Lựa chọn trại hè: Đừng quá tin quảng cáo "có cánh", giá cao chưa chắc phù hợp

16/05/2025 08:52
Ngọc Huyền

GDVN - Trại hè nở rộ cũng là lúc nhiều chiêu trò lừa đảo xuất hiện. Chuyên gia khuyên phụ huynh chỉ cho con tham gia nếu thực sự cần và kiểm tra kỹ thông tin đơn vị.

Kỳ nghỉ hè đang đến gần cũng là lúc hàng loạt trại hè được quảng bá rầm rộ trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Trại hè được xem là cơ hội để trẻ rèn luyện kỹ năng, học hỏi trải nghiệm mới, giúp cân bằng cuộc sống sau 9 tháng học tập căng thẳng. Tuy nhiên, song hành cùng nhu cầu tăng cao của phụ huynh, thị trường trại hè đang xuất hiện không ít vấn đề đáng lo ngại: trại hè không đảm bảo chất lượng, chi phí "trên trời" và đặc biệt là tình trạng giả mạo, lừa đảo ngày càng tinh vi.

Thị trường trại hè hiện nay lại đang bị “nhiễu loạn”?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục cho biết: “Trên thực tế, ngày càng nhiều trẻ em dành phần lớn thời gian trong nhà, việc học chiếm trọn năm học. Các em rất cần một khoảng thời gian để đổi mới nhịp sống. Trại hè dù là hình thức nào cũng sẽ giúp các em cân bằng, phát triển thêm kỹ năng và có trải nghiệm quý giá".

Tuy nhiên, thị trường trại hè hiện nay lại đang bị “nhiễu loạn” bởi quá nhiều chương trình được tổ chức tràn lan. Đáng lo ngại hơn, không ít phụ huynh bị cuốn vào những lời quảng cáo hấp dẫn như “trại hè quốc tế”, “học kỹ năng chuẩn châu Âu”, “môi trường đẳng cấp” mà không thực sự tìm hiểu giá trị cốt lõi mà chương trình mang lại cho con mình.

trai-he-8.png
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục (nguyên giảng viên khoa Sư phạm tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Thiết kế: Ngọc Huyền

Cô Hương cũng chỉ rõ thực trạng một số đơn vị tổ chức tập trung đánh vào tâm lý sính ngoại, thích “sang chảnh” của phụ huynh. Những trại hè đắt tiền thường gắn với địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng không đảm bảo được các tiêu chí giáo dục, an toàn và phát triển kỹ năng thực chất cho trẻ. Nếu chi tiền lớn mà nội dung không đáp ứng được nhu cầu thực sự của trẻ thì phụ huynh đang đánh mất cơ hội quý báu cho con, thậm chí là phí phạm thời gian và tài chính.

Bên cạnh đó, một vấn đề nghiêm trọng khác là tình trạng giả mạo, lừa đảo trại hè. Các đối tượng thường lập fanpage, website mạo danh các tổ chức đoàn thể, trung tâm giáo dục uy tín rồi đăng tải chương trình hấp dẫn kèm theo ưu đãi lớn, thậm chí miễn phí để thu hút phụ huynh. Sau đó, các đối tượng dụ người dùng tải ứng dụng lạ hoặc chuyển tiền qua các kênh không minh bạch nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Thực tế, trại hè uy tín không bao giờ yêu cầu tải ứng dụng hay thực hiện thao tác lạ. Họ chỉ cần thông tin đăng ký, chuyển khoản học phí, có xác nhận rõ ràng. Nếu chương trình nào yêu cầu quá nhiều bước bất thường, phụ huynh phải đặt ngay câu hỏi về tính xác thực của nó”, cô Hương cảnh báo.

Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Ngô Thị Kim Tiên - Nguyên Trưởng ban Thanh thiếu nhi Trường học, Tỉnh đoàn Bắc Ninh cho biết, chị hiện đang điều hành một trung tâm kỹ năng tại Bắc Ninh, bản thân chị cũng là người đã bị các trang lừa đảo lấy cắp hình ảnh, video do chị thực hiện nhằm quảng bá cho "trại hè ảo".

“Đầu tháng 5, khi đang lướt mạng xã hội, tôi bỗng thấy một trang quảng cáo về trại hè sử dụng chính video do đội ngũ của tôi quay. Cụ thể, đoạn clip đó thuộc chương trình trại hè năm 2023, tổ chức tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Tôi bấm vào trang để tìm hiểu thêm mới tá hỏa, hóa ra trang mạng này ‘lấy cắp’ rất nhiều hình ảnh, video của trung tâm chúng tôi", chị Kim Tiên bộc bạch.

Theo quan sát của chị Tiên, các trang lừa đảo thường “đánh trúng tâm lý” của phụ huynh mong muốn con mình có môi trường trải nghiệm mới mẻ, học hỏi và phát triển toàn diện trong mùa hè. Để tạo sự hấp dẫn, các đối tượng thường sử dụng văn phong tiếp thị mạnh mẽ, tung ra hàng loạt ưu đãi như “tặng học bổng”, “miễn phí 100% cho 10 suất đầu tiên”, hoặc “giảm giá sâu chỉ trong hôm nay” để kích thích quyết định nhanh.

“Phụ huynh dễ bị dụ bởi các ưu đãi. Nhiều người chỉ thấy trại hè giảm giá sâu hay có học bổng liền vội vàng làm theo hướng dẫn, chuyển tiền đặt cọc mà không kiểm tra kỹ. Lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng tạo ra hàng loạt trang mạng xã hội giả, chạy quảng cáo có tương tác ảo để tạo sự tin cậy. Chúng lấy hình ảnh từ trang của trung tâm thật, rồi trả lời tin nhắn rất bài bản, thậm chí còn gửi video, hình ảnh ‘minh chứng’ để phụ huynh tin tưởng”, chị Tiên cho biết.

Cũng theo nữ giám đốc, một số thủ đoạn tinh vi khác bao gồm: không công khai số điện thoại liên hệ, chỉ chấp nhận nhắn tin qua fanpage; dẫn đường link lạ để yêu cầu phụ huynh “đăng ký tham gia”; sử dụng tài khoản giả để bình luận ảo, tạo cảm giác có nhiều người quan tâm, nhiều người từng đi.

Đáng lo hơn, nếu phụ huynh nhẹ dạ nhấn vào các đường link lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, các đối tượng có thể chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, rồi dùng chính nick của phụ huynh để lừa đảo tiếp bạn bè, người thân khác.

Theo chị Kim Tiên, những đối tượng đứng sau các trang giả mạo không chỉ đánh cắp hình ảnh, video mà còn “nhặt nhạnh” thông tin về các khóa học uy tín để chắp vá thành một chương trình “trông như thật”.

“Sau khi tôi đăng bài cảnh báo, nhiều phụ huynh mới phát hiện ra đây là chiêu lừa đảo. Có người bình luận là đã bị lừa mất hàng trăm triệu đồng, dù tôi không kiểm chứng được mức độ thiệt hại thực tế, nhưng cũng đủ thấy đây là hiện tượng rất nguy hiểm”, chị Kim Tiên cho biết thêm.

Không chỉ "copy" các chương trình trại hè tư nhân, các đối tượng thậm chí mạo danh cả tổ chức Đoàn, Đội để tăng độ uy tín. Về vấn đề này, anh Nguyễn Bá Khải - Chi Ủy viên Chi bộ Văn phòng Thành ủy Hạ Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận và truyền thông, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hạ Long cho hay: "Việc mạo danh tổ chức Đoàn, Đội để tổ chức các trại hè không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đoàn mà còn làm tổn hại đến niềm tin của phụ huynh.

Những tổ chức giả mạo này thường sử dụng các chiêu trò quảng bá hấp dẫn, với mục đích chiếm đoạt tiền bạc từ phụ huynh mà không đảm bảo chất lượng và an toàn cho trẻ. Điều này tạo ra sự hoang mang, lo lắng cho cộng đồng phụ huynh, khiến họ không còn yên tâm khi chọn lựa các hoạt động trại hè cho con em mình".

116c66d9-7c6c-4046-919d-94c10472c34c-7865.jpg
Anh Nguyễn Bá Khải - Chi ủy viên Chi bộ Văn phòng Thành ủy Hạ Long. Ảnh: NVCC

Anh Khải nhấn mạnh, hệ quả là khi những phụ huynh phát hiện ra mình bị lừa đảo, họ sẽ không chỉ cảm thấy thất vọng mà còn mất đi niềm tin vào các tổ chức chính thống như Đoàn, Đội. Thậm chí, họ có thể trở nên nghi ngờ và e dè hơn trong việc đăng ký các hoạt động hè cho trẻ trong tương lai. Đây là một tác động tiêu cực rất lớn đối với hình ảnh và uy tín của tổ chức Đoàn, vốn phải giữ gìn sự tin cậy và cam kết với cộng đồng.

Phụ huynh chọn trại hè cần nâng cao cảnh giác, ưu tiên tính phù hợp

Giữa vô vàn lựa chọn trên thị trường trại hè, câu hỏi đặt ra cho nhiều phụ huynh không chỉ là "có nên cho con đi trại hè hay không?", mà là "nên chọn trại hè nào để thật sự có ích cho con?". Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, việc chọn trại hè không nên dựa vào sự nổi tiếng, mức giá hay độ “hot” của chương trình, mà quan trọng nhất là nội dung của trại hè đó có thực sự phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ hay không.

“Phụ huynh nên bắt đầu bằng câu hỏi: con mình đang thiếu gì? Nếu con thiếu kỹ năng sống, hãy chọn trại hè kỹ năng. Nếu con cần rèn luyện sự tự tin, khả năng giao tiếp, hãy chọn các chương trình có hoạt động tương tác xã hội cao. Chỉ khi xác định đúng nhu cầu, việc đầu tư thời gian và tiền bạc mới mang lại hiệu quả thực sự”, cô Hương phân tích.

Một trại hè được coi là đáng lựa chọn cần đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó nội dung giáo dục luôn là yếu tố tiên quyết. Nội dung này phải mang lại cho trẻ những trải nghiệm mới mẻ, những điều mà các em chưa từng được học trong nhà trường. Theo cô Hương, đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt và là giá trị cốt lõi để đánh giá chất lượng trại hè, bất kể chi phí cao hay thấp.

Ngoài ra, yếu tố an toàn cũng được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc có bảo hiểm cho trẻ, các đơn vị tổ chức cần xây dựng chương trình với tính toán kỹ càng về rủi ro, đảm bảo trẻ được trải nghiệm nhưng trong một môi trường có kiểm soát, có hướng dẫn an toàn. Điều này không có nghĩa là ngăn cản trẻ tham gia những hoạt động mang tính thử thách, mà là phải tổ chức sao cho trẻ được học cách làm chủ các tình huống nguy hiểm một cách an toàn và có hướng dẫn bài bản.

Trại hè cũng cần hấp dẫn, sinh động, thu hút trẻ tham gia nhưng không sa đà vào yếu tố giải trí thuần túy. Việc giải trí trong mùa hè là cần thiết, song nếu thiếu tính giáo dục, thiếu định hướng thì dễ biến trại hè thành kỳ nghỉ kéo dài mà không để lại giá trị bền vững. Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh, các hoạt động dù mang tính thư giãn nhưng vẫn cần lồng ghép mục tiêu giáo dục rõ ràng, phù hợp với độ tuổi và nhu cầu phát triển của từng nhóm trẻ.

Một tiêu chí khác cũng rất quan trọng là môi trường sinh hoạt tại trại hè. Trẻ cần được ăn ngủ điều độ, khoa học, không vì "vui chơi hè" mà cho phép thức khuya, dậy muộn hay sinh hoạt thiếu kỷ luật. Môi trường tốt sẽ góp phần hình thành thói quen lành mạnh, giúp trẻ duy trì năng lượng tích cực suốt chương trình.

Tiến sĩ Hương cũng nhấn mạnh rằng, dù nhiều trại hè có chi phí cao, nhưng nếu không đáp ứng được những yếu tố kể trên thì không đáng để lựa chọn. Ngược lại, có nhiều trại hè với mức giá vừa phải nhưng chương trình lại được xây dựng rất công phu, sát với nhu cầu thực tế của trẻ, xứng đáng để đầu tư.

Phụ huynh cũng được khuyến nghị nên khảo sát kỹ đơn vị tổ chức: ai là người đứng đầu, họ có chuyên môn giáo dục không, địa điểm tổ chức ra sao, chế độ chăm sóc trẻ thế nào. Đừng quá tin vào quảng cáo bắt mắt hay những lời “có cánh” trên mạng xã hội. Nếu có thể, hãy đích thân đến tham quan địa điểm tổ chức, trao đổi trực tiếp với ban tổ chức để đánh giá sự nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra bộ tiêu chí cụ thể cho các trại hè, đồng thời từng địa phương dựa vào đó để công bố danh sách những đơn vị đạt chuẩn, thì đây sẽ là một công cụ hữu ích cho phụ huynh. Tuy nhiên, hiện nay điều này vẫn chưa thực hiện được, nên việc lựa chọn đúng trại hè vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động và kiến thức của mỗi gia đình.

“Các bậc phụ huynh không chỉ gửi tiền mà còn gửi gắm cả con cho trại hè. Vì vậy, họ cần phải thật tỉnh táo, lựa chọn kỹ lưỡng, chỉ nên trao niềm tin cho những đơn vị có trách nhiệm, có năng lực và có tâm”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Dành lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi lựa chọn trại hè, anh Nguyễn Bá Khải cho rằng, đừng vội tin vào những gì "quá hời". Đây là một nguyên lý đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng trong thời đại hiện nay. Những chương trình quảng bá rầm rộ, hứa hẹn nhiều lợi ích, thậm chí quá hấp dẫn, rất có thể ẩn chứa những yếu tố không minh bạch hoặc thậm chí là lừa đảo.

Vì vậy, phụ huynh cần phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng: Kiểm tra thông tin rõ ràng và xác minh độ tin cậy của tổ chức; Đọc kỹ các điều khoản hợp đồng; Ưu tiên các chương trình chính thống; Hỏi ý kiến từ những phụ huynh đã có kinh nghiệm...

Ngoài ra, phụ huynh có thể phân biệt được các trại hè chính thống qua một số dấu hiệu nhận biết quan trọng như thông tin minh bạch và công khai, đảm bảo an toàn, phản hồi từ phụ huynh và trẻ em đã tham gia, giấy tờ hợp pháp,...

"Chúng ta phải hiểu rằng, trong thời đại số, thông tin lan truyền nhanh chóng và có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng. Chính vì vậy, việc xây dựng một hệ thống thông tin và truyền thông đúng đắn là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, phụ huynh, đồng thời củng cố hình ảnh của tổ chức Đoàn trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn cần triển khai những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn, xử lý hoặc cảnh báo các trường hợp mạo danh. Ví dụ như xây dựng một hệ thống thông tin rõ ràng về các chương trình trại hè chính thống, với các tiêu chuẩn chất lượng được công khai, dễ dàng tra cứu trên các trang web hoặc fanpage chính thức của tổ chức Đoàn, Nhà thiếu nhi.

Đồng thời, cần phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các tổ chức mạo danh và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo, mà các cá nhân và tổ chức liên quan cần phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Điều này không chỉ giúp duy trì tính minh bạch mà còn bảo vệ sự an toàn của cộng đồng và nâng cao uy tín của tổ chức Đoàn trong mắt phụ huynh và xã hội", anh Nguyễn Bá Khải nhấn mạnh thêm.

Dành lời khuyên cho phụ huynh, chị Ngô Thị Kim Tiên nhận định, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu nhận diện trang lừa đảo. Trước tiên, hãy kiểm tra fanpage xem có thông tin minh bạch hay không: địa chỉ trụ sở, số điện thoại, lịch sử hoạt động, hình ảnh thật, tất cả phải đầy đủ và đồng bộ.

Ngoài ra, phụ huynh tuyệt đối không nhấn vào các đường link lạ. Nếu được yêu cầu điền thông tin qua form trực tuyến, cần kiểm tra kỹ nguồn link, tên miền có đáng tin cậy hay không.

“Phụ huynh nên chủ động gọi điện hoặc đến tận nơi để xác minh, thay vì chỉ tin vào giao tiếp qua Facebook. Những trung tâm uy tín thường đã có tên tuổi, có trụ sở rõ ràng, có thể tìm thấy trên Google, có số điện thoại chăm sóc khách hàng và phản hồi minh bạch", chị Tiên cho hay.

Nữ giám đốc cũng cảnh báo về một hiện tượng khác là những trung tâm có thật nhưng hoạt động thiếu trách nhiệm, quảng cáo hoành tráng nhưng tổ chức hời hợt, không đúng như cam kết. Nhiều phụ huynh sau khi cho con đi trại hè đã thất vọng khi con về chẳng học được gì, sinh hoạt thiếu khoa học, nội dung nghèo nàn. Vì vậy, tốt nhất nên chọn trung tâm có kinh nghiệm lâu năm, có người thân quen từng tham gia giới thiệu lại, hoặc yêu cầu cung cấp hình ảnh, video các trại hè đã tổ chức trước đó.

Chị Kim Tiên kết luận: “Tất cả mọi thứ trên mạng xã hội giờ đều có thể làm giả. Chỉ có kinh nghiệm và sự tỉnh táo của phụ huynh mới giúp bảo vệ chính con em mình. Nếu không kiểm tra kỹ các thông tin trại hè, chẳng những mất tiền mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, trải nghiệm của trẻ".

Ngọc Huyền