GS, PGS dù thành danh ở nước ngoài nhưng về nước vẫn phải xét để được công nhận

08/05/2025 06:29
Diệu Dương

GDVN - Có ý kiến cho rằng, điều này có thể dẫn đến trở ngại về mặt thủ tục, cũng như bỏ lỡ cơ hội thu hút chất xám của đội ngũ tinh hoa trí thức, nhân tài.

Trong tiến trình từng bước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết là nâng cao chất lượng đội ngũ học thuật đầu ngành - những người giữ vai trò dẫn dắt trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn 687/BGDĐT-NGCBQLGD gửi đến các cơ sở giáo dục đại học; các viện hàn lâm và viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Có thể thấy, Quyết định 37 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, song, quá trình triển khai thực tế vẫn cho thấy nhu cầu cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để bắt kịp nhịp điệu phát triển và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Nên coi chức danh giáo sư, phó giáo sư như vị trí việc làm cụ thể trong trường đại học

So với các quy định trước đó, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg đã mang đến nhiều đổi mới góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, tạo nền tảng cho quy trình xét chuẩn chức danh được minh bạch hơn. Đây là "cú hích" thúc đẩy đội ngũ giảng viên chủ động trau dồi tri thức, phát triển năng lực chuyên môn, qua đó hình thành một môi trường học thuật chuyên nghiệp, hiệu quả, năng động, sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Trước bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão trong kỷ nguyên số, việc phát triển hệ thống giáo dục đại học, trong đó tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhanh chóng tạo ra một đội ngũ nhân tài, hội nhập toàn cầu với ý thức tự cường mạnh mẽ là lời giải cho bài toán này. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, để định hướng phát triển nền khoa học công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn tới thực hiện thành công hơn nữa, một trong những giải pháp kiến nghị là nên cho phép cơ sở giáo dục đại học (có thể thí điểm với các đại học trọng điểm) xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Chúng ta nên coi chức danh giáo sư, phó giáo sư như những vị trí việc làm cụ thể trong hệ thống tổ chức của nhà trường. Bởi lẽ, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư là lực lượng trụ cột quan trọng, đóng vai trò nòng cốt trong việc thu hút nhân tài, nhất là người Việt Nam có trình độ cao đang làm việc ở nước ngoài, quay trở về cống hiến và làm việc tại các trường đại học. Ngoài các chế độ đãi ngộ, môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi, thì cơ chế, chính sách bổ nhiệm cũng cần được xây dựng theo hướng cởi mở, thông thoáng và linh hoạt.

487235567_1060488412781208_7479895481954059634_n.jpg
Ảnh minh hoạ: Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Việc yêu cầu một nhà khoa học đã thành danh ở nước ngoài với vị trí giáo sư, phó giáo sư nhưng về nước vẫn phải trải qua quy trình thẩm định đặc thù của Việt Nam theo các đợt xét duyệt để được công nhận có thể dẫn đến trở ngại về mặt thủ tục, cũng như bỏ lỡ cơ hội thu hút chất xám của đội ngũ tinh hoa trí thức, nhân tài.

Vì vậy, cần tư duy đổi mới phù hợp, linh hoạt trong việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư để tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của giáo dục đại học nước nhà. Việc coi chức danh giáo sư, phó giáo sư như một vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học phản ánh đúng xu thế quốc tế và bản chất học thuật của chức danh này. Trong hệ thống giáo dục đại học ở nhiều quốc gia phát triển, chức danh giáo sư, phó giáo sư không mang tính “chứng nhận vĩnh viễn” mà là kết quả của một quy trình tuyển chọn khắt khe tại từng cơ sở.

Chẳng hạn, cùng ở Mỹ, nhưng giáo sư tại Đại học Harvard khác với giáo sư của một đại học top 1000, và khi chuyển ra khỏi trường này thì phải ứng tuyển vào vị trí giáo sư của đại học kia. Điều này cho thấy sự phân tầng và phân hóa trong cùng một chức danh, đồng thời khẳng định vai trò và uy tín học thuật của từng trường đại học trong việc xác định chuẩn mực riêng cho đội ngũ giảng viên của mình.

Thực tế, hội đồng giáo sư cơ sở như hiện nay dù là đơn vị trực tiếp sử dụng và trả lương cho giảng viên, nhưng lại không có toàn quyền quyết định trong việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Do vậy, để tránh va chạm, một số trường hợp hội đồng cơ sở chọn phương án đẩy quyền quyết định lên cấp trên.

Việc lo ngại về khả năng tiêu cực trong quá trình xét công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là điều có thể xảy ra, tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học, các cơ sở đào tạo phải cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Mọi biểu hiện của sự cản trở, can thiệp thiếu khách quan đối với đội ngũ chuyên môn đều tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng. Đó là sự mạo hiểm không chỉ đối với uy tín học thuật của nhà trường, mà còn đối với năng lực giữ chân và thu hút nhân tài. Đặc biệt trong một hệ sinh thái giáo dục ngày càng rộng mở, các giảng viên và nhà khoa học có nhiều sự lựa chọn, khi mà những cơ sở đại học khác xây dựng môi trường làm việc minh bạch, đề cao giá trị chuyên môn hơn và sẵn sàng bổ nhiệm, kèm theo chế độ đãi ngộ tốt.

Thực tiễn từ thị trường lao động hàn lâm, ở học vị tiến sĩ đã cho thấy rõ xu hướng này. Việc để xảy ra tình trạng nhiều tiến sĩ cùng rời khỏi một cơ sở giáo dục trong thời gian ngắn sẽ là tín hiệu đáng lưu tâm, buộc lãnh đạo nhà trường phải xem xét lại định hướng phát triển nguồn nhân lực và chiến lược quản trị học thuật của mình một cách nghiêm túc và minh bạch.

Ảnh minh hoạ: Mộc Trà.
Ảnh minh hoạ: Mộc Trà.

Về vấn đề các cơ sở đào tạo có đủ năng lực xét công nhận hay không, nếu coi chức danh giáo sư, phó giáo sư như một vị trí việc làm, thì các trường đại học hoàn toàn có thể mời chuyên gia bên ngoài phản biện giúp, sau đó kết hợp với tiêu chí hành chính rõ ràng để đưa ra quyết định một cách minh bạch và khách quan.

Nếu ngần ngại thì có thể bắt đầu triển khai thí điểm từ các đại học lớn, trường đại học tự chủ,... vì đội ngũ tinh hoa không chỉ phấn đấu hướng tới một số ít vị trí quản lý hành chính như ban giám đốc, ban giám hiệu; mà còn phải được khẳng định qua các vị trí chuyên môn như giáo sư, phó giáo sư. Việc một trường đại học quy tụ hàng trăm vị trí này chính là minh chứng rõ nét cho uy tín học thuật và sức cạnh tranh của cơ sở đó.

Còn đối với lo ngại về nguy cơ lạm phát chức danh, đây không phải là vấn đề khó kiểm soát nếu có cơ chế đồng bộ. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tiêu chí công nhận, nhưng chưa gắn liền với các yêu cầu về điều kiện làm việc, tiêu chí đãi ngộ tại cơ sở bổ nhiệm. Nếu chức danh giáo sư, phó giáo sư được ràng buộc với những yêu cầu cụ thể như: có phòng thí nghiệm, ngân sách nghiên cứu, số lượng nghiên cứu sinh,... thì khi đó dù có mong muốn lạm phát cũng khó có thể thực hiện trong điều kiện không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đi kèm.

Muốn thu hút trí tuệ nhân tài, đừng để những tiêu chí, thủ tục cứng nhắc trở thành rào cản

Đồng tình với ý kiến trên, một giảng viên của Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay, học hàm giáo sư, phó giáo sư ở nước ta có thể gắn liền với nhiều đặc ân như: giá trị chức danh được công nhận vĩnh viễn; đi kèm theo đó là thu nhập, nâng cao bậc lương, mở rộng cơ hội tham gia các hội đồng, đề tài, dự án và tiếp cận nhiều "sân chơi" học thuật lớn;... Do vậy, quy định học hàm như một "vị trí việc làm" là phù hợp và cần thiết, chức danh được gắn với kết quả công việc cụ thể, có cơ chế đánh giá.

Nói cách khác, việc coi chức danh giáo sư, phó giáo sư như vị trí việc làm sẽ tạo động lực nội tại mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển của nền nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo, khuyến khích sự phấn đấu không ngừng, đề cao năng lực thực chất, và tạo ra một môi trường học thuật lành mạnh với nhiều đóng góp thực tế. Trong một môi trường như vậy, nếu trường đại học được trao quyền xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư mà không dựa trên những tiêu chí đảm bảo chất lượng nghiêm túc, minh bạch, bị chi phối bởi những yếu tố khác, thì chính sự cạnh tranh về uy tín sẽ tự động sàng lọc và làm giảm giá trị của những trường hợp cơ sở đào tạo đó.

Ảnh minh họa: Linh An.
Ảnh minh họa: Linh An.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ nhận định: Có thể thấy, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg đã đem đến nhiều chuyển biến tích cực, đặt nền móng rõ ràng và minh bạch trong việc xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Công tác này được quy định qua các tiêu chí như đếm bài SCI-E/SCOPUS của ứng viên để tính điểm, xem xét mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học dựa trên H-index. Số lượng bài báo và sáng chế phát minh không chỉ là thước đo quan trọng năng lực của nhà khoa học (H-index) mà còn là chỉ số cơ bản đánh giá năng lực của tổ chức khoa học công nghệ, rộng lớn hơn là năng lực khoa học và đổi mới quốc gia.

Không thể phủ nhận vai trò không nhỏ của hội đồng giáo sư các cấp, người được phân công thẩm định hồ sơ của ứng viên, dư luận cộng đồng khoa học và báo chí. Song, chúng ta còn cần cơ chế linh hoạt hơn trong việc tạo thêm động lực cho đội ngũ tiến sĩ trẻ, giảng viên, nhà khoa học ở nước ngoài về Việt Nam cống hiến. Bởi vì theo Quyết định số 37, thâm niên công tác đòi hỏi phải đạt tối thiểu là 6 năm, tính đủ số tháng, kể từ lúc ký hợp đồng chính thức. Nếu không đạt tiêu chuẩn cứng 6 năm thì cần chấp thuận gấp đôi điểm bài báo, nhưng cũng có thể khó khăn ở việc ước lượng điểm bài báo.

Có ý kiến cho rằng, trong quá trình xét công nhận giảng viên đại học đạt chuẩn giáo sư hoặc phó giáo sư, tương lai tới đây, chúng ta nên bổ sung yêu cầu ứng viên phải có ít nhất một công trình nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống, đồng thời dành tỷ lệ điểm xứng đáng cho các công trình nghiên cứu có liên kết với cơ quan, doanh nghiệp trong nước mà kết quả là phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống. Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, đây là một đề xuất hay, có ý nghĩa và mang tính khả thi. Việc quá chú trọng đến các bài báo khoa học quốc tế nhưng thiếu tính ứng dụng, cuối cùng chỉ mang lại lợi ích cho các nước phát triển.

Tương tự như tiêu chí về công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín như Web of Science/Scopus từng được xem xét áp dụng từ khoảng 10 năm trước, nhưng chỉ thực sự được đưa vào quy trình xét duyệt giáo sư, phó giáo sư khi Quyết định 37 có hiệu lực. Do đó, cần một giai đoạn chuyển tiếp, để Nhà nước có định hướng rõ ràng nhằm giúp công trình khoa học của các tác giả có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, đồng thời tin tưởng các nhà khoa học Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu này.

Diệu Dương