì nhánh đề tài đó sẽ được xem xét tương đương với một đề tài cấp Bộ. Như vậy, đề tài này hoàn toàn có thể được tính vào phần tiêu chuẩn đề tài trong hồ sơ xét chức danh phó giáo sư.

Cô H.T.H quan tâm đến thời điểm thực hiện đề tài cấp cơ sở. Theo đó, cô H. cho biết bản thân có hai đề tài cấp cơ sở đã hoàn thành trước thời điểm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và hỏi liệu như vậy có đáp ứng điều kiện không.

Về vấn đề này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước khẳng định: Không có yêu cầu bắt buộc về thời điểm hoàn thành đề tài cấp cơ sở, nghĩa là ứng viên có thể thực hiện trước hoặc sau khi bảo vệ tiến sĩ đều được, miễn là đáp ứng đúng nội dung và hình thức theo quy định.

Còn thầy P.H lại băn khoăn rằng đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ sẽ được xếp tương đương với đề tài cấp Bộ hay cấp Nhà nước.

Trả lời, Hội đồng Giáo sư nhà nước cho hay, đề tài Nafosted nếu có đầy đủ minh chứng hợp lệ sẽ được tính tương đương đề tài cấp Bộ.

Có cần photocopy toàn bộ giáo trình khi nộp hồ sơ xét giáo sư, phó giáo sư?

Thầy T.V.M nêu hai câu hỏi liên quan đến việc tính điểm và nộp minh chứng cho giáo trình trong hồ sơ xét công nhận chức danh phó giáo sư. Thầy M. thắc mắc về số điểm tối đa được tính cho giáo trình và quy định cụ thể được áp dụng và cách nộp minh chứng, cụ thể là có cần photocopy toàn bộ giáo trình hay chỉ cần các phần tiêu biểu như bìa, mục lục và các chương ứng viên biên soạn.

Về nội dung này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết:

Một, giáo trình được tính tối đa đến 2.0 điểm theo quy định tại mục III, Phụ lục I, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai, về minh chứng, ứng viên cần thực hiện theo quy định tại Khoản 12 và Khoản 13, Điều 9 của Quyết định 37, cùng với các hướng dẫn trong Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, ứng viên cần nộp bản chụp sách đã được thẩm định, nghiệm thu và có giấy xác nhận về mục đích sử dụng sách. Tuy nhiên, Hội đồng không yêu cầu photocopy toàn bộ giáo trình. Ứng viên chỉ cần nộp những phần chính thể hiện rõ vai trò tham gia như bìa, mục lục, các chương do mình biên soạn và các văn bản liên quan để chứng minh.

Còn thầy T.V.G cũng nêu thắc mắc về việc các dự án khuyến nông Trung ương do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) có được xem là nhiệm vụ khoa học hay không.

Trả lời câu hỏi này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết: với các dự án chưa được quy định rõ ràng về mức độ tương đương trong hệ thống phân loại nhiệm vụ khoa học, Hội đồng Giáo sư các cấp sẽ căn cứ vào hồ sơ, các minh chứng kèm theo và ý kiến thẩm định chuyên môn để thảo luận và đưa ra quyết định phù hợp với quy định hiện hành.

Ứng viên không công tác tại đơn vị có Hội đồng Giáo sư cơ sở thì nộp hồ sơ thế nào?

Cô N.T.L.A hiện công tác tại một cơ sở chưa thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở, nên có nguyện vọng được nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh tại Hội đồng cơ sở tại một cơ sở giáo dục đại học khác. Cô A. băn khoăn liệu chỉ cần nộp hồ sơ tại đơn vị này là đủ, hay có cần thêm thủ tục gì do không phải là giảng viên thuộc trường đó.

Về vấn đề này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước hướng dẫn ứng viên thực hiện theo các quy định tại Khoản 2, 3 và 4, Điều 11 của Quyết định 37, cùng với hướng dẫn cụ thể tại Công văn số 22/HĐGSNN ngày 03/3/2025.

Cụ thể, ứng viên đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học chưa thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở hoàn toàn có thể lựa chọn một hội đồng cơ sở khác để đăng ký và nộp hồ sơ.

Ứng viên chỉ cần gửi đầy đủ hồ sơ theo quy định, bao gồm: 01 bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh; 02 ảnh chân dung (4x6cm); 01 bì thư ghi rõ địa chỉ người nhận; 01 bộ hồ sơ theo khoản 1, Điều 10 của Quyết định 37; Đồng thời đăng ký hồ sơ điện tử trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cả cơ sở tiếp nhận hồ sơ và Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Ngoài ra, hồ sơ điện tử của ứng viên sẽ được công khai minh bạch trên các trang thông tin điện tử như đã nêu, trừ trường hợp có công trình khoa học liên quan đến bí mật nhà nước, khi đó cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và không phải công khai thông tin.

Như vậy, ứng viên không cần thêm thủ tục nào khác ngoài việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đúng theo hướng dẫn nêu trên tại đơn vị mình lựa chọn.

Doãn Nhàn