Muốn thu hút người tài: Hãy bắt đầu từ thủ tục

09/05/2025 06:38
Hướng Sáng

GDVN -Trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng cơ chế công nhận tương đương theo chuẩn quốc tế, thì chúng ta thường bị lúng túng ở cái gọi là “quy trình” và “thủ tục”.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ về khoa học, công nghệ và giáo dục, nhu cầu thu hút người tài ở nước ngoài trở về đóng góp cho đất nước chưa bao giờ trở nên cấp thiết như bấy giờ. Họ là những nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân… đang giữ vai trò dẫn dắt trong các viện nghiên cứu, đại học và tập đoàn công nghệ toàn cầu. Nhiều người trong số họ đã sẵn sàng trở về, không chỉ để chia sẻ tri thức, mà còn để đồng hành cùng khát vọng phát triển của dân tộc.

Thế nhưng, giữa tình yêu dành cho quê hương và cơ hội được cống hiến vẫn còn những khoảng cách, như rào cản trong tư duy, rào cản về cơ chế, thủ tục hành chính... Những điều ấy có thể làm chậm bước chân của những người muốn về. Và khi đó, đất nước cũng sẽ mất đi không chỉ một cá nhân xuất sắc, mà còn đánh rơi cơ hội kết nối tri thức toàn cầu, khả năng đổi mới từ bên trong.

7b4315f3e07c52220b6d.jpg
Ảnh minh họa: Minh Chi

Trước tình cảnh như vậy, chúng ta cũng cần nhớ lại câu chuyện vào năm 1946, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã từ bỏ cuộc sống ở Pháp để trở về chiến khu Việt Bắc, mang theo không phải tài sản hay danh vọng, mà là hoài bão để hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc, với tâm nguyện suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân bằng chính tri thức của người Việt. Hành trình ấy, dẫu âm thầm, nhưng vĩ đại, như một lời nhắn nhủ rằng: khi người tài được dẫn dắt bởi lý tưởng và được mở lối bằng cơ chế, họ có thể tạo nên những chuyển động lớn.

Bài học từ quá khứ càng có ý nghĩa cho hôm nay, để chúng ta không chỉ khơi dậy tình yêu quê hương trong lòng người Việt toàn cầu, mà còn thực sự mở đường cho họ trở về và lan tỏa giá trị.

Khi cơ chế chưa kịp mở, người tài đã vội bước qua

Trong dòng chảy hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, ngày càng nhiều trí thức người Việt thành danh ở nước ngoài bày tỏ mong muốn trở về đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, hành trình trở về ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những kì vọng lớn lao đôi khi sớm bị thử thách bởi những điều rất nhỏ như từ thủ tục công nhận học vị, quy trình bổ nhiệm chức danh khoa học, cho đến chế độ đãi ngộ vẫn còn bó buộc trong những khung khổ.

Với hệ thống quản lí của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện hành, việc tuyển dụng và sử dụng nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là người có quốc tịch nước ngoài, vẫn gặp nhiều vướng mắc. Các quy định hiện tại dù đảm bảo tính đồng bộ và chặt chẽ, nhưng lại thiếu linh hoạt để tiếp cận những trường hợp đặc biệt. Cơ chế bổ nhiệm chức danh, chi trả thù lao hay việc sắp xếp vị trí công tác cho những người vượt trội về năng lực vẫn chủ yếu dựa trên những tiêu chí phổ thông, vốn chưa theo kịp với chuẩn quốc tế và nhịp đổi mới của thời đại.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực đã chủ động xây dựng các hành lang pháp lí riêng, thiết kế những “lối mở” minh bạch và hiệu quả để mời gọi người tài. Không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng cơ chế đặc biệt, trao quyền rõ ràng và tạo cảm hứng thực sự cho người có năng lực. Đó là cách họ không chỉ giữ chân nhân tài, mà còn tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Nếu chúng ta không kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn này, nguy cơ đánh mất những “cơ hội vàng” sẽ hiện hữu. Bởi trong kỉ nguyên của tri thức, một người tài không chỉ là một cá nhân giỏi giang, mà là cả một hệ giá trị, là hạt nhân kết nối mạng lưới, là nguồn cảm hứng sáng tạo, là biểu tượng của niềm tin.

Khi được tin tưởng, người về để lại nhiều giá trị

Lịch sử hiện đại của đất nước đã nhiều lần chứng minh, khi người Việt được trân trọng, tin tưởng và trao quyền, họ không chỉ trở về, mà còn mang theo cả khát vọng và năng lực để cùng đất nước mở ra những cánh cửa mới.

Từ thế kỉ trước, đã có những người chọn rời bỏ môi trường nghiên cứu hiện đại ở phương Tây để trở về với rừng núi kháng chiến. Có người mang theo tri thức khoa học phục vụ quốc phòng, có người mang tư duy ngoại giao hiện đại để góp phần định hình vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Gần hơn, có những nhà khoa học tên tuổi dù đã khẳng định mình trong các giải thưởng toàn cầu, vẫn luôn dành tâm huyết cho giáo dục, nghiên cứu và thế hệ trẻ trong nước. Tất cả họ đều là những minh chứng rằng, khi người tài được tin tưởng, môi trường phù hợp sẽ mở ra và từ đó những đóng góp có ý nghĩa sẽ “nở hoa”.

Những hành trình ấy không chỉ là câu chuyện của quá khứ. Chúng gợi mở cho hôm nay và mai sau một bài học quý. Nếu chúng ta biết tiếp nối truyền thống trân trọng người hiền, kiến tạo niềm tin và môi trường để họ phát huy, thì hành trình “hồi hương tri thức” sẽ không còn là ngoại lệ, mà trở thành một phần tự nhiên trong dòng chảy phát triển đất nước.

Cơ chế “gần” - người tài sẽ về

Thay vì chúng ta chỉ đặt câu hỏi "vì sao họ chưa trở về", thì có lẽ đã đến lúc chúng ta chủ động tạo dựng những điều kiện để họ dễ về hơn. Có nhiều việc cần phải làm, nhưng rất cần một số thay đổi nhất định như:

Thứ nhất, cần cải cách thủ tục hành chính

Một trong những điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ nếu muốn thu hút và giữ chân người tài, đặc biệt là các trí thức Việt Nam thành danh ở nước ngoài, chính là thủ tục hành chính liên quan. Trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng cơ chế công nhận tương đương theo chuẩn quốc tế, thì chúng ta thường bị lúng túng ở cái gọi là “quy trình” và “thủ tục”. Điều này không chỉ làm mất thời gian, mà còn phần nào thể hiện sự dè dặt trong niềm tin đối với những giá trị đã được thế giới công nhận.

Để mở ra cánh cửa thu hút chất xám toàn cầu, Việt Nam cần mạnh dạn cải cách theo hướng tinh gọn, minh bạch và tương thích quốc tế như công nhận học vị, chức danh khoa học dựa trên chuẩn đại học toàn cầu; áp dụng cơ chế “rút gọn hành chính” cho các chuyên gia có hồ sơ xuất sắc; số hóa và liên thông dữ liệu kiểm chứng trình độ từ các nguồn học thuật uy tín. Khi người tài được chào đón bằng niềm tin và hành động cụ thể, không chỉ họ trở về, mà cơ hội phát triển và đổi mới cũng sẽ tìm đến.

Thứ hai, cần cơ chế đặc thù, minh bạch và trách nhiệm

Muốn thu hút và giữ chân người tài ở nước ngoài, bên cạnh thiện chí mời gọi, điều cốt lõi là phải có những cơ chế đặc thù, minh bạch, linh hoạt và thực sự đặt niềm tin vào năng lực của họ. Những cơ chế ấy cần được thiết kế riêng, như hợp đồng linh hoạt, chế độ đãi ngộ nhất định, không gian tự chủ về học thuật và quản lí, cơ hội phát triển nhóm nghiên cứu và nhất là khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ trong nước. Quan trọng hơn, toàn bộ chính sách phải được vận hành công khai, minh bạch với cơ chế đánh giá dựa trên hiệu quả công việc thay vì hồ sơ hành chính. Khi có một cấu trúc rõ ràng, có người chịu trách nhiệm cụ thể và cam kết đồng hành, người tài sẽ không còn e ngại “về để xem sao”, mà sẽ thấy mình thực sự được cống hiến và lan tỏa giá trị.

Thứ ba, cần cải thiện môi trường làm việc

Muốn người tài trở về và gắn bó lâu dài, không thể chỉ dừng lại ở lời mời gọi, mà cần kiến tạo một môi trường làm việc thật sự năng động và trao quyền. Đó phải là một không gian cởi mở, tôn trọng sự đa dạng trong tư duy, sẵn sàng lắng nghe và không bó buộc trong những khuôn khổ hành chính cứng nhắc. Người tài cần được tin tưởng để làm chủ công việc của mình, được kết nối để chia sẻ tri thức và được trao quyền để dẫn dắt sự đổi mới. Khi hệ thống không chỉ bảo toàn cái đang có, mà dám đặt niềm tin vào sự khác biệt và đổi mới, thì những người trở về sẽ không chỉ là một cá nhân, mà là người tạo sóng, người mở lối cho sự chuyển mình của cả một lĩnh vực.

“Gọi đúng cách” để người tài dễ về và muốn ở lại

Chúng ta có niềm tin rằng, người Việt dù đi xa đến đâu cũng mang trong mình hình bóng quê hương. Tổ quốc chưa bao giờ xa. Nhưng để “gần” hơn, chính sách cần đủ mở, cơ chế cần đủ linh hoạt và niềm tin cần đủ lớn.

Thực tiễn cho thấy, nhận diện đúng nhân tài đã khó, trọng dụng người tài còn khó hơn, nhưng khó nhất vẫn là kiến tạo một hệ sinh thái mà ở đó, tâm và tầm của người sử dụng người tài trở thành đòn bẩy để người tài - dù ở trong nước hay ngoài nước - đều có thể tỏa sáng, cống hiến và đồng hành cùng vận mệnh đất nước.

Hướng Sáng